Tấm lòng thơm thảo với cha mẹ vợ của người Thái đen Mường Lò
- Cập nhật: Thứ sáu, 1/8/2014 | 9:16:40 AM
YBĐT - Người Thái quan niệm khi người chết đi, linh hồn (phi) sẽ tiếp tục sống trên mường Trời trong các “đẳm đoi”, tức là nơi các linh hồn cùng họ tộc. Bởi vậy, lễ vật, ngoài thể hiện tình cảm sâu nặng của con rể với bố mẹ vợ, thì còn có ý nghĩa giúp cho bố (hoặc mẹ) vợ có thêm thực phẩm, phương tiện, lễ vật để linh hồn có thể lên mường trời được thuận lợi.
Đưa cỗ lên nhà bố mẹ vợ.
|
Người Thái rất tôn trọng bố mẹ vợ bởi đấy là những người sinh ra và nuôi dạy nên những người con đảm đang, dịu hiền và chung thủy, tin tưởng gả cho các chàng rể. Khi bố mẹ vợ còn sống, các chàng rể luôn qua lại thăm hỏi và chăm sóc lúc đau ốm. Khi bố mẹ vợ về mường Trời, bao giờ các chàng rể cũng làm “lễ tỏn cộ” - (lễ dâng cỗ) thật trọng thể thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của các con rể với cha mẹ vợ khi cha (hoặc mẹ) vợ qua đời.
Lễ này do con rể cùng vợ làm từ nhà riêng rồi mang sang nhà bố mẹ vợ. Nếu vì hoàn cảnh quá khó khăn thì với riêng đám tang mẹ vợ, con rể phải cố làm bằng được lễ này, thể hiện lòng biết ơn với người mẹ đã mang nặng đẻ đau, nuôi dưỡng người vợ yêu quí của mình. Lễ vật gồm 3 mâm cỗ, một mâm hoa quả (không thể thiếu chuối), bánh, rượu, gạo, tiền, hương… Mâm thứ 2 có một con vịt, một con gà mổ sạch để cả lòng, tiết. Mâm thứ 3 là một con dê, nếu không có dê thay bằng lợn chừng 30 kg. Dê (hoặc lợn) mổ sạch, riêng bốn chân từ khuỷu xuống móng, chỏm đầu và bờm để nguyên lông, ruột làm sạch rồi thổi phồng lên cuốn quanh thân. Các mâm lễ vật được xếp lên một chiếc thang bằng tre, hóp với ý nghĩa như một chiếc cầu lớn để linh hồn người quá cố lên trời.
Người Thái quan niệm khi người chết đi, linh hồn (phi) sẽ tiếp tục sống trên mường Trời trong các “đẳm đoi”, tức là nơi các linh hồn cùng họ tộc. Bởi vậy, lễ vật, ngoài thể hiện tình cảm sâu nặng của con rể với bố mẹ vợ, thì còn có ý nghĩa giúp cho bố (hoặc mẹ) vợ có thêm thực phẩm, phương tiện, lễ vật để linh hồn có thể lên mường trời được thuận lợi. Con dê (hoặc lợn) được cuốn bộ lòng đã thổi căng ngoài ý nghĩa vật chất còn biểu lộ lòng ngay thẳng, trung thực và hết lòng của con cái với cha mẹ. Con vịt tượng trưng cho chiếc thuyền, con gà là người cầm lái để linh hồn có phương tiện để có thể vượt qua mọi thác ghềnh đến được mường trời thuận buồm xuôi gió. Riêng chuối có một ý nghĩa đặc biệt, nhắc nhớ tới tình yêu của bố mẹ vợ khi còn trẻ đang tìm hiểu nhau, mong đợi, bồn chồn, hồi hộp ngay cả khi “Bươn siểng ma hau quai/ Bươn hai ma hau ngau cò quẩy/ Ma hau chụ khen suổi bản lắc ma giam”.
Có nghĩa là: “Trăng trong chó sủa con trâu/ Trăng sáng chó sủa cây chuối/ Cứ ngỡ chó sủa người yêu bản xa đến tâm tình”. Tình yêu trong sáng, mãnh liệt ấy thêm động lực để linh hồn vượt qua mọi trở ngại trên đường tới mường Trời. Người Thái tin rằng, khi người con lại (mẹ hoặc bố) qua đời sẽ sum họp tại “đẳm đoi” trên mường Trời.
Trong lễ vật bao giờ cũng có “chỉa giao cộ”, tức là giấy dâng cỗ, thực chất là điếu văn được viết trên một sải vải mộc trắng, phía dưới cắt hình đuôi én. Nội dung kể về công ơn to lớn của bố (mẹ) vợ đã sinh hạ, tần tảo sớm hôm, nuôi dạy người vợ của mình trở thành cô gái đảm đang, hiền thảo; lòng thành dâng lễ vật, dặn dò linh hồn phải cẩn thận tránh mọi rủi ro trên đường tới mường trời và nhớ tìm anh em họ mạc ở “đẳm đoi”. Ví dụ khi mẹ mất “chỉa giao cộ” có đoạn “Mè êm công pu khả bể/ Mí hón kể tục lọn giang dứt tăng niểu…”, có nghĩa là “Công mẹ như núi như biển/ Có khi nào kể hết được, như cao su co giãn mãi…”.
Rồi còn cầu cho linh hồn mẹ lên mường Trời được may mắn, con cháu có chút lễ mọn để mẹ làm vốn làm ăn, mong mẹ gặp đông đủ anh em họ hàng… “Chỉa giao cộ” được treo trên một cây trúc hoặc tre hóp để cả ngọn do người con trai cả của con rể đi đầu cùng phường kèn trống, nếu không có con trai thì con gái lớn cầm. Các cô con gái và cháu gái đã có chồng đều phải mặc “sửa co long”, tức áo thêu hình rồng, loại áo sang trọng nhất đã chuẩn bị từ ngày về nhà chồng để tỏ lòng kính trọng.
Cái thang để lễ vật do con rể và anh em của mình đến giúp khênh, phía đầu thang buộc vải trắng làm cầu dẫn cỗ kéo dài phía trước. Cầu bằng vải này dài tối thiểu 30 sải, khi làm xong lễ “Tỏn cộ” được thu mang về. Đây là cầu cho các thần linh, tổ tiên về dự cùng tang gia và phù hộ cho những người còn sống. Khi cỗ gần đến nhà bố mẹ vợ, người nhà ra đón đỡ cầu vải đội lên đầu thể hiện lòng tôn trọng. Lúc này, người nhà bên con rể rót mời anh em họ hàng bên vợ ra đón mỗi người một chén rượu tỏ tình thân ái.
Khi lên cầu thang, người nhà con rể thu cuốn cầu dẫn cỗ lại, chủ nhà đón cỗ đặt dưới chân linh cữu. Trưởng đoàn bên nhà con rể đọc “chỉa giao cộ”. Chủ nhà - thường là con trai trưởng nói lời cảm ơn. Nếu gia đình nào không có con trai thì người con rể được ở nhà bố mẹ vợ, có trách nhiệm nuôi dưỡng và thờ phụng bố mẹ vợ sẽ đáp từ.
Cỗ sau khi cúng linh hồn cha (hoặc mẹ) vợ được chủ nhà chia cho con rể và con gái mang về góp thêm vào để cảm ơn những người đến giúp, vừa mang ý nghĩa là lộc của cha (mẹ). Cỗ do con rể mang đến, sau khi cúng xong được chế biến mời họ mạc và bà con bản mường đến chia buồn. Còn “chỉa giao cộ” được treo trong nhà táng sau lễ hỏa táng và chôn cất người quá cố.
Tục lệ này ở mỗi vùng miền khắp miền Tây Bắc có khác nhau đôi chút, nhưng nét cơ bản giống nhau, thể hiện sâu nặng tình cảm của các con rể với bậc sinh thành nuôi dưỡng người bạn đời yêu quý của mình. Ngoài ý nghĩa tâm linh, còn mang đậm ý nghĩa nhân sinh sâu sắc.
Trần Vân Hạc
Các tin khác
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1262/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam.
“Mộ gió” là bộ phim đề cập trực tiếp đến những hoạt động của ngư dân và lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.
Ngày 30-7, ông Dương Ngọc Thắng - Giám đốc Công ty TNHH Làng đúc Phước Kiều, xã Điện Phương, huyện Điện Bàn (Quảng Nam) cho biết: Các nghệ nhân Làng đúc Phước Kiều vừa đúc thành công một lư bằng đồng cao 1,5m, thân lư dài 1,8m, miệng lư rộng 1,2m và có nhiều hoa văn độc đáo, nặng 1.500kg.
Phần thi của thí sinh Nhà hát Tuồng Việt Nam đã khép lại “Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên sân khấu Tuồng chuyên nghiệp toàn quốc 2014”. Sau gần một tuần so tài đầy kịch tính và hấp dẫn của 40 thí sinh đến từ 06 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp trên cả nước, tối ngày 30/7 tại Nhà văn hóa Trung tâm tỉnh Bình Định đã diễn ra lễ bế mạc và tổng kết trao giải cho cuộc thi.