Tiếng lòng dân tộc
- Cập nhật: Thứ tư, 21/5/2014 | 9:09:49 AM
YBĐT - Cả nước đang hướng về biển Đông, từng ngày từng giờ nóng lòng cập nhật tin tức từ điểm nóng Hoàng Sa. Ở thời điểm này, tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc như sóng ngầm được khơi dậy trào dâng mạnh mẽ.
|
Trên mạng xã hội, đồng hành cùng các báo mạng điện tử đăng tải tin tức về biển Đông là hàng ngàn, hàng vạn suy tư, cảm xúc của những trái tim yêu Tổ quốc. Và cũng nhiều lắm những vần thơ nghẹn ngào được kết tinh như tiếng lòng dân tộc nóng hổi tính thời sự đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo bạn đọc.
Bài thơ “Giấc mơ đêm qua” của Lê Thống Nhất vừa đăng tải trên báo Giáo dục Việt Nam đã được truyền nhanh trên mạng xã hội. Từ nỗi lòng trăn trở của tác giả trước tình hình biển Đông, bài thơ phát triển và lan tỏa như lời của hàng triệu trái tim Việt ở thời điểm này: “Chuyện ở biển ắt sẽ làm sóng dậy/Chuyện anh em chưa hề thấy bao giờ/ Chuyện bên nhau có lúc vẫn như mơ/ Chuyện bây giờ chẳng ai thờ ơ sống”. Như để minh chứng cho khẳng định trước đó rằng chuyện ở biển vào lúc này đây chẳng ai có thể thờ ơ sống, lời thơ nghẹn ngào chân thực:
“…Bác nông dân dừng cày bên thửa ruộng
Chị lao công quét rác cũng nghẹn ngào
Ông nhiều tuổi rồi vẫn bực tức ra vào
Em nhỏ thơ ngây cũng thấy nao nao lắm!”
Tất cả đều trào dâng cảm xúc âu lo và bất bình trước hành động ngang ngược của “ông bạn láng giềng”. Thực tại là vậy, còn truyền thống là đâu và tác giả đã nhắc lại truyền thống cha ông xưa trong hành trình giữ nước:
“…Sông Hồng từ đâu mà tươi máu thắm?
Cả dãy Trường Sơn xương trắng bao người
Hội nghị Diên Hồng, bóp trái cam tươi
Thấy cả trong mơ triệu người: Sát Thát!”
Tinh thần yêu nước, căm thù giặc ngoại xâm vẫn bất diệt tự ngàn xưa với những trận chiến giữ yên bờ cõi, hay hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc đã ghi vào sử sách hào hùng. Ngày đêm trăn trở đau đáu về tình hình căng thẳng ở biển Đông, tác giả đã thức trong mạch nguồn cảm xúc: “Giấc mơ đêm thấy lòng như đau cắt/Mắt mở ra chẳng thấy mắt nhắm vào”. Để rồi khi bừng tỉnh khỏi dòng suy nghĩ miên man mới: “…Chợt đứng lên và nhìn tận biển xa/ Ta không ngủ bởi vì là sóng gọi”. Con sóng dữ biển Đông vẫn đang từng phút giây gọi về mỗi người dân đất Việt. Bởi chừng nào biển chưa bình yên trở lại thì còn chưa thể yên lòng, để rồi tác giả kết bài trong ngổn ngang tâm trạng, đau đáu và âu lo:
“… Những ngày này giấc ngủ sao khó thế?
Trời không giông sao sóng bể thét gào?”
Đó còn là những vẫn thơ của kiều bào ở xa Tổ quốc, đau đáu hướng về quê hương khi nghe tin dữ:
“Chúng tôi những người con xa xứ,
Đang từng ngày dõi mắt về quê hương,
Thương Hoàng Sa đang dậy sóng biên cương,
Cả đất nước đương đầu quân xâm lược.”
Và rồi tác giả đã bình tâm trước ý chí và quan điểm lập trường của ta: “Cảnh sát biển vẫn lập trường chắc nịch/ Biển Việt Nam là của Việt Nam/ Chẳng có ai có thể làm càn/Trên vùng biển, vùng trời Tổ quốc”. Lời thơ chân thực đậm tính thời sự khi mở ra bức tranh toàn cảnh về phản ứng của người dân trong nước và kiều bào nước ngoài cực lực phản đối hành động của Trung Quốc: “Triệu triệu người dân bằng tình yêu đất nước/ Đã xuống đường phản đối giặc ngoại bang/Khẩu hiệu, băng rôn, lời hát rộn vang/ Mong bình yên vẹn nguyên trên Tổ quốc”. Và đối với người Việt ở xa Tổ quốc cũng đồng lòng lên tiếng:
“… Từ liên bang Nga, Nhật Bản hay Thái Lan,
Triệu trái tim sục sôi lòng yêu nước,
Tuần hành chống bọn xâm lăng ngang ngược,
Mong mỏi hòa bình về lại đất quê hương.”
Bài thơ kết lại trong niềm tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, niềm tin vào chính nghĩa của một dân tộc anh hùng:
“…Gửi niềm tin yêu về quê hương, về Đảng,
Luôn sát vai vì Việt Nam tươi sáng,
Quyết giữ gìn từng tấc biển quê hương.”
Có lẽ hình ảnh xúc động trở đi trở lại rất nhiều trên các trang báo điện tử và mạng xã hội là bức ảnh người mẹ tiễn con trai lên đường làm nhiệm vụ. Đó là hình ảnh một bạn trẻ mặc áo lính hải quân và người mẹ với ánh mắt thất thần ôm con trai trong giờ phút chia tay đã khiến tất thảy như nghẹn lại. Bức ảnh ấy được minh họa cho bài thơ “Mẹ ơi! Con phải đi” của tác giả Lưu Ngọc Giang:
“Ngày mẹ trao núm ruột của mình cho Tổ quốc
Nước mắt mẹ đã không còn chảy được
Tim đập sau lưng mắt con nhìn về trước
Về nơi tuyến đầu Tổ quốc gọi tên con…”
Những vần thơ chân thực nhất là những vần thơ xúc động nhất. Trước biến cố của đất nước, tinh thần dân tộc, tình yêu đất nước mãnh liệt hơn bao giờ hết, để rồi muôn người như một bởi những chia sẻ hao hao như thế: “Chúng tôi đã sẵn sàng khi Tổ quốc gọi tên”; “Sẵn sàng lên đường bảo vệ chủ quyền biển đảo”; “Hướng về biển đảo quê hương”; “Quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo”… Chính bởi thế mà hình ảnh người mẹ trong giờ phút trao đứa con thân yêu cho Tổ quốc đã trào lên niềm cảm xúc mãnh liệt trong cộng đồng. Sự hy sinh của mẹ Việt Nam vì bình yên của Tổ quốc ở thời nào cũng vậy, không hề đổi thay.
Đặc biệt hơn có lẽ là bài thơ “Tiếng biển” với dòng ghi chú ngay dưới tiêu đề bài thơ (Gửi về đất liền và gia đình yêu thương) đã gây xúc động cả triệu trái tim trong bối cảnh này, thời điểm này. Bài thơ là tình cảm của người lính đảo bình dị, tràn yêu thương với vợ con nơi quê nhà khiến người đọc như thắt lòng:
“Vợ yêu ơi em có nghe tiếng biển
Lúc gầm vang lúc rì rào tha thiết...
Những ngày này trong mỗi người dân Việt
Tiếng biển cuộn trào, tiếng biển sục sôi…”
Không kể xiết những lời bình xúc động về bài thơ. Chính ngôn từ mộc mạc mà cảm xúc rất đỗi chân thực đã làm lay động khi lòng người đang hướng về biển đảo, về những người lính đang ngày đêm bám biển và đối mặt với hiểm nguy. Và rồi lại nghẹn lòng bởi tình cảm bình dị của người lính khi trở về cảm xúc của người cha. Vì sự bình yên của Tổ quốc không chỉ các anh mà gia đình vợ con các anh đã gánh về mình những thiệt thòi bởi xa cách, bởi nhớ nhung để rồi chỉ mong ước giản đơn:
“Em hãy đưa điện thoại kề gần nôi
Để con chúng mình nghe tiếng của biển khơi
Anh không thể ẵm bồng ru con ngủ
Gửi tiếng biển về yên giấc con thôi…
Em có nghe tiếng biển trong lòng người
Tiếng của hòa bình, tiếng hạnh phúc vui tươi”
Biển đang có sóng dữ, vậy nhưng các anh vẫn vững lòng và gửi lời động viên về đất liền hãy cứ yên tâm nơi đảo xa, các anh vững vàng bám biển. Lời tâm sự của người lính đảo với vợ nơi quê nhà nhưng đã bao hàm ý nghĩa lớn lao về quê hương, đất nước khi lời thơ đã khéo léo lồng tình hình biển Đông:
“Biển xanh yên lành đâu muốn máu đỏ rơi
Đảo nhỏ yêu thương chỉ mong tiếng biển cười
…Anh biết đất liền đang lo lắng khôn nguôi
Đâu riêng vợ yêu mà hàng triệu triệu người
Hướng về phía Đông lặng nghe tiếng biển”
Sự thật là biển đang dậy sóng, con sóng dữ đang trĩu nặng âu lo trong lòng vợ con, những người thân yêu của các anh và triệu triệu người dân nước Việt khi các anh đang ngày đêm đối mặt nơi tuyến đầu. Bài thơ khép lại giản dị và xúc động:
“…Vợ yêu ơi… anh phải đi trực rồi
Phút chào nhau tiếng biển bỗng mặn môi
Chiều nay nhé hết ca anh lại hẹn
Gọi để vợ nghe tiếng biển… tiếng yêu đời.”
Lời hứa về “tiếng biển yêu đời” về cuộc gặp gỡ trong yêu thương nồng nàn của người lính biển với gia đình như lời nhắn gửi về tinh thần lạc quan, vững vàng trước sóng dữ của các anh ở nơi tuyến đầu còn không ít cam go đã mở ra một tương lai ngày mới, đó là sự bình yên của biển.
Xin được khép lại bài viết này bằng những vần thơ đanh thép:
“Đất nước tôi mong muốn được bình yên
Muốn hòa bình ổn định cùng phát triển
Nhưng một khi “bạn” xâm lấn chủ quyền
Sóng lại về - con sóng Bạch Đằng Giang”
Cả đất nước đang trải qua những ngày đấu tranh mạnh mẽ bảo vệ chủ quyền biển đảo. Những vần thơ, những cảm xúc là tiếng lòng dân tộc khẳng định sức mạnh đoàn kết, đồng lòng một tình yêu Tổ quốc như sợi dây vô hình mà bền chặt góp phần chặn bước kẻ thù. Tin tức mới nhất lại bay về từ Biển đảo: “Tàu Việt Nam kiên cường phá vây hàng loạt tàu Trung Quốc” đăng trên báo Tuổi trẻ Online. Cán bộ chiến sĩ trên các tàu của ta đang đấu tranh kiên quyết, kiên trì, dũng cảm, mưu trí, linh hoạt giữ vững được chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc thân yêu!
Ngọc Tú
Các tin khác
Nhiều bộ phim mang đề tài chiến tranh nhưng vẫn đậm chất nhân văn, khát khao hòa bình, đồng thời thể hiện rõ tinh thần bất khuất, kiên cường của dân tộc Việt Nam đã được Cục Điện ảnh, Viện phim Việt Nam phối hợp cùng các cơ quan chức năng tích cực đưa ra nước ngoài trong thời gian qua với nhiều hình thức, nên khán giả nước ngoài có dịp được chứng kiến và hiểu rõ thêm về lịch sử hào hùng của nước ta.
Lần đầu tiên Hội nghị khu vực châu Á Thái Bình Dương của CISAC - một trong những tổ chức bảo vệ bản quyền lớn nhất thế giới được tổ chức tại Hà Nội, từ ngày 19-20/5, với sự tham dự của hơn 20 quốc gia.
Theo Quyết định số 1358/QĐ-BVHTTDL của Bộ VH,TT&DL, Liên hoan Ca trù toàn quốc năm 2014 sẽ được tổ chức vào tháng 8 tại Thủ đô Hà Nội.
Chiều 19-5, nhân Kỷ niệm 124 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 – 19-5-2014), Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Lào phối hợp Hội Mỹ thuật Lào và Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh tổ chức triển lãm giao lưu mỹ thuật Việt – Lào.