Xuân về nghe Khắp cọi
- Cập nhật: Thứ hai, 6/1/2014 | 9:04:07 AM
YBĐT - Đến với Mường Lai, huyện Lục Yên (Yên Bái) không chỉ được thỏa mình trong những ngôi nhà sàn truyền thống của người Tày hay chiêm ngưỡng trang phục bằng vải bông nhuộm chàm đen, rồi đi trên con đường uốn lượn quanh đập Từ Hiếu mênh mông và thơ mộng mà còn được hòa mình trong tình cảm thương yêu, tự hào về con người, bản, làng nơi đây qua làn điệu khắp cọi mỗi khi tết đến xuân về.
Ông Hoàng Quang Nhạn cùng đội hát Khắp cọi của xã Mường Lai.
|
Theo ông Hoàng Quang Nhạn ở thôn Nà Chùa, xã Mường Lai - người đã dày công sưu tầm và lưu giữ nhiều tài liệu quý và hơn 300 bài hát thì làn điệu khắp cọi được thể hiện trong nhiều hoàn cảnh khác nhau nhưng được hát nhiều là khi mùa xuân về (từ mồng 3 tết đến hết tháng Giêng), gắn với các nội dung cầu lộc, cầu tài, kể với nhau những câu chuyện và những việc đã làm được trong năm cũ của người lớn tuổi với nhau:
“Pi quá tắc po pài
Pi chai tắc pe hé
Khảm pi nay má
Po ông lả chẳng hật lệ lịt lồng
Tẳng tại dú đan thung piết mioặc
Khừng nòn khen các sác lo toan”
(Năm xưa bị tốc mái, năm ngoái gãy đòn tay, năm nay nhà người mới dở bỏ về đây, dựng lán tạm ở ngay bên cạnh, đêm nằm tay gác trán lo toan, nấu rượu nhờ bản làng đến giúp).
Không chỉ những người đứng tuổi hát tâm sự với nhau về cuộc sống thường nhật, để rồi mong muốn từ dưới ruộng, trên nương đầy ắp lúa ngô, con người khỏe mạnh, trâu bò sinh nở đầy đàn, gà vịt đầy bãi, chim chóc muông thú cũng không còn phá hoại mùa màng, cuộc sống thiên nhiên như đi vào trật tự nề nếp, tươi tốt, ôn hòa… mà các nam thanh, nữ tú còn mượn khắp cọi để thăm dò, tìm hiểu tình yêu đôi lứa, gia đình, công việc, nếu hợp thì đi đến hôn nhân bền vững.
Những lời bày tỏ tình cảm lứa đôi được thể hiện ở nhiều cung bậc. Trong cách hỏi nhau đã có người yêu, có gia thất hay chưa, các chàng trai cô gái rất khéo léo. Họ thử lòng nhau đủ cách để “thẩm tra” thông tin và rồi trong lời hát họ lại mượn các sự vật, hiện tượng… để nói lên tình yêu trong sáng của mình: “Chào tồn là tồn cha, chào gạ là gạ đai, co cuổi bấu mì nam, co làng bấu mì kinh, thân pi páy mì rượu, nọong gà thêm pi puồn đổi bióoc”. (Người đồn là đồn dối em ơi, họ nói là họ nói điêu, cây chuối không có gai, cây cau không có cành, thân anh chưa có vợ, em nói anh thêm buồn với hoa).
Được thả mình vào không gian của làn điệu khắp cọi, là như lạc vào cõi mơ nhất là khi nghe ông Hoàng Quang Nhạn với chất giọng ngọt ngào cất lời: “Lúa tháng mười không gặt nó rơi, hoa mùa xuân không chơi nó héo, bao giờ em cõng con đi khắp trong nhà, đường vui chơi em không lo đến nữa”. Rồi mùa xuân về, làng mở hội, nam nữ tìm đến và hát giao duyên với nhau.
Giọng hát của người con trai đầm ấm, bay bổng thổi vào gió, hòa vào hơi ấm của mùa xuân với những lời yêu thương nồng nàn làm lay động trái tim bao cô gái trẻ. Còn những thiếu nữ Tày lại dịu dàng, xinh xắn trong bộ áo quần đen truyền thống, đôi má ửng hồng, đẹp như những bông hoa rừng tỏa ngát hương thơm làm bao chàng trai mê hồn.
Ngoài những ngày tết ra, khắp cọi còn được người Tày ở Mường Lai cất lên trong các lễ hội mùa xuân, lễ hội Lồng tồng, rằm tháng tám, trong các đám cưới, mừng nhà mới.
Có thể nói, đến nay, làn điệu khắp cọi của người Tày ở xã Mường Lai đang được lưu giữ và phát triển, tuy nhiên một điều trăn trở là hiện nay một bộ phận không nhỏ tuổi trẻ đang lơ là với thể loại này. Theo ông Hoàng Quang Nhạn, muốn phát huy và bảo tồn loại hình văn hóa đặc sắc này thì cấp ủy, chính quyền địa phương và ngành văn hóa phải có kế hoạch, phương án bảo tồn. Trước mắt mở nhiều lớp dạy, thành lập câu lạc bộ hát khắp cọi trong các thôn… Nếu làm được điều này, tin rằng khắp cọi sẽ mãi mãi trường tồn trong đời sống tinh thần của người Tày.
Hà Tĩnh
Các tin khác
Xuất sắc dẫn đầu bảng xếp hạng Bài hát yêu thích (BHYT) tháng 12 với tổng số 19,39% lượt bình chọn, ca khúc Chiếc vòng cầu hôn đã trở thành bài hát được yêu thích nhất năm 2013.
Từ ngày 15 đến 17-2 (tức ngày 16 đến 18 tháng Giêng năm Giáp Ngọ), Ngày hội "Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc" sẽ diễn ra tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây (Hà Nội).
Bạn bè gọi Lê Trí Dũng là “Lê Trí Ngọ” bởi anh dùng phần nhiều đời sáng tác của mình cho ngựa. Trong những ngày cuối cùng của năm 2013, “Lê Trí Ngọ” cho ra mắt cuốn sách độc đáo, với 72 bức tranh ngựa, mãn nhãn độc giả.
Ngày 4-1, Hội Nhà văn Việt Nam đã chính thức công bố Giải thưởng văn học của hội năm 2013. Theo đó, Ban Chấp hành Hội đã chọn được 4 tác phẩm để trao giải.