Đá ra Trường Sa

  • Cập nhật: Thứ hai, 4/8/2014 | 2:49:17 PM

YBĐT - Trường Sa - nơi đảo xa, nơi đầu sóng ngọn gió ấy chính là nơi mỗi con người Việt Nam cần hướng tới để tôi luyện ý chí “trung kiên”; hun đúc sâu sắc thêm lòng yêu nước “Lửa mặt trời mỗi ngày tôi luyện đá/Sóng bạc đầu mài sắc chí trung kiên”. Cả dân tộc chung lòng, có những đứa con ngày đêm bám trụ, chủ quyền biển đảo cuả Tổ quốc nhất định được giữ vững.

Những viên đá thô chẳng cần chế tác
Chẳng cần bao, đóng hộp cũng chẳng cần!
Từ khắp ngả, có dấu tay người Việt
Từ tầng sâu huyền tích bốn ngàn năm!

Đá lững thững đè sóng cuồng gió giật
Hăm hở ra khơi đến với đảo xa
Nơi giông bão bốn mùa vây bốn mặt
Nơi xanh ngời sắc lính, sắc phong ba.

Đá chung sức đương đầu ngăn sóng dữ
Đá kề vai tôn tạo tháp chủ quyền
Đá kết nối xây trường gieo chữ
Đá dựng nhà giữ ngọt tiếng ru êm.

Lửa mặt trời mỗi ngày tôi luyện đá
Sóng bạc đầu mài sắc chí trung kiên.

Đảo trầm tĩnh vững vàng nơi biển cả
Đất mẹ hiền kiêu hãnh gửi niềm tin!
Hà Ngọc Anh

Đôi dòng cảm nhận của Nam Hà:

Phong trào “Góp đá xây Trường Sa” do báo Tuổi trẻ phát động đã thu hút được đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước tham gia. Hòa trong không khí đó, tác giả Hà Ngọc Anh có bài thơ “Đá ra Trường Sa”, góp một viên đá tinh thần vào công cuộc giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Mở đầu bài thơ là sự xuất hiện của những viên đá. Mang nghĩa thực đồng thời mang cả ý nghĩa tượng trưng, viên đá ở đây không giống món quà lưu niệm thông thường. Bỏ qua cái hình thức bên ngoài “chẳng cần chế tác”, “chẳng cần bao”, “đóng gói cũng chẳng cần”, tác giả khẳng định ý nghĩa lớn lao của phong trào. Đó là việc nghĩa tình, việc hữu ích, là trách nhiệm công dân nên có sự chung tay của cả cộng đồng. Và trong mỗi viên đá kết tinh công sức của người Việt hôm nay cùng cả sức mạnh của bốn ngàn năm lịch sử dựng nước, giữ nước:

Từ khắp ngả, có dấu tay người Việt
Từ tầng sâu huyền tích bốn ngàn năm!

Hành trình của viên đá ra Trường Sa cũng được miêu tả như một quá trình vượt khó thông qua trí tưởng tượng của nhà thơ. Ai đã từng theo những con tàu lênh đênh trên biển để đến với đảo chìm, đảo nổi thì càng thấu hiểu thêm sự gian khổ mà người lính biển phải chịu đựng cũng như quyết tâm giữ vững chủ quyền của dân tộc. Dù “sóng cuồng gió giật” mà đá vẫn “đè sóng”, “hăm hở ra khơi đến với đảo xa”; rồi “Nơi giông bão bốn mùa vây bốn mặt” cũng lại là “Nơi xanh ngời sắc lính, sắc phong ba”. Nghệ thuật đối lập được sử dụng đúng chỗ nhấn mạnh khó khăn, gian khổ thậm chí cả hiểm nguy trong quá trình xây dựng, bảo vệ biển đảo và khẳng định nhiệt tình, ý chí, sức sống mãnh liệt, sự trường tồn của dân tộc Việt.

Đảo xa nhưng không xa vì phía sau họ là chín mươi triệu người, chín mươi triệu trái tim Việt Nam đang hướng về biển đảo quê hương. Từ sự đóng góp của mọi người, nhiều công trình trên quần đảo Trường Sa đã được xây dựng bảo đảm cho ổn định đời sống của nhân dân và chiến sĩ. Thủ pháp liệt kê được tác giả sử dụng đắc dụng khi nêu kết quả kì diệu từ sự hóa thân của những viên đá: xây dựng các công trình kè chắn sóng, âu thuyền, nhà giàn, pháo đài… để chinh phục tự nhiên khai thác tiềm năng biển cùng sẵn sàng chiến đấu tiêu diệt quân xâm lược giữ vững chủ quyền; xây dựng những công trình dân sinh như trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, hệ thống thông tin liên lạc… mang lại sắc diện mới cho cuộc sống hòa bình ở Trường Sa:

Đá chung sức đương đầu ngăn sóng dữ
Đá kề vai tôn tạo tháp chủ quyền
Đá kết nối xây trường gieo chữ
Đá dựng nhà giữ ngọt tiếng ru êm.

Khổ thơ cuối bài được tác giả tách riêng thành hai cặp câu với một chủ ý thật rõ ràng. Từ viên đá nghĩa tình đã có sự chuyển nghĩa thành tinh thần sắt đá. Trường Sa - nơi đảo xa, nơi đầu sóng ngọn gió ấy chính là nơi mỗi con người Việt Nam cần hướng tới để tôi luyện ý chí “trung kiên”; hun đúc sâu sắc thêm lòng yêu nước “Lửa mặt trời mỗi ngày tôi luyện đá/Sóng bạc đầu mài sắc chí trung kiên”. Cả dân tộc chung lòng, có những đứa con ngày đêm bám trụ, chủ quyền biển đảo cuả Tổ quốc nhất định được giữ vững.

Bài thơ kết thúc không tạo dư ba bởi những câu thơ kêu gọi đầy hào khí nhưng lại tạo được niềm tin vững chắc bởi sự trầm tĩnh đến giản dị “Đảo trầm tĩnh vững vàng nơi biển cả/Đất mẹ hiền kiêu hãnh gửi niềm tin!”. Trường Sa là niềm tin, niềm kiêu hãnh của đất mẹ Việt Nam. Trầm tĩnh Trường Sa đó là sự trầm tĩnh của một dân tộc yêu chuộng hòa bình, nắm chắc chân lý, độc lập tự cường và quật khởi, sẵn sàng đánh tan bất kỳ kẻ nào lăm le xâm lược bờ cõi.

N.H

Các tin khác
Triển lãm thu hút đông đảo người dân.

Trước khi được trưng bày tại Bắc Ninh, những tư liệu, hiện vật khẳng định chủ quyền Hoàng Sa – Trường Sa đã được trưng bày tại 9 tỉnh trên cả nước.

Hình ảnh của Thu Hoài đã xuất hiện trên trang web chính thức của cuộc thi Mrs Universe 2014.

Trên trang web chính thức của cuộc thi Mrs Universe 2014 (Hoa hậu quý bà Hoàn vũ) vừa đăng tải thông tin đại diện Việt Nam dự thi Mrs Universe 2014 là hoa hậu Thu Hoài.

Bún bò Huế là 1 trong 2 món ăn sẽ được bảo hộ ra nước ngoài.

Ngày 1/8, tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức nghiệm thu và đưa vào sử dụng dự án "Xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu văn hóa ẩm thực Huế," do Viện Văn hóa Nghệ thuật miền Trung phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế thực hiện.

Ảnh minh họa.

Dòng phim 1 tập của VTV sẽ mở màn bằng "Hạt mưa sa" của đạo diễn trẻ Nguyễn Văn Đức được phát sóng trên VTV1 vào tối Chủ nhật, ngày 3/8 tới đây.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục