Nơi dòng sông đang “chảy”
- Cập nhật: Thứ sáu, 26/9/2014 | 8:27:04 AM
YBĐT - Thể theo nguyện vọng của các hội viên Hội Nhà văn Việt Nam ba tỉnh: Yên Bái, Tuyên Quang, Lào Cai; xuất phát từ thực tế đời sống ở cơ sở vùng cao miền núi và nhu cầu phát triển dân trí, văn học nghệ thuật vùng Tây Bắc; ngày 24/3/2008, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa VII đã ra quyết định thành lập Chi hội Nhà văn Sông Chảy.
Toàn cảnh Đại hội Chi hội Nhà văn Sông Chảy nhiệm kỳ 2014 - 2019.
|
Ngày 15 và 16/12/2008, tại thành phố Yên Bái, Ban Chấp hành lâm thời của Chi hội Nhà văn Sông Chảy tổ chức Đại hội thành lập với sự có mặt, chỉ đạo của đoàn công tác Hội Nhà văn Việt Nam. Đại hội nhất trí bầu ra Ban Chấp hành gồm các nhà văn Đoàn Hữu Nam, Trịnh Thanh Phong, Hà Lâm Kỳ, do nhà văn Hà Lâm Kỳ làm Chi hội trưởng. Ngày 19/9/2014, Chi hội Nhà văn Sông Chảy Đại hội lần thứ II (nhiệm kỳ 2014- 2019), nhất trí bầu ra Ban Chấp hành mới gồm các nhà văn Đoàn Hữu Nam, Trịnh Thanh Phong, Hà Lâm Kỳ, do nhà văn Đoàn Hữu Nam làm Chi hội trưởng, mở ra một chặng đường phát triển hứa hẹn nhiều thành công mới.
Ngày đầu mới thành lập, Chi hội có 11 hội viên. Năm 2013, Hội Nhà văn Việt Nam giới thiệu thêm nhà văn Hùng Đình Quý và Nguyễn Quang cư trú tại Hà Giang tham gia sinh hoạt. Cũng năm 2013, nhà văn Tống Ngọc Hân tự nguyện xin gia nhập Chi hội. Tính đến thời điểm hiện nay, Chi hội có 14 hội viên thuộc 4 tỉnh: Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang, trong đó có 4 hội viên dân tộc thiểu số.
Với niềm đam mê, tâm huyết, trách nhiệm của các nhà văn trước sự nghiệp phát triển nền văn học khu vực và nước nhà, những năm qua, các nhà văn vùng sông Chảy đã làm việc hết mình, cho ra đời nhiều tác phẩm văn học có giá trị, tác động sâu sắc đến đời sống xã hội, phản ánh đời sống của nhân dân, vinh danh những mốc son lịch sử, phong tục tập quán và sự nghiệp đổi mới ở vùng núi phía Tây Bắc Tổ quốc…
Số lượng tác phẩm văn học và tác giả đoạt các giải thưởng văn học khu vực và toàn quốc tăng theo từng năm. Có thể nhắc đến các tác giả và tác phẩm tiêu biểu như: Nhà thơ Ngọc Bái với trường ca “Vầng trăng và cánh rừng” đạt giải thưởng của Ban Bí thư Trung ương Đảng về đề tài “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” năm 2012; tiểu thuyết “Ngang trời mây đỏ” được dịch ra tiếng Đức. Năm 2012, nhà thơ Ngọc Bái đã vinh dự được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
Nhà văn Hoàng Thế Sinh với các tiểu thuyết “Ma tiền”, “Thuốc phiện và lửa” được nhà văn Đoàn Hữu Nam chuyển thể thành kịch bản phim dài tập theo đơn đặt hàng của hãng phim truyền hình; tiểu thuyết “Rừng thiêng” của nhà văn Hoàng Thế Sinh cũng đã được chuyển thể thành phim truyền hình, phát sóng năm 2011. Nhà văn Hà Lâm Kỳ vẫn là tác giả viết nhiều về đề tài thiếu nhi và khai thác “nhân chứng lịch sử” công bố trong nhiều tập sách như: “Một góc nhìn”, “Gặp và ghi”.
Nhà văn Phù Ninh đi đầu trong các nhà văn Chi hội về đề tài lịch sử cận đại, hiện đại với các thể loại: tiểu thuyết, ghi chép. Nhà văn Cao Xuân Thái và nhà văn Nguyễn Quang rất thành công ở thể loại bút ký, ký sự tại vùng đất sông Lô, Mèo Vạc, Lũng Cú. Nhà văn Mã A Lềnh, Hùng Đình Quý thành công với số lượng đáng kể các tác phẩm về văn hóa Mông và chân dung văn học. Nhà văn Vũ Xuân Tửu, 4 năm xuất bản 10 đầu sách, trong đó có 4 tiểu thuyết, với sự làm việc nghiêm túc, hết mình. Nhà văn trẻ Tống Ngọc Hân luôn có mặt trên các báo, tạp chí “khó tính” của cả nước và khẳng định được vị trí của mình trên văn đàn…
Hầu hết tác phẩm của các hội viên ấy đều đạt các giải thưởng lớn trong các cuộc thi ở Trung ương, khu vực. Một số hội viên có tác phẩm được Bộ Giáo dục - Đào tạo thẩm định, phê duyệt, đưa vào giảng dạy trong chương trình văn học địa phương. Nhiều tác phẩm được các nhà xuất bản, tái bản hai, ba lần hoặc in hàng vạn bản theo dự án tài trợ của Chính phủ cho vùng sâu, vùng xa. Có thể nói, Chi hội Nhà văn Sông Chảy là nơi tập hợp những nhà văn tài năng, xuất sắc, có đóng góp đáng kể cho sự nghiệp phát triển văn học nghệ thuật trong khu vực và cả nước.
Cùng với những hoạt động sáng tác, trong thời gian qua, Chi hội Nhà văn Sông Chảy đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, đặc biệt, phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Lào Cai tổ chức Hội thảo tại Sa Pa với chủ đề: “Nhà văn viết về miền núi, dân tộc”; tổ chức hai chuyến đi thực tế tại Yên Bái và Tuyên Quang; phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng viết văn thuộc Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Yên Bái mở lớp bồi dưỡng viết văn tại Yên Bái…
Nhắc đến văn học nghệ thuật vùng Sông Chảy, chúng ta không thể không nhắc đến các nhà văn thế hệ đi trước như: Hoàng Hạc, Lê Đạt, Lan Khai, rồi đến các nhà văn, nhà thơ lớp tuổi chống Mỹ thành danh như: Bùi Nguyên Khiết (nhà văn liệt sỹ), Ma Văn Kháng, Mã A Lềnh, Ngọc Bái, Hoàng Thế Sinh, Lò Ngân Sủn, Trịnh Thanh Phong, Phù Ninh, Hùng Đình Quý… Văn chương vùng sông Chảy hôm nay cũng sẽ hy vọng nhiều ở các cây bút trẻ như: Mã Anh Lâm, Nguyễn Ngọc Yến, Nông Quang Khiêm, Chu Thị Minh Huệ, Hoàng Anh Tuấn, Trần Bé, Nguyễn Cự, Đinh Văn Thủy… góp thêm mạch nguồn cho “dòng sông” văn đang “chảy” hôm nay.
Nông Quang
Các tin khác
Từ ngày 08 - 12/10/2014 tại Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam (số 2 Hoa Lư, Hai Bà Trưng, Hà Nội) sẽ diễn ra triển lãm Mỹ thuật và các hoạt động chào mừng Kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2014).
UBND TP Đà Nẵng vừa chính thức công bố cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2015 (DIFC 2015) diễn ra trong 2 đêm 28 và 29-4-2015 với chủ đề “Đà Nẵng- Bản giao hưởng sắc màu”.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định xếp hạng di tích quốc gia đối với 14 di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và danh lam thắng cảnh tại Đồng Nai, Bắc Giang, Hà Nam, Hà Nội và Hà Giang.
Theo đó, đơn vị sản xuất chương trình công bố tên gọi tiếng Việt chính thức của cuộc thi và của chương trình truyền hình thực tế là: Hoa khôi Áo dài Việt Nam - Đường tới Vương miện Hoa hậu Thế giới.