Phong tục đón xuân độc đáo của người Dao Lương Thiện
- Cập nhật: Thứ hai, 6/1/2014 | 2:54:58 PM
YBĐT - Gác lại những bận rộn của việc đồng áng thường nhật, khi con lợn dành ăn tết đã đến độ ngon thịt, lá dong, gạo nếp đã chuẩn bị tươm tất và con cháu trong họ đã quần tụ đủ đầy là lúc người Dao thôn Lương Thiện, xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên (Yên Bái) làm lễ cúng tổ tiên và ăn tết - một phong tục không thể thiếu của đồng bào ở đây khi tết đến xuân về.
Ông Triệu Phú Thành đóng tiền mã vào mỗi dịp tết Nguyên đán theo quan niệm và phong tục truyền thống của người Dao.
|
Từ ngoài 20 tháng Chạp, mỗi dòng họ người Dao ở Lương Thiện lại thống nhất chọn một ngày thuận lợi tập trung cả họ về “nhà lớn” (nhà trưởng họ) để tổ chức đón tết. Các hộ gia đình trong họ được gọi là các trại, dòng họ lớn thì khoảng trên dưới 20 trại, ít thì cũng 10 trại. Đã là lệ chung từ đời các cụ xưa để lại, các trại về ăn tết đều có trách nhiệm đóng góp lương thực, thực phẩm làm cỗ. Song không có một quy định nào cho việc đóng góp, mà tùy điều kiện hoàn cảnh của mỗi trại để rồi có nhiều thì đóng nhiều, có ít thì đóng ít. Tất cả đều được chuẩn bị một cách tươm tất cho mươi, mười lăm mâm cỗ tùy từng dòng họ lớn nhỏ.
Ông Triệu Phú Thành - trưởng họ Triệu ở thôn Lương Thiện cho hay: Ngày cả họ tập trung đón tết không phải chỉ lo chuẩn bị cỗ bàn mà việc quan trọng hơn cả là làm giấy cúng và đóng tiền cho các cụ. Theo phong tục của người Dao ở đây, chỉ đơn giản là những tờ giấy bản mua sẵn ở chợ nhưng sẽ được đóng dấu theo quy định riêng của dân tộc Dao để làm tiền vàng mã gửi (hóa) cho các cụ tiêu trong dịp tết. Dụng cụ để đóng tiền cũng như con dấu in tiền theo quy ước riêng hết sức độc đáo. Đó là một chiếc bàn chuyên dụng, là con dao xén giấy, là con dấu bằng gỗ có những hoa văn chạm khắc biểu tượng con ngựa, là mực in được mài ra bằng than bếp hòa nước...
Ông Thành cũng là thầy của người Dao ở Lương Thiện hết sức tỉ mỉ và cẩn thận thuật lại việc đóng tiền làm đồ cúng như thế nào để gửi về tổ tiên trong ngày tết thiêng liêng. Độc đáo ở chỗ, cũng là tiền vàng mã nhưng lại không cầu kỳ, tốn kém mà có những quan niệm riêng, đức tin riêng. Gốc gác tổ tiên của người Dao xưa kia tiêu tiền xu có lỗ thủng ở giữa và thường xâu lại thành từng xâu. Bởi vậy, giờ đây đóng tiền chính là việc dùng thanh gỗ có đinh nhọn ở giữa đóng lưu dấu thành hình tròn có lỗ nhỏ chính giữa lên tờ giấy bản như hình ảnh đồng tiền cổ xa xưa.
Sau khi đã chuẩn bị đủ số lượng mã để gửi cho từng người đã khuất theo quy định thì mang cúng tổ tiên cùng với con gà, đầu lợn, rượu, nước và không thể thiếu bánh chưng, bánh dày… Đồ mã cúng xong được hóa đi để gửi tổ tiên phù hộ cho con cháu trong họ luôn thuận hòa, làm ăn may mắn, học hành tiến bộ…
Khi đã hoàn tất lễ cúng tổ tiên hết sức quan trọng được xem như một sự nhắc nhớ thế hệ hôm nay về cội nguồn tổ tông bao đời của người Dao thì cả họ cùng ăn tết trong không khí đón xuân ấm áp, vui vẻ và đoàn kết. Đó cũng là dịp để mọi người cùng nhìn lại, đánh giá thành quả lao động, công tác một năm qua của các trại trong họ. Trưởng họ và các bậc cao niên uy tín thì nhắc nhở các gia đình phải chí thú làm ăn, con cháu phải chăm lo việc học hành sao cho tất cả đều tiến bộ, tất cả ngày càng thịnh vượng… Sau ngày gặp mặt cả họ, các trại trở về nhà chuẩn bị đón tết.
Trong những ngày tết, từ 30 đến hết rằm tháng Giêng, đã thành thông lệ, những người am hiểu phong tục và biết chữ nho (chữ của người Dao) trong vùng lại tổ chức dạy chữ cũng như các lễ nghi phong tục truyền đời của người Dao cho thế hệ con cháu. Ông Triệu Phú Thành, ông Dương Kim Tài - những người đã được phong làm thầy của người Dao đều hết sức tâm huyết, lo lắng và trách nhiệm về việc truyền dạy cho con cháu chữ viết cũng như những phong tục truyền thống để những nét văn hóa đó không bị mai một.
Mặc dù mới ngoài 50 tuổi nhưng ông Dương Kim Tài đã được tôn là thầy. Đầy tự hào, ông vừa giảng giải về lễ Cấp sắc, về tết nhảy của người Dao vừa phóng bút viết những dòng chữ nho lên trang giấy trước sự thán phục của con cháu trong họ. Với những nét văn hóa truyền thống độc đáo, ngày xuân ở Lương Thiện thật sự ý nghĩa khi đồng bào cùng đón tết trong sự sum họp, đoàn kết, không quên đạo lý nhớ về cội nguồn và cả sự truyền đời cho thế hệ tương lai.
Ngọc Tú
Các tin khác
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã ban hành Quyết định số 4519/QĐ-BVHTTDL cho phép tổ chức cuộc thi “Hoa hậu Đại dương Việt Nam 2014”.
Vòng bán kết chương trình “Thần tượng âm nhạc Việt Nam – Vietnam Idol 2013” diễn ra vào tối 5-12 với sự tham gia của 12 thí sinh. Sau vòng này, BGK đã chọn ra 9 thí sinh đi tiếp và phải chia tay với 3 thí sinh là Thành Trung, Lệ Ngọc và Hoàng Yến.
YBĐT - Đến với Mường Lai, huyện Lục Yên (Yên Bái) không chỉ được thỏa mình trong những ngôi nhà sàn truyền thống của người Tày hay chiêm ngưỡng trang phục bằng vải bông nhuộm chàm đen, rồi đi trên con đường uốn lượn quanh đập Từ Hiếu mênh mông và thơ mộng mà còn được hòa mình trong tình cảm thương yêu, tự hào về con người, bản, làng nơi đây qua làn điệu khắp cọi mỗi khi tết đến xuân về.
Xuất sắc dẫn đầu bảng xếp hạng Bài hát yêu thích (BHYT) tháng 12 với tổng số 19,39% lượt bình chọn, ca khúc Chiếc vòng cầu hôn đã trở thành bài hát được yêu thích nhất năm 2013.