Chuyện “ông Táo” trong văn hóa dân gian Á Đông
- Cập nhật: Thứ năm, 23/1/2014 | 2:06:30 PM
Hình tượng Táo quân đã tồn tại trong tín ngưỡng dân gian của nhiều nước Châu Á từ lâu. Theo quan niệm truyền thống, ông Táo vừa là thần bếp trong nhà vừa là người ghi chép lại tất cả những việc làm tốt xấu của con người trong năm cũ.
|
Lễ cúng Táo quân trong đời sống văn hóa người Việt
Táo quân hay còn gọi là Vua Bếp đã tồn tại trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam từ lâu. Theo quan niệm truyền thống, ông Táo vừa là thần bếp trong nhà vừa là người ghi chép tất cả những việc làm tốt xấu mà con người đã làm trong năm cũ.
Vào ngày 23 tháng Chạp, ông Táo sẽ bay lên thiên đình báo cáo với Ngọc Hoàng tất cả những chuyện tốt xấu của gia chủ trong năm. Lễ cúng ông Táo thường được tiến hành vào trưa hoặc chiều.
Lễ cúng gồm có hương hoa, nải quả, vàng mã (gồm hai bộ mũ - hài đàn ông, một bộ mũ - hài phụ nữ kèm theo ba con cá chép giấy, có gia đình cúng cá chép thật), bánh chưng, bánh dày và các món thịnh soạn để dâng lên các Táo cùng ông bà tổ tiên.
Theo sự tích ông Táo, cá chép sẽ đưa ông Táo vượt qua Vũ Môn để lên thiên đình gặp Ngọc Hoàng. Tập tục thả cá chép phóng sinh sau khi cúng là một nét đẹp văn hóa, ngụ ý “cá chép hóa rồng”, cá chép vượt Vũ Môn.
Hơn thế, trong tâm thức người Việt, cá chép vượt Vũ Môn hay “cá chép hóa rồng” còn là biểu tượng của sự thăng hoa, của tinh thần vượt khó, sự kiên trì, bền chí chinh phục khó khăn để đi tới thành công, biểu trưng cho sức mạnh tiềm ẩn, hướng đến một tương lai tốt đẹp.
Xưa kia, trong Tết ông Công ông Táo, người Việt cổ còn có phong tục dựng cây nêu. Vì từ ngày 23 tháng Chạp cho tới đêm Giao thừa sẽ vắng mặt Táo quân dưới trần gian nên ma quỷ thường lẻn về quấy nhiễu, vì vậy, người Việt cổ trồng cây nêu để trừ tà. Ngày 7 tháng Giêng là ngày “hạ cây nêu”.
Xưa kia có lệ: phàm những khoản vay mượn thiếu thốn trong dịp ấy người cho vay không được đi đòi, phải đợi ngày hạ nêu mới được hỏi. Đó thực ra là một nét sống rất nhân văn, tinh tế của ông cha ta khi xưa, những mong trong nửa tháng trước và sau Tết, dù nhà giàu hay nhà nghèo cũng có cái Tết bình an.
Cây nêu ngày xưa là một cây tre cao khoảng 5-6 mét. Ở ngọn treo nhiều thứ như vàng mã, xương rồng, tỏi ớt, hình nộm, lá dứa, bầu rượu, cá chép giấy, cờ vải, khánh nhỏ bằng đất nung… Mỗi khi gió thổi, những khánh này va vào nhau tạo thành tiếng leng keng nghe vui tai...
Người ta tin rằng những vật nhiều màu sắc treo ở cây nêu, cộng thêm tiếng động của khánh đất sẽ báo hiệu cho ma quỷ biết nơi đây là nhà có chủ, không được tới quấy nhiễu... Vào buổi tối, người ta treo thêm một chiếc đèn lồng ở cây nêu để tổ tiên biết đường về nhà ăn Tết với con cháu.
Nguồn gốc ba vị Táo quân trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam
Táo quân trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ vốn tồn tại trong Lão giáo Trung Quốc nhưng được Việt hóa thành huyền tích “hai ông một bà” gồm vị thần Đất, thần Nhà và thần Bếp núc.
Người dân xưa nay vẫn quen gọi chung ba vị thần này là Táo quân hoặc ông Táo. Dân gian Việt Nam đã sáng tạo ra hẳn một tích truyện để nói về nguồn gốc của Táo quân. Sự tích Táo Quân được tóm tắt như sau:
Trọng Cao có vợ là Thị Nhi ăn ở với nhau đã lâu mà không con, nên sinh buồn phiền, hay cãi cọ nhau. Một hôm, Trọng Cao giận quá, đánh vợ. Thị Nhi bỏ nhà ra đi, sau đó gặp và bằng lòng làm vợ Phạm Lang. Khi Trọng Cao hết giận vợ, nghĩ lại thấy mình có lỗi nên đi tìm vợ. Khi đi tìm vì tiền bạc đem theo đều đã hết cả, Trọng Cao đành phải đi ăn xin.
Khi Trọng Cao đến ăn xin nhà Thị Nhi, hai bên nhận ra nhau. Thị Nhi đưa Trọng Cao vào nhà, hai người trò chuyện, Thị Nhi tỏ lòng ân hận vì đã trót lấy Phạm Lang.
Phạm Lang trở về nhà, sợ chồng bắt gặp Trọng Cao thì khó xử, nên Thị Nhi bảo Trọng Cao ẩn trong đống rơm ngoài vườn. Phạm Lang về nhà liền ra đốt rơm để lấy tro bón ruộng. Trọng Cao không dám chui ra, sợ làm ảnh hưởng tới gia đình mới của Thị Nhi, nên bị lửa chết thiêu.
Thị Nhi trong nhà chạy ra thấy sự tình như vậy liền nhào vào đống rơm đang cháy để chết theo Trọng Cao. Phạm Lang quá bất ngờ, thấy vợ chết không biết tính sao, liền nhảy vào đống rơm đang cháy để chết theo vợ.
Linh hồn của ba người lên gặp Ngọc Hoàng. Ngọc Hoàng thấy họ sống có tình có nghĩa, nên sắc phong làm Táo Quân, mỗi người giữ một việc: Phạm Lang làm Thổ Công, trông coi việc đất đai. Trọng Cao làm Thổ Địa, trông coi việc nhà cửa. Thị Nhi làm Thổ Kỳ, trông coi việc chợ búa.
Ba vị Táo quân chính là những vị thần định đoạt phúc đức cho gia đình. Phúc đức này có được do việc ăn ở đúng đạo lý của gia chủ mà nên. Người xưa thường có bàn thờ Táo quân riêng, đặt gần bếp, khi cúng phải nổi lửa lên cho bếp cháy rực. Tuy vậy, giờ đây, người ta giản tiện đi và thường cúng ông Táo ngay tại bàn thờ gia tiên.
Mâm cỗ cúng ngày 23 tháng Chạp là để tiễn Táo quân lên trời chầu Ngọc Hoàng, bẩm báo về những chuyện đã xảy ra trong một năm qua ở dưới trần gian. Mâm cỗ thịnh soạn thể hiện mong muốn của người dân rằng Táo quân dùng cơm xong sẽ “ấm lòng”, lên chầu sẽ tâu những điều tốt đẹp nhất với Ngọc Hoàng và báo cáo nhẹ đi những điều không nên không phải của gia chủ.
Việc làm này ở một khía cạnh nào đó giúp con người sống tốt hơn, tự ý thức lại những việc làm chưa đúng đắn trong năm cũ.
Táo quân trong văn hóa của các nước Châu Á khác
Hình tượng Táo quân và tục thờ cúng Táo quân ở Việt Nam và Trung Quốc có nhiều điểm tương đồng. Người Trung Quốc cũng cúng ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch. Trong quan niệm của họ, phúc lộc mà gia chủ được ban cho trong năm mới cũng được quyết định phần nhiều bởi “bài báo cáo” của Táo quân với Ngọc Hoàng trên thiên đình.
Tuy vậy, Táo quân của người Trung Quốc chỉ có một ông một bà. Họ thường lập bàn thờ Táo quân trong bếp với tranh hoặc tượng của ông Táo - bà Táo. Vào ngày 23 tháng Chạp, người ta thường bôi mật ong lên tranh hoặc tượng của Táo quân với ý là Táo quân ăn mật ong xong sẽ “ngọt giọng” hơn và bẩm tâu những điều tốt đẹp về gia chủ lên Ngọc Hoàng.
Ở Trung Quốc, thay vì cúng cá chép, người ta thường cúng nước và chút cỏ khô, coi đây là thức ăn cho ngựa của Táo quân. Theo quan niệm của họ, ngựa mới là con vật đưa Táo quân lên trời.
Người Nhật có nam thần Daikokuten là vị thần chủ sự chuyện nhà cửa, bếp núc và tài lộc của gia chủ. Ở Nhật, mỗi khi dịp năm mới đến, người ta thường bày bán những bức tượng thần Daikokuten - một biểu tượng của sự may mắn, thịnh vượng.
Vị thần này có khuôn mặt to lớn, nụ cười hể hả và thường được sơn màu nâu đen, có lẽ do thần luôn ở trong gian bếp mà bị “ám khói”.
Thần thường cầm theo một cái vồ bằng vàng, đây là cái vồ may mắn, mang lại tiền tài, thần hay được khắc họa ngồi trên chĩnh gạo và có những con chuột ở quanh bởi chuột trong văn hóa Nhật Bản hàm ý cho việc gia chủ có nhiều của ăn của để, chuột biết nên kéo tới “xin ăn”.
Người Hàn Quốc có nữ thần Jowangshin là vị thần lửa, vị thần của các gia đình. Xưa kia, phụ nữ Hàn Quốc thường là người đảm nhận việc cúng tế nữ thần Jowangshin nhưng về sau, tục lệ này mai một dần và giờ người Hàn Quốc không còn thờ vị nữ thần này nữa.
Tuy vậy, nữ thần Jowangshin vẫn là một trông những vị thần “nổi tiếng” nhất trong văn hóa dân gian Hàn Quốc. Vị nữ thần này cũng khá giống với Táo quân của Việt Nam, bà là người ghi chép lại những chuyện tốt xấu xảy ra trong mỗi gia đình suốt một năm và sau đó lên thiên đình bẩm lại với Ngọc Hoàng.
(Theo Dân Trí)
Các tin khác
Nhân dịp đón Xuân Giáp Ngọ Đài TH KTS VTC thực hiện Cầu truyền hình với chủ đề “Xuân đã về” vào đêm giao thừa. Đây là chương trình đặc biệt kết nối các vùng miền cả nước trong một cảm xúc Xuân dâng trào.
YBĐT - Đã qua cái thời tiếng hát át tiếng bom, phong trào ca hát phát triển rộng khắp các làng quê Hán Đà, Yên Bình, Yên Bái đã tạo ra một sức sống mới khiến người ta thấy yêu hơn cuộc sống này, gắn bó hơn với người quê và đồng đất quê mình...
YBĐT - Chiếu phim lưu động là một hoạt động được Nhà nước tài trợ nhằm truyền tải chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những giá trị văn hóa tinh thần đến với đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo nơi vốn phải chịu nhiều thiệt thòi về đời sống văn hóa tinh thần.