Nhà văn của nghĩa tình quê núi
- Cập nhật: Thứ sáu, 20/3/2015 | 4:54:46 PM
YBĐT - Đi qua 2/3 chặng đường đời với 30 năm cầm bút, nhà văn Hà Lâm Kỳ đã mang đến cho bạn đọc nhiều tiểu thuyết, truyện dài, truyện ngắn mang hơi thở của núi rừng quê hương và đậm chất nhân văn. Ông cũng đã giành nhiều giải thưởng của Trung ương, địa phương.
Nhà văn Hà Lâm Kỳ.
|
Quê hương yêu dấu của Hà Lâm Kỳ chính là vùng quê Đại Lịch -Văn Chấn giàu truyền thống văn hóa và cách mạng. Vẫn còn đó đèo Din - nơi người anh hùng trẻ tuổi Hoàng Văn Thọ cướp súng giặc rồi hy sinh… Vẫn còn đó rừng Phắc Nam, rừng Đồng Lở… nơi Huyện bộ Việt minh Văn Chấn đóng quân năm xưa, được nhân dân Đại Lịch che chở và giúp sức làm nên những trận đánh khiến thực dân Pháp phải khiếp sợ. Vẫn còn đó mái trường xưa nơi ông ngập ngừng vào lớp 1 để rồi trở thành nhà văn của thiếu nhi miền núi, nhà văn hóa dân tộc thiểu số. Mỗi lần trở lại mái trường yêu dấu, ông không khỏi bồi hồi, xúc động và vui nhất là vẫn được gặp người thầy năm xưa - người đã nhen nhóm trong ông tình yêu với văn chương.
Mỗi chuyến trở về quê hương là thêm một lần Hà Lâm Kỳ tìm về những kỉ niệm từ thuở ấu thơ, để được nghe lại những câu dân ca đượm nghĩa đượm tình, những câu chuyện cổ tích như lời ngàn xưa còn vọng mãi, để gặp lại những con người đã đi vào các trang viết của ông. Thời gian xoay vần, biến đổi, dù người còn, người mất nhưng tình cảm thì sống mãi. Cha là người đã tạo mọi điều kiện để ông được học hành đến nơi đến chốn dù những tháng ngày đó đang chiến tranh vô cùng ác liệt. Còn bà nội là người đã hun đúc, nuôi dưỡng nên tâm hồn một nhà văn Hà Lâm Kỳ nặng nghĩa nặng tình bằng những câu ca ru hời, bằng những sự tích bà kể hằng đêm bên bếp lửa. Ngôi nhà sàn thân thương gắn bó suốt thời thơ ấu giờ cũng không còn nhưng trong tâm khảm, kí ức của ông, ngôi nhà sàn với từng góc sân, gốc cây thân quen vẫn luôn nguyên vẹn.
Cùng nhà văn trở lại quê hương ông vào đúng mùa gặt mới thấy vẻ đẹp của làng quê miền núi trong sắc màu rộn rã, ấm no của cuộc sống nông thôn vùng cao. Bao nhiêu kỉ niệm với quê hương được ông chia sẻ trong tác phẩm “Làng nhỏ”. Nào chuyện đi bắt cá ở suối làng, chuyện trèo cây hái quả, chuyện chơi đùa dưới gốc cây đa ở đình làng. Dù đã về quê rất nhiều lần nhưng lần nào ông cũng tìm lại kỉ niệm, gặp những người quen. Họ không chỉ là bậc cha chú, là những người bạn từ thuở thiếu thời ghi dấu cùng ông bao kỉ niệm mà ít nhiều đều thành nguyên mẫu trong tác phẩm của ông.
Mỗi lần về quê, ông không quên đến thăm cụ bà Hà Thị Chuyên - vợ chưa cưới của liệt sĩ Hoàng Văn Thọ - cũng là nguyên mẫu nhân vật Thảo trong truyện dài “Kỉ vật cuối cùng” - tác phẩm đạt giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991 và được đưa vào giảng dạy trong chương trình văn học địa phương tỉnh Yên Bái. Cụ Hà Thị Chuyên đã gần 90 tuổi và cũng đã gần 70 năm sau ngày anh hùng trẻ tuổi Hoàng Văn Thọ hy sinh nhưng cụ bà vẫn gìn giữ nguyên vẹn tấm áo kỉ vật anh Thọ đã trao trước khi tham gia trận đánh đèo Din. Đó là lần gặp cuối cùng, lần hẹn ước cuối cùng nhưng với cụ Chuyên, tình cảm thiêng liêng ấy không bao giờ phai nhạt. Vẫn nguyên vẹn nỗi xúc động và tiếc thương mỗi lần cụ kể về lần chia tay ấy. Và giờ đây, qua những trang viết của nhà văn Hà Lâm Kỳ, câu chuyện về người anh hùng trẻ tuổi của quê hương được nhiều thế hệ bạn đọc biết đến và trân trọng.
Niềm vui lớn không chỉ đối với nhà văn Hà Lâm Kỳ mà còn là niềm tự hào chung là giờ đây nơi quê ông đã có ngôi trường mang tên người anh hùng tuổi trẻ của quê hương như một sự ghi dấu tình cảm và công lao của thế hệ cha ông đã ngã xuống cho hòa bình, hạnh phúc của đất nước hôm nay. Lịch sử ngôi trường THCS Hoàng Văn Thọ gắn liền với cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân Đại Lịch và lòng hiếu học của lớp lớp thế hệ học sinh nơi đây. Nhà văn Hà Lâm Kỳ luôn cảm thấy tự hào khi ông là một trong số không nhiều học sinh những năm đầu tiên của trường. Ngoài ngôi trường mang tên Hoàng Văn Thọ còn có nhà lưu niệm lưu giữ những kỉ vật về anh, về trận đánh đèo Din năm xưa… Đó là những tư liệu lịch sử vô giá giúp nhà văn Hà Lâm Kỳ hoàn thành cuốn sách “Kỉ vật cuối cùng”. Có thể nói, chính những ân tình sâu nặng của quê hương xứ sở đã góp phần lớn làm nên tên tuổi nhà văn Hà Lâm Kỳ hôm nay.
Đến thăm căn phòng nhỏ của nhà văn Hà Lâm Kỳ, mới thấy ông trân trọng và yêu quý văn chương đến nhường nào. Từng tác phẩm, từng bức ảnh ghi lại những khoảnh khắc quý giá được ông sắp xếp gọn gàng, ngay ngắn, có chú thích như góc thư viện nhỏ. Với nhà văn, tài sản vô giá ngoài tình cảm gia đình, người thân, bạn bè thì tủ sách là bao tâm tư, tình cảm gửi gắm và gìn giữ cho con cháu đời sau. Những lúc suy tư, ông thường ngắm lại những tấm ảnh đã ngả màu thời gian, soi mình vào đó mà ngẫm để rồi bật ra ý tưởng cho tác phẩm mới.
Kỉ niệm sâu sắc ông luôn trân trọng là “5 lần được về bên Đại tướng Võ Nguyên Giáp”. “Mỗi lần, dù là về thăm, về làm việc với tư cách người sưu tầm tư liệu lịch sử hay đưa các đoàn thiếu nhi, học sinh về chúc thọ Đại tướng là một lần vinh dự và có thêm những kỉ niệm hết sức sâu sắc và thiêng liêng.” Nhiều khoảnh khắc với người thầy, với bạn bè văn chương, người thân trong gia đình… đều được ông trân trọng lưu giữ bởi đó là quá khứ, là tình cảm quý giá đối với ông.
Những khoảnh khắc đó sau này có thời gian, ông đã kể lại trong cuốn sách “Gặp và ghi”, như “Phạm Hổ giúp tôi sửa thơ”; “Được Huy Cận tặng thơ trên máy bay”; “Thầy tôi - Nhà văn Vi Hồng”; “Anh tôi, nhà giáo Hà Văn Định”… Đặc biệt, ông vô cùng trân trọng những kỉ vật ghi lại năm tháng gắn bó với chiến trường như chiếc ba lô đã cũ sờn, chiếc bát sắt ăn cơm, bi-đông đựng nước… nhưng chứa đựng vô vàn tình cảm, kỉ niệm của ông.
Tiểu thuyết “Vượt rừng” hoàn thành tháng 1 năm 2003 nhân kỉ niệm 30 năm ngày vào chiến trường đã tái hiện những kỉ niệm không chỉ của riêng ông mà còn là món quà “kính tặng đồng đội 3005 - những người đã hy sinh, những người còn sống trở về sau tháng năm dài đánh Mỹ…” Tiểu thuyết “Vượt rừng” mô tả cuộc hành quân của tiểu đoàn 4 mang phiên hiệu Đoàn 3005 bắt đầu từ Đại Từ - Thái Nguyên đi Hà Nội, vào Nam với bao kỉ niệm vui buồn đáng nhớ. Đó luôn là những ký ức sống mãi trong ông, tiếp thêm sức mạnh cho ông sống và viết để tri ân đồng đội.
Không chỉ là nhà văn của thiếu nhi miền múi với các tác phẩm: “Kỉ vật cuối cùng”, “Gió Mù Cang”, “Những đứa con lên núi”, “Con trai bà chúa Nả”, “Ông tướng Bọ ngựa”, “Quả nhạc xòe của mẹ”, “Áo chàm chân núi”..., Hà Lâm Kỳ còn là nhà nghiên cứu văn hóa dân gian các dân tộc trên quê hương Yên Bái. Phải kể đến các tác phẩm: “Mỗi nét hoa văn”, “Từng vuông thổ cẩm”, “Một góc nhìn”, “Lời bình sau cổ tích”, “Minh Khương và tác phẩm sưu tầm, nghiên cứu văn hóa Mông”...
Là một nhà văn, đồng thời là một người làm văn hóa nên Hà Lâm Kỳ luôn trăn trở với việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy nét đẹp văn hóa các dân tộc; làm sao để gìn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc đích thực. Đó là các bài nghiên cứu: “Về văn hóa dân gian Yên Bái”; “Tục cưới hỏi của người Dao quần trắng”; “Tập quán về quan hệ xã hội của người Tày”; “Người Mường ở Yên Bái”; “Lễ đón Mẹ lúa của người Khơ Mú”; “Yên Bái, đâu là nét văn hóa riêng?”...
Với những đóng góp ấy, Hà Lâm Kỳ đã vinh dự nhận được nhiều giải thưởng như: giải C của Hội Nhà văn Việt Nam cho truyện dài “Kỉ vật cuối cùng” năm 1991; giải C cuộc thi viết về thiếu nhi dân tộc miền núi (tổ chức năm 1994 - 1995); Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tặng thưởng giải 3 năm 2005 với tác phẩm “Mỗi nét hoa văn”... Được ghi nhận qua nhiều giải thưởng nhưng điều nhà văn Hà Lâm Kỳ trân quý nhất chính là tình cảm với bạn bè văn chương - những người thầy, người bạn, học trò đã cùng ông chia sẻ, đồng cảm tình yêu với cái nghiệp văn chương vốn được ví là “lắm nỗi truân chuyên”.
Hà Lâm Kỳ cũng luôn chú trọng đến việc chăm chút cho lớp trẻ trong dòng họ, gia đình bởi bản thân ông được lớn lên trong tình yêu thương, sự đùm bọc của gia đình, xóm làng, của quê hương miền núi thân thương nên hơn ai hết, ông thấu hiểu những giá trị, vai trò của tình cảm gia đình, quê hương trong việc bồi đắp tâm hồn, tình cảm, nhân cách cho thế hệ trẻ.
Giờ đây, khi đã nghỉ hưu, nhà văn Hà Lâm Kỳ mới có nhiều thời gian dành cho gia đình. Ông thấy mình hạnh phúc khi luôn nhận được sự ủng hộ, động viên của người bạn đời và các con cháu. Đó là động lực và nguồn cảm hứng không nhỏ làm nên các tác phẩm của ông. Hiện tại, nhà văn đang ấp ủ hoàn thành một số tập bản thảo như “Cánh cung đỏ” - viết về lịch sử đấu tranh cách mạng của quê hương Đại Lịch những năm khánh chiến chống Pháp, “Nàng Han” - viết về nữ tướng vùng Mường Lò đã đứng lên đánh giặc cờ Vàng, “Thủ tục lễ nghi đám tang của người Thái đen”, “Đại Lịch, tìm lại và ghi”… Chắc chắn, với tâm huyết và sự lao động miệt mài, nghiêm túc, nhà văn Hà Lâm Kỳ còn mang đến nhiều tác phẩm đặc sắc mang đậm hơi thở, bản sắc quê hương.
Anh Thư
Các tin khác
Ngày 18/3, Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công bố "Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" vừa được Chính phủ phê duyệt.
Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) vừa có công văn gửi Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel), Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Tổng công ty Truyền hình Cáp Việt Nam (VTVCab) và Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu về việc ngừng phát sóng các kênh chương trình truyền hình không phép.
Lien hoan phim (LHP) Pháp ngữ 2015 sẽ giới thiệu "Đập cánh giữa không trung" cùng 2 bộ phim Việt Nam khác là "Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng", "Những đứa con của làng".
Sau hai phần gây sóng gió trên truyền hình thế giới, phần 3 bộ phim truyền hình ăn khách nhất Mỹ “Sóng gió chính trường - House of cards” sẽ chính thức lên sóng K+ của Việt Nam từ tối nay, 19/3.