Đưa hát giao duyên truyền thống các dân tộc vùng sông Chảy vào hội nhập
- Cập nhật: Thứ hai, 6/10/2014 | 3:18:21 PM
YBĐT - Vùng sông Chảy ở Yên Bái gồm dân ở các huyện Yên Bình, Lục Yên (Tày, Nùng, Kinh, Dao quần trắng, Cao Lan), từ xa xưa đã có hát giao duyên truyền thống. Hát trong lao động sản xuất, hát trong lễ hội, đặc biệt là hát trong đám cưới. Họ hát đối đáp đến say mê, hát hẹn ước để rồi nên vợ nên chồng, yêu thương nhau bền chặt.
Dân tộc Tày có khắp, cọi, quan làng để hát giao duyên.
Ảnh: Thiếu nữ Tày Lục Yên. (Ảnh: Thanh Miền)
|
Dân tộc Tày có hát khắp, cọi, quan làng đối đáp nhau. Dân tộc Cao Lan có hát Xịnh Ca, dân tộc Dao có hát Ái dủng. Riêng hát Xịnh Ca của dân tộc Cao Lan dùng chữ Nôm để biểu tả lời hát nên chỉ có các nghệ nhân mới hát và hiểu được. Còn khắp, cọi và quan làng của người Tày là dùng tiếng nói hàng ngày để hát nên từ già đến trẻ đều nghe được hát được.
Dân tộc Cao Lan từ xưa đã có sử thi bà chúa thơ “Có Lau Sjam”. Tác phẩm đã được cố nhà thơ Lâm Quý biên soạn, dịch toàn bộ thiên tình sử đó ra tiếng phổ thông. Trong “Có Lau Sjam” có đoạn:
“... Con khỉ chết vì tham ăn quả/ Chim gáy chết vì tham ăn vừng/ Cành cây gẫy cũng vì tham quả/ Con người chết vì miệng nói ngoa…”. Hay: “… Quả ớt dù cay cũng ăn cả vỏ/ Quả chuối dù ngọt cũng bỏ vỏ ngoài…”.
Họ hát ví với nhau: “... Quả sổ vỏ cong ôm lấy núi/ Buồng chuối quả cong ôm lấy cành/ Khỉ con dài tay ôm lấy mẹ/ Anh muốn nằm co ôm lấy em…”.
Còn dân tộc Dao tại các đám cưới ngay ở chân cầu thang, trai gái họ hát đối nhau:
“ Cái gì gắp được không nướng được?/ Cái gì nướng được không gắp được?”
Bên trai: “Em à! Lá cọ lợp nhà gắp được không nướng được/ Hòn đá làm kiềng nướng được không gắp được!”.
Bên gái lại hát: “Con gì đẻ ra không thấy mẹ/ Con gì đẻ ra không ăn bú?”.
Bên trai hát trả lời: “Con vịt đẻ ra không thấy mẹ/ Con gà đẻ ra không ăn bú”.
Bên gái hát: “Con gì đánh sắt trên đầu đá/ Con gì mặc váy đợi người yêu?”.
Bên trai hát trả lời: “Con cua đánh sắt trên đầu đá/ Con tôm mặc váy đợi người yêu”.
Cứ thế họ hát thâu đêm. Chỉ biết là sau mỗi cuộc hát đó trai gái yêu nhau nên vợ nên chồng. Những đôi trai gái người dân tộc qua các cuộc hát đối đáp đó sau nên vợ nên chồng ít có trường hợp ly hôn, họ sống hòa thuận, nền nếp, gia giáo. Cũng như các dân tộc Tày, Cao Lan, dân tộc Dao ở nhà sàn. Ngày nay do thiếu gỗ làm nhà, họ đúc cột xi măng làm nên những căn nhà sàn bề thế vững chãi quay ra hồ Thác Bà lộng gió. Từ già chí trẻ vẫn mặc trang phục của dân tộc mình, nói tiếng nói của dân tộc mình. Đến tuổi qua làm lễ “Cấp sắc” họ mới thực sự trưởng thành. Vốn dân ca, dân vũ của dân tộc Dao quần trắng ở trong vùng còn rất dồi dào, chưa mấy ai đánh thức để khai thác, bảo tồn nhằm phát huy những bản sắc riêng có ở dân tộc Dao và Cao Lan trong vùng.
Dân tộc Tày trong vùng mỗi khi hát giao duyên bằng giọng lượn cọi hay khắp của các đôi trai gái bao giờ người con trai cũng ngỏ lời trước. Khi thấy người con gái đang cấy lúa họ đã ngỏ lời:
“... Em ơi, chiếc mạ bao nhiêu nhánh/ Để anh chung một nhánh được không?”
Hoặc :
“…Nón cọ hay nón bạc/ Nón này đội hai người được không?”.
Thấy người con gái vẫn e lệ, dè dặt, bên các chàng trai lại hát:
“…Lá dong hay lá chuối/ Cây nứa hay cây bương/ Gái tơ hay vợ người/ Vợ người anh xin thôi/ Gái tơ anh ngỏ lời…”.
Khi các chàng trai hát ngỏ lời vào bản nghỉ trọ, các cô gái hát:
“Nhà em cột sa nhân/ Dựng dỏng dẻnh bên đường/ Giát nhà bằng nứa dại/ Không chê dặm là ở, anh ơi”.
Cứ thế họ hát kéo dài tới hai ba đêm để ước nguyện nay mai trở thành vợ chồng. Cũng có người đã có vợ có chồng rồi mà còn đi hát bâng quơ bị người bạn hát lời dặn lại:
“... Em hỡi, hãy về nhà cùng chồng/ Nhà cửa đừng bỏ không người cười/ Đạo bạn, bạn một ngày là thôi/ Vợ chồng hãy thong thả làm ăn”.
Không dừng được nữa, họ phải trở về bản quán để làm ăn, hẹn gặp lại các dịp lễ hội mùa sau. Họ đã hát lời giã biệt:
“Giờ đây còn nói được với nhau/ Lúc nữa duyên đôi ta tạm biệt/ Cũng như chim ăn trái lìa tổ/ Xa nhau biết mấy ngày gặp lại/ Tựa như bụt nơi chùa bỏ hương/ Xa em bao tháng ngày thấy mặt/ Dứt em đi khác xã hãy thương/ Xa em đi khác mường hãy nhớ/ Cơm xong em mắc màn vào ngủ/ Em hãy nhớ đặt gối cho anh/ Vía anh bạn cùng em đêm ngày/ Ngộ nhỡ anh mơ thấy cũng nên/ Ăn cơm đặt hai đũa vào mâm/ Trầu cau hãy đặt gần màn chiếu/ Vía anh về kết bạn cùng nàng/ Anh nhắn em đường xa hãy nhớ”.
Trong các bài hát khắp, lượn, cọi của người Tày còn có các bài về khuyên. Các bài về khuyên làm cho người ta dù trai hay gái khó chối từ trước lời mời hát hay cùng nhau du ngoạn trong cuộc du hội, du xuân nào đó:
“Giơ tay đón lời đẹp/ Ngửa tay đón lời hay/ Lời hay không rơi sàn/ Lời đẹp không rơi đất/ Đem vào trong hòm bạc em khóa/ Bao giờ về nhà chồng mới mở”.
Nhờ có đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước, đời sống mọi mặt của bà con nhân dân các dân tộc trong vùng đã thực sự đổi thay. Trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước, trai gái họ đến với nhau theo cách khác. Đám cưới cũng vậy, xe đón xe đưa ào đến ào đi. Những câu hát giao duyên chỉ còn đọng lại trong nỗi nhớ của các bậc cao niên.
Khách xa gần đến Yên Bái, đến với vùng non xanh nước biếc hồ Thác Bà chỉ để thưởng thức những ẩm thực hoặc thoáng chốc nghe những bài hát mới. Có điều lạ là khu du lịch Tân Hương có nhà sàn thoáng mát, tiện nghi khá đầy đủ lại tiện đường vào thế mà nay vắng vẻ hầu như không có khách đến. Trong khi đó ở Ngòi Tu (Vũ Linh), khách nước ngoài đến rất đông, ở đấy vừa xa, đường vào lầy lội thế mà ông Rô-phê-bình - người quản lý khu du lịch, đã quảng cáo, đào tạo chị em người Dao nói tốt tiếng Anh, biết làm salát, biết múa hát dân ca dân vũ để đón mời khách. Tôi thấy có lần một tổ văn nghệ múa sạp, người nước ngoài cùng nhau nhảy cả nửa giờ không biết mệt. Họ thích xem những tiết mục múa hát giao duyên tập thể của các dân tộc mang giai điệu cổ.
Dù mạch văn hóa dân gian vẫn âm ỉ chảy vào quên lãng, nhưng vẫn có thể gặp chút dân gian trong hát khắp, hát cọi của cô gái Tày khi mời khách xuống thuyền vãn cảnh hồ: “... Con đường ba mươi ngả/ Bản người chín mươi lối/ Ba mươi lối về vòng/ Chín mươi lối về chụm/ Lối nào lối Thác Bà/ Ngả nào ngả thủy điện/ Mời anh về thăm hồ ngắm cảnh anh ơi…”
Hoặc hát giao duyên của người Dao: “... Ngày xưa mỗi người một đỉnh núi/ Thương nhau mà chẳng đến được nhau/ Ngày nay đường rộng chung lối bước/ Sớm tối đi về nụ cười trao…”.
Vậy thì vấn đề đặt ra cho việc giữ gìn văn hóa phi vật thể của các dân tộc trong vùng cần làm những gì bây giờ để phục vụ cho tiến trình hội nhập đó. Có lẽ cần có sự sưu tầm, dịch thuật, khai thác, phát huy những tinh hoa văn hóa dân gian vừa để lưu giữ vừa để giới thiệu với khách; cần có sự hỗ trợ của các ngành chức năng để giữ gìn vốn cổ đưa các tốp văn nghệ dân gian ở từng vùng, từng dân tộc vào phục vụ khách; cần đến những văn nghệ sỹ, nghệ nhân am hiểu vốn cổ để đặt nên những lời mới phù hợp. Trước là để con cháu mình nhớ về nguồn cội để mà tự hào đi lên, nữa là để khách lưu lại những kỷ niệm đẹp với vùng non xanh nước biếc này.
Hoàng Tương Lai
Các tin khác
Kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2014), nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật sẽ diễn ra trong tuần này.
Với vai thái giám trong vở kịch “Đạo học” (Nhà hát Kịch Việt Nam), nghệ sỹ Xuân Bắc đã giành huy chương vàng tại Liên hoan sân khấu Thủ đô lần thứ nhất 2014.
Nguyễn Thiện Nhân - "cô bé đu đủ" của đội huấn luyện viên Cẩm Ly đã trở thành quán quân "Giọng hát Việt nhí 2014" khi nhận được 49,47% lượt tin nhắn bình chọn từ khán giả truyền hình trong đêm chung kết diễn ra ngày 3/10.
Trong khi 1/10/2014 là hạn cuối đăng ký gửi phim dự tranh Oscar 88 với các quốc gia ngoài Mỹ. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2006 đến nay Việt Nam không nhận được thư mời từ viện.