Tiếp nối bảo tồn nghệ thuật xòe Thái Mường Lò

  • Cập nhật: Thứ sáu, 11/9/2015 | 3:44:46 PM

YênBái - YBĐT - Là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vô cùng độc đáo, có lịch sử lâu đời trong cộng đồng người dân tộc Thái, nhắc tới nghệ thuật xòe là nhắc tới Mường Lò - Nghĩa Lộ, Yên Bái. Những vòng xòe, đại xòe đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống, thể hiện những triết lý sống cao đẹp, óc sáng tạo và trình độ nghệ thuật cao. Chính vì những giá trị văn hóa tốt đẹp ấy, việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật xòe đã được Yên Bái quan tâm, gìn giữ.

Các điệu xòe đã được truyền dạy và phát triển mạnh ở các thôn, bản vùng Mường Lò, Nghĩa Lộ.
Các điệu xòe đã được truyền dạy và phát triển mạnh ở các thôn, bản vùng Mường Lò, Nghĩa Lộ.

Mường Lò được người Thái Đen ở Tây Bắc coi là quê tổ, nơi sinh ra các điệu xòe, là ngọn nguồn của những vòng xòe. Người Thái khi đặt chân đến Mường Lò, kinh tế truyền thống là nông nghiệp. Trong cuộc sống, mỗi khi hoàn thành một công việc trọng đại, chinh phục được thiên nhiên hay chiến thắng kẻ thù, thú dữ mọi người lại nắm tay nhau nhảy múa ăn mừng quanh đống lửa. Hoạt động ấy được lặp đi lặp lại nhiều lần, dần dần hình thành nên các điệu xòe.

Theo bà Điêu Thị Xiêng - Nghệ nhân nghệ thuật xòe, chính vì những giá trị truyền thống lịch sử lâu đời của nghệ thuật xòe nên việc giữ gìn các điệu xòe là điều hết sức cần thiết. Bà đã trực tiếp truyền dạy xòe cho nhiều người, từ già, trẻ, gái, trai, chỉ cần có người tâm huyết, và mọi tầng lớp nhân dân, mọi lứa tuổi đều rất yêu thích, học theo.

Đến Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, phường Pú Trạng, thị xã Nghĩa Lộ - Ngôi trường đạt giải Nhất Hội thi xòe năm 2014 mới thấy, xòe đã và đang được phổ biến rộng rãi ngay từ những thế hệ măng non. Em Lò Thị Huệ - học sinh lớp 5C chia sẻ: “Được tham gia vào đội xòe của trường em rất vui và tự hào. Các thầy, cô giáo luôn tạo điều kiện giúp đỡ, hướng dẫn chúng em học và thực hành các điệu xòe. Em mong muốn năm nay sẽ được chọn vào đội tuyển tham gia hội thi xòe”. “40% học sinh của Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc là người dân tộc thiểu số, trong đó dân tộc Thái chiếm đa số.

Tuy chưa có kế hoạch cụ thể về hội thi xòe năm nay, nhưng từ đầu năm học, nhà trường đã tiến hành tập luyện và bố trí để học sinh toàn trường thực hiện đại xòe 1 buổi/ tuần thay cho thể dục giữa giờ. Nhà trường hi vọng múa xòe sẽ trở thành phong trào tập thể lành mạnh, tạo không khí vui tươi, đồng thời mang tính giáo dục học sinh về nét đẹp văn hóa dân tộc đặc trưng này” - Cô Nguyễn Bích Phương - Hiệu trường Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc cho biết.

Bên cạnh việc đưa nghệ thuật xòe lồng ghép trong chương trình giáo dục tại các trường học, rất nhiều các câu lạc bộ, các nhóm, đội xòe đã được hình thành. Em Lường Thị Hải, 23 tuổi ở bản Sà Rèn, xã Nghĩa Lợi - thành viên của một trong 13 đội múa xòe nòng cốt ở thị xã vui vẻ tâm sự: “Với người Thái chúng em, múa là một hoạt động không thể thiếu trong các dịp lễ, tết, đặc biệt là 6 điệu truyền thống.

Để phát huy những điệu múa truyền thống và 6 điệu xòe, chúng em đã tập hợp và duy trì đội múa suốt 5 năm qua với 12 thành viên. Thành viên nhỏ nhất 14 tuổi, lớn nhất 27 tuổi. Đội chúng em cũng dàn dựng, thực hiện hơn 20 tiết mục múa, chưa kể hát và khắp”. Có được kết quả trên, các em đã rất nỗ lực, chăm chỉ tập luyện để không chỉ hoàn thành nhiệm vụ chung mà còn góp phần quảng bá nét đẹp văn hóa quê hương đến với khách du lịch.

Mới đây, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã chính thức công nhận Nghệ thuật xòe Thái ở Mường Lò - Nghĩa Lộ là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đây là sự kiện quan trọng, niềm tự hào và cũng là trách nhiệm của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc thị xã trong khai thác, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa xòe Thái nói riêng. Nhưng đồng thời, câu hỏi đặt ra là Nghĩa Lộ sẽ làm gì tiếp tục bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa ấy? Thẳng thắn chia sẻ vấn đề này, bà Hoàng Thị Vân - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin, thị xã Nghĩa Lộ cho biết: “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đưa nghệ thuật xòe vào trong các sự kiện văn hóa, xã hội của địa phương; kiểm kê tên, số lượng nghệ nhân, số lượng nhạc cụ sử dụng trong nghệ thuật xòe để có kế hoạch khai thác hợp lý. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ xây dựng bản đồ các địa điểm trình diễn nghệ thuật xòe phục vụ khách du lịch thăm quan tìm hiểu, tích cực tham gia các cuộc liên hoan trình diễn nghệ thuật xòe để trao đổi kinh nghiệm và học tập; đề xuất việc xét tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú cho các nghệ nhân có nhiều đóng góp trong công tác sưu tầm, nghiên cứu và truyền dạy nghệ thuật xòe…”

Đến nay, nghệ thuật xòe cổ vẫn được lưu truyền trong cộng đồng chính là nhờ sức sống mãnh liệt, sự tinh tế, lôi cuốn rất riêng biệt mà những người yêu thích nghệ thuật xòe đã tiếp thu, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đặc biệt, nghệ thuật xòe đã có sức hút, trở thành sản phẩm du lịch độc đáo với du khách cả trong và ngoài nước. Chúng ta hãy cùng tiếp nối, chung tay bảo tồn Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vô cùng độc đáo này! 

Mai Linh

 

Các tin khác
Hiện vật trong triển lãm.

Mộc bản triều Nguyễn là bằng chứng khẳng định chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới.

Ảnh minh họa.

Ngày 8/9, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội phối hợp với Đại sứ quán các nước ASEAN tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “ASEAN - 48 năm hòa bình, phát triển và 20 năm Việt Nam gia nhập ASEAN” tại Hà Nội.

Nhạc sĩ Quốc Trung - tổng đạo diễn chương trình Lễ hội âm nhạc quốc tế gió mùa 2015 - phát biểu tại buổi họp báo.

Chiều 8-9, tại Hà Nội diễn ra buổi họp báo công bố sự kiện Lễ hội âm nhạc quốc tế gió mùa lần thứ 2 ở Hà Nội (Monsoon Music Festival 2015 - MMF 2015).

Liên hoan “Múa Đương đại - Sự gặp gỡ Á-Âu”.

Liên hoan “Múa Đương đại - Sự gặp gỡ Á-Âu” lần thứ 5 sẽ được tổ chức tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục