Hình ảnh người phụ nữ trong bài hát của dân tộc Thái

  • Cập nhật: Thứ sáu, 14/8/2015 | 9:47:51 AM

YênBái - YBĐT - Bài hát Chị em gái đến thăm nhau của người Thái Tây Bắc, (Quám khắp pị ưởi noọng má giam) là một trong những bài hát để lại ấn tượng sâu sắc bởi tư tưởng tình cảm và tính nhân văn cao đẹp.

Thiếu nữ Thái Mường Lò.
(Ảnh: Hoàng Nhâm)
Thiếu nữ Thái Mường Lò. (Ảnh: Hoàng Nhâm)

Bài hát nằm trong hệ thống các sáng tác mang chủ đề tình cảm gia đình, ra đời khi giáo lý phong kiến còn đè nặng lên cuộc sống của người Thái Tây Bắc, lúc người con gái Thái không có tự do hôn nhân:

“Người mình yêu bố mẹ không gả
Bố mẹ gả chúng mình đi như người Hán bán trâu bán ngựa
”.

Ngày nay, trong chế độ mới người con gái Thái được làm chủ cuộc đời, song bài hát Chị em gái đến thăm nhau vẫn được hát lên khi chị em ruột hội ngộ, dẫu mỗi người đều đã có cuộc sống riêng của mình.

Trong bữa cơm đoàn viên, trước khi nâng chén, người đến thăm nhớ lại những kỷ niệm khi còn nhỏ, sống chung dưới một mái nhà của bố mẹ và cất tiếng hát: “Lâu lắm rồi chị em mới được thăm nhau/ Ít khi mới được ngồi cùng mâm/ Ăn cùng đũa, cùng nhặt hoa ban trong rổ cùng ăn/ Nhớ lại ngày xưa chị em mình cùng ăn một nồi, hái rau một vườn. Lúc ấy còn ngủ chung một buồng”. Đó là tuổi thơ trong trẻo với những kỷ niệm êm đềm rất đỗi đời thường, giản dị nhưng đã trở thành nỗi nhớ nhung da diết khi cha mẹ gả bán về nhà người. Bởi vậy: “Bây giờ tuy cùng bản, cùng mường/ Nhưng mỗi người một nơi/ Mỗi người một số phận/ Chị em ai lo phận nấy/ Ít khi có dịp hỏi thăm nhau”.

Tuy hôn nhân không như ý nhưng thiên chức của người phụ nữ là làm vợ, làm mẹ, ít nhiều cũng an ủi chị em: “Bố mẹ nói: Con gái trước sau cũng phải đi nhà chồng/ Như cây nứa không thể ở mãi trong bụi/… Bố mẹ gả đi là để các con xây dựng cuộc sống riêng của mình”.

Người đến thăm nhắc lại những kỷ niệm chung đẹp đẽ, động viên an ủi chị (em) gái. Lời hát thăm hỏi động viên chân tình sâu sắc: “Bài hát của chị em xin vâng, xin nhận/ Lời nói hay em xin được nghe/ Ngày nào em cũng ngóng đợi chị đến/ Ngồi đầu sàn cùng em chia sẻ nỗi niềm/ Ngồi cạnh cối giã gạo cũng nói chuyện”.

Nỗi nhớ mong ấy xuất phát từ đáy lòng, chân thành và cháy bỏng. Sự ràng buộc máu thịt làm cho nỗi nhớ day dứt khôn nguôi. Bởi vậy nếu chị (em) không đến thăm, dù biết chị (em) mình bận rộn, thì người kia vẫn buồn da diết: “Chị không đến được thì buồn lắm/ Ngồi gốc cây càng buồn/ Nghe chim hót càng buồn hơn/ Đêm đêm khóc ướt đẫm gối/ Có lúc muốn chết nhưng nghĩ lại vì thương chồng con”.

Nỗi buồn ấy không chỉ vì người chị em ruột của mình không đến thăm để cùng nhau chia sẻ, cảm thông, mà đó còn là nỗi buồn đau của những người phụ nữ không làm chủ cuộc đời mình. Bởi vậy tiêu cực đã có lúc chen vào ý nghĩ của họ. Song cái níu giữ họ lại chính là tình thương, là trách nhiệm với chồng con. Điều đó chứng tỏ người con gái đi lấy chồng, dù đã có một gia đình riêng nhưng trong sâu thẳm vẫn khát khao tình cảm của một gia đình lớn, nơi mình sinh ra và lớn lên, với bao kỷ niệm êm đềm. Chính tình cảm chân thành và trong sáng ấy làm cho lời ca thấm đượm lòng nhân ái. Hình tượng thơ thật đẹp theo logic: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”, càng khắc sâu nỗi buồn khi xa cách và làm cho lời hát bay bổng, đậm chất trữ tình.

Khi gặp nhau, bao nhiêu buồn vui, bao câu chuyện được ôn lại, chia sẻ, thời gian như trôi di vùn vụt. Người được thăm hát: “Bây giờ đã khuya lắm rồi, gà đã gáy/ Mây sà xuống bao phủ mái nhà/ Nhìn lên thấy sao hôm trên trời sáng rực/ Về ngủ thôi giấc ngủ mười hai giờ đêm/ Cá dưới ao cũng đã ngủ yên/ Con nòng nọc ngoài ruộng cũng đã ngủ/ Con báo trên cây ngủ rồi…/ Còn chưa ngủ là con chim bói cá và chim quyên qui/ Nhưng chị em mình không đua với chúng được đâu”. Và rồi họ cùng nhắc nhau nhớ đến trách nhiệm với chồng con, với thực tế cuộc sống: “Sáng ra chị em mình còn đi giã gạo/ Đi vặt lá dâu nuôi tằm, kẻo tằm chết thành đống/ Còn lên nương cùng cô chú/ Ra ruộng cùng chị em hái bông…”. Chính lời nhắc nhở ấy làm cho cuộc thăm hỏi của chị em thêm ý nghĩa. Tình cảm chị em là điểm tựa để mỗi người yên tâm vững vàng hơn.

Với hình tượng thơ chân thật, nhiều ví von so sánh sinh động, phù hợp với nội tâm, gây ấn tượng mạnh tới người nghe. Bài hát được các nghệ nhân dân gian sáng tạo với thể thơ tự do không bó buộc theo số câu hay luật bằng trắc, mà chú trọng vào các thanh điệu trầm bổng, cân đối nhịp nhàng, tiếng cuối ở câu trên vần với tiếng đầu ở câu dưới tạo nhạc điệu (lời dịch rất khó thể hiện được điều này) làm cho bài thơ khi hát lên đạt sự truyền cảm cao nhất. Bài hát càng đẹp hơn khi nhân vật “chị, em” không sa đà vào chuyện tình cảm riêng tư để ảnh hưởng tới hạnh phúc gia đình.

Lời nhắc nhở nhau đi ngủ để ngày mai còn đi lao động sản xuất toát lên vẻ đẹp tự nhiên dung dị trong tâm hồn người phụ nữ Thái Tây Bắc, vừa cần cù đảm đang, vừa dịu dàng nhân ái, dù trong hoàn cảnh nào, họ vẫn vững vàng sống tốt, đầy trách nhiệm. Những lời hát đầy ân tình làm cho bố mẹ chồng, chồng, con thêm thương yêu, cảm thông và trân trọng.

Trần Vân Hạc

Các tin khác
Nhà báo Hữu Thọ.

Những người làm báo và công chúng báo chí Việt Nam sửng sốt, bàng hoàng khi được tin nhà báo Hữu Thọ đột ngột qua đời. Một sự hụt hẫng, tiếc thương vô hạn!

Tuổi trẻ cả nước chào kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9. (Nguồn: VOV.vn)

Chương trình đêm nhạc hội “Tự hào Tổ quốc tôi” được tổ chức tại Hà Nội vào tối 17/8 và được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam.

Bộ tem mừng sinh nhật lần thứ 59 của Bác Hồ.

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam và 70 năm Ngày truyền thống ngành Bưu điện Việt Nam, vừa qua, Sở Thông tin và Truyền thông Lâm Đồng phối hợp Bưu điện tỉnh và Hội Tem Lâm Đồng tổ chức triển lãm tem bưu chính năm 2015.

Cuộc thi Hoa hậu Du lịch quốc tế 2013 tại Malaysia. (Ảnh: hanoimoi.com.vn)

Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đã cho phép Công ty TNHH Truyền thông Elite Việt Nam tổ chức cuộc thi Hoa hậu Du lịch quốc tế 2015 từ ngày 10/11-30/11/2015, tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục