Triết lý dân gian và tính nhân văn trong lễ cưới người Dao quần chẹt
- Cập nhật: Thứ tư, 14/5/2014 | 3:24:34 PM
YBĐT- Lễ cưới hỏi của người Dao quần chẹt xưa kia phải trải qua tới 8 bước lễ nghi thì mới hoàn thành một lễ cưới, đó là lễ dạm hỏi, lễ thông đường, lễ định cha mẹ, lễ xin định lễ vật, lễ xem ngày và định ngày cưới, lễ cưới, lễ lại mặt.
Đón nàng dâu mới.
(Ảnh: Pa Ri)
|
Các nghi lễ này đều có những nét khá độc đáo so với nghi lễ cưới hỏi của các dân tộc khác ở vùng núi phía bắc Việt Nam. Ở đây, xin được nói về một số nét độc đáo riêng trong lễ cưới.
Trong ngày cưới, nhà gái trước đây không phải chuẩn bị tiệc cưới mà nhà trai khi đi rước dâu phải mang theo các lễ vật làm cỗ cưới cho nhà gái để thể sự trân trọng của nhà trai với nhà gái. Đoàn đi đón dâu nhất thiết phải đi theo số chẵn và chú rể, bố mẹ chồng không được có mặt trong đoàn. Trong số những lễ vật mang đi, ngoài những thứ mà hai bên đã định trong ngày định lễ, nhà trai còn phải mang theo gia vị, trầu cau, dao, thớt… vì phải kiêng dùng đồ vật của nhà gái.
Sau khi ông “mờ” đại diện cho nhà trai xin phép nhà gái được sắm sửa cỗ bàn thì nhà trai phải chú ý làm trước những lễ vật để dâng cúng tổ tiên nhà gái, sau đó mới làm đến cỗ tiếp khách. Nhà trai được ở lại bên nhà gái một đêm và sau khi ăn tiệc xong thì nam, nữ hai nhà cùng nhau vui hát đối đáp. Sinh hoạt văn nghệ này không chỉ làm cho không khí của lễ cưới thêm vui vẻ, đầm ấm, thân thiện mà còn là cơ hội để những chàng trai, cô gái chưa vợ, chưa chồng giữa hai họ được làm quen rồi lại có thể đi đến kết duyên chồng vợ.
Qua một đêm, sáng hôm sau hai bên lại cùng ăn cỗ sáng rồi nhà trai xin phép được đón dâu. Đoàn đưa dâu của nhà gái không quy định số lượng chẵn, lẻ và càng đông thì càng vui. Cô dâu mặc trang phục truyền thống gồm áo dài đến ngang gối, quần chẹt đều nhuộm chàm có thêu hoa văn sặc sỡ, thắt lưng lụa màu và đầu đội khăn chàm cũng thêu hoa văn.
Trước khi rời nhà, cô dâu phải làm lễ bái chào tổ tiên rồi ông mờ nhà gái sẽ làm nghi lễ bùa chú cho ma quỷ không nhập vào cô dâu cũng như những người trong đoàn đưa đón để tránh những hậu quả không tốt trong và sau lễ cưới.
Khi dâu về đến nhà chồng, chú rể cùng bố mẹ tạm lánh sang nhà hàng xóm nhằm tránh trường hợp cô dâu cao số sẽ gây bất hòa trong cuộc sống sau này. Cô dâu bước vào nhà phải đi cửa bên cạnh vì cửa chính chỉ dành riêng cho thầy cúng. Khi đoàn đưa đón dâu đã vào trong nhà, bố mẹ chú rể mới xuất hiện chào hỏi và mời mọi người ăn cỗ.
Tàn bữa tiệc thì mới đến lễ thành thân của cô dâu chú rể. Chú rể được ông mờ nhà trai dẫn về trong trang phục khăn xếp, áo the, quần trắng và cô dâu được đưa đến đứng ngang hàng với chú rể, mặt hướng vào bàn thờ để thầy cúng làm lễ se duyên. Sau đó, thầy cúng đưa chú rể lên đứng trước mặt cô dâu, nhìn ra phía ngoài với mong muốn thể hiện mình là chủ của ngôi nhà này và sẽ đón nhận được sự tôn trọng của vợ.
Sau thủ tục hôn lễ, cô dâu, chú rể đi mời trầu thuốc các vị khách trong nhà và phải mời đầy đủ để tránh tiếng người trọng, người khinh. Mời trầu thuốc xong, chú rể phải ngồi quỳ để thể hiện sự trân trọng với khách. Tiếp đó, dâu rể tiến đến bên cạnh ông mờ để nghe căn dặn về đạo dâu con, chồng vợ.
Ngày xưa, sau nghi lễ này thường hai họ cùng ăn một bữa cỗ nữa, còn ngày nay thì chỉ có trường hợp hai nhà ở xa nhau mới ăn để lúc nhà gái trở về không bị đói do lễ se duyên cũng được tiến hành khá lâu. Đến lúc khách ra về thì dâu rể bưng cơi trầu, khay rượu đi mời như một sự cảm ơn trước lúc chia tay. Lúc này mọi người mới mang quà ra mừng dâu rể với ý nghĩa mừng cho vợ chồng trẻ cái kim sợi chỉ để dâu may vá, còn mừng rể để mua giấy mực trau dồi bút nghiên cho bằng thầy, bằng bạn, vì người đàn ông Dao rất coi trọng sự thông thạo chữ nôm Dao cũng như thư tịch cổ để còn làm lễ Cấp sắc làm thầy.
Kết thúc lễ cưới, nhà trai chọn ngày đẹp nhưng phải là ngày chẵn và số người cũng chẵn để đi lễ lại mặt. Lễ lại mặt nhất thiết phải có 120 đôi bánh rán, vài cân thịt, giấy viết, một chú gà to, một đôi gà nhỏ có trống có mái. Cô dâu xách gà đi trước, chú rể gánh lễ vật khác đi sau. Khi đến nhà gái, ông mờ lại xin phép nhà gái được bày lễ vật trước bàn thờ tổ tiên để cúng xin nhận mặt chú rể. Chú rể đứng hoặc quỳ trong lúc làm lễ cúng để tổ tiên dễ nhận mặt.
Sau lễ cúng, những lễ vật trên được nhà gái san sẻ một phần gửi lại nhà trai rồi nhà gái sẽ thả con gà mái nhỏ của nhà trai vào chuồng của mình và thay vào đó là một chú gà mái nhỏ của mình vào lồng con gà trống để nhà trai mang về với ý nguyện mong muốn con gái của mình sẽ mang lại sự phát triển cho cuộc sống gia đình nhà trai. Trên đường về, chú rể lại là người đi trước, cô dâu đi sau để cuộc sống của họ luôn được gắn kết chứ không ai được chen ngang.
Qua những nét độc đáo trong lễ cưới của người Dao quần chẹt cho thấy, nghi lễ này thể hiện rất sinh động, biện chứng trong quan niệm nhân sinh, đồng thời, nó cũng thể hiện cả những yếu tố tâm linh của người Dao quần chẹt và sự ứng xử giàu tính nhân văn trong cuộc sống cộng đồng từ thuở xa xưa.
Sơn Nam
Các tin khác
Sáng 14-5, tại thị trấn Trà Xuân, UBND huyện Trà Bồng (tỉnh Quảng Ngãi) tổ chức Lễ hội Điện Trường Bà năm 2014 và đón nhận Bằng Di tích lịch sử Quốc gia Điện Trường Bà đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định xếp hạng vào ngày 9-5-2014.
Liên hoan phim quốc tế Cannes lần thứ 67 có 18 phim tham gia tranh giải Cành cọ Vàng và 20 bộ phim sẽ được trình chiếu.
YBĐT - Các dân tộc sống ở vùng rừng núi từ xa xưa đã quan niệm sống chết nhờ rừng. Đúng vậy, từ thuở tổ tiên ta còn sống theo lối săn bắt, hái lượm thì tất cả mọi thứ đều nhờ ở rừng. Khi con người từng bước chế ngự và làm chủ thiên nhiên thì rừng vẫn cho con người bao sản vật và nguồn nước để sinh hoạt, trồng cấy, chăn nuôi. Đến khi con người giã từ cuộc sống thì rừng lại là nơi ký thác thân xác và hồn vía.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa quyết định xếp hạng 2 di tích quốc gia tại tỉnh Quảng Ngãi và Nghệ An.