Tình núi trong thơ Thu Phong
- Cập nhật: Thứ sáu, 1/4/2016 | 9:41:15 AM
YBĐT - Thu Phong là một cây bút trẻ mới nổi ở thị xã Nghĩa Lộ. Chị là tuyên truyền viên tại Khu tưởng niệm Hồ Chí Minh tại thị xã Nghĩa Lộ. Chị thông thạo tiếng, chữ viết và văn hóa Thái. Sống trong bầu không khí đậm đặc văn hóa Thái, cùng với lòng yêu thơ, từ lúc nào những vần thơ của chị không chỉ mang chất liệu miền núi mà còn chan chứa tình đất, tình người nơi vùng cao thơ mộng này.
Nét xuân miền Tây.
(Ảnh: Thanh Miền)
|
Hình ảnh “Người đàn bà Thái” được chị khắc họa: Người đàn bà đi về phía núi/ Xà tích leng keng gọi mặt trời về/ Mặt trời ngủ ngoan trong bếp lửa/ Ủ giữa tro tàn những ánh đam mê.
Tứ thơ đẹp quá. Cũng là nói về vai trò “giữ lửa” trong mỗi nếp nhà của người phụ nữ nhưng trong thơ Thu Phong theo cách diễn đạt của người vùng cao mang một bản sắc riêng. Âm thanh của “Xà tích leng keng gọi mặt trời về” trong ngần trên núi, ngân trong lòng người. Và mặt trời được tiếng leng keng của xà tích gọi “… ngủ ngoan trong bếp lửa/ Ủ giữa tro tàn những ánh đam mê”.
Những khao khát bình dị một nếp nhà hạnh phúc. Sự lao khổ của người đàn bà vùng cao trong vai trò giữ gìn cho ngôi nhà ấm cúng được diễn đạt thật tinh tế và sâu sắc. Thật cảm động khi: “Mặt trời ngủ, người đàn bà vẫn thức/ Tay rém màn, tay thêu áo, thêu khăn/ Mặt trời chẳng là gì trong đêm giá buốt Người thành mặt trời bất kể tháng năm”.
Mặt trời trở thành một hình tượng nghệ thuật xuyên suốt bài thơ lặn vào trái tim người đàn bà để rồi “Người thành mặt trời…” tự lúc nào. Khổ thơ cuối lại hiển hiện hình ảnh người đàn bà cùng âm thanh xà tích, cùng sự đối lập ngủ, thức làm cho hình ảnh người đàn bà đẹp hơn trên một tầm cao mới: “Mặt trời ngủ, người đàn bà đã thức/ Ruộng nương xanh ngóng đợi tay người/ Chỉ bóng người cùng leng keng xà tích/ Gọi mặt trời và đánh thức sương mai”.
Đây là một bài thơ hay cả về hình ảnh nghệ thuật cùng những biện pháp tu từ như ẩn dụ, so sánh… mang tính đặc trưng của dân ca Thái, Mông…
Ở bài: “Chiều Khau Phạ” chị lại khai thác chất liệu miền núi ở một bình diện khác: “Người dựng nhà, cắm bản/ Làm bậc thang lên trời/ Gọi nước về trồng lúa/ Đón từng hạt mưa rơi”. Ai đã từng một lần được chiêm ngưỡng kỳ quan ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải sẽ thấm hơn ý thơ tưởng như dung dị kia của chị. Hình ảnh mặt trời hiện lên ở một góc độ khác: “Người gọi mặt trời dậy/ Đưa mặt trời lên nương/ Ru cho mặt trời ngủ/ Ướp mặt trời thơm hương”. Những từ “gọi”, “đưa”, ru”, “ướp” làm tăng vai trò chủ thể của con người giữa thiên nhiên hùng vĩ.
Phải hiểu và đồng cảm với những nhọc nhằn để có những mùa vàng thơm thảo như trong bài: “Anh dắt em qua những mùa vàng”, chị để nhân vật trữ tình “Anh”: “Anh dắt em qua những mùa vàng/ Qua những mùa lúa ngô thương nhớ quá/ Những mẹ, những em giữa trời nắng xả/ Vành nón nghiêng che chắn phía chân trời”. Đấy là những cánh đồng thấm đẫm mồ hôi của bao người và những “cánh đồng người” tảo tần, lam lũ nhưng không chịu khuất phục trước thiên nhiên được thể hiện rõ nét qua hình ảnh đầy sức gợi: “Vành nón nghiêng che chắn phía chân trời”.
Hiểu và đồng cảm nên: “Qua những cánh đồng em lại nhớ đến anh/ Mùa lúa chín, đàn chim về lảnh lót/ Đất đã uống mồ hôi anh từng giọt/ Đất trả về cong vút lúa từng bông”. Sự đăng đối, nhân quả khi “đất đã uống” thì tất yếu phải “trả về cong vút lúa từng bông” và tiếng chim “lảnh lót” kia sao mà đáng yêu đến thế, báo hiệu những mùa vui.
Hình ảnh cánh đồng được nhắc lại nhiều lần với những góc độ khác nhau như bài “Cánh đồng trong mưa” mà trên cánh đồng ấy hiện lên: “Vành nón nghiêng che chắn phía chân trời”
Đấy còn là hình ảnh người mẹ, người chị, người em nhọc nhằn hôm sớm. Người đọc xúc động khi bắt gặp hình ảnh: “Đồng thì rộng mà bóng người lại nhỏ/ Mẹ với mưa hai phía đổ trên đồng/ Manh áo mỏng ngược đường mưa với gió/ Bờ ruộng nào lầy lụt dưới bàn chân”. Không chỉ là sự đồng cảm nữa mà hơn thế là sự biết ơn: “Con khôn lớn từ cánh đồng mưa phủ/ Những màu mưa nhòa nhạt phía chân trời/ Có những lúc giật mình con lại nhớ/ Cánh cò nào khắc khoải giữa mưa rơi”. Câu thơ cứ dư ba trong lòng người đọc, gợi bao cảm xúc.
Trong thơ của Thu Phong, dẫu có nói về biển thì vẫn mang tình núi như trong bài: “Mai anh về với biển”: “Tình yêu em là đất/ Ươm những mầm non xanh/ Mỗi lạch nguồn bé nhỏ/ Cũng đổ về biển anh”.
Những cánh đồng có phải lúc nào cũng dập dờn sóng biếc mà có lúc lũ tràn và cả do con người, câu thơ của chị như nghẹn lại trong sự xót xa, tiếc nuối: “Đồng đã chìm sâu mấy lớp đất rồi/ Dưới những nhà cao, dưới đường mới mọc/ Tôi tìm về bấy lâu không gặp/ Tôi gọi hoài, gọi mãi…đồng ơi!”. Tiếng gọi đồng khắc khoải ở khổ thơ cuối cùng dấu ba chấm và dấu chấm than đầy ám ảnh và nhân tính.
Thu Phong thuộc lớp trẻ được sinh ra trong hòa bình nhưng không vì vậy mà chị quên những điều có được hôm nay là do sự hy sinh, phấn đấu của bao thế hệ. Điều đó, được thể hiện rõ nét trong bài: “Cỏ xanh trên Căng - Đồn Nghĩa Lộ”. Chiến tranh đã lùi xa nhưng dấu tích còn đó, chị vẫn như thấy: “Những nhịp rung từ lồng ngực anh tôi/ Khi áp xuống mặt đồi tìm lên đồn giặc/ Vẫn thổn thức cả trong chiều gió lặng/ Ngả nghiêng lô cốt, hầm hào”. Không dễ gì cảm nhận được: “Những nhịp rung từ lồng ngực anh tôi”. Để rồi sự hy sinh anh dũng và lặng thầm đã đơm hoa kết trái hôm nay: “Những tiếng chim lảnh lót gọi bình minh/ Đã náo nức cả Căng - Đồn Nghĩa Lộ/ Đã thấm xuống cả vô biên đời cỏ/ Đã trở về bỏng cháy những niềm tin”.
Thu Phong viết chưa nhiều nhưng những bài chị đã viết đều để lại những ấn tượng khó phai. Thơ của Thu Phong lấy chất liệu, thi tứ từ những cảnh và tình trong cuộc sống của vùng cao, đặc biệt của Nghĩa Lộ, vùng đất nơi chị đang công tác và sinh sống. Thơ Thu phong kế thừa được những đặc trưng cơ bản của dân ca một số dân tộc vùng cao Tây Bắc, ngắn gọn, khúc triết, tinh tế và sâu sắc, chan chứa tình người. Trái tim nhạy cảm của chị luôn rung lên hòa cùng nhịp sống của bà con nơi đây.
Tây Bắc gợi thi tứ và nuôi dưỡng thơ chị. Đọc thơ chị chúng ta tin và đón nhận những tác phẩm mới hay hơn nữa.
Trần Vân Hạc
Các tin khác
Trưng bày chuyên đề “Bảo vật Hoàng cung - Kim sách triều Nguyễn (1802-1945)” đã chính thức khai mạc ngày 31/3 tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
Đồng bào Dao huyện Văn Yên hiện còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo, trong đó có nghi lễ cầu mùa. Nghi lễ này được thực hiện vào dịp đầu năm - khi chuẩn bị bước vào mùa vụ mới.
Ngày 31-3, tại Hà Nội, Hội Điện ảnh Việt Nam họp báo công bố danh sách 138 các tác phẩm điện ảnh, 6 công trình nghiên cứu, lý luận phê bình điện ảnh tranh giải Cánh diều 2015 - giải thưởng thường niên của hội.
Theo kết quả cuộc thăm dò do đài phát thanh Classic FM Hall của Anh tổ chức với sự tham gia của 170.000 khán thính giả, Beethoven đã vượt bậc tiền bối Mozart để trở thành nhà soạn nhạc cổ điển nổi tiếng nhất.