Bộ phim hoạt hình 3D hấp dẫn về chiến dịch Điện Biên Phủ

  • Cập nhật: Thứ sáu, 2/5/2014 | 8:57:49 AM

Bằng thủ pháp hoạt hình 3D, đạo diễn Hà Bắc đã tái hiện sinh động về chiến dịch Điện Biên Phủ và chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Trong rất nhiều thước phim hoành tráng về chiến dịch Điện Biên Phủ cũng như về Tướng Giáp, có lẽ không thể tìm thấy trong phim tài liệu hay ảnh lưu trữ của bất cứ bảo tàng, hãng phim nào trên thế giới về cái đêm Đại tướng trằn trọc, suy tư để đưa ra quyết định lịch sử, chuyển từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Đêm 25/1/1954, ít ai hình dung ra được bàn tay của Đại tướng trăn trở trên tấm bản đồ lòng chảo Điện Biên, suy tính cho đường đi nước bước của chiến dịch.

Đạo diễn, NSND Hà Bắc

Nhưng bằng thủ pháp hoạt hình, đạo diễn, NSND Hà Bắc, đã lao động miệt mài trong 2 năm để cho ra đời bộ phim hoạt hình “Quyết định lịch sử”.

“Lát cắt” tinh tế về nhân cách và cuộc đời Đại tướng

“Quyết định lịch sử” được hoàn thành vào năm 2011, khi Đại tướng tròn 100 tuổi. Nhưng cho đến nay, mỗi dịp kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, bên cạnh những tác phẩm đồ sộ khác, những thước phim hoạt hình 3D của đạo diễn Hà Bắc vẫn còn nguyên sức sống khi chạm đến cảm xúc của nhiều hệ khán giả trong đó có rất nhiều bạn trẻ.

Không phải là bộ phim đầu tiên về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhưng sự “đắt giá” mà “Quyết định lịch sử” làm được chính bởi đạo diễn Hà Bắc đã chọn một khoảnh khắc để vẽ lên chân dung toàn diện của Đại tướng. Ông phải đối mặt với thách thức làm sao để tìm một “lát cắt” để khắc họa chân thực nhất về tài năng, đức độ cũng như chiến công hiển hách của nhà cầm quân tài ba.
Bằng việc nghiền ngẫm hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và "Hồ Chí Minh tuyển tập" (giai đoạn 1953 -1954) cùng nhiều tài liệu lịch sử khác, cộng thêm những chuyến thăm bảo tàng Lịch sử Quân sự, bảo tàng Điện Biên, chiến khu Mường Thanh…, đạo diễn Hà Bắc đã chọn đi sâu vào đêm 25/1/1954, khoảng thời gian Đại tướng Võ Nguyên Giáp trằn trọc, suy tư để đi đến quyết định “kéo pháo ra” khi mọi lực lượng đã sẵn sàng chỉ còn chờ hiệu lệnh tiến công.

Đạo diễn Hà Bắc khẳng định: “Trong cuộc đời của Đại tướng, nếu không có quyết định này thì không có Võ Nguyên Giáp, không có Điện Biên Phủ và không có độc lập dân tộc. Tư tưởng chiến tranh của Đại tướng thể hiện trong “quyết định lịch sử” ấy. Đầu tiên phải bảo toàn lực lượng, đảm bảo ít tổn thương quân số nhất, chứ không phải bất chấp tất cả để giành chiến thắng. Đấy là tư tưởng lớn làm cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở nên vĩ đại.”

Làm phim cũng như đánh trận: Đánh chắc, tiến chắc

Từ xưa đến nay, hoạt hình Việt Nam thường chỉ là những bộ phim đồng thoại, phim vui, lấy loài vật làm tâm điểm. Làm phim hoạt hình về đề tài lịch sử, lại có tính chất như phim tài liệu, nhân vật là người anh hùng dân tộc là một sự “mạo hiểm” lớn của đạo diễn Hà Bắc.

Đạo diễn Hà Bắc chia sẻ: “Đại Tướng Võ Nguyên Giáp và Bác Hồ đã đi sâu vào tâm trí mỗi người Việt Nam như một tượng đài vĩ đại. Nếu làm không xứng tầm, chỉ cần một chút sơ sẩy sẽ bị “ném đá” đến nơi đến chốn”.

Đối mặt với không ít khó khăn, nhưng đạo diễn Hà Bắc cùng cả ê-kíp đều tâm niệm: “Làm phim với một quyết tâm như đánh trận Điện Biên Phủ, “đánh chắc, tiến chắc” chứ không “đánh nhanh, thắng nhanh”.

Hình ảnh bộ đội kéo pháo được tái hiện trong bộ phim


Để gói gọn chiến dịch Điện Biên Phủ trong 20 phút ngắn ngủi, đạo diễn Hà Bắc đã phải “liệu cơm, gắp mắm”, lựa chọn những chi tiết sao cho ước lệ nhất, nhưng lại phải gây ấn tượng mạnh trong thời gian ngắn. Theo ông, chiến dịch Điện Biên Phủ kéo dài 2 - 3 tháng, từ khi chuẩn bị cho đến khi bắt đầu nổ súng tấn công là 57 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm”. Điều này đòi hỏi phim phải biết “nhấn chỗ nào, buông chỗ nào”.

Đạo diễn Hà Bắc chọn tập trung làm nổi bật khâu chuẩn bị với những khó khăn của bộ đội ta để Đại tướng đưa ra quyết định lịch sử. Bằng thủ pháp riêng của hoạt hình, kết hợp với âm nhạc, âm thanh, ánh sáng… bộ phim chỉ với 20 phút đã tái hiện được tầm vóc của cuộc chiến, giúp khán giả hình dung ra được thế nào là đoàn quân kéo pháo, người dân công… cũng như tái hiện hình ảnh sự hy sinh của những người anh hùng Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót… gây xúc động mạnh mà không một bộ phim tài liệu nào ghi lại được.

Hình ảnh Anh hùng Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo trong phim

Bên cạnh việc khắc họa cuộc chiến vĩ đại của dân tộc bằng những thước phim hoành tráng, điểm nhấn của bộ phim tập trung vào hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong đêm suy nghĩ khi đưa ra quyết định lịch sử - 25/1/1954. Không nhiều hành động, Đại tướng đêm đó gần như chỉ ngồi. Duy nhất bàn tay cầm bút chì đặt trên bản đồ lòng chảo Điện Biên là có ngón tay cử động diễn tả nội tâm. Đạo diễn Hà Bắc chọn tập trung vào đôi mắt quắc thước, đôi mày nhíu lại nhìn vào khoảng không vô định. Người xem cảm nhận được thần thái, tâm tư Đại tướng đang có sự đấu tranh một mất, một còn.


Bên ngọn đèn leo lét, ngoài cửa lán ánh trăng chênh chếch báo hiệu trời chuyển dần về sáng… sau những giây phút trĩu nặng suy tư, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đưa ra “quyết định lịch sử”.

Đôi mắt quắc thước, đôi mày nhíu lại nhìn vào khoảng không vô định thể hiện tâm tư Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang có sự đấu tranh một mất, một còn.

Bộ phim khép lại với hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc hầm tướng De castries trên nền nhạc “Giải phóng Điện Biên”. Chỉ 20 phút ngắn ngủi, nhưng phim hoạt hình “Quyết định lịch sử” là một món ăn nghệ thuật khác lạ, bên cạnh những tác phẩm đồ sộ, hoành tráng khác về chiến dịch Điện Biên Phủ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Chia sẻ về thông điệp mà bộ phim muốn gửi gắm đến khán giả, đạo diễn Hà Bắc cho biết: “Phim là sự tri ân những người cựu chiến binh có tuổi đã từng sống qua giai đoạn lịch sử nhớ lại những năm tháng hào hùng.Còn lớp trẻ, đây là bài học lịch sử tôi nghĩ rằng rất có tác dụng. Tôi cố gắng bằng chút tài mọn của mình muốn đem lại cho thế hệ trẻ hình dung ra được thế nào là kéo pháo, thế nào là dân công, thế nào là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, và thế nào là những anh hùng liệt sỹ…, để các em tự hào về lịch sử dân tộc, ghi nhớ công ơn của những thế hệ cha ông”.

(Theo VOV)

Các tin khác
Đây là tượng vàng Oscar duy nhất trong sự nghiệp của quay phim Gregg Toland (1904-1948). Ông được coi là một trong những quay phim có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử điện ảnh Mỹ. Bên cạnh phim “Đồi gió hú”, Toland còn là quay phim của “Citizen Kane” (Công dân Kane - 1941) và “The Best Years of Our Lives” (Những năm tháng khó quên - 1946).

Tượng vàng Oscar từng được trao cho quay phim Gregg Toland năm 1939 khi thực hiện bộ phim “Wuthering Heights” (Đồi gió hú) vừa được đem ra bán đấu giá trong tuần này và thu về 150.000 đô la (gần 3,2 tỉ VNĐ).

Ảnh minh họa.

Ngày này cách đây 39 năm, chiếc xe tăng của quân giải phóng tiến vào húc tung cánh cửa chính của Dinh Độc lập, buộc Tổng thống cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh cùng toàn bộ những nhân vật chủ chốt của nội các chính quyền Sài Gòn phải đầu hàng vô điều kiện.

3.800 diễn viên đã mang đến một màn đại trình diễn trên một sân khấu khổng lồ (gần 1.000m đường phố) tại Carnaval Quảng Ninh 2014.

Khách tham quan xem đồ án công viên khảo cổ Hoàng thành.

Sáng 30-4, tại Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội (19C Hoàng Diệu, Hà Nội) đã diễn ra triển lãm trưng bày sáu đồ án kiến trúc bảo tồn khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục