“Tiếp lửa” bảo tồn di sản văn hóa
- Cập nhật: Thứ hai, 30/6/2014 | 8:52:50 AM
YBĐT - Văn Chấn có địa bàn rộng lớn, đông dân, nhiều dân tộc có lịch sử cư trú từ lâu đời và giữ vị trí quan trọng nơi cửa ngõ vừng Tây Bắc. Vì vậy, nơi đây được coi là một vùng đất mang đậm dấu ấn lịch sử và hội tụ những sắc màu văn hóa các dân tộc Yên Bái.
Văn Chấn tổ chức nhiều hội thi, lễ hội nhằm bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc. (Ảnh: Hội thi làm bánh dày của người Mông xã Suối Giàng trong dịp đầu xuân).
|
Từ lâu, địa phương luôn đề cao vai trò, trách nhiệm trong bảo tồn các giá trị lịch sử cũng như vốn văn hóa rất độc đáo và đa dạng ở địa phương với mục tiêu bảo tồn các cứ liệu khoa học nhân văn, bảo tồn và phát triển nét đẹp của văn hóa tộc người. Bảo tồn những giá trị này cũng được coi như một tiềm năng hướng tới phát triển kinh tế du lịch…
Trên tinh thần đó, từ khi Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” ra đời, Văn Chấn đã tập trung quán triệt trong cán bộ, đảng viên và tuyên truyền sâu rộng tới mọi người dân về mục đích, nội dung, ý nghĩa của việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, làm cho văn hóa thấm sâu vào từng người, từng gia đình, tập thể và cộng đồng.
Để Nghị quyết triển khai có hiệu quả, huyện đã ban hành Kế hoạch số 10-KH/HU ngày 14/10/1998 về triển khai Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII. Nhiều hội nghị học tập, nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII đến cán bộ chủ chốt và nhân dân đã được triển khai.
Đồng thời, huyện đã xây dựng một số đề án theo tinh thần của Nghị quyết này như: vận động đồng bào Mông của huyện thực hiện đổi mới tập quán trong việc cưới, việc tang theo nếp sống văn minh; Đề án Tuyên truyền giáo dục lối sống, đạo đức trong gia đình; Đề án nghiên cứu, khảo sát, lập hồ sơ, xếp hạng các di tích… Riêng với những đề án liên quan đến công tác nghiên cứu, khảo sát, lập hồ sơ di tích, di sản văn hóa, kể từ khi Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII được ban hành đến nay, Văn Chấn được coi là một điểm sáng.
Đối với di tích, từ năm 2000 đến nay, huyện đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh tiến hành điều tra, khảo sát, nghiên cứu hàng chục di tích. Kết quả, đã xếp hạng được khá nhiều di tích trên địa bàn, trong đó nổi bật là 2 di tích lịch sử cấp quốc gia gồm Di tích lịch sử đèo Lũng Lô và Di tích lịch sử trụ sở Khu ủy Tây Bắc. Các di tích lịch sử cấp tỉnh tiêu biểu như di tích thành Viềng Công, Di tích đồn lũy Đại Lịch, Di tích lịch sử đình Bằng Là, Di tích văn hóa Nậm Tốc Tát, Di tích chùa Trần ở Phù Nham, di tích cây chè tổ ở Suối Giàng…
Bảo tồn văn hóa phi vật thể cũng đặc biệt được coi trọng. Nhiều năm qua, Văn Chấn tuy còn gặp nhiều khó khăn về đời sống kinh tế nhưng huyện đã rất tích cực động viên nhân dân tập trung duy trì nhiều loại hình văn hóa dân gian các dân tộc, điển hình như nghi lễ Cấp sắc của người Dao. Việc bảo tồn nghi lễ này đã giúp các cơ quan chuyên môn từ Trung ương đến địa phương tập trung nghiên cứu chuyên sâu và xếp hạng nghi lễ Cấp sắc của người Dao đỏ Yên Bái là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Nhiều nghi lễ cầu mùa của các dân tộc cũng được phục dựng lại như nghi lễ “tăm khảu mảu” tức là cúng cơm mới của người Tày; lễ cầu mưa, lễ cúng bản, cúng rừng, cúng vía trâu, lễ hội Lồng tồng (khai mùa) của người Thái, Mường; lễ cầu mùa, tục cúng thuồng luồng cầu mưa của người Khơ Mú, tục múa mỡi của người Mường; cúng vía lúa, cúng ma rừng, tết nhảy của người Dao; cúng cây chè tổ của người Mông.
Bên cạnh việc phục dựng các nghi lễ tâm linh trong nghi thức cầu mùa, huyện Văn Chấn cũng phục dựng một số nghi lễ khác như nghi lễ cưới hỏi truyền thống, lễ hội mùa xuân của đồng bào Mông ở xã Suối Giàng; cúng vía cho người già, trẻ nhỏ, cúng nhà mới; bảo tồn nét đẹp của tục tắm suối khoáng ở các xã: Sơn Thịnh, Sơn A, Tú Lệ; bảo tồn dân ca, dân nhạc, các môn thể thao của nhiều dân tộc.
Những nghi lễ được bảo tồn sẽ là cơ hội tốt nhất để chúng ta nhận diện nét đẹp văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc. Nét văn hóa đó thể hiện sự khao khát vươn tới một cuộc sống no ấm và bình yên của người dân từ thuở xa xưa. Để đạt được mong muốn đó, con người đã bày tỏ sự ứng xử bằng tấm lòng thành kính, tâm linh với thiên nhiên như trời, đất, thần rừng, thần sông suối, thần linh, thổ địa làng bản; xây dựng lối sống thành kính với tổ tiên và sự tôn trọng lẫn nhau giữa con người với con người trong một cộng đồng. Nói một cách khác là con người đã bày tỏ sự dung hòa giữa các hạt nhân của vũ trụ theo quan niệm của nhiều dân tộc (gồm trời - đất, thần linh, tổ tiên, con người) để cuộc sống luôn phát triển như mong muốn.
Những nỗ lực trong bảo tồn di tích, di sản văn hóa của Văn Chấn đã tiếp lửa cho người dân tôn vinh truyền thống và lịch sử đấu tranh xây dựng, bảo vệ đất nước từ xa xưa. Người dân ngày càng thấy rõ hơn sự độc đáo, đặc sắc của di sản văn hóa các tộc người để trân trọng, gìn giữ các giá trị chân - thiện - mỹ, vừa làm cho đời sống tinh thần thêm phong phú vừa trở thành động lực xây dựng nhân tố con người mới trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Hoàng Nhâm
Các tin khác
Gần 80 ca khúc mới viết về biển đảo đã được Hội Nhạc sĩ Việt Nam giới thiệu trong tập 1 tuyển tập Dậy sóng biển Đông - Những bài hát mới về biển đảo quê hương.
Ông Lê Doãn Hợp, Chủ tịch Hội đồng xác lập Kỷ lục Việt Nam và Anh hùng lao động, Anh hùng LLVTND, Trung tướng Phạm Tuân đã công bố, trao quyết định xác lập kỷ lục “Bản đồ Việt Nam ghép bằng nhiều ảnh gia đình nhất” tới 2 đơn vị đồng sở hữu.
YBĐT - Ngày 28/6, Đại sứ quán Ấn Độ phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật giữa Đoàn nghệ thuật Bollywood Dance Era - Ấn Độ và Đoàn nghệ thuật tỉnh Yên Bái.
Tối 28-6, chương trình nghệ thuật đặc sắc "Đại gia đình các dân tộc Việt Nam với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" do Bộ VH-TT&DL tổ chức chào mừng Ngày Gia đình Việt Nam đã diễn ra tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây (Hà Nội).