Trăng sáng mùa yêu

  • Cập nhật: Thứ tư, 19/3/2014 | 8:50:52 AM

YBĐT - Sau các tập thơ “Vẫn xanh màu áo lính”, “Neo đầu nỗi nhớ”, “Đếm mưa”, đầu năm 2014, tác giả Nguyễn Đăng Lộc lại vừa cho ra mắt bạn đọc tập thơ thứ tư “Trăng sáng mùa yêu”. Ba mươi mốt thi phẩm trong đó có một trường ca, tập thơ là tiếng nói yêu thương đối với quê hương, con người và dành nhiều cho tình yêu đôi lứa.

Đọc thơ Nguyễn Đăng Lộc, chúng ta vẫn thấy một hành trình nhất quán: thơ là “trái tim vẫn nói những lời trái tim”. Trái tim của chàng trai mơ mộng xứ Đoài qua bao năm phục vụ trong quân ngũ lúc ra đi “Nhật ký em trao dưới đáy ba lô”, rồi trở về bươn trải với cuộc sống đời thường vẫn không ngừng đập nhịp trước lời yêu.

Thơ anh nhắc nhiều đến kỷ niệm tuổi thiếu thời với trò chơi đếm sao “Để thương để nhớ rơi vào mắt nhau”; hay cách tỏ tình hồn nhiên mà trong sáng “Học trò thư dúi - gói lời gửi trao/Hoa thơm tự gió hôm nào/Sấu giòn, môi mọng còn xao xuyến lòng”. ở cái tuổi ngoại lục tuần, khi trải nghiệm đã nhiều thì lại càng trở nên da diết sâu sắc:

Bồn chồn thương nhớ một thời
Dẫu xa cách mấy khoảng trời… vẫn yêu
.
                                (Hóa giải)

tình yêu dường như làm cho con người ta trở nên thính nhạy hơn trước cảm giác giao mùa “Hình như là trong gió/Lời yêu vừa mới ngỏ/Cau vào hạt, trầu cay/Làng bên… ai chạm ngõ” (Thu sang). Và khi đã yêu thì lòng luôn rạo rực “như đứng đống lửa như ngồi đống rơm”, thời gian cũng trở nên có hồn “Khắc khoải trong mong đợi/Ngày Đông như dài ra/Mùa Xuân không lỡ hẹn/Em có về cùng ta” (Khắc khoải). Cũng chính tình yêu lại giúp anh sáng tạo ra “Mùa yêu”, “Mùa lứa đôi” để mà bâng khuâng “Tìm bóng” suốt bấy năm trời:

Giờ ta về tìm nhau
Thấy tóc sương điểm bạc
Mắt soi hình ngơ ngác
Tìm bóng mát hồn quê
                                                 
                                  (Tìm bóng)

Có người nói tình yêu không tuổi, ở tâm hồn thi sĩ thì càng đúng. Không chỉ sống với kỷ niệm, thơ Nguyễn Đăng Lộc luôn hướng về hiện tại để rung cảm cùng vẻ đẹp riêng có của cô gái Mường Lò: “Tay búp măng dệt thổ cẩm khăn piêu/Dệt Mường Lò thơm  màu xôi ngũ sắc/Đi chọc sàn trăng sáng cả mùa yêu” (Trăng sáng mùa yêu). Nhân chuyến du lịch đến châu Đại Lý của tỉnh Vân Nam - Trung quốc, gặp những cô gái dân tộc Di, dân tộc Bạch trang phục mũ đội đầu thêu hình “núi sông, hoa lá, cỏ cây” có “tua trắng như là tuyết trắng” mà cảm nhận thấy “Giấu điều thầm kín gì đây”. Thậm chí mạnh dạn “Cho anh chạm vào tua sợi ấy/Phải duyên nên vợ nên chồng/Nếu không ưng - thân nghèo phận hẩm/Ba năm đành bưng nước rửa chân”. Trước cái đẹp, trước tình yêu, cảm xúc thẩm mĩ thăng hoa. Bản chất con người làm thơ vốn là thế đó. Vậy nên hồn thơ Đăng Lộc cứ vương vấn với “Đàn môi ai gọi bạn/Tiếng khèn ai lưu luyến” chốn chợ tình nơi phố núi:

Và em, và em nữa
Vòng bạc váy xòe hoa
Em nhớ về phố núi
Chợ tình… chờ đôi ta
         (Nhớ về)

Càng yêu, người thơ gốc xứ Đoài càng thương những cặp yêu nhau và cảm thông hơn với những cặp tình lỡ dở. Kế tiếp nỗi lòng của cung nữ trong “Cung oán ngâm khúc” của Nguyễn Gia Thiều; người cô phụ trong “Tiếng thu” của Lưu Trọng Lư xưa, hôm nay đọc thơ Nguyễn Đăng Lộc ta cũng được nghe thấy tiếng lòng của ai đó thổn thức giữa đêm trường “Đêm qua ai thức dậy/Khẽ khép cửa buông rèm/Gió mưa… lòng thổn thức/Nén thở dài vào đêm” (Hình như…Đêm). Xuất thân trong gia đình đông anh em, lớn lên mỗi người một phận: anh trai bệnh trọng qua đời để lại chị dâu “sương gió bạc mái đầu”; chị gái mất rồi khiến “anh rể còn một mình một bóng” nên tác giả hay gửi vào thơ những nghiền ngẫm về thân phận con người “Mỗi cuộc đời: quãng râm quãng nắng/Gió cuối năm - ngọn gió tái tê lòng”. Và thật hiếm trong thơ khi một nhà thơ gia đình hạnh phúc đề huề dễ dàng nhận ra nỗi khổ tâm đàn bà góa:

Thương mình vẫn còn son trẻ
Nào ai thấu hiểu nỗi lòng
Đứng ngồi như thừa ra đó
Cô đơn chính giữa nhà chồng

   (Góa)

“Trăng sáng mùa yêu” làm cho hồn thơ tác giả như trẻ lại, đặng tăng thêm xung lực cho ngòi bút. Ở tập thơ này sự cách tân hình thức được tập trung trong trường ca “Huyền thoại thời gian”, còn hầu vẫn trân trọng các thể thơ truyền thống. Mặt mạnh làm thơ lục bát qua các tập thơ  trước được kế thừa để tiếp tục có sự sáng tạo ra những câu thơ hay, hình tượng thơ đẹp:

Ta về gặp gió đồng trinh
Hoa xoan nở tím mối tình ngày xưa

   (Chờ đợi)

Hay:

Mẹ nhặt sợi nắng vàng khâu vá
Mang mặt trời hong cả mùa Đông

   (Quê nhà)

Tuy vậy tập thơ vẫn không khỏi còn những bài thiếu sự dồn nén, câu thơ dễ dãi. Song sự tiếp nối này đủ để khẳng định tiếng nói riêng của tác giả Nguyễn Đăng Lộc trong làng thơ Yên Bái.

Thế Quynh

Các tin khác
Phó Thủ tướng và các đại biểu thực hiện nghi lễ động thổ xây dựng Nhà tưởng niệm.

Vừa qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát lệnh khởi công xây dựng Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Di tích K9-Đá Chông (Ba Vì, Hà Nội).

Sở VH-TT&DL Thừa Thiên Huế vừa cho biết đã đoạt Huy chương vàng tại Liên hoan Tuyên truyền lưu động toàn quốc “Về với Điện Biên” tại thành phố Điện Biên Phủ nhân chào mừng kỷ niệm 60 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954/7/5/2014).

Gameshow Đồ rê mí (VTV3) - một trong những chương trình của Đài THVN được đề cử ở hạng mục

Hôm nay (18/3), danh sách các đề cử chính thức cùng những hạng mục mới của giải thưởng Âm nhạc Cống hiến 2014 do các nhà báo bầu chọn đã được công bố, trong đó xuất hiện gương mặt nghệ sĩ trẻ như Tùng Dương, Nguyễn Đình Thanh Tâm, Cát Tường…

Sáng nay tại khu vực chùa Bổ Đà, tỉnh Bắc Giang khai mạc liên hoan hát quan họ tỉnh Bắc Giang lần thứ 3.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục