“Những ánh sao xanh”
- Cập nhật: Thứ sáu, 10/1/2014 | 8:42:02 AM
YBĐT - Tập truyện “Những ánh sao xanh” của Nông Quang Khiêm như một bức tranh với những gam màu tươi sáng đầy hương sắc và tình người về quê hương yêu dấu của anh. Từ cốt truyện đến những chi tiết nghệ thuật cùng tính cách các nhân vật đều là những người thân yêu xung quanh anh, chưa nói đôi chỗ còn thấp thoáng chính gương mặt của tác giả.
|
“Những ánh sao xanh” là tập truyện mới xuất bản của cây bút trẻ Nông Quang Khiêm (Nhà xuất bản Kim Đồng, năm 2013). Cả tập chỉ có 10 truyện nhưng để lại trong lòng bạn đọc những ấn tượng khó quên, bởi sự tinh tế trong từng đề tài, dồn nén của cảm xúc đời sống rất đỗi bình dị, những tình cảm sâu sắc với quê hương, bạn bè, người thân đã giúp nuôi dưỡng những ước mơ trong trẻo của tuổi thơ và những bài học nhân văn nhẹ nhàng, sâu sắc.
Tập sách có những mảng đề tài và số phận nhân vật khác nhau, ít nhiều thể hiện qua tên từng truyện: “Tuổi thơ quê núi”, “Đồng làng”, Đò ơi”, “Tranh đá quí”, “Những ánh sao xanh”, “Gọi vía”, “Lòng người”, “Mùa hoa gạo đỏ”, “Con khỉ cụt tay” nhưng xuyên suốt là tình yêu quê hương tha thiết cùng bao kỷ niệm không thể nào quên của một thời thơ ấu với những người thân yêu nhất.
“Tuổi thơ quê núi” là một câu chuyện giàu chất thơ để lại cho người đọc dư vị ngọt ngào về nơi chôn rau cắt rốn, một tình cảm hồn nhiên và dễ thương tuôn chảy: “Chẳng có sông biển với những cánh buồm căng gió, chẳng có ruộng đồng thẳng cánh cò bay, quê tôi nhìn xung quanh chỉ thấy khe, thấy núi và màu xanh ngút ngát của cây lá” và trong không gian thơ mộng của núi ngàn ấy, tác giả trải lòng: “Tôi lớn lên, nghe người ta nói quê tôi nghèo nhưng tôi biết tôi luôn có những thứ mà nơi khác, người khác không có, những thứ không thể mua được dù thật nhiều tiền. Thế mới biết mình còn giàu lắm!”. Thật đằm lắng, ân tình, những điều lớn lao về tình yêu quê hương được diễn đạt một cách dung dị, thấm đượm tình người.
Trong mạch tâm tình ấy, tác giả ôn lại những kỷ niệm: “Trên ngôi nhà sàn nơi tôi cất tiếng khóc chào đời, cha đã cõng về bắng nước nguồn trong veo, mang theo cả hương rừng để tắm cho tôi với cầu mong tôi lớn lên khỏe mạnh, có đủ sức vẫy vùng trong cuộc đời đầy gian truân”. Rồi những lời ru của bà, của mẹ, mùi thơm cay nồng miếng trầu bà ăn, tiếng con hươu rừng mỗi đêm như khóc khi bà mất...
Tất cả như mạch suối nguồn trong mát nuôi dưỡng tuổi thơ của tác giả, từ những bước đi chập chững trên con đường đời, đến những phút lặng đi khi chứng kiến nỗi nhọc nhằn của cha mẹ, cùng những kỷ niệm với bạn bè đồng trang lứa như những hạt phù sa bồi đắp nên nhân cách một người con ngoan hiền, hiếu thảo và mỗi khi nhớ về tuổi thơ, tác giả lại thấy: “Bao kỷ niệm tuổi thơ ùa về. Tự nhiên tôi thấy tuổi thơ tôi như tiếng mõ trâu chiều nay – rộn ràng, lóc cóc mà sao bình yên quá! Mùa xuân đang về, háo hức, chờ đợi, tôi cứ muốn mãi là đứa trẻ.” . Cái giọng văn tự nhiên mà thủ thỉ này đi vào lòng người biết bao.
Viết về quê hương, Nông Quang Khiêm “Nhớ mùa cá vật” ở hồ Thác Bà, mỗi mùa mưa về, các loại cá lại đua nhau tìm những nơi “có nhiều bụi cỏ, nước xâm xấp hoặc chỗ có nước mới từ các khe, các suối đổ xuống, cá thi nhau lên đẻ trứng”. Cảnh tác giả vác nơm úp được con cá đầu tiên trong đời thật là thú vị: “Tôi vung nơm đánh rào và đè cả người lên, con cá đã nằm gọn trong nơm, vùng vẫy đánh nước tung tóe, tôi hét vang trời, sướng mê!” nhưng mùa cá vật dần đi vào dĩ vãng. Câu hỏi tại sao dẫu tác giả không đặt ra nhưng lại day dứt trong lòng người đọc khơi dậy ý thức bảo vệ môi trường.
Tác giả nhớ tiếng gọi “Đò ơi” khắc khoải bến sông. Câu chuyện không chỉ kể về cuộc đời bà Coóng nghèo khổ cả đời làm nghề chèo đò mà còn dẫn người đọc đến một tình huống bất ngờ, bà Coóng nhặt được một đứa trẻ bị bỏ rơi ở gốc đa, rồi đứa trẻ khi lớn lên có cái tên rất đẹp là Nhình lại làm nghề chèo đò thay cho người mẹ nuôi đã mất nhưng lại bị những định kiến cổ hủ coi là ma và cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên của một người đàn ông qua sông nhận ra nét quen thuộc nơi bàn tay sáu ngón của Nhình, ông cũng có nốt ruồi sau gáy giống hệt Nhình. Sự day dứt của tác giả khi tự trách mình đã không đủ can đảm nói với mọi người cùng cha mẹ Nhình không phải là ma và tiếng gọi đò khắc khoải của người đàn ông ở cuối truyện sao mà xa xót, thức tỉnh nhân tâm.
Bạn đọc còn được tìm hiểu buổi “Gọi vía” của người Tày quê anh đầy chất nhân văn, không chỉ hiểu thêm một nét đẹp của phong tục tập quán của người Tày mà còn thêm yêu, trân trọng nâng niu những tinh hoa văn hóa của dân tộc và yêu quí nhau hơn.
Gắn bó với quê hương, Nông Quang Khiêm có lợi thế sử dụng những kiến thức về phong tục tập quán của người Tày, từ cách nghĩ, cách nói đến những phong tục nhưng anh không lạm dụng, hơn thế những điều đó trở thành đắc dụng, dễ cảm, sâu sắc và tinh tế. Mỗi câu chuyện không chỉ là những kỷ niệm với quê hương, với người thân mà còn mang đậm chất nhân văn, điều không thể thiếu trong những truyện viết cho thiếu nhi như truyện: “Con khỉ cụt tay”. Hoàn cảnh xảy ra câu chuyện con khỉ bị cụt tay thật cảm động.
Neéc, nhân vật trong truyện đã chứng kiến “Một con khỉ con chưa có kinh nghiệm kiếm ăn và hiếu động đã nhặt quả ngô non ở bẫy”, thế rồi khi cả đàn xúm vào vẫn không cứu được đã cắn đứt lìa tay con khỉ con để cứu ra khỏi bẫy và một thời gian sau Neéc lại thấy con khỉ cụt tay bị nhốt ở một nhà hàng: “Mày thoát được cạm bẫy của ta nhưng không thoát được bao nhiêu cạm bẫy của con người. Tiếng kêu tuyệt vọng, những khuôn mặt đỏ găng, những tiếng cười hô hố trong nhà hàng, một bàn tay cụt cựa quậy trong lồng sắt...” đầy thương cảm, ám ảnh khôn nguôi thức tỉnh lương tri và có tác dụng giáo dục sâu sắc.
Còn truyện “Tranh đá quý” như bức tranh cuộc đời đầy sức hút nhưng cũng đầy chông gai và cạm bẫy đối với những trẻ mới lớn, cần công ăn việc làm và thu nhập cao trong khi sự học còn dở dang. Câu chuyện của nhân vật Quỳnh sau bao công việc vất vả đã bộc lộ năng khiếu làm tranh đá quí nhưng kiên quyết cự tuyệt sự cám dỗ của tay giám đốc để lại bài học thấm thía cho lớp trẻ trước sóng gió cuộc đời.
Truyện “Lòng người” và “Mùa hoa gạo đỏ” lại mang chút già dặn của sự quan sát, trải nghiệm. Truyện “Lòng người” đưa bạn đọc đến một hoàn cảnh éo le của hai đứa trẻ cùng cha khác mẹ với bao đau buồn không thể đặt tên và cái kết thật bất ngờ khi hai đứa trẻ biết nhau là anh em ruột và lòng mẹ bao dung là còn mãi dẫu mẹ đã mất vì bạo bệnh: “Trong nghi ngút khói hương, mẹ vẫn nhìn chúng tôi cười hiền thanh thản. Bao nhiêu vụng trộm toan tính, bao nhiêu nhỏ nhen, ích kỷ đều trở nên nhỏ bé trước tấm lòng bao dung và tình thương yêu vô bờ của mẹ”.
Trong truyện “Mùa hoa gạo đỏ”, bạn đọc bị cuốn hút vào câu chuyện lỡ dở đường tình thậm chí còn bị lừa mất hết số tiền tích cóp bao năm của “cô tôi” nhưng rồi cuối cùng cũng cập bến yêu thương với một người đàn ông. Cao trào của truyện được thúc đẩy khi người cháu nông nổi bê vứt hòn đá trắng làm dấu hiệu hẹn hò của hai người khiến cả hai lăn ra ốm. Người cháu sau phút bồng bột cũng biết nghĩ lại. Kết truyện như một bức tranh mơ ước của tổ ấm hạnh phúc: “Tháng ba, hoa gạo rụng đỏ đầy, đỏ cả bến sông. Ông Tiến hen ra vườn cuốc đất lên làm luống, còn cô tôi gánh nước trồng rau. Tôi lùa trâu ra bến sông, chạy khắp đồng thả cánh diều cho bay cao vi vút. Không còn thấy dáng cô tôi bần thần bên gốc hoa gạo đỏ, hướng mắt về chốn xa xăm... Khuôn mặt cô luôn ánh lên rạng ngời.”. Những trang văn được viết ra từ một trái tim nhân hậu nên đứa cháu mới có thể nhận ra ánh rạng ngời trên khuôn mặt người cô.
Có thể nói tập truyện “Những ánh sao xanh” của Nông Quang Khiêm như một bức tranh với những gam màu tươi sáng đầy hương sắc và tình người về quê hương yêu dấu của anh. Từ cốt truyện đến những chi tiết nghệ thuật cùng tính cách các nhân vật đều là những người thân yêu xung quanh anh, chưa nói đôi chỗ còn thấp thoáng chính gương mặt của tác giả. Bởi vậy, mỗi truyện đều tự nhiên như suối nguồn tuôn chảy và tạo nên những giá trị thẩm mỹ và nhân văn không chỉ cho tuổi thơ mà cả những bậc làm cha mẹ. Lâu nay không ít tác phẩm viết cho thiếu nhi các tác giả chỉ mượn đối tượng thiếu nhi để nói lên ý kiến, suy nghĩ, những giá trị đạo đức, giáo dục của người lớn nên không tránh khỏi sự áp đặt và nặng nề.
Với Nông Quang Khiêm, anh sống cùng đời sống của tuổi thơ, yêu thương trẻ, yêu quê hương, bởi vậy qua tập truyện viết cho thiếu nhi: “Rừng Pha Mơ yêu dấu” – Nhà xuất bản Kim Đồng năm 2007, tập thơ “Cánh diều tuổi thơ” (Nhà xuất bản Kim Đồng, năm 2012) và tập truyện này, anh đã xác lập cho mình một lối đi riêng. Tuy nhiên ở đôi bài, đôi chi tiết còn dàn trải và hơi phô. Đấy là điều không tránh khỏi với người viết trẻ nhưng những điều đó không làm giảm đi giá trị nội dung và nghệ thuật của tập truyện.
Trần Vân Hạc
Các tin khác
Chương trình do Nhà văn hóa Thanh niên, Báo Tuổi Trẻ, Hãng phim Trẻ và HTV phối hợp tổ chức, diễn ra từ 14 giờ 30 đến 17 giờ ngày 10.1 tại sân 4A Nhà văn hóa Thanh niên, TP.HCM. Chương trình được truyền hình trực tiếp từ 15 giờ 30 đến 17 giờ trên kênh HTV9.
Theo các chuyên gia, kho tàng Châu bản triều Nguyễn đang nằm tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, có nhiều triển vọng để được công nhận danh hiệu Di sản Tư liệu thế giới của UNESCO.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa ký quyết định số 2625/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử Trung ương Cục miền Nam, tỉnh Tây Ninh, giai đoạn 2013-2020.
Với việc ra mắt rạp Thánh Gióng - rạp chiếu phim hoạt hình đầu tiên trên cả nước - vào sáng 9-1, Công ty TNHH một thành viên Hãng Phim hoạt hình Việt Nam đang đặt kỳ vọng sẽ mở ra một “mùa hi vọng” mới cho phim hoạt hình Việt.