Văn xuôi tự hào nở rộ
- Cập nhật: Thứ năm, 13/8/2015 | 3:24:03 PM
YênBái - YBĐT - Chỉ tính văn xuôi, chúng ta vui mừng nhận thấy trong nhiệm kỳ khóa V (2010 - 2015), tập thể và các cá nhân hội viên Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh Yên Bái đã không ngừng sáng tạo, đem lại một số lượng tác phẩm được công bố đáng trân trọng: xuất bản được 41 đầu sách gồm 5 tiểu thuyết, 5 tập truyện ngắn, 4 tập truyện và ký, 3 tập bút ký - ghi chép, 7 tập truyện thiếu nhi, 2 tập văn xuôi chọn lọc, 9 tập nghiên cứu phê bình, 6 tập sưu tầm - biên soạn.
Mùa cấy ở Tú Lệ.
(Ảnh: Hoàng Đô)
|
Đội ngũ tác giả đã định danh từ các khóa trước nay tiếp tục khẳng định mình bằng các tác phẩm có chất lượng.
Hoàng Thế Sinh vẫn hào hoa, lãng tử, bỡn cợt, bông đùa với thói tật xã hội qua tập truyện “Sềnh bông phèng”, nghiêm túc phê phán hơn cả trong tiểu thuyết “Thuốc phiện và lửa”.
Ngọc Bái với tập truyện ngắn “Lắm ngả đường đời” đã phản ánh hiện thực cuộc sống qua các thân phận con người, nhất là các mối quan hệ chằng chịt giữa cái xấu, cái ác và cái tốt, cái thiện hiện hữu trong nội bộ cán bộ, sĩ quan, chiến sĩ trong chiến tranh hay trong nội bộ dân chúng, anh em hàng xóm nơi dân sự, ít nhiều có sự đùa bỡn, giễu cợt, xa xót. Với tiểu thuyết “Ngang trời mây đỏ”, ông tái hiện lại cuộc khởi nghĩa Yên Bái, làm nổi lên vai trò của Nguyễn Thái Học, Xứ Nhu và các đồng sự, để lại nhiều tư liệu quý và một lối viết mới về tiểu thuyết lịch sử qua các suy nghĩ và cảm nhận lịch sử. Những tập truyện viết cho thiếu nhi của ông “Dưới con mắt rừng”, “Thằng bé nghịch cát” là những ký ức về tuổi thơ ở làng Vạn Lâu, làm nổi lên vẻ đẹp của gia đình và bà con thôn xóm vốn hiền lành, chất phác và giàu lòng yêu nước, nhân hậu.
Trần Cao Đàm tiếp tục viết tiểu thuyết về đề tài miền Tây Yên Bái, khắc họa khá thành công cuộc sống kháng chiến chống Pháp của nhân dân miền Tây qua tiểu thuyết “Đất Mường thời dông lũ”.
Phạm Đức Hảo làm sáng lên vẻ đẹp của cô giáo vùng cao qua tiểu thuyết “Cô giáo tôi”.
Hà Lâm Kỳ với tuyển tập “Văn xuôi Hà Lâm Kỳ”, “Gặp và ghi” vẫn trung thành với đề tài miền Tây và quê hương Đại Lịch, làm sống lại các nhân vật lịch sử vốn là thanh niên, thiếu niên đầy dũng cảm trong kháng chiến chống thực dân Pháp, ngoài ra là các ghi chép về các vấn đề văn hóa, xã hội với những đề xuất cụ thể. Anh còn làm công việc khảo cứu cho ra đời cuốn sách “Lời bình sau cổ tích”.
Vũ Quý văn chương sắc sảo có nhiều ẩn ý sâu xa qua tập truyện và ký “Viên chức văn chương”.
Ngoài tập văn thơ tự chọn “Tháng năm thương nhớ” và tập sách biên soạn tái bản “Địa danh Yên Bái sơ khảo”, Hoàng Việt Quân tập trung nhiều công sức cho các công trình nghiên cứu, phê bình “Bạn hữu non ngàn”, “Chút lòng tri ân”, “Nhà giáo - nhà văn Ma Văn Kháng”, “Cầm Hánh đánh giặc Cờ Vàng” (in chung với Lò Văn Biến). Đó là những trang tư liệu và lời bình phẩm về tác giả tác phẩm một thời đã qua, là giới thiệu truyện thơ lịch sử của dân tộc Thái về nhân vật Cầm Hánh đánh giặc Cờ Vàng được lưu truyền trong dân chúng, được chép trong sách cổ.
Nguyễn Đức Long xuất bản tập ký “Những ngày ở Nậm Tu” phản ánh hiện thực cuộc sống trên quê hương Yên Bình.
Ngoài tập sưu tầm, giới thiệu “Hoàng Hạc - văn và đời”, tác giả Hoàng Tương Lai còn công bố được một số tác phẩm mang bản sắc dân tộc Tày rất đáng ghi nhận: tập truyện thiếu nhi “Cõng bạn gọi mặt trời”, tập nghiên cứu sưu tầm “Hát quan làng trong đám cưới người Tày ở Yên Bái”, tập truyện cổ dân gian Tày “Hai người con tiên”.
Bá Khánh để lại những nhân vật khá ấn tượng ở vùng đất Văn Yên qua tập truyện ngắn “Điểm đặt của lòng tốt”.
Nguyễn Hiền Lương ngày càng chắc tay và viết hay hơn với nhiều truyện ngắn gần đây, tập trung trong tập truyện "Miền rừng thuở ấy", “Người về sau cuộc chiến”, phong phú về đề tài phản ánh và lung linh sắc màu cuộc sống các vùng quê Yên Bái qua tập bút ký “Lung linh Mường Lò”.
Bùi Thị Kim Cúc tiếp nối những băn khoăn, trăn trở về tình yêu, về cuộc sống vợ chồng, gia đình và một phần đã hướng về các vấn đề xã hội để phản ánh qua tập truyện ngắn “Người đi tìm hạnh phúc”.
Vũ Quang Trung với tập truyện và ký “Lời người cầm phấn” có lối viết linh hoạt, rất gần với thể loại truyện ký.
Nguyễn Thế Chửng vốn là người làm thơ, ít ai có thể tưởng tượng được anh lại ra đời được cuốn tiểu thuyết đầu tay “Nẻo đời sau bão”, tái dựng một tập thể nữ xay xát lương thực ở Yên Bình phục vụ kháng chiến gặp biết bao gian khổ khó khăn, thiếu thốn tình cảm mà vẫn hồn nhiên, hăng say công tác, sau hòa bình lại phải bươn chải kiếm sống, mỗi người một hoàn cảnh, một éo le trong tình đời, nhưng họ vẫn hướng thiện, vươn lên đầy nghị lực.
Hiền Phong cuối đời còn để lại tập tiểu luận “Sáng không cùng” với bao tấm lòng thương yêu, trân trọng bạn bè, đồng nghiệp.
Bên cạnh đội ngũ cũ đã từng trải, vững tay nghề, chúng ta cũng ghi nhận đội ngũ mới giàu bút lực, đang hình thành và tự khẳng định mình. Đó là tác giả Nông Quang Khiêm, dân tộc Tày để lại những trang văn trong sáng, đậm đà bản sắc dân tộc Tày ở vùng Đông hồ Thác Bà qua tập truyện viết cho thiếu nhi “Những ánh sao xanh”. Dương Hiền Nga vốn là cô giáo có hẳn tập truyện “Ước gì có cánh” đầy sự thương yêu, quý trọng tuổi thơ. Trần Vân Hạc vốn am hiểu chữ Thái và các phong tục, tập quán dân tộc Thái đã ra đời được cuốn sách sưu tầm - biên soạn “Nhân sinh dưới bóng đại ngàn”, lại công bố được tập truyện và văn “Tiếng ban mai”. Hoàng Xuân Lý là tác giả duy nhất từ trước đến nay phản ánh cuộc sống và con người ở các xã vùng sâu, vùng xa ở phía đông huyện Văn Chấn qua tập truyện và ký “Nghĩa tình phía cổng trời”. Hoàng Kim Yến viết về các em thiếu nhi và tuổi trẻ học đường , để lại ấn tượng nhất là các truyện đồng thoại đầy tính giáo dục qua tập truyện “Một cuộc giải cứu”. Nguyễn Ngọc Yến với tập truyện ngắn “Mùa xa” thì lại sớm già dặn trong bút pháp, đầy nữ tính nhưng cũng thể hiện cá tính mạnh mẽ đã tạo những lát cắt tâm lý sắc gọn trong tình yêu. Chị cũng để lại những truyện ngắn khá chững chạc về các vấn đề xã hội, hứa hẹn sẽ có những tác phẩm hay hơn. Nguyễn Mạnh Hùng say mê văn hóa dân gian đã công bố được công trình “Lễ cưới của người Dao Nga Hoàng” vừa có tính học thuật vừa chu đáo, cẩn thận trong trình bày, bố cục và các dẫn chứng thực tế, cụ thể.
Văn xuôi Yên Bái còn phải kể đến các tập sách do Hội đứng ra trực tiếp xuất bản như “Nơi không ai muốn đến” (tập kịch và tiểu phẩm về An toàn giao thông, 2010), Yên Bái - điểm hẹn du lịch (2011), Văn nghệ Nghĩa Lộ (2012), Chuyên đề thực hiện các chương trình phát triển kinh tế trong đồng bào dân tộc thiểu số (2012), Chuyên đề những mô hình sản xuất hiệu quả ở vùng cao Yên Bái (2012), Chuyên đề bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số Yên Bái (2012), Ngành thuế Yên Bái trên đường phát triển (2013), Văn xuôi Yên Bái (2010 - 2015).
Đây là các tập sách phối hợp với các đơn vị bạn thiết thực phục vụ cho các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh hoặc góp phần xây dựng đời sống văn hóa tinh thần ở cơ sở hoặc giới thiệu các tác phẩm văn xuôi tiêu biểu của các tác giả hội viên của Hội.
Nói như thế,không có nghĩa là chúng ta không có hạn chế, khuyết điểm, yếu kém. Mong rằng,chúng ta tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, khắc phục hạn chế, yếu kém, không ngừng vươn lên, hăng say sáng tác, hy vọng sẽ có tác phẩm văn học đạt đỉnh cao trong thời gian tới.
Hoàng Việt Quân
Các tin khác
Bộ phim tài liệu có nhan đề Je suis Charlie (Tôi là Charlie) sẽ công chiếu lần đầu tiên tại Liên hoan phim quốc tế Toronto, Canada năm nay (từ ngày 10 đến 20-9).
Trước khi bắt đầu năm học mới, khán giả nhí có thể dành thời gian cuối hè tham gia vào Lễ hội phim hoạt hình Việt Nam - Hàn Quốc 2015.
Theo lộ trình đến cuối năm 2015, tỉnh Phú Thọ sẽ hoàn thiện hồ sơ đệ trình lên UNESCO đưa hát Xoan Phú Thọ ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp, chính thức trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.
Đây là những cuốn sách được lựa chọn theo các thể loại chính trị, pháp luật, văn học trong nước các loại.