Lễ hội Cầu mùa của người Khơ Mú
- Cập nhật: Thứ tư, 29/1/2014 | 9:03:45 AM
YBĐT - Người ta thường nói mùa xuân là mùa của hương sắc tình yêu, của những lễ hội kéo dài tưởng như không bao giờ dứt, lời hát như hoa đào nở trên núi cao đón mùa xuân mới ngập tràn khắp thôn, bản, ruộng đồng...
Thầy cúng gõ chiêng mời thần lúa, thần màu.
|
Cũng như nhiều dân tộc anh em khác, người Khơ Mú ở xã Nghĩa Sơn (Văn Chấn) quan niệm, vạn vật có linh hồn, thiên nhiên xung quanh chúng ta như trời, đất, nương, rẫy… đều có quan hệ mật thiết với đời sống và sản xuất của con người. Lễ hội Cầu mùa phản ánh niềm tin vào các thế lực siêu nhiên của người Khơ Mú thuở sơ khai, đồng thời thể hiện ước muốn về mùa màng bội thu, cuộc sống no ấm, đầy đủ như khát vọng ngàn đời của các cư dân nông nghiệp trên miền đất này. Người Khơ Mú ở Nghĩa Sơn (Văn Chấn) có rất nhiều lễ hội như: cúng ma bản, cúng tổ tiên, lễ đón mẹ lúa, lễ hội mừng măng mọc… đặc biệt, lễ hội Cầu mùa là một trong những lễ hội lớn nằm trong hệ thống các lễ tục nông nghiệp của người Khơ Mú.
Cầu mùa là một nghi thức để nhớ ơn người xưa đã biết tìm cây lúa, cây hoa màu và thể hiện quan niệm cây lúa cây hoa màu cũng có hồn, có thần. Vì vậy, với mục đích tôn vinh cây lúa, cây khoai sọ, người Khơ Mú dâng lễ vật bao gồm các sọt lúa, sọt ngô, các loại hoa màu, một khóm cây bông lau, một khóm cây chè vè. Tất cả được các nam thanh nữ tú khỏe mạnh trong trang phục dân tộc rước kiệu lễ. Lễ hội Cầu mùa cũng cổ vũ, động viên bà con bước vào một vụ sản xuất mới với tinh thần lao động, sản xuất hăng say.
Lễ múa mừng lúa mới của người Khơ Mú.
Lễ hội Cầu mùa của người Khơ Mú gồm 5 phần: phần lễ cúng ma nhà, tổ tiên - rượu cần; phần lễ tôn vinh cây lúa cây khoai sọ; phần lễ cầu mưa; lễ chọc lỗ tra hạt; cuối cùng là các trò chơi dân gian mừng lễ hội... Trong phần lễ thường có các tiết mục múa tra hạt (tiếng Khơ Mú gọi là “Tẹ chư moi”), múa đao, múa đuổi chim, múa Cá lượn (Tẹ cạ grang), thổi Pilưmblang - nhạc cụ độc đáo của dân tộc Khơ Mú được thổi theo giọng tơm, múa mừng lúa mới; lễ hội cầu mưa; lễ chọc lỗ, tra hạt.
Sau phần lễ là các trò chơi dân gian dân tộc Khơ Mú mừng lễ hội. Người dân Khơ Mú từ xa xưa đã yêu thích các hoạt động văn nghệ - thể thao. Ngoài ra, họ tổ chức các trò chơi để thể hiện tài năng, sự khéo léo của mình, gồm các trò chơi chính như: ném còn, kéo co, múa ngửa người chui dây, thi tài nhảy dây có hình chữ thập...
Ông Phan Trọng Bình - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Sơn cho biết: “Lễ hội cầu mùa là giá trị văn hóa phi vật thể vô giá không chỉ của dân tộc Khơ Mú mà còn là tài sản chung của cộng đồng dân cư các dân tộc Việt Nam, ở đó mang đậm nét sinh hoạt văn hóa hấp dẫn trong tín ngưỡng dân tộc Khơ Mú xã Nghĩa Sơn. Chính vì vậy, việc gìn giữ và phát huy các giá trị của lễ hội rất cần được quan tâm, đặc biệt là những người yêu văn hóa các dân tộc và các nhà tài trợ để lễ hội được duy trì cho các thế hệ mai sau. Lễ hội được tổ chức uy nghiêm, trang trọng phản ánh niềm tin của đồng bào vào thiên nhiên, trời, đất, nương rẫy… và thể hiện ước muốn của họ về mùa màng bội thu, cuộc sống đầy đủ”.
Minh Tuấn
Các tin khác
YBĐT - Tết của đồng bào Tày vùng Đông hồ cũng như đồng bào Tày ở các địa phương trong tỉnh từ xa xưa đến nay đều ăn chung một tết cổ truyền của dân tộc và luôn giữ được những nét đẹp văn hóa riêng của mình.
Thủ tướng Chính phủ vừa ra Quyết định số 199/QĐ-TTg phê duyệt “Quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.”
Trong 15 ngày Tết, mỗi ngày đều có một ý nghĩa riêng. Hãy cùng đi tìm ý nghĩa đặc biệt của từng ngày Tết trong tâm thức người Việt…
Sau 2 năm phát sóng, chương trình 12 con giáp đã ghi dấu ấn đặc biệt trong lòng khán giả truyền hình mỗi dịp Tết đến xuân về. Năm nay, chương trình 12 con giáp sẽ được phát sóng vào 20h ngày mùng 1 Tết trên VTV3.