Mùa xây tổ ấm
- Cập nhật: Thứ tư, 5/2/2014 | 8:59:09 AM
YBĐT - Yên Bái hiện có các nhóm Mông hoa, Mông trắng, Mông đỏ, Mông đen chung sống. Tuy tiếng nói khác nhau đôi chút nhưng thủ tục cưới hỏi căn bản giống nhau. Đối với đồng bào Mông, chuyện cưới xin thường diễn ra vào mùa xuân bởi họ quan niệm, mùa xuân là mùa của vạn vật sinh sôi, nảy nở và con người cũng không nằm ngoài quy luật đó của tự nhiên. Hơn nữa, mùa xuân là mùa thảnh thơi, ít công việc đồng áng nên anh em, họ hàng, bạn bè có thời gian đến chung vui.
Cô dâu, chú rể mời rượu khách đến dự tiệc cưới tổ chức theo nếp sống văn hóa.
|
Đến tuổi trưởng thành, các chàng trai Mông được tự do đi tìm vợ. Những ngày tết, ngày hội xuân, chàng trai tỏ tình với các cô gái và nếu cô nào yêu mến mình thì chàng trai sẽ về thưa chuyện với bố mẹ. Khi ấy, gia đình sẽ chọn một trong hai cách. Cách thứ nhất là nếu kinh tế khá giả, có thể tổ chức đám cưới linh đình thì bố mẹ chàng trai sẽ bố trí cho bà mối mang lễ vật đính hôn đến nhà gái đặt cược. Lễ vật đặt cược có thể là một chiếc váy, một cái áo, vài mét vải hay một chiếc vòng cổ...
Đến đặt lễ, bà mối cho nhà gái biết họ tên, thân phận, hoàn cảnh gia đình, ý nguyện của chàng trai và gửi lễ vật đính hôn cho bố mẹ cô gái. Nếu cô gái ưng thuận và bố mẹ đồng ý thì sau một đến ba tháng, nhà trai sẽ tiến hành lễ ăn hỏi chính thức và tổ chức đám cưới. Nếu cô gái hay bố mẹ không chấp nhận thì sau một đến ba tháng, nhà gái mang lễ vật trả lại nhà trai.
Cách thứ hai là nếu kinh tế bình thường, không thể làm đám cưới to thì bố mẹ chàng trai nhờ anh em, bạn bè cùng con trai đi bắt người yêu. Đoàn đi kéo vợ thường có 3 người hoặc 5 người để khi về là số chẵn. Người Mông quan niệm, lúc về phải đủ đôi để sau này, đôi trẻ sống sẽ hạnh phúc, ít gặp rủi ro. Đi kéo vợ phải xem ngày lành, tháng tốt và chỉ thực hiện trong những đêm trăng rằm hoặc đầu tháng. Đến ngày giờ đã chọn, nhà trai mời tất cả đoàn đến trao đổi, bàn bạc cách kéo để cô gái không ngã, không đau.
Đoàn cũng thống nhất tránh để nhà gái cũng như hàng xóm nghi ngờ. Tới nhà gái, chàng trai có thể thổi kèn lá, thổi sáo, thổi đàn môi, thổi khèn mời gọi bạn tình ra khỏi nhà như thường lệ. Lúc cô gái ra ngoài, chàng trai tới chào, nắm tay rủ cô gái về nhà mình. Nếu cô gái đồng ý thì chàng trai kéo một chút lấy lệ rồi bỏ ra để cô gái tự đi. Nếu cô gái phản ứng thì đoàn đi kéo vợ sẽ vây quanh, người nắm tay khoác lên vai dìu, người đi sau đẩy.
Khi đã kéo được dâu về nhà, ngay sáng hôm sau, bố mẹ nhà trai nhờ một người đàn ông trung niên khéo nói, gọi là “người đưa tin”, mang lễ vật gồm: một gói thuốc lào tự trồng đã phơi khô, thái mỏng và một chai rượu ngon do chính nhà trai tự nấu đến nhà gái báo tin. Người đưa tin lấy thuốc lào mời bố mẹ, các thành viên nhà gái rồi rót cho mỗi người một chén rượu, thông báo con gái của họ đã đi làm dâu.
Đến ngày thứ ba, nhà trai nhờ người đi hỏi dâu gồm ba người, trong đó có một cô gái trẻ chưa chồng là họ hàng thân thiết của nhà trai - gọi là “uô luồ gậu nhang”; một người đàn ông trung tuổi cùng họ hoặc khác họ nhưng phải khéo nói, thông thạo phong tục tập quán, có uy tín trong cộng đồng dân cư - gọi là “Chí mệnh công”; một người là chú, bác họ hàng thân thiết - gọi là “Nả chí” - đại diện cho nhà trai cùng chàng trai sang nhà gái làm lễ ăn hỏi. Lễ vật ăn hỏi có 10 lít rượu, 1kg thuốc lào một nửa thái, một nửa để nguyên lá phơi khô. “Chí mệnh công” - ông mối - mang theo một chiếc ô màu đen có buộc một chiếc khăn tổ ong màu trắng vào giữa và người đại diện cho bố mẹ nhà trai mang theo một chiếc điếu được làm từ tre già và thẳng, không bị sâu đục khoét, đã được sử dụng lâu năm.
Khi đến trước cửa chính nhà gái, ông mối hát một bài. Nghe hát xong, nhà gái mở cửa cho đoàn vào nhà và “Chí mệnh công” nhà gái đỡ chiếc ô mà “Chí mệnh công” nhà trai mang đến treo vào vách tường gian nhà giữa đối diện với cửa chính. Sau đó, “Chí mệnh công” lấy thuốc lào, rót rượu mời bố mẹ, ông bà, các thành viên trong gia đình và mượn 1 chiếc bàn, 2 chiếc ghế, 4 cái chén đặt vào giữa gian nhà chính. Hai “Chí mệnh công” ngồi vào bàn, rót rượu mời nhau mỗi người hai chén và bắt đầu trò chuyện, thương thuyết hỏi cưới. Khi nhà gái đồng ý, đại diện nhà trai rót 4 chén rượu mời đại diện nhà gái và ngược lại.
Tiếp đó, lễ vật thách cưới, ngày tháng tổ chức lễ cưới, đón dâu được thống nhất. “Chí mệnh công” dẫn chàng trai đến vái lạy tổ tiên, ông bà, bố mẹ, cô bác, anh em, họ hàng của cô gái. Từ đây, chàng trai được công nhận là thành viên của nhà gái và coi cô gái là vợ chính thức của mình. Mọi việc xong xuôi, nhà gái tổ chức bữa cơm nhỏ đãi nhà trai, mời anh em họ hàng chung vui và thông báo con gái đã xuất giá. Sau bữa cơm, đại diện nhà trai quay về. Nhà gái có cho cô gái về cùng đoàn nhà trai hay không còn tùy nhà trai muốn đưa về ngay hay chưa.
Đúng như đã thống nhất, nhà trai tổ chức đón dâu và làm đám cưới cho đôi trẻ. Gia đình chú rể mời lại những người từng nhờ đi ăn hỏi và nhờ thêm người đi đón dâu là 6 hoặc 8 người, tuyệt đối kiêng số lẻ. Ngày này, cô dâu và chú rể mặc bộ trang phục mới nhất, đẹp nhất. Cô dâu đội chiếc mũ được trang trí bằng những sợi hạt cườm gắn với đồng xu và hoa vải. Chú rể đeo những chiếc vòng gắn dây chuyền trang trí nhiều xúc xắc bằng bạc. Ngày đón dâu, nhà trai mang đầy đủ lễ vật đã thống nhất trong lễ ăn hỏi. Khi đoàn đón dâu đến nhà gái, “Chí mệnh công” đứng trước cửa chính hát bài xin mở cửa, vào trong nhà hát tiếp bài giao lễ vật. Nghe hát xong, “Chí mệnh công” nhà gái nhận lễ vật, làm thủ tục cúng tổ tiên.
Mỗi thủ tục đều được thể hiện bằng bài hát hay câu đối. Xong mọi thủ tục, nhà gái mời đoàn và khách đến dự đám cưới uống rượu. Sau bữa tiệc này, “Chí mệnh công” nhà trai làm thủ tục xin đón dâu. Đường về nhà trai dù xa hay gần, bao giờ cũng phải dừng ở một điểm nào đó gần bờ suối bên dọc đường để ăn một bữa cơm và cúng các vị thần linh.
Trước khi ăn cơm, “Chí mệnh công” rót rượu vào chiếc chén nhỏ, xúc lưng thìa cơm cùng chiếc đầu gà cầm lên tay và hát bài cúng rằng: “Hôm nay, ngày lành, tháng tốt, mẹ chồng nàng dâu đã dậy từ sáng sớm tinh mơ nấu bữa cơm cho chúng tôi mang đi ăn để đưa, đón dâu. Chúng tôi đã qua 99 ngọn núi, vượt 99 khe sâu, băng qua 99 cánh rừng và đến đây, chúng tôi xin dừng chân ăn bữa cơm trưa. Kính mời các vị thần rừng, thần núi, thần suối, thần sông và thổ địa đến ăn cùng để chứng kiến và mong các vị thần phù hộ độ trì cho đôi vợ chồng trẻ sống hạnh phúc bên nhau đầu bạc răng long, làm ăn phát lộc, phát tài, sinh con, đẻ cái được tốt lành, thảo hiền...”.
Ăn trưa xong, đoàn tiếp tục hành trình. Về đến nhà, gia đình nhà trai làm lễ báo hỷ, mở tiệc chiêu đãi đoàn, mời anh em họ hàng đến dự. Đôi vợ chồng trẻ từ đây sẽ cùng nhau xây dựng cuộc sống mới.
Sùng Đức Hồng
Các tin khác
YBĐT - Nhà anh Vì Văn Tiềng lên nhà mới, bản Loọng, xã Nghĩa Sơn lại có thêm ngôi nhà sàn 4 gian khang trang khiến mọi người đều vui mừng. Vì thế, bữa cơm mừng của gia đình anh Tiềng, nhà nào trong bản cũng có người đến chúc mừng. Sau lễ thắp hương, lên mâm cúng tổ tiên, anh mời bà con cùng nâng chén rượu, mừng anh đã có mái ấm vững chãi đi về. Rượu từ chai nghiêng đầy các chén. Bữa liên hoan có thịt lợn đen nuôi, có gà thả vườn, cá từ dòng suối khe. Cả bản đến đông vui, tiếng cười xen lẫn lời mời làm ngôi nhà rộn rã trong hơi men nồng ấm.
Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý điều chỉnh thời gian tổ chức Lễ đón Bằng công nhận Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 11/2/2014 thay cho ngày 22/2/2014.
YBĐT - Hòa trong không khí tưng bừng của những ngày Tết Giáp Ngọ và kỷ niệm 84 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2014), tối ngày 3/2, Trung tâm Văn hóa tỉnh Yên Bái tổ chức chương trình biểu diễn nghệ thuật quần chúng với chủ đề “Đảng cho ta cả một mùa xuân”.
YBĐT - Hát Chầu văn loại hình nghệ thuật đặc trung phục vụ cho sinh hoạt tâm linh trong các buổi hầu lễ tại các đình, đền, chùa, hát văn là một di sản văn hóa quý của các dân tộc, nhất là khu vực miền Bắc nước ta. Hát văn đã được sưu tầm truyền dạy thành tiết mục biểu diễn của các đoàn nghệ thuật chèo hấp dẫn khán giả trong nước và quốc tế.