Tạp chí Văn nghệ Yên Bái “bức ký họa” hiện thực đời sống xã hội
- Cập nhật: Thứ tư, 11/6/2014 | 7:55:24 AM
YBĐT - Xác định là một trong những cơ quan báo chí chính thức của tỉnh, Tạp chí Văn nghệ Yên Bái trong những năm qua luôn bám sát hiện thực đời sống xã hội, kịp thời đưa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đến gần độc giả. Điều này được thể hiện rõ nét thông qua mảng ký trên Tạp chí.
|
Các chuyên đề: "Yên Bái trong sự nghiệp đổi mới"; "Chung tay xây dựng nông thôn mới"; "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ chí Minh"; "Tự hào truyền thống quê hương Yên Bái"; "Tự hào truyền thống thành phố Yên Bái anh hùng"; "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống", an ninh biển đảo… luôn là những nội dung được ưu tiên, được đăng tải với vị trí và dung lượng hợp lý trên Tạp chí.
Nhiều tác phẩm đã thể hiện rõ nét tinh thần của "ký" khi viết về người thực, việc thực, tác dụng thực và cảm xúc thực, đã nhận được những phản hồi tích cực từ phía lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành và đông đảo bạn đọc. Rất nhiều tác phẩm đã được công chúng yêu mến và đánh giá cao. Từ đó, các tác phẩm ký trên tạp chí đã có sức truyền tải và lan tỏa riêng, chiếm được lòng tin của nhiều cơ quan, đơn vị và Tạp chí Văn nghệ đã trở thành đơn vị phối hợp trong rất nhiều cuộc thi sáng tác về đề tài văn học nghệ thuật.
Sở Giáo dục và đào tạo, Sở lao động- thương binh và xã hội, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Chi cục Kiểm lâm Yên Bái, Cục Thuế tỉnh, Ban An toàn giao thông tỉnh, thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ… là những đơn vị có nhiều năm phối hợp với tạp chí Văn nghệ để tổ chức các cuộc thi viết ký, đem lại những tác phẩm sống động, nóng hổi, đa chiều và có khả năng tác động lớn tới từng ngành, đơn vị, cá nhân nói riêng và với sự nghiệp phát triển chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội chung của cả tỉnh.
"Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" luôn là đề tài được Tạp chí chú trọng, không chỉ là cử phóng viên đi viết, mà còn là sự động viên, cổ vũ kịp thời đối với đội ngũ hội viên, cộng tác viên khi viết về các tấm gương người tốt việc tốt, các mô hình làm ăn kinh tế giỏi. Rất nhiều bài viết chất lượng đã kịp thời phản ánh, biểu dương những tấm gương vô tư, hết mình vì công việc chung của tập thể, đã thể hiện được những phẩm chất cao đẹp theo tấm gương của Người.
Đó là một chủ nhiệm hợp tác xã sẵn sàng cắm “sổ đỏ” của mình để vay vốn cho hợp tác xã hoạt động với mong muốn tạo công ăn việc làm cho con em cựu chiến binh và các hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn; là một bí thư chi bộ nhiệt tình gắn kết tình làng nghĩa xóm, đưa phong trào phát triển lớn mạnh; là sự vượt qua khó khăn, tìm tòi cái mới để chế tạo ra nhiều loại nông cụ thích hợp với đồng đất quê mình, được người dân ưa chuộng...
Theo đó, Tạp chí đã góp phần phát hiện, nêu gương, nhân rộng những nhân tố mới, điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với nhiều hình thức phong phú, đa dạng và có sức thuyết phục cao.
Với đề tài "Yên Bái trong sự nghiệp đổi mới", đã có rất nhiều tác phẩm viết về những cá nhân, tập thể điển hình, những chuyển đổi về cơ cấu ngành nghề, những động thái cựa mình trong quá trình phát triển của tỉnh. Từ thành thị đến nông thôn, từ thành phố Yên Bái đến các tỉnh vùng sâu, vùng xa như Trạm Tấu, Mù Cang Chải… đều có những tác phẩm tiêu biểu về những con người vượt khó vươn lên hoàn thành nhiệm vụ được giao, lăn lộn trong cuộc sống để phát triển kinh tế trong bối cảnh cả đất nước đang từng ngày thay da đổi thịt.
"Mùa xuân La Pán Tẩn" của Nông Quang Khiêm và "Giám đốc thời mở cửa" của Hoàng Kim Yến đã khắc họa được những nhân tố mới, những con người mới đang nỗ lực hết mình trong sự nghiệp đổi mới chung của toàn tỉnh. Sự xuất hiện liên tục của các tác phẩm viết về đề tài này đã thể hiện sự quan tâm và góc nhìn nhạy bén của tác giả trước vô vàn các vấn đề nảy sinh trong hiện thực đời sống xã hội.
Nói đến nông thôn mới bạn đọc chắc không quên "Khoai môn tím Lục Yên", "Giữa mùa xuân Tuy Lộc", "Măng về với xã Kiên thành", "Đầm ấm Nghĩa An", "Những con đường mùa xuân"... và rất nhiều những tác phẩm khác đã khai thác nhiều mảng nội dung, đề tài khác nhau từ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, làm đường giao thông nông thôn, biểu dương các mô hình làm ăn kinh tế mới, các tấm gương làm ăn kinh tế giỏi… đã tập trung phản ánh những bước chuyển mình, sự đổi thay từng ngày của một nông thôn nơi vùng cao trong tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Riêng mảng đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" là một đề tài khó nhưng các tác giả đã tiếp cận cơ sở, khám phá hiện thực trên nhiều góc độ để mô phỏng hình tượng cao đẹp của người chiến sỹ công an. Các bài viết của Minh Ngọc, Quang Văn và nhiều tác giả khác… đã phản ánh một cách sinh động, chân thực cuộc sống, tình cảm của lực lượng trực tiếp chiến đấu, luôn sẵn sàng hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, vì bình yên và hạnh phúc của nhân dân. Tạp chí Văn nghệ Yên Bái cũng đăng tải bài viết của các cây bút đang công tác trong lực lượng công an như Thiếu tướng Đặng Trần Chiêu, Trung tá Nguyễn Chí Dân với những bài viết phản ánh trung thực, kịp thời các hoạt động của lực lượng công an toàn tỉnh…
Đặc biệt, chuyên mục "Tự hào truyền thống thành phố Yên Bái anh hùng" đã có rất nhiều tác phẩm khắc họa được niềm tự hào về một thành phố giàu bản sắc, truyền thống văn hoá. Đó là rất nhiều những cá nhân điển hình tiên tiến, những tấm gương sáng của cán bộ, đảng viên và nhân dân thành phố trong mọi mặt của đời sống từ lao động sản xuất, phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng đô thị văn minh, sạch đẹp… Đó là sự nỗ lực của các đơn vị tập thể vượt khó, không ngừng vươn lên góp phần tạo nên diện mạo mới nơi thành phố trẻ; là truyền thống anh hùng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố trong quá trình xây dựng và phát triển của thành phố...
Qua các tác phẩm in trên Tạp chí, bạn đọc ấn tượng trước sự cố gắng của các quỹ tín dụng nhân dân (Tín hiệu xanh từ các quỹ tín dụng nhân dân thành phố Yên Bái - Nguyễn Hiền Lương); phấn khởi trước thành quả về công tác dạy nghề của thành phố (Dạy nghề cho nông dân ở thành phố Yên Bái - Nguyễn Thị Tâm) và ngỡ ngàng trước sự thay đổi từng ngày về mọi mặt của những xã thuộc phạm vi thành phố phía bên kia sông Hồng (Đi dọc triền sông - Hải Đường)...
Ngoài các chuyên mục và mảng ký thời sự được ưu tiên trên Tạp chí là mảng ký nghệ thuật với nhiều mảng nội dung, đề tài phong phú, sinh động, phản ánh chân thực hơi thở của cuộc sống đương đại. Đó là tốt xen lẫn với xấu, tích cực lẫn trong tiêu cực, biểu dương khen ngợi đi cùng với phê phán, cảnh báo, cảnh tỉnh. Bên cạnh niềm vui, niềm tự hào của người cầm bút, đôi khi cũng là những băn khoăn, trăn trở trước thực tại cuộc sống.
Những cái tên như Hoàng Thế Sinh, Ngọc Chấn, Thái Sinh, Nguyễn Hiền Lương, Hoàng Việt Quân, Bội Đông, Trần Cao Đàm, Vũ Quang Trung, Thế Quynh, Hoàng Xuân Lý… đã gắn liền với các tác phẩm được bạn đọc đánh giá cao như "Trầm mặc đá"," Cựu binh trên đất nghĩa", "Cuộc thiên di vĩ đại của người Thái đen", "Lục Yên lúa và đá", "Thu thuế ở Mù Cang Chải", "Ta kiêu hãnh nhìn về thành phố", "Âu Lâu thời Điện Biên", "Ngôi nhà nơi ngã ba đường", "Rạng rỡ Bay - on", "Nghĩa tình phía cổng trời"...
Ngoài ra, Tạp chí không chỉ đăng tải các tác phẩm của các tác giả trong tỉnh mà còn một số bài ký của tỉnh ngoài viết về Yên Bái và tác giả Yên Bái viết về địa phương khác.
Thời gian qua, Tạp chí Văn nghệ Yên Bái đã phần nào đáp ứng được những đòi hỏi trực tiếp từ phía bạn đọc thông qua thể loại phóng sự. Các tác giả ít bộc lộ cảm xúc, suy tư nhưng đã thể hiện những khuynh hướng rõ rệt và các vấn đề đã tự thân lên tiếng. Có lúc các bài viết chỉ đơn thuần là những câu chuyện mà người viết đã tham gia, chứng kiến hoặc được nghe thuật lại một cách tường tận và gắn liền với kỷ niệm của người viết hoặc kể với thể loại hồi ký. Đôi khi lại đậm sắc thái trữ tình với những yếu tố liên tưởng, tưởng tượng, cảm xúc xen kẽ với các sự việc trong "bút ký". Tạp chí cũng không "bỏ sót" những "truyện ký" với sự việc và con người xác thực nhưng có sự hư cấu để câu chuyện được hoàn chỉnh.
Như vậy, "ký" trên Tạp chí Văn nghệ không chỉ là những tác phẩm ký "xác thực" với "địa chỉ chính xác của nó" mà còn đảm bảo tính nghệ thuật, tính thẩm mĩ trong mỗi tác phẩm. Bám chặt vào người thực việc thực, các tác phẩm ký đã phần nào rút ngắn khoảng cách giữa sáng tạo nghệ thuật và cuộc sống, phục vụ kịp thời nhu cầu hiểu biết cuộc sống của người đọc. Do đó, các tác phẩm ký không chỉ dừng lại ở hiện thực đời sống mà đã thông qua đó, thổi vào đó ý tưởng của người viết, đem lại những cảm nhận sâu sắc từ phía độc giả và sức lan tỏa của mỗi tác phẩm cũng rộng hơn, sâu hơn, có tác động xã hội mạnh mẽ hơn.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, để Tạp chí có thể bám sát hơn với hiện thực đời sống, rất cần các tác giả công phu hơn nữa, chuyên nghiệp hơn nữa để mạnh dạn đi vào những vấn đề gai góc, tiêu cực chứ không chỉ là âm hưởng ngợi ca một chiều. Và Tạp chí sẽ cố gắng cân bằng giữa tiêu chí thời sự và chất lượng nghệ thuật trong mỗi tác phẩm, đáp ứng nhiều hơn trước yêu cầu ngày càng cao của độc giả…
Nguyễn Ngọc Yến
Các tin khác
Những bức ảnh ấn tượng được chụp từ tầm cao đem lại những cảm nhận hoàn toàn khác lạ. Một bộ ảnh như thế trên báo Anh đã xuất hiện hình ảnh ruộng lúa tuyệt đẹp của Việt Nam.
Ngày 15-6 tới, Đài Tiếng nói nhân dân TP HCM (VOH) tổ chức chương trình ca nhạc đặc biệt “Những người giữ biển” hướng về Biển Đông.
Hãng AFP ngày 10-6 đưa tin, chưa đầy 1 tháng sau khi đăng quang, Weluree Ditsayabut, tân Hoa hậu Hoàn vũ, tuyên bố trả lại vương miện vì không chịu nổi sức ép từ dư luận trong nước.
Ngày 9/6, tỉnh Hà Giang đã khởi công dự án mở rộng khuôn viên tượng đài Bác Hồ với Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang tại khuôn viên Trụ sở Tỉnh ủy.