Những bức ảnh làm “rung chuyển” thế giới
- Cập nhật: Thứ ba, 8/9/2015 | 7:57:24 AM
Những bức ảnh này sẽ khiến tất cả người xem đều cảm thấy có lỗi. Những bức ảnh "đánh thẳng" vào nhân tâm con người. Những bức ảnh đã làm "rung chuyển" cả thế giới.
|
Ảnh chụp thi thể em bé bị chết đuối trên đường đi tị nạn
Hiện tại, dư luận quốc tế đang bị chấn động bởi những bức hình xuất hiện trên khắp các phương tiện truyền thông, chụp lại hình ảnh cậu bé 3 tuổi người Syria - Aylan Kurdi - bị chết đuối trên đường tới Hy Lạp tị nạn cùng với bố mẹ và anh trai. Sau cuộc hành trình nguy hiểm, chỉ có người cha là còn sống sót. Thi thể cậu bé đã bị sóng đánh dạt vào bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ.
Việc công bố những hình ảnh về cái chết thương tâm của cậu bé trên phương tiện truyền thông hiện vẫn đang gây tranh cãi, nhưng nhiều người tin rằng, việc công bố những bức ảnh chạm tới lương tri con người trên khắp thế giới, giữa bối cảnh cuộc khủng hoảng về người tị nạn, là cần thiết, để các quốc gia phương Tây tích cực, khẩn trương trong việc giúp đỡ người tị nạn.
Ảnh chụp cậu bé người Syria mất cha do nhiếp ảnh gia Rodrigo Abd thực hiện năm 2012
Bức ảnh chụp cậu bé người Syria đang khóc thương thảm thiết trong lễ tang của cha cậu - ông Abdulaziz Abu Ahmed Khrer. Cha của cậu bé đã bị chết vì trúng đạn của một lính bắn tỉa. Bức ảnh nằm trong bộ 20 bức ảnh do nhóm nhiếp ảnh gia của hãng tin AP thực hiện.
Bộ ảnh gây chấn động về mức độ thảm khốc của những bất ổn, xung đột diễn ra ở Syria đã giành giải Pulitzer ở hạng mục Ảnh tin tức năm 2013.
Bức ảnh chụp em bé Syria chết trên tay cha của nhiếp ảnh gia Manu Brabo năm 2012
Bức ảnh ghi lại cảnh một người đàn ông Syria đang khóc khi bế trên tay thi thể của cậu con trai ở gần bệnh viện Dar El Shifa, thành phố Aleppo, Syria. Cậu bé đã bị thiệt mạng trong một cuộc đọ súng diễn ra trên phố.
Bức ảnh nằm trong bộ 20 bức ảnh do nhóm nhiếp ảnh gia của hãng tin AP thực hiện. Bộ ảnh gây chấn động về mức độ thảm khốc của những bất ổn, xung đột diễn ra ở Syria đã giành giải Pulitzer ở hạng mục Ảnh tin tức năm 2013.
Ảnh chụp em bé sau cơn bão ở Haiti do tay máy Patrick Farrell thực hiện năm 2008
Nhiếp ảnh gia Patrick Farrell đã đến Haiti để ghi lại những hình ảnh chân thực nhất về cuộc sống vô vàn khó khăn của người dân Haiti sau khi cơn bão Hanna đổ bộ vào nước này hồi năm 2008. Những bức ảnh đen trắng càng khắc họa ấn tượng hơn những bi kịch trong cuộc sống của người dân Haiti vốn đã nghèo đói.
Đây là một bức trong bộ ảnh “Sau cơn bão” của Patrick Farrell. Bức ảnh chụp lại một cậu bé mình trần đang cố gắng giữ lại một “tài sản” mà cậu vừa tìm thấy - một chiếc xe đẩy trẻ em. Bộ ảnh “Sau cơn bão” đã giúp Patrick Farrell nhận giải Pulitzer.
Bức “Trái tim sư tử” của nhiếp ảnh gia Deanne Fitzmaurice chụp năm 2005
Nhiếp ảnh gia báo chí Deanne Fitzmaurice đã nhận được giải Pulitzer 2005 cho bộ ảnh “Phẫu thuật trái tim sư tử”. Bộ ảnh kể câu chuyện về cậu bé 9 tuổi người Iraq đã bị thương rất nặng sau một vụ nổ bom ở thời kỳ diễn ra cuộc chiến tranh Iraq.
Cậu bé đã được các bác sĩ tích cực chữa trị và phải trải qua hàng chục ca phẫu thuật mà trong đó, ranh giới sinh tử rất mong manh. Tuy vậy, sự dũng cảm, kiên cường, không đầu hàng số phận và tử thần ở cậu bé, sự sống mong manh nhưng bền bỉ tồn tại trong con người cậu, để sống sót vượt qua hết ca phẫu thuật này đến ca phẫu thuật khác, đã đưa lại cho cậu một biệt danh - Saleh Khalaf, “trái tim sư tử”.
Bức “Cô bé Samar Hassan” thực hiện năm 2005 bởi nhiếp ảnh gia Chris Hondros
Một gia đình người Iraq đang ngồi trong xe hơi, khi đi qua trạm kiểm soát, người chồng, người cha của gia đình không hiểu vì lý do gì đã không thể kịp thời dừng xe lại để binh lính Mỹ kiểm tra, ngay lập tức, binh lính nã súng vào xe.
Hóa ra, những người ngồi trong xe chỉ là một gia đình thường dân không có gì nguy hại, nhưng vì một sơ suất, cặp vợ chồng đã bị chết, để lại 6 người con, trong đó có cô con gái 5 tuổi Samar Hassan người dính đầy máu của cha mẹ, đang gào khóc vì hoảng sợ.
Từ đây, Samar và 5 người anh chị em khác trở thành những đứa trẻ mồ côi. Một người anh trai của cô bé đã bị thương nặng trong vụ việc. Bức ảnh đã đoạt giải nhì tại giải Ảnh Báo chí Thế giới năm 2005 ở hạng mục Ảnh tiêu điểm.
Bức ảnh “Tù nhân chiến tranh người Iraq” được thực hiện năm 2002 bởi nhiếp ảnh gia Jean-Marc Bouju
Bức ảnh được thực hiện trong cuộc chiến tranh Iraq đã khiến thế giới bị sốc và một lần nữa cảm thương cho số phận con người trong chiến tranh. Bức ảnh chụp cảnh một tù nhân và cậu con trai của anh đang bị giam giữ trong một căn cứ quân sự của Mỹ. Người cha đã bị đội mũ trùm đầu che kín mặt và trước đó còn bị còng tay.
Vì cậu con trai của anh quá sợ hãi trước những gì nhìn thấy, nên người đàn ông sau đó được tháo còng tay để có thể dỗ dành con mình. Chúng ta không thể nhìn thấy gương mặt của người cha, nhưng sức mạnh không lời của bức ảnh nằm ở chính gương mặt của cậu bé. Bức ảnh đau lòng này đã được trao giải Ảnh Báo chí Thế giới của năm 2003.
Ảnh chụp nạn đói ở Sudan năm 1993 của nhiếp ảnh gia Kevin Carter
Bức ảnh này đã quá nổi tiếng và là một ví dụ không thể bỏ qua khi nói về những bức ảnh chụp lại bi kịch thảm thương nhất. Bức ảnh từng đoạt giải Pulitzer - giải thưởng báo chí uy tín nhất của Mỹ, ảnh khắc họa một cách dữ dội nhất thực tế thảm khốc của nạn đói ở Sudan năm 1993.
Nhiếp ảnh gia người Nam Phi Kevin Carter đã tình cờ chứng kiến và kịp thời ghi lại khoảnh khắc một đứa trẻ phải dừng lại nghỉ để lấy sức trong lúc bò về nơi phân phát lương thực cứu trợ. Cạnh đứa trẻ là một con kền kền đang chờ đợi “con mồi” ngã gục để trở thành bữa ăn tiếp theo của nó.
Khi bức ảnh xuất hiện trên mặt báo, rất nhiều người đã bàng hoàng, và cũng rất nhiều người đã chỉ trích nhiếp ảnh gia Carter là quá nhẫn tâm, so sánh anh với con kền kền trong ảnh, rằng anh là “một dạng săn mồi kiểu khác”.
Chỉ vài tháng sau khi thực hiện bức ảnh này, Carter đã tự tử, trong lá thư tuyệt mệnh của mình, Carter cho thấy chính anh cũng đã bị chấn động, đau đớn, khổ sở vì chính những hình ảnh quá dữ dội mà mình từng chứng kiến trong đời.
Bức ảnh chụp cô bé Omayra Sanchez hồi năm 1985 được thực hiện bởi nhiếp ảnh gia Frank Fournier
Cô bé 13 tuổi người Colombia - Omayra Sánchez - đã bị kẹt lại trong đống đổ nát sau khi ngọn núi lửa Nevado del Ruiz phun trào dữ dội khiến gần 25.000 người thiệt mạng.
Những nhân viên của Hội Chữ Thập Đỏ đã cố gắng làm những gì có thể để giúp đỡ cô bé, đồng thời yêu cầu nhà chức trách điều động người tới gấp rút giải cứu Omayra, nhưng yêu cầu của họ đã không đưa lại kết quả.
Sau khi dòng chảy của bùn, đất, đá và nước phá hủy hàng loạt ngôi nhà, cô bé Omayra đã bị mắc kẹt lại trong đống đổ nát, phải ngâm mình trong nước suốt 3 ngày. Bức ảnh này chỉ là một tấm trong một loạt ảnh do nhiếp ảnh gia người Pháp thực hiện, ghi lại gương mặt cô bé Omayra từ bình tĩnh chuyển sang đau đớn, vật vã trong những giờ phút cuối cùng.
Sự dũng cảm của cô bé đã khiến tất cả những ai ở bên em trong những giờ phút cuối cảm thấy đau đớn. Cuối cùng, sau 60 tiếng chờ đợi, cô bé đã qua đời vì mất nhiệt và hoại tử. Bức ảnh này được chụp lại ở những giây phút cuối cùng trong cuộc đời cô bé.
Đằng sau cái chết đau đớn, thương tâm của Omayra là cú sốc của dư luận trước việc nhà chức trách đã không đủ khả năng đương đầu xử lý thảm họa. Bức ảnh đã đoạt giải Ảnh Báo chí Thế giới của năm 1985.
Ảnh chôn cất em bé sau thảm kịch rò rỉ khí gas do nhiếp ảnh gia Pablo Bartholomew thực hiện năm 1984
Pablo Bartholomew là một nhiếp ảnh gia nổi tiếng người Ấn Độ, từng thực hiện bộ ảnh gây chấn động ghi lại hậu quả thảm khốc đằng sau bi kịch rò rỉ khí gas xảy ra năm 1984 ở thủ phủ Bhopal, bang Madhya Pradesh, Ấn Độ.
Vụ việc được coi là thảm kịch công nghiệp tồi tệ nhất trong lịch sử Ấn Độ khiến hàng ngàn người thiệt mạng và hàng trăm ngàn người khác bị thương hoặc chịu những mức độ di chứng khác nhau đối với sức khỏe.
Do các tiêu chuẩn an toàn đã bị bỏ qua tại một nhà máy sản xuất thuốc trừ sâu ở Bhopal, nên một lượng lớn khí gas độc hại gồm nhiều loại hóa chất khác nhau đã bị rò rỉ, dẫn tới một thảm kịch đối với môi trường và sức khỏe con người. Ngay khi vụ việc xảy ra, nhiếp ảnh gia Pablo Bartholomew đã chạy tới hiện trường để ghi lại vụ việc.
Tại đây, Bartholomew đã bắt gặp một người đàn ông đang chôn cất sơ sài một đứa trẻ đã thiệt mạng trong vụ việc. Trong cả bộ ảnh đã thực hiện, chỉ riêng một bức ảnh này của Bartholomew đã đủ để khái quát toàn bộ bi kịch. Bức ảnh đã đưa về cho Bartholomew giải Ảnh Báo chí Thế giới của năm 1984.
Bức “Em bé napan” của nhiếp ảnh gia Nick Út chụp năm 1972
Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, đã có những nhiếp ảnh gia chiến trường đưa tin đúng sự thật và chỉ có sự thật, không bị tác động bởi những yếu tố chính trị.
Từ chiến tranh Việt Nam, lịch sử nhiếp ảnh chiến trường đã có thêm biết bao bức ảnh kinh điển, ghi lại cuộc chiến khốc liệt từng diễn ra trên dải đất hình chữ S. Sẽ không lạ khi trong danh sách này xuất hiện tới hai bức ảnh về chiến tranh Việt Nam.
Bức “Em bé napan” được thực hiện bởi nhiếp ảnh gia Nick Út khắc họa cô bé Kim Phúc và những đứa trẻ khác đang chạy ra từ một ngôi làng vừa bị ném bom. Kim Phúc xuất hiện ở trung tâm bức ảnh, không có một mảnh quần áo trên người, em bị bỏng bom napan.
Thoạt tiên, bức ảnh đã suýt bị các biên tập viên của hãng thông tấn AP loại bỏ vì có hình ảnh trẻ em khỏa thân, nhưng xét về bối cảnh lịch sử và nguyên nhân đưa tới bức ảnh, người ta đã sử dụng ảnh.
Ngay khi bức ảnh xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, dư luận Mỹ đã vô cùng phẫn nộ. Bức ảnh sau đó đoạt giải Pulitzer của báo chí Mỹ, trở thành biểu tượng cho hàng loạt những động thái của người dân yêu chuộng hòa bình, đòi kết thúc chiến tranh Việt Nam.
Bức ảnh chụp người cha bồng đứa con đã chết của Horst Faas chụp năm 1964
Bức ảnh ghi lại cảnh người cha bồng trên tay thi thể của người con đã chết với vẻ thất thần tột độ. Đây là một trong những bức ảnh được biết tới nhiều nhất trong Chiến tranh Việt Nam. Tác phẩm này từng đem về cho tay máy chiến trường Horst Faas giải Pulitzer của báo chí Mỹ.
Trong ảnh, người cha đang bồng thi thể của đứa con trên tay giơ ra trước toán quân Cộng hoà ngồi trên xe bọc thép. Đứa trẻ vô tội đã bị chết trong một trận càn mà toán quân này thực hiện để lùng bắt quân du kích ở gần khu vực biên giới Campuchia.
(Theo Dân Trí)
Các tin khác
Theo Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin-Truyền thông (TT&TT), Triển lãm - Hội chợ sách quốc tế Việt Nam năm 2015 sẽ diễn ra từ ngày 10 đến 14/9 tại Hà Nội.
Ngày 6.9, tại Hải Dương, Ban tổ chức cuộc thi Hoa khôi trí tuệ Thanh niên Việt Nam 2015 tổ chức gặp gỡ báo chí và phát động cuộc thi Hoa khôi trí tuệ Thanh niên Việt Nam 2015 với chủ đề "Tỏa sáng trí tuệ Việt".
Sáng 6/9, tại Hà Nội, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam phối hợp với Báo Tuổi Trẻ tổ chức phát động cuộc thi phóng sự ảnh báo chí toàn quốc với chủ đề “Việt Nam - đất nước, con người”.
Âm nhạc CROR của Tiến sĩ, nhà soạn nhạc Lê Văn Tuấn là một trong 5 kỷ lục thế giới vừa đươc Liên minh Kỷ lục thế giới trao bằng xác lập.