“Nghệ thuật sơn mài” sẽ được trình UNESCO vinh danh di sản
- Cập nhật: Thứ tư, 9/3/2016 | 7:56:20 AM
Ngày 16/9/2015, Tổng cục Di sản văn hóa Hàn Quốc có thư gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị cùng Hàn Quốc xây dựng hồ sơ đa quốc gia đệ trình UNESCO ghi danh “Nghệ thuật sơn mài” vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Việt Nam sẽ hợp tác với một số nước để lập hồ sơ đa quốc gia về nghệ thuật sơn mài nhằm đệ trình lên UNESCO.
|
Sau khi nghiên cứu và trao đổi với một số cơ quan liên quan, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về việc này.
Theo đó, nghề sơn mài truyền thống có ở một số nước Đông Á, Đông Nam Á (tiêu biểu là Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Hàn Quốc). Ở Việt Nam, sơn mài có lịch sử lâu đời và đã được phát triển từ nghề thủ công truyền thống sang nghề thủ công mỹ nghệ và cao hơn là nghệ thuật tạo hình hiện đại (tranh sơn mài), với các giá trị đặc sắc về văn hóa, nghệ thuật, lịch sử và khoa học.
Việc hợp tác xây dựng hồ sơ đa quốc gia nêu trên (qua trao đổi, phía Hàn Quốc cho biết khả năng sẽ có sự tham gia của cả Trung Quốc và Nhật Bản) nhằm góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị độc đáo của Nghề Sơn mài truyền thống Việt Nam trên phạm vi quốc tế và thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể giữa các nước trong khu vực.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép Bộ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan tham gia, hợp tác với Hàn Quốc và các nước có di sản nghề sơn mài truyền thống xây dựng hồ sơ đa quốc gia đệ trình UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Tại Việt Nam, những vết tích đầu tiên về sơn mài đã được khai quật cách đây hàng trăm năm. Vào thời Đinh (930-950), dân ta đã biết dùng mủ cây sơn để trét thuyền, rồi lần lượt qua các triều đại Lê, Lý, Trần còn giữ được nhiều cổ vật, nhiều pho tượng gỗ hay đất đều được sơn son thếp vàng.
Mãi đến thời vua Lê Nhân Tông (1443-1460), cụ Trần Lư (hiệu Trần Thượng Công) mới được tôn là bậc thầy đầu tiên của ngành nghề này. Các học trò của cụ đã lập phường thợ tỏa đi khắp nơi, những người thợ giỏi được triều đình thu nạp vào nội phủ để trang trí, vẽ vời nội thất cung điện.
Hiện nay, Huế là nơi mà những vết tích và tác phẩm sơn mài cổ còn được bảo lưu một cách quy mô và đầy đủ nhất. Có được điều này bởi Huế đã một thời là thủ phủ của xứ Đàng trong (1802-1945).
Thời bấy giờ, Huế là nơi hội tụ của nhiều tài năng, trí tuệ của cả nước. Cùng với kiến trúc, điêu khắc, sơn mài có mặt khắp nơi: từ các đình chùa làng xã, đến đền đài lăng tẩm, cung điện của vua chúa đều được sơn thiếp vàng son lộng lẫy.
Các vật dụng từ trong dân dã cho đến các gia đình quyền quý, các nhà thờ họ như: Hoàng Phi, câu đối, đáp, hộp, kiệu võng, án thư, sạp tử đều được sơn mài tô điểm trang trọng. Nguồn gốc của sơn mài Huế là ở các làng Triều Sơn, Địa Linh, Tiên Nộn. Ngành sơn mài truyền thống Huế cũng được sinh hoạt theo từng cụm gia đình, họ hàng theo kiểu cha truyền con nối như một số ngành nghề thủ công khác.
Chất liệu chính để làm sơn mài là mủ nhựa được trích từ vỏ của cây sơn. Mủ nhựa của cây sơn có độ dính cao và rất bền chắc, chịu được nước mưa, nước mặn, độ ẩm cao. Vì vậy người ta dùng nhựa sơn để chắp nối gỗ ghép mộng hoặc sơn quét lên đồ đạc bằng gỗ vừa bóng đẹp lại vừa tăng độ bền.
Trước đây, nhựa sơn được các chúa Nguyễn lấy từ các rừng ở Quảng Trị, Quảng Ngãi, Nam Đông (thuộc Thừa Thiên Huế), sau này là ở Phú Thọ và nhựa sơn ở Phú Thọ tốt hơn. Qua các phương pháp chế biến cổ truyền tại Huế, các nghệ nhân đã tạo nên những sản phẩm thủ công mỹ nghệ vô cùng quí giá.
Để sáng tạo nên một tác phẩm sơn mài hoàn chỉnh, các họa sĩ phải trải qua nhiều công phu, tỉ mỉ, với thời gian trung bình khoảng 6 tháng. Chỉ nói đến thời gian để tạo nên tác phẩm không thôi cũng đủ thấy "khủng khiếp" cho những ai không thực sự yêu nghề và đam mê bộ môn nghệ thuật này.
Chính bởi sự công phu và tỉ mỉ của nó mà sơn mài truyền thống Huế có giá trị sử dụng rất lâu, có khi còn lâu hơn cả thời gian tồn tại của một đời người (từ khoảng 50 năm - 200 năm). Tất nhiên, việc sử dụng còn tùy thuộc vào chủ nhân của nó có biết "nâng niu" những tác phẩm nghệ thuật mình có hay không!
Năm 1960, sơn mài truyền thống Huế được đưa vào giảng dạy ở trường Đại học Nghệ thuật Huế với tư cách là một bộ môn nghệ thuật thực sự. Một năm ngành học này chỉ tiếp nhận 2 đến 5 sinh viên, với đội ngũ giáo viên nhiệt huyết, tận tâm với nghề và luôn coi trọng cái "tư chất" của người theo học chứ không phải là "con số". Vì vậy mà nhiều thế hệ sinh viên ra trường đã trở thành những người hữu ích cho xã hội.
(Theo Dân Trí)
Các tin khác
Chiều 7/3, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức họp báo giới thiệu các hoạt động của Hội Báo toàn quốc 2016. Đồng chí Trương Minh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông dự và chủ trì buổi họp báo.
Bức ảnh bà cụ ở Hội An vốn là định mệnh, như thừa nhận của nhiếp ảnh gia Pháp Rehahn Croquevielle, người “phải lòng” Việt Nam từ 10 năm trước.
Bộ phim đã từng làm mưa gió tại các rạp chiếu cuối năm 2015 Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của đạo diễn Victor Vũ sẽ đại diện Việt Nam tham dự Liên hoan phim Pháp ngữ 2016. Đây là quyết định do Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch vừa ký duyệt.
Cuộc thi sáng tác mẫu biểu trưng năm APEC 2017 sẽ lựa chọn mẫu thiết kế nổi bật 5 thành tố nền tảng của diễn đàn APEC thế kỉ 21...