Giải báo chí Yên Bái 2014: “Mùa gặt” của thành công và khát vọng
- Cập nhật: Thứ sáu, 20/6/2014 | 8:47:04 AM
YBĐT - Giải báo chí Yên Bái năm 2014 đã khép lại với những thành công và khát vọng mới. Mùa giải năm nay đánh dấu sự thành công rõ nét cả về số lượng tác giả, tác phẩm cũng như nội dung đề tài. Giải báo chí Yên Bái đã trở thành giải có uy tín và là sân chơi nghiệp vụ không thể thiếu của giới báo chí trong tỉnh.
Lãnh đạo Báo Yên Bái và Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh trao giải khuyến khích cho các tác giả.
|
Từ 107 tác phẩm được sơ tuyển từ hàng trăm tác phẩm của các chi hội nhà báo trực thuộc, Ban tổ chức đã lựa chọn và trao giải cho 40 tác phẩm của 4 loại hình báo chí, gồm: 5 giải A, 7 giải B, 11 giải C và 17 giải khuyến khích. Các tác phẩm dự giải năm nay đã phản ánh đa diện, sâu sắc đời sống xã hội; nhiều tác phẩm viết về các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, các gương điển hình tiên tiến dưới cách nhìn mới, góc tiếp cận mới đã tạo được những hiệu ứng tích cực. ở đó, người đọc, người xem và người nghe bắt gặp những con người bình dị nhưng trái tim thật lớn lao. Ở đó ta cũng thấy những điều rất gần gũi, thân thương nhưng trên hết đó là khát vọng sống, khát vọng cống hiến.
Đó là hình ảnh của bí thư chi bộ trẻ Sùng A Tỉnh, thôn Bản Lềnh, xã Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn đã lãnh đạo thành công việc “Vận động đồng bào Mông thực hiện nếp sống văn hóa trong việc tang” trong tác phẩm “Chuyện lạ ở Bản Lềnh” của nhóm tác giả Dương Tình - Thủy Nguyên. Trong tác phẩm “Cổ tích giữa đời thường” của tác giả Phan Văn Tuấn, người đọc sẽ vô cùng xúc động trước hình ảnh của cô giáo Nguyễn Thị Hải Vân - Trường Tiểu học Kim Đồng, huyện Yên Bình ngày ngày chống nạng đến trường, nỗ lực vượt khó. Đó còn là hình ảnh của anh Lý Văn Tuyến ở xã Cảm Nhân, huyện Yên Bình - một người thầy bán thân bất toại, còn học trò đều là những trẻ nghèo đến lớp không phải trả tiền học phí. Tác giả Kiều Mười - Đức Thành đã thành công khi khắc họa một tấm gương đẹp, nhân lên một niềm hy vọng mới.
Người xem sẽ bắt gặp một cuộc cách mạng ruộng đất trong tác phẩm “Sức sống của một nghị quyết” của nhóm tác giả Tiến Tuấn - Nguyễn Minh - Trung Dũng. Tác phẩm mang ý nghĩa chính trị to lớn khi nói về thành công của Nghị quyết 06 “Về quy hoạch và tăng cường quản lý đất đai vùng cao”. Thực tế vùng cao cho thấy người thì đất đai nhiều vô kể nhưng lại có người không có đất để sản xuất. Bằng cách làm sáng tạo, sau 4 năm kiên trì vận động, huyện Trạm Tấu có 228 hộ san sẻ 126ha đất sản xuất cho cho 338 hộ nghèo - một con số không hề nhỏ. Nhóm tác giả đã rất công phu theo sát tình hình thực tế trên địa bàn, qua đó tạo sự đồng thuận, tăng niềm tin của người dân vào Đảng. Đây cũng là tác phẩm đoạt giải A thể loại truyền hình.
Giải báo chí Yên Bái đã trải qua 13 mùa giải nhưng đây là mùa giải đầu tiên có 2 giải A được trao riêng cho loại hình báo viết. Với số lượng tác phẩm tham gia nhiều gấp đôi những loại hình khác, có thể nói ở mảng báo viết các tác giả mới có điều kiện để “đào sâu, bới kỹ”. Nhiều tác giả đã theo dõi và bám sát các sự kiện, đi đến cùng để có một câu trả lời thật chính đáng cho những điều còn bất cập, còn nan giải. Loạt tác phẩm “Nửa hành trình “học” làm công bộc của dân” của nhóm tác giả Tuấn Anh - Anh Hải - Ngọc Sơn - Minh Tuấn đã minh chứng cho điều đó. Tác phẩm viết về 20 thanh niên đi làm phó chủ tịch các xã nghèo ở 2 huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải.
Với cách lý giải vấn đề một cách thấu đáo, đầy thuyết phục, lôi cuốn độc giả, nhóm tác giả đã mạnh dạn đưa ra những hạn chế của Đề án đưa trí thức trẻ làm phó chủ tịch xã nghèo mà Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện. Và thành công lớn nhất ở tác phẩm là nhóm tác giả đã chọn được giải pháp và đưa ra nhiều ý kiến đáng phải suy nghĩ.
Viết về chè - một đề tài không mới nhưng tác phẩm “Liên kết - sự sống còn của ngành chè” của tác giả Thanh Phúc khiến người đọc phải trăn trở, suy nghĩ. Một chuỗi phóng sự điều tra hay, lý giải thấu đáo từ tiềm năng đến thực trạng, khó khăn và biện pháp khắc phục. Chịu khó tìm tòi, tổng kết từ thực tiễn, ngôn ngữ linh hoạt không bị khô cứng, đề tài cũ nhưng vấn đề đặt ra lại mới khi soi rọi dưới góc nhìn của tác giả đã mang đến thành công cho tác phẩm.
Báo chí Yên Bái những năm qua cũng không ngần ngại vạch trần cái xấu, luôn đấu tranh cho lẽ phải, cho công bằng. Tác phẩm “Vì sao hàng chục hộ dân tái định cư huyện Văn Chấn chưa được cấp sổ đỏ?” của tác giả Kiều Loan; tác phẩm “Cấp bách bảo tồn Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu” của tác giả Nguyễn Giang; tác phẩm “Cần lập lại trật tự kỷ cương trong thi hành Luật Đất đai” của nhóm tác giả Kiều Mười - Hải Yến - Đức Thành.... đã thể hiện sự khám phá ở nhiều góc độ khác nhau, nhiều vấn đề được đào sâu phân tích một cách thấu đáo, có tính thuyết phục giúp cho các nhà quản lý, hoạch định chủ trương, chính sách tìm lời giải đúng cho những vấn đề mà thực tiễn cuộc sống đang đặt ra.
Còn rất nhiều tác phẩm như một lời cảnh tỉnh để mỗi chúng ta nhìn nhận, đánh giá lại những việc đang diễn ra. Hạnh phúc đổi đời ở một vùng đất mới nhiều khi chỉ là ảo vọng và chỉ thấy những mất mát, đau thương đang ngày ngày hiện hữu. Điều đó được minh chứng trong hàng loạt tác phẩm như “Chuyện những cô gái nhẹ dạ cả tin” của nhóm tác giả Hương Giang - Nguyễn Hà; tác phẩm “Những tác động từ việc nhiều người dân đi lao động ngoại tỉnh” của tác giả Đức Tình.
Mùa giải này, ảnh báo chí cũng được nhiều tác giả quan tâm, nhiều tác phẩm tạo được ấn tượng mạnh đối với người xem. Các tác phẩm đã làm nổi bật tính báo chí nhưng vẫn đảm bảo tính nghệ thuật thông qua cách sử dụng ánh sáng, góc chụp và sự tinh tế của tác giả nên đã phản ánh sinh động mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, cảnh sắc trên quê hương Yên Bái. Xúc động và khâm phục đó là những gì mà người xem sẽ cảm nhận được trong nhóm ảnh “Nghị lực sống” với hình ảnh của bé Nguyễn Linh Chi “không tay, không chân”, 8 tuổi, hiện đang là học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái.
Tác giả Thanh Miền đã ghi lại những khoảnh khắc rất đời thường của cô bé. Bằng khát vọng sống và ý chí mãnh liệt, Linh Chi tự tập làm nhiều việc cho bản thân, tập đi trên 2 ống inox để đến nay tự đi được, giúp mẹ dọn nhà, tập viết bằng cách kẹp bút vào cùi tay và cằm. Đó là tấm gương về nghị lực phi thường vượt khó để hòa nhập cộng đồng như một người bình thường.
Một “mùa gặt” mới với nhiều thành công nhưng vẫn còn đó những băn khoăn của những người làm báo như tác giả Nông Quang Khiêm với “Trăn trở làng Ven” hay “Cổ vật Yên Bái “giấu” đến bao giờ?” của tác giả Thanh Sơn; tác phẩm “Vì sao gần 50 hộ dân thôn 11 xã Đại Đồng huyện Yên Bình chưa được sử dụng điện lưới?” của nhóm tác giả Bích Thu - Trung Dũng; tác phẩm “Vì sao các vụ vi phạm quy định giao thông ít được đưa ra xét xử” của tác giả Thu Hương... Và sau những băn khoăn, trăn trở đó là khát vọng về một cuộc sống yên lành, hạnh phúc.
Thành công của Giải báo chí năm nay còn là sự tham gia của nhiều cây bút trẻ, đặc biệt là đội ngũ phóng viên các đài huyện, thị. Sự tham gia nhiệt tình của các phóng viên, nhà báo đã góp phần tạo nên uy tín và nét mới cho Giải, cũng như đem đến cho bạn đọc, khán thính giả xem và nghe đài có được cái nhìn phong phú về cuộc sống, con người và mỗi vùng quê Yên Bái trong quá trình hội nhập và phát triển.
Thanh Thùy
Các tin khác
Buổi công chiếu toàn cầu bộ phim Transformers 4: Kỷ nguyên hủy diệt sẽ diễn ra vào 20g30 tối 19-6 tại Hong Kong và sẽ được MTV truyền trực tiếp tới khán giả Việt Nam.
Tại buổi họp báo chiều 19/6, Bộ VHTTDL cho biết, Ngày Gia đình Việt Nam năm nay sẽ có các hoạt động với chủ đề “Đại gia đình các dân tộc Việt Nam với chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc”.
Trong thời gian từ nay đến năm 2015, dự án “Xây dựng chuỗi thư viện The Morning-Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng” sẽ xây dựng 10 thư viện (với tổng kinh phí khoảng 3 tỷ đồng) cho học sinh ở các tỉnh, thành phía Bắc, trong đó ưu tiên các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa như Yên Bái, Lai Châu, Sơn La...