Hội Lồng Tồng – Nơi tôn vinh giá trị văn hóa
- Cập nhật: Thứ ba, 4/2/2014 | 8:57:30 AM
YBĐT - Hội Lồng Tồng hay lễ hội cầu mùa, lễ hội xuống đồng là một trong những lễ hội truyền thống đặc sắc lớn nhất, vui nhất và cũng là lễ hội đầu tiên trong một năm mới của dân tộc Thái, Tày, Mường… trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Đây cũng được xem là hoạt động tín ngưỡng cầu cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, người người, nhà nhà được no ấm, hạnh phúc, “nhân khang vật thịnh”, “quốc thái dân an”.
Lễ hội với những nghi lễ trang nghiêm thể hiện lòng thành kính và phần hội tươi vui với các nghệ nhân và đông đảo bà con nhân dân cùng tham gia nhằm thể hiện sự gần gũi và tinh thần cộng đồng cao, gắn kết con người với con người. Trong phần lễ, mỗi dân tộc có một cách làm riêng để tạo nên sự tôn kính và trang trọng.
Lễ vật mà người dân dâng lên cầu cúng tạ ơn Thần Nông, Thần Suối, Thần Núi, Thần Gió, Thần Mưa, Thành Hoàng Làng…, những đấng siêu nhiên được đồng bào dân tộc Tày, Thái xem là có sự tác động đến hoạt động sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân đều là những sản vật nông nghiệp do người dân bản địa làm ra như các món ẩm thực được chế biến bằng lúa, ngô, thịt lợn, thịt gà, xôi nếp và các loại bánh đặc trưng cho mỗi dân tộc như người Thái là các loại bánh gói hình vuông, hình tròn như: pẻng uôi, pẻng chàa lam, khảu nố.
Còn người Tày là các loại bánh uôi, bánh bìa, bánh phong trú, bánh tẻ, bánh trà lam, bánh nổ. Mỗi sản vật được nhân dân chuẩn bị mang đến hội Lồng Tồng đều mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Tất cả đều thể hiện được thành quả lao động của bàn tay cần cù, chịu khó của con người và khát vọng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc, mọi điều an lành cùng lòng biết ơn đối với các vị thần linh đã phù hộ cho dân bản có năm thuận lợi trong làm ăn, bội thu trong sản xuất.
Các điệu múa được biểu diễn trong ngày hội.
Xen với phần lễ, các nghệ nhân, già làng, trưởng bản cùng nhân dân các dân tộc đã cùng nhau trình diễn những điệu múa truyền thống của dân tộc. Mỗi dân tộc đều có những điệu múa riêng, đặc trưng để phục vụ trong sinh hoạt cộng đồng, tín ngưỡng và đi kèm với những điệu múa ấy là các loại nhạc cụ truyền thống tạo nên bản sắc văn hóa riêng biệt. Các điệu múa đã thể hiện được sự khéo léo, nhịp nhàng, thực sự trở thành nơi giao lưu, gắn kết giữa con người với con người.
Sau phần lễ là phần hội sôi nổi gắn với các trò chơi dân gian, mang tính cộng đồng cao luôn được mọi người đón đợi. Hàng nghìn người dân và khách thập phương đã cùng tham gia vào các trò chơi dân gian như: bắn nỏ, đánh yến, đẩy gậy, ném còn… tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi trong những ngày đầu xuân năm mới.
Ném còn trong ngày hội.
Những năm gần đây, khi đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Hội Lồng Tồng của nhân dân các dân tộc trong tỉnh Yên Bái diễn ra càng sôi nổi, phong phú hơn, thu hút đông đảo người dân và du khách đến tham quan, vui hội, trở thành nơi tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc. Lễ hội đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần, văn hóa tâm linh lành mạnh của nhân dân, từ đó góp phần làm phong phú thêm những giá trị tốt đẹp trong kho tàng văn hóa dân gian của dân tộc Việt Nam.
P.V
Các tin khác
Bánh tét dài 39m, cặp câu đối dài 54m, mâm ngũ quả khổng lồ… là những kỷ lục độc đáo vào dịp Tết Nguyên đán mà người dân nhiều vùng miền từng được chứng kiến. Bánh tét dài 39m:
Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VietnamPost) đã đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) cho phép tăng phí phát hành báo chí trong quý II-2014.
YBĐT - Thượng nguồn huổi Kẹn có một bản Thái. Nơi ấy vừa diễn ra hội Lồng Tồng vui lắm, vui nhiều. Chả thế, trai mường, gái bản khắp nơi kéo nhau về chơi tung còn đông nghìn nghịt.
YBĐT - Hàng năm, ngoài việc vui xuân đón tết như các dân tộc anh em khác, người Dao ở Văn Chấn (Yên Bái) nói chung và người Dao thôn Đá Gân, xã Cát Thịnh nói riêng thường tổ chức Tết nhảy vào dịp cuối năm khi mọi công việc đồng áng đã hoàn tất. Tết nhảy vừa mang ý nghĩa tâm linh, vừa chứa đựng nét nghệ thuật nhằm mục đích bảo tồn nét văn hóa độc đáo còn lưu truyền từ ngàn đời nay.