Các nhà thơ Yên Bái với Điện Biên

  • Cập nhật: Thứ bảy, 26/4/2014 | 3:07:11 PM

YBĐT - Tập thơ “Trời Điện Biên mây trắng” nhiều tác giả, do soạn giả, nhà thơ Gia Dũng tuyển chọn và biên soạn, Nhà xuất bản Văn học xuất bản đúng vào dịp cả nước ta kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Tập thơ gồm 139 bài của 109 tác giả trong cả nước, riêng Yên Bái có tới 12 tác giả, gần 20 bài thơ, đây là đóng góp không nhỏ của các nhà thơ Yên Bái.

Đó là những tác giả cùng những bài thơ: Hoàng Bảo với “Nhớ Mường Lò”, Ngọc Bái với: “Âm vang điện Biên, “Với Tuần Giáo”, Hoàng Anh Đậu với “Bay lên Mường Then”, Nguyễn Thị Vân Hà với “Chiều Suối Giàng”, “Đêm ngủ ở Mường Phăng”, Vân Hạc với “áo cỏm em”, “Bình minh Tây Bắc”, Hoàng Hạnh với “Khau Phạ chiều em đến”, Hiền Lương  với “Đôi mắt Văn Yên”, Trần Thị Nương với “Lên Mường Trời”, Nguyễn Đức Phương với “Người đẹp Mường Lò”. Vũ Quí với “Đêm Mường Lò”, Thế Sinh với “Về một nhành ban tím”, Nguyễn Ngọc Trìu với “Đợi ban xòe”, “Nhớ chiều mưa Khau Phạ”...

Tuy không có tác giả ở cái tuổi được tham gia giải phóng Điện Biên nhưng không khí hào hùng và nhịp sống mới sinh sôi nẩy nở sau chiến thắng đã chắp cánh cho những vần thơ bay cao, bay xa.

Bài “Âm vang điện Biên” của nhà thơ Ngọc Bái giúp chúng ta hình dung một thời gian khó và hào hùng của cha anh: “Xin được hình dung những ngày gian khổ ấy/ Thuở cha anh đi dọc chiến khu” với đầy lam sơn chướng khí, hiểm nguy rình rập.

Nhà thơ trải lòng: “Cho tôi nhập vào câu hát ấy/ Dốc núi cao cao vực sâu thăm thẳm”. Nhà thơ xúc động nghẹn lòng: “Trời Điện Biên hôm ấy ra sao/ Những ai ngã trước giờ chiến thắng” nhưng rồi ý thức công dân, vì dân, vì nước vượt lên tất cả, sự hy sinh của các chiến sĩ Điện Biên nẩy những mùa xanh cho đất nước: “Trời đất tự do loang khói súng/ Sương lóng lánh gieo mầm”.

Lối ngắt nhịp ngắn dài cùng những hình tượng nghệ thuật tái hiện lại con đường gập ghềnh cùng quá khứ gian lao nhưng hào hùng của dân tộc, gửi vào đó những tình cảm chân thành mà không phô, từ “lóng lánh” đầy sức gợi, sức sống của dân tộc không gì ngăn cản được.

Âm vang Điện Biên” ấy sống mãi trong lòng người đọc. Còn trong bài: “Với Tuần Giáo” nhà thơ lại diễn tả tâm trạng dùng dằng không nỡ chia tay: “Giã biệt mà không sao giã biệt/ Tuần Giáo sương giăng dùng dắng chân đèo/ Tiếng khèn Mông không nguôi uốn lượn/ Mắt chói chang hơi núi mộng du theo”.

Từ “mộng du” thật đắt giá, có được do cảnh và tình người nơi đây đầy ma lực và khi phải chia tay, tác giả mang theo bao hoài niệm: “Thôi xa rồi. Mây trắng đã phân ly/ Hẹn thì hẹn. Pha Đin đầu ngoảnh lại/ Màu thổ cẩm Pha Đin da diết mãi/ Vút bên đèo, bên núi vẫn còn vây”. “Màu thổ cẩm” thấp thoáng trong sương chở bao thương nhớ, day dứt, thế mới biết sức hút của Tây Bắc to lớn đến nhường nào.

Còn nhà thơ trẻ Nguyễn Thị Vân Hà lại đặt bối cảnh “Đêm ngủ ở Mường Phăng” với những chi tiết khá độc đáo:“Sao chín rồi đang tụ lại cánh rừng/ Nhớ vị tướng của lòng dân thuở ấy/ Nghe sắt thép chiến trường xưa tan chảy/ Mà bóng Người chẳng đọng ánh trăng khuya”. Và tác giả nhủ lòng: “Áp mặt lên trang thơ lòng tự nhủ/ Nhận làm người con gái nhỏ Mường Phăng”. Ý thức tiếp bước cha ông được diễn đạt môt cách tự nhiên như một tất yếu

Nhà thơ Hoàng Anh Đậu lại thấy như “Bay lên giữa Mường Then” cùng “Đây đụn mây trắng/ Kia dải mây hồng/ Xốp tơi xốp tơi/ Đuổi nhau giữa trời xanh/ Như lạc vào cõi mộng”. Dù tác giả không hạ một câu: “Thiên nhiên tình ái” thì người đọc cũng đồng cảm sự giao hòa giữa Thiên – Địa – Nhân. Chính trong không gian trữ tình ấy nhà thơ cảm nhận sâu sắc: “Ôi Mường trời Mường Phật/ Nơi cha mẹ ta hóa thành sương thành mây”.

Không nói về Điện Biên Phủ mà người đọc cảm nhận được tấm lòng của người con với những bậc sinh thành và những anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trong chiến dịch Điện Biên, anh linh của các vị tiền bối luôn sát cánh bên con cháu. Câu kết để lại trong lòng người đọc bao suy ngẫm về lương tri, lẽ sống: “Kìa Mường Then – Tây Bắc/ Bồi hồi.../ Ngân hà nhịp cầu thang”.

Nhà thơ Nguyễn Thị Nương trong bài: “Lên Mường Trời” có những phát hiện đầy sáng tạo: “Một ngày cùng anh lên núi/ Tuyết bay trắng cả Mường Trời/ Chè thơm Suối Giàng quên tuổi/ Âm thầm trổ búp non tươi”. Có ai thấy tuyết ở Suối Giàng bao giờ nhưng ở đây là chè san tuyết cổ thụ có nhiều nhất không chỉ ở Việt Nam mà còn cả thế giới và tôi cho rằng “Mường Trời” ở đây mang tính khái quát của một dụng ý nghệ thuật, còn Suối Giàng chỉ có nghĩa là suối của dòng họ Giàng (dòng họ đầu tiên đến đây sinh cơ lập nghiệp).

Nhà thơ tâm sự: “Bao năm vượt rừng lội suối/ Ngón chân bấm vẹt cổng trời/ Chắt chiu tháng ngày mong đợi/ Hạt vàng tách vỏ sinh sôi”. Đấy là sự sinh sôi thuộc qui luật của tự nhiên không gì ngăn cản được, để rồi khi: “Một ngày bâng khuâng về núi/ Ngỡ trong huyền thoại Mường Trời/ Lặng im cái nhìn bối rối/ Lửa lòng cháy đến khôn nguôi”. Thì ra sức sống mạnh mẽ của tự nhiên đã thắp lên trong lòng nhà thơ một ngọn lửa tình yêu bất diệt. Điện Biên và Tây Bắc hôm nay đã sang trang sử mới, búp non tơ trên những ngón tay thon, trên những búp chè thơm e ấp, gọi nắng, tỏa hương.

Rung cảm trước nhịp sống sinh sôi bất tận của cuộc sống mới, mỗi nhà thơ diễn đạt theo cách riêng của mình, như một bản hòa tấu của mùa xuân.

 Nhà thơ Thế Sinh lại không cầm lòng được trong bài “Về một nhành ban tím”, một bài thơ văn xuôi đầy nhạc điệu, giàu chất thơ và tình người: “Núi đổ xuống một chiều sóng sánh, mây trắng dâng đèo ách lưng trời, sơn ca hót cánh rừng xanh rịm, sơn ca hót tình miền xa xôi...”. Miền xa xôi ấy không chỉ là Mường Lò mà còn là Tây Bắc hào hùng và huyền thoại. Sự cuốn hút của những điệu xòe, của miệng cười duyên, đến: “Ngực cũng nưng nức hương đồng Mường Lò mùa lúa chín...” làm cho nhà thơ bị bỏ bùa mê “theo em lên thác xuống ghềnh”.

Trong bài thơ không chỉ như nhạc khúc yêu thương bay vút giữa trời tự do mà còn có nhiều hình ảnh nghệ thuật đẹp: “Ngôi nhà sàn dấu chân hoa nở mỗi đêm xuân vui có hội xòe... xòe cho tình ta giăng mắc như thổ cẩm dệt và bốc cháy cả lời tỏ tình chuyếnh choáng lên môi”. Say tình đất, tình người, tác giả không kìm được lòng mình khi: “Bỗng một chiều biền biệt em tôi... chỉ nhành ban tím ướp một trời thương nhớ miền Tây!”.

Nhà thơ Nguyễn Ngọc Trìu lại có sự cảm thông với những khó khăn vất vả của cô giáo vùng cao qua bài: “Nhớ chiều mưa Khau Phạ”: “Dịu dàng vắt qua Khau Phạ/ Lời mời dang dở dưới mưa/ Cô giáo vùng cao về bản/ Suối theo em đến xa mờ”. Là nhà giáo nên nhà thơ Ngọc Trìu có sự đồng cảm sâu sắc với những người “cõng chữ” lên non. Trong bài có nhiều hình ảnh rất thực và lạ: “Cổng trường đá ngồi lặng lẽ/ Nỗi buồn gửi trắng lòng khe”. Nhà thơ trăn trở: “Ta có mang Khau Phạ về đâu/ Sao mây cuồn cuộn mãi trong đầu/ Gió ngàn thổi đến đau chân tóc/ Giật mình tỉnh dậy giữa vì sao”. Hình ảnh “mây cuồn cuộn mãi trong đầu” và “gió ngàn thổi đến đau chân tóc” đầy nhân bản, day dứt mội nỗi niềm.

Nhà thơ Hiền Lương với bài: “Vào Nghĩa Lộ” lại đem đến cho người đọc những rung cảm nghệ thuật bất ngờ: “Anh để lại từ bên kia đèo ách/ Những âu lo toan tính thường ngày/ Để tất cả chỉ mong vào trong ấy/ Một tình yêu như thuở thơ ngây”.

Dẫu đã bao lần nhà thơ đến với Nghĩa Lộ nhưng có lẽ lần này anh đã bắt gặp một hình ảnh rất thực nhưng cũng rất ảo, đầy ám ảnh, suy tư: “Anh soi mình vào dòng xa vắng/ Như soi vào đáy mắt người thương”. Dòng xa vắng ấy phải chăng là ngọn nguồn lịch sử, tất cả phải trung thực như soi vào ánh mắt người thương.

Câu kết bài để lại trong lòng người đọc nhiều xúc cảm và day dứt: “Một đoạn đường nữa thôi, một đoạn đường rất ngắn/ Khoảng cách có đâu xa mà chưa thể tận cùng”. Mà làm sao có thể đi hết tận cùng được khi mỗi hòn đất, thớ cây, ngọn cỏ từng thấm máu của bao thế hệ.

Trong tập còn có thơ của nhà thơ Nguyễn Đức Phương với “Người đẹp Mường Lò”. Người đẹp Mường Lò bước ra từ “lửa vòng xòe”, “từ bông ban trắng”... Âm hưởng của dân ca Thái được sử dụng khá nhuần với cách thay đổi nhịp điệu phù hợp với diễn biến nội tâm đã thổi hồn vào một tứ thơ không mới, làm cho “Người đẹp Mường Lò” trở thành  một trong những bài thơ hay viết về Nghĩa Lộ. Còn bài “Đêm Mường Lò” của nhà thơ Vũ Quí sau khi được nhạc sĩ Thanh Bình phổ nhạc đã trở thành ca khúc đi cùng năm tháng, sống mãi với thời gian.

Có thể nói những bài thơ của các nhà thơ Yên Bái trong tập: “Trời Điện Biên mây trắng” đã góp phần tái hiện chiến thắng lừng lẫy địa cầu của Việt Nam trên chiến trường Điện Biên. Đó còn là lòng biết ơn với những anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì nước. Bên cạnh đó nhiều bài tập trung khắc họa nhịp sống mới đang sinh sôi nẩy nở trên chiến trường xưa, không trở lực nào ngăn được.

Trần Vân Hạc

Các tin khác

Việc bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử cũng như các di sản văn hóa dân tộc là một nhiệm vụ then chốt trong Chiến lược phát triển văn hóa của đất nước, góp phần giữ gìn cốt cách, tâm hồn và bản lĩnh Việt Nam.

YBĐT - Ngày 24/4, tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh - thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái), Văn phòng Quốc hội, Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Bác phối hợp với UBND thị xã Nghĩa Lộ tổ chức lễ trao tặng tư liệu, hiện vật và phương tiện tuyên truyền về Bác Hồ cho Khu tưởng niệm chủ tịch Hồ Chí Minh - thị xã Nghĩa Lộ.

Nhà báo Giản Thanh Sơn tại lễ ra mắt sách

Cuốn sách về nhà báo, nhiếp ảnh gia kỳ cựu Nick Út mang tựu đề Nick Út – Huyền thoại giản dị vừa được ra mắt tại thành phố Hồ Chí Minh.

Một bức ảnh về “Đội quân tóc dài”, niềm tự hào của nhân dân, nỗi khiếp sợ của quân thù).

Song song với triển lãm này, cũng diễn ra triển lãm trưng bày hình ảnh về sự phát triển của TP.HCM sau 39 năm thống nhất đất nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục