“Lệ làng” mang ý Đảng
- Cập nhật: Thứ sáu, 3/10/2014 | 2:10:41 PM
YBĐT - Làm ma khô, không cho người chết vào quan tài, đám cưới tổ chức linh đình, thách cưới cao... là những tập tục từ ngàn đời nay đã ăn sâu vào đời sống người Mông Trạm Tấu (Yên Bái) tưởng chừng như không dễ phá bỏ. Vậy mà bằng công tác tuyên truyền, vận động, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nhiệt tình của những già làng, trưởng bản và tinh thần gương mẫu của cán bộ, đảng viên, những tập tục lạc hậu ấy đã được cải tạo, nếp sống mới đã được hình thành ở vùng cao Trạm Tấu.
Bản sắc văn hóa dân tộc được gìn giữ và phát huy.
Ảnh: Trong ngày hội lớn.
|
Ký ức về những đám ma khô, bón cơm cho người chết, để trong nhà cả tuần vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí già làng Giàng Vảng Lồng, thôn Tà Tầu (xã Pá Hu). Sống gần hết đời người ở mảnh đất này, ông chứng kiến biết bao đám tang như thế. Có gia đình vì tổ chức đám tang dài ngày mà nợ nần chồng chất, rồi con cháu ốm mệt vì xót cho người chết và lo phục vụ đám ma dài ngày, chưa kể người chết để lâu trong nhà mất vệ sinh và nhìn cũng rất đáng thương.
Nhưng già làng Giàng Vảng Lồng bảo rằng: "Bao đời nay mình vẫn nhìn như thế thì cũng thấy quen. Có lúc thấy thương người trẻ, vì bản thân mình ngày xưa khi bố mẹ chết cũng vất vả như thế". Đất nước đổi mới, sự quan tâm của Đảng cùng nhiều chính sách ưu đãi cho đồng bào, người Mông, Pá Hu cũng như các địa phương khác trong huyện đã có nhiều đổi mới, người dân được tuyên truyền nhiều hơn về nếp sống văn hóa mới.
Già làng Giàng Vảng Lồng tâm sự: "Mới nghe tôi cũng không ủng hộ vì tập tục người Mông như thế nhưng được cán bộ nhiều lần về tuyên truyền vận động, Đảng, Nhà nước làm mọi việc đều vì dân, nghĩ đi nghĩ lại thì thực hiện nếp sống mới cũng chỉ có lợi cho mình nên tôi cũng ủng hộ".
Nhờ những già làng “thông tường ý Đảng” như Giàng Vảng Lồng mà đảng viên Thào A Súa ở Pá Hu đã mạnh dạn thực hiện nếp sống mới trong việc tang. Khi bố mất, Thào A Súa đã tìm đến những người già để vận động người thân trong dòng họ ủng hộ.
Đám tang ông Thào Mao Tủa - bố của đảng viên Thào A Súa thay đổi nhận thức của người dân xã Pá Hu. Sau đám tang của nhà đảng viên Thào A Súa, mọi người vẫn “để ý” đến cuộc sống gia đình anh. 4 năm sau khi bố Thào A Súa yên nghỉ, gia đình, công việc hàng ngày vẫn diễn ra bình thường, điều đó đã làm nhiều người dân tin tưởng hơn vào nếp sống mới. Đảng ủy, chính quyền xã Pá Hu đã tranh thủ sự ủng hộ của già làng, trưởng bản để đưa nội dung này vào quy ước, hương ước thôn bản.
Kết quả qua 4 năm, toàn xã đã 36 đám tang, 19 đám cưới thực hiện theo nếp sống mới. Người vui nhất có lẽ là Chủ tịch UBND xã Thào A Lồng, anh chia sẻ: "Nếp sống mới mang đến cuộc sống văn hóa cho người dân, người mất an nghỉ rồi, con cháu không phải gánh nợ nần, giữ gìn được vệ sinh môi trường, còn đám trẻ thì tình yêu đến đúng với nghĩa của nó, chứ không phải một cuộc trao đổi, mua bán."
Ở Pá Hu bây giờ, bên cạnh phong trào thi đua phát triển kinh tế, phong trào xây dựng nếp sống văn hóa cũng sôi nổi không kém, phụ nữ, thanh niên… mỗi đoàn thể một công trình, phần việc để vệ sinh đường làng ngõ xóm, các gia đình phấn đấu đẻ ít con, làm kinh tế giỏi để xây dựng gia đình văn hóa. Đến nay, toàn xã đã có 1 làng bản được công nhận danh hiệu văn hóa, 2 làng bản đã ra mắt xây dựng làng bản văn hóa.
Như ở Pá Hu, đám tang của mẹ đảng viên Cứ A Sử ở thôn Tấu Giữa, cũng được coi như một “cái mốc đầu tiên” trong việc thực hiện nếp sống mới ở xã Trạm Tấu. Lần đầu tiên đồng bào Mông nơi đây được chứng kiến một "đám ma lạ". Lạ là ở chỗ người chết được cho vào quan tài, rồi không để quá 48 giờ mà mang đi chôn cất luôn. Cả bản, rồi bản bên, xã khác cũng về dự, phần đến tiễn đưa người đã khuất, phần cũng vì tò mò xem việc thay đổi một tập tục có ảnh hưởng đến đời sống vật chất, tâm linh của mình không.
Anh Cứ A Sử là đảng viên Chi bộ thôn Tấu Giữa, cho biết: "Nhiều lần đi họp, được triển khai về nếp sống văn hóa mới, mình thấy rất hợp lý, người chết để lâu trong nhà, bón cơm, mất vệ sinh... có khi khổ cả người chết, rồi mổ nhiều trâu, bò, con cái nợ nần thêm, mất người, mất của... Đám cưới cũng vậy, trong bản có cặp vợ chồng trả nợ cưới đến gần hết cả đời người. Là đảng viên, mình mạnh dạn thực hiện trước. Mẹ mình vì thương con cũng ủng hộ. 3 năm mẹ mình đã yên nghỉ, cuộc sống gia đình vẫn không có gì thay đổi. Xã hội đổi mới, đồng bào mình cũng nên học cái tiến bộ thôi".
Nhờ những đảng viên như Cứ A Sử mà từ 2011 đến nay, xã Trạm Tấu có 36 đám tang thực hiện đưa người chết vào quan tài. Người dân xã Trạm Tấu đã coi việc đưa người chết vào quan tài hay đám cưới tổ chức ít ngày, không thách cưới cao là một "phong tục" mới, một nếp sống văn hóa mới, một nội dung không thể thiếu trong quy ước, hương ước làng bản. Sùng Thị Chu - một bạn trẻ vẫn còn vẹn nguyên niềm hạnh phúc của cô dâu mới, cho biết: "Gia đình người yêu em không khá giả gì nên thực hiện đám cưới nếp sống mới không thách cưới cao, không tốn kém, chúng em đỡ phải vay nợ".
4 năm, xã Trạm Tấu đã có 56 cặp vợ chồng tổ chức đám cưới nếp sống mới như thế - Đồng chí Giàng A Của - Phó chủ tịch UBND xã Trạm Tấu cho biết: "Chúng tôi cảm thấy rất phấn khởi khi nếp sống văn hóa mới đang được hình thành và phát triển tốt. Nếp sống mới đã thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của xã. Mặc dù phía trước còn nhiều khó khăn nhưng tôi tin tưởng bằng tinh thần nhiệt huyết của cán bộ, đảng viên trong xã, chúng tôi sẽ thực hiện thành công việc cải tạo những phong tục không còn phù hợp với nếp sống văn hóa mới."
Huyện Trạm Tấu, 50 một chặng đường phát triển và trưởng thành, những "lệ làng" đã mang ý Đảng, thay đổi cuộc sống của người dân. Đồng chí Lê Thị Thu Hà - Phó chủ tịch UBND huyện cho biết: "Huyện xác định cải tạo những phong tục không còn phù hợp với nếp sống mới là một động lực để phát triển văn hóa - xã hội. Vì vậy mà chúng tôi đặc biệt quan tâm đến vấn đề này.
Bằng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị mà hôm nay ở Trạm Tấu nhiều người dân không cần sự hỗ trợ của huyện vẫn thực hiện tốt việc đưa người chết vào quan tài, không còn thách cưới cao, nội dung hương ước, quy ước thôn bản đã được thực hiện nghiêm túc. Chúng tôi đã có những kế hoạch cụ thể, trong đó nhấn mạnh vai trò của cán bộ, đảng viên để thực hiện tốt nếp sống mới trong những năm tiếp theo".
Tính từ 2011 đến nay, Trạm Tấu đã có 127 đám tang và hầu hết đám cưới được thực hiện theo nếp sống văn hóa mới. Nếp sống mới ở vùng cao đang tạo đà cho huyện thực hiện thành công mục tiêu xây dựng huyện Trạm Tấu vững mạnh toàn diện.
Thanh Phương
Các tin khác
Từ ngày 08-14/10 tới, Tuần phim kỷ niệm 60 năm ngày Giải phóng Thủ đô sẽ diễn ra trên phạm vi cả nước.
Nằm trong chuỗi hoạt động trọng điểm chào mừng kỷ niệm 60 năm Giải phóng Thủ đô, hơn hai tháng qua, các vòng thi trong khuôn khổ cuộc thi "Giọng hát hay Hà Nội 2014" do Sở VH, TT&DL Hà Nội tổ chức đã góp phần tạo bầu không khí âm nhạc lành mạnh, bổ ích, chắp cánh cho các tài năng âm nhạc đích thực vươn cao.
Sáng 1/10, Lễ phát hành bộ tem “Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Đại tướng Lê Trọng Tấn” được tổ chức bởi Bộ Quốc phòng, Tổng Cục Chính trị, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
Lần đầu tiên tại Việt Nam, Festival Âm nhạc mới Á- Âu 2014 sẽ được tổ chức với quy mô quốc tế, quy tụ hàng trăm nhà soạn nhạc nổi tiếng của Việt Nam cũng như châu Á, châu Âu cùng hàng trăm nghệ sĩ biểu diễn.