Thì thầm Hươn mạy

  • Cập nhật: Thứ tư, 5/2/2014 | 8:56:43 AM

YBĐT - Nhà anh Vì Văn Tiềng lên nhà mới, bản Loọng, xã Nghĩa Sơn lại có thêm ngôi nhà sàn 4 gian khang trang khiến mọi người đều vui mừng. Vì thế, bữa cơm mừng của gia đình anh Tiềng, nhà nào trong bản cũng có người đến chúc mừng. Sau lễ thắp hương, lên mâm cúng tổ tiên, anh mời bà con cùng nâng chén rượu, mừng anh đã có mái ấm vững chãi đi về. Rượu từ chai nghiêng đầy các chén. Bữa liên hoan có thịt lợn đen nuôi, có gà thả vườn, cá từ dòng suối khe. Cả bản đến đông vui, tiếng cười xen lẫn lời mời làm ngôi nhà rộn rã trong hơi men nồng ấm.

Nghệ nhân Vì Văn Sang cùng chủ tịch UBND xã Nghĩa Sơn Phan Trọng Bình bên các đạo cụ dân gian.
Nghệ nhân Vì Văn Sang cùng chủ tịch UBND xã Nghĩa Sơn Phan Trọng Bình bên các đạo cụ dân gian.

Tiệc rượu dần tan, trong lúc các bà thu dọn chén bát ra máng nước để rửa dọn, mấy ông trung tuổi đã nhanh tay lôi chiếc trống đại, ba cái chiêng ra treo lên giàn. Mấy cô, mấy bà từng tham gia đội văn nghệ xã cũng đã chỉnh sửa xong váy áo. Cuộc liên hoan văn nghệ mừng nhà mới bắt đầu. Tùng… tùng… pi i i. Tùng… tùng… pi i i! Tiếng trống, tiếng chiêng theo nhịp gõ của ông bắt cái vang lên, ngân rung khắp căn nhà. Mấy ông đang ngồi uống nước, vội thu dọn ấm chén để các cô, các bà vào điệu Cá lượn, Trỉa lúa đuổi chim rồi Địu nước tắm suối…

Những chiếc váy sa tanh, váy nhung đen dài tha thướt. Những chiếc áo bó sát thân các cô gái eo thon, vẩy tay, đung đưa nhịp nhàng theo nhịp chiêng, trống. Đến khi mấy cô, mấy bà vào điệu Xòe mừng nhà mới, vòng múa vừa mở thì đã có ông lảo đảo đứng lên, bắt lấy tay các cô, các bà, nhập vào vòng xòe. Nhún người, nhô lên cùng cánh tay vung, rồi khéo léo đảo chân xoay cùng nhịp bước. Có người mải xòe, va cả vào cột nhà, ngã lăn xuống sàn cười ngất rồi lại đứng lên nhảy tiếp. Vòng xòe nhỏ đan trong vòng xòe lớn. Những bước chân theo nhịp đều đặn sầm sập làm rung, nẩy cả sàn nhà. Người đánh trống, gõ chiêng cũng lắc lư theo nhịp chiêng bị dùi gõ, đung đưa.

Cứ tưởng vòng xòe sẽ cứ thế suốt đêm không dứt thì bỗng nhiên nghệ nhân Vì Văn Sang giơ tay lên vẫy vẫy. Tiếng trống,tiếng chiêng chợt ngừng. Mọi người lặng lẽ tìm chỗ ngồi quây quanh bếp lửa. Ông Sang rút từ trong áo ra một ống nứa - cây đàn hươn mạy riêng có của người Khơ Mú Nghĩa Sơn. Đó là đoạn nứa vừa chớm độ già. Một đầu được vạt hai phía, chừa hai mảnh dài như hai cái tai thỏ được vót nhẵn, chuốt mỏng từ trong ra ngoài. Qua một đoạn ống nối liền với tai đàn là đến mắt phân đốt, lấy thêm một đoạn chừng 10 cm thì tiện đứt, sửa gọt đầu ống thật nhẵn.

Nghệ nhân Vì Văn Sang trân trọng nâng ống nứa – cây đàn hươn mạy lên ngang mặt, tay phải cầm ống nứa, tay trái để ngửa, hướng lòng bàn tay vào phía trong người. Ông vung lên, gõ nhẹ đoạn ống nứa vào lòng bàn tay trái. Hai nửa ống va nhau qua khe nứa bị tách chẻ. Tại đó luồn một sợi tóc rụng chèn vào, phát ra tiếng xập… è… xòe, xen lẫn tiếng hơi dồn ra từng lòng ống. Đột nhiên ông co tay chấm đầu ống cắt nhẵn vào bắp đùi mình làm cho tiếng gõ đang lanh lảnh bỗng ấm trầm trở lại, âm thanh như giữ nhịp hơi từ lòng trong ống nứa. Rồi nghệ nhân cất lên giọng hát. Tiếng hát ngân khe khẽ, rủ rỉ như lời kể về cuộc sống của người Khơ Mú Nghĩa Sơn:

“Dậy từ lúc mặt trời chưa mọc
Thức từ lúc con gà vừa cất tiếng
Người Xá lang thang khắp rừng này rừng nọ tìm kiếm lá, quả rừng để sống
Người Xá hết lội suối bắt cá, lại leo núi luồn rừng săn con thú để ăn
Tối đâu dựng lều lợp lá chuối, lá dong thành nhà để ở
Lá héo, lá vàng lại rời đi tìm chốn khác nương thân
Sao núi cứ sững cao, rừng vẫn trắng mây vần?”

Nghệ nhân Vì Văn Sang hướng dẫn cháu gái cách sử dụng cây đàn Hươn mạy.

Giọng ông Sang khàn khàn, lúc lại dồn dập như sợ không có đủ thời gian kể tiếp; lúc lại chậm rãi, buông lơi như mệt mỏi, như bỏ dở chừng. Chen giữa những đoạn ngâm, hát, kể là tiếng cây đàn hươn mạy  cứ xập… è… xòe vào nhịp như tiếng nấc làm mọi người ai cũng trầm ngâm, mông lung về cuộc đời của người Khơ Mú.

Lời hát kể rằng: Ngày xưa, người Khơ Mú Nghĩa Sơn bị miệt thị, gọi là Xá cẩu. Những năm còn sống dưới ách thực dân, dưới sự bóc lột của phìa tạo, lang mường, người Xá chỉ được sống với thân phận tôi đòi, làm thuê ở mướn cho phìa tạo, thân phận chẳng khác con trâu, con lợn dưới gầm sàn nhà quan. Những người không đi ở, làm thuê thì lang thang khắp vùng Nậm Tộc, trên dãy núi Nghĩa Sơn, sống cuộc đời hái lượm. Nhà ở là những căn lều lợp bằng lá chuối, trú tạm qua đêm để ban ngày vào rừng hái quả, đào củ hoặc săn bắn thú rừng sống qua ngày. Đến khi lá chuối héo vàng lại rời đi dựng lều chỗ khác. Vì thế người ta còn gọi là Xá lá vàng.

Đã thế, người Xá còn bị quan lang, phìa tạo bóc lột, ăn chặn cả thú rừng săn được. Từ trên sáu trăm nhân khẩu, người Xá bị bệnh tật, đói rét làm hao hụt chỉ còn trên dưới hai trăm người. Câu hát kể rằng, chỉ khi người Xá nhìn xuống Nghĩa Lộ thấy cờ đỏ búa liềm, cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới, bọn quan Tây, phìa tạo bị đánh đuổi, người Xá mới được gọi đúng tên Khơ Mú của mình. Nghĩa Sơn trở thành quê hương định cư của người Khơ Mú. Người dân đã có cơm ăn, áo mặc, dựng được nhà sàn để ở. Con cháu được đến trường, người ốm đau có trạm xá, y tế chăm lo. Vì thế mỗi khi làng bản có việc trọng đại như lên nhà mới, gái trai xây tổ ấm hạnh phúc, đưa người quá cố về với tổ tiên, người Khơ Mú Nghĩa Sơn lại lấy đàn hươn mạy mở đầu cho những cuộc hát, ngâm, kể truyền cho cháu con ghi nhớ công ơn của Đảng, Bác Hồ tới muôn đời mai sau.

Tiếng đàn Hươn mạy chỉ là sự ngân rung của mảnh nứa va đập mà thành; nó không tự xướng thành âm nhạc, thành nội dung bài hát. Thực ra tiếng Hươn mạy chỉ như tiếng mõ, tiếng phách xen giữa khúc nghỉ các điệu dân ca ở đồng bằng. Có thể đấy là cách cho nghệ nhân nghỉ giữa hai đoạn hát để dưỡng sức, lấy hơi. Nhưng trong đám vui nhà mới của người Khơ Mú bản Nậm Tộc, Nghĩa Sơn, tiếng Hươn mạy cứ thì thầm dội sâu vào tâm can của một dân tộc được truyền lại sức sống, được hồi sinh nhờ có cách mạng, có Đảng, Bác Hồ. Tiếng đàn ấy sẽ mãi thì thầm, thơm thảo trong tâm linh kí ức của người Khơ Mú Nghĩa Sơn.

     Văn Dương

Các tin khác

Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý điều chỉnh thời gian tổ chức Lễ đón Bằng công nhận Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 11/2/2014 thay cho ngày 22/2/2014.

YBĐT - Hòa trong không khí tưng bừng của những ngày Tết Giáp Ngọ và kỷ niệm 84 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2014), tối ngày 3/2, Trung tâm Văn hóa tỉnh Yên Bái tổ chức chương trình biểu diễn nghệ thuật quần chúng với chủ đề “Đảng cho ta cả một mùa xuân”.

YBĐT - Hát Chầu văn loại hình nghệ thuật đặc trung phục vụ cho sinh hoạt tâm linh trong các buổi hầu lễ tại các đình, đền, chùa, hát văn là một di sản văn hóa quý của các dân tộc, nhất là khu vực miền Bắc nước ta. Hát văn đã được sưu tầm truyền dạy thành tiết mục biểu diễn của các đoàn nghệ thuật chèo hấp dẫn khán giả trong nước và quốc tế.

YBĐT - Hội Lồng Tồng hay lễ hội cầu mùa, lễ hội xuống đồng là một trong những lễ hội truyền thống đặc sắc lớn nhất, vui nhất và cũng là lễ hội đầu tiên trong một năm mới của dân tộc Thái, Tày, Mường… trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Đây cũng được xem là hoạt động tín ngưỡng cầu cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, người người, nhà nhà được no ấm, hạnh phúc, “nhân khang vật thịnh”, “quốc thái dân an”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục