Bảo tồn đạo sắc lụa gấm dài nhất Việt Nam

  • Cập nhật: Chủ nhật, 23/8/2015 | 8:34:28 AM

Dù đã trải qua hàng trăm năm lưu giữ, bảo quản bằng phương pháp thủ công nhưng đạo sắc quý hiếm bằng chất liệu vải lụa gấm có niên hiệu Hoằng Định năm thứ 11 (1610, triều vua Lê Kính Tông) được nhận định là dài nhất và nhiều chữ nhất Việt Nam vẫn còn khá nguyên vẹn. Tuy nhiên, theo người đang trực tiếp lưu giữ và theo lãnh đạo Bảo tàng Hà Tĩnh thì về lâu dài nếu bảo quản như cũ, đạo sắc này sẽ đối mặt nguy cơ bị hư hỏng, rách nát.

Ông Nguyễn Văn Tân và đạo sắc bằng chất liệu vải lụa gấm.
Ông Nguyễn Văn Tân và đạo sắc bằng chất liệu vải lụa gấm.

Ngày 19-8, tiếp chuyện với phóng viên báo chí, vợ chồng ông Nguyễn Văn Tân (60 tuổi), Phan Thị Tám (55 tuổi, trú tại thôn Ích Mỹ, xã Ích Hậu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) - là tộc trưởng dòng họ Nguyễn Văn cho biết, từ khoảng năm 1993 đến nay gia đình bắt đầu được hội đồng gia tộc giao nhiệm vụ lưu giữ, bảo quản đạo sắc vải lụa gấm (có người nói đạo sắc này là một dạng “chế”. Chế cũng là một dạng đạo sắc phong mà vua hay dùng để ban truyền, phong tặng cho một ai đó, tương tự giấy khen, bằng khen thời nay, nhưng có phạm vi rộng hơn)…

Trực tiếp đem đạo sắc từ trong một chiếc hộp gỗ ra ngoài sân đo đạc, kiểm tra chi tiết, ông Tân giới thiệu với phóng viên báo chí: đạo sắc này có màu vàng nhạt, chiều dài 4,5m, rộng gần 50cm, không có hoa văn, chạm khắc, tổng số chữ là 318, bố cục theo 63 hàng cột dọc, 5 - 6 hàng ngang, được viết trực tiếp lên nền vải lụa gấm. Nét chữ viết mảnh, thẳng hàng, rõ nét và đẹp mắt, phần ghi niên hiệu do nằm ở cuối của khổ vải đã bị sổ nên chỉ còn lại 1/2 phần ấn dấu triện màu đỏ của nhà vua. Sắc có niên hiệu Hoằng Định, năm thứ 11 (1610), dưới triều vua Lê Kính Tông.

Nội dung là phong công trạng, khen thưởng cho ông Nguyễn Văn Giai (sinh năm 1553, ở thôn Phù Lưu Trường, huyện Thiên Lộc, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An - nay là xã Ích Hậu, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh), một vị quan đại thần vào cuối thế kỷ 16 đầu thế kỷ 17, người từng làm tể tướng 3 triều vua Lê (Lê Mục Tông, Lê Thế Tông và Lê Kính Tông). Ông Nguyễn Văn Giai là bậc khai quốc công thần nổi tiếng chính trực, có tài kinh bang tế thế, văn võ song toàn, hiến nhiều mưu lược cho nhà vua để giữ yên bờ cõi và thiết lập tình giao hảo với các nước.

Ông Tân cho biết thêm, vốn trước đây dòng họ Nguyễn Văn có 2 đạo sắc chất liệu bằng vải lụa gấm quý hiếm, tuy nhiên trải qua thời gian và do nhiều lý do khác nhau nên đến nay chỉ còn lưu giữ lại được 1 đạo sắc vải lụa gấm này. Đây là bảo vật vô giá của dòng họ nên rất ít người được trực tiếp chiêm ngưỡng nó, vì phải được sự cho phép của cả hội đồng gia tộc. Ngoài ra, hiện tại gia đình còn lưu giữ thêm 45 đạo sắc phong bằng chất liệu giấy dó có hoa văn, kích thước khác nhau từ thời Lê đến thời Nguyễn phong tặng cho đại thần Nguyễn Văn Giai.

Tuy nhiên, do thời gian đã quá lâu, cách bảo quản thủ công chủ yếu là cuộn kín giấy, vải rồi bỏ trong các ống nhựa cất giữ vào một chiếc hộp gỗ lim, khí hậu lại biến đổi thất thường, nên nhiều đạo sắc đã bắt đầu bị mục, rách, nhàu nát. Vì vậy, nguyện vọng tha thiết của gia đình và dòng họ là mong được cơ quan chức năng sớm quan tâm triển khai phương án phục chế, in ấn, số hóa, phiên âm, dịch thuật để thuận lợi cho việc bảo tồn, giữ gìn đến mai sau.

Cùng đi với phóng viên báo chí còn có ông Lê Bá Hạnh, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh. Sau khi quan sát, nghiên cứu đạo sắc bằng vải lụa gấm, ông Hạnh cho biết, tính đến thời điểm hiện tại đã nhận định đạo sắc vải lụa gấm đang được lưu giữ tại nhà ông Tân, bà Tám là dài nhất (4,5m) và nhiều chữ nhất ở Việt Nam. Đạo sắc này đã tồn tại trên 400 năm, có giá trị lớn về mặt lịch sử, văn hóa, không chỉ của dòng họ Nguyễn Văn mà còn là di sản văn hóa quý hiếm của dân tộc.

(Theo SGGP)

Các tin khác
Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Thủ tướng Chính phủ giao Viện Hàn lâm Khoa học xã hội (KHXH) Việt Nam phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu của Dự án “Trưng bày di tích, di vật dưới tầng hầm Nhà Quốc hội” theo quy định của pháp luật về đấu thầu hiện hành.

Poster của WildFest kêu gọi bảo vệ động vật hoang dã

Đây là cuộc thi làm phim ngắn nằm trong chuỗi các hoạt động của dự án hợp tác Việt Nam và Mỹ: Cùng hành động tạo sự thay đổi (Operation Game Change)/WildFest - một chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức của công chúng, làm giảm nhu cầu sử dụng các sản phẩm

Pano Chương trình.

Kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, vào ngày 24/8, tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội sẽ diễn ra chương trình ca nhạc đặc biệt biệt “Mùa thu ấy”.

Một tác phẩm của nữ họa sĩ Malaysia sẽ trưng bày tại triển lãm.

Lần đầu tiên tại Việt Nam, một triển lãm dành riêng cho các nữ họa sĩ hai nước Việt Nam và Malaysia sẽ được tổ chức từ ngày 26/8 đến ngày 3/9 tại Hà Nội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục