Không gian trưng bày khảo cổ học dưới lòng đất Nhà Quốc hội chính thức đi vào hoạt động
- Cập nhật: Thứ sáu, 20/5/2016 | 7:54:55 AM
Ngày 19/5, khu trưng bày "Những khám phá khảo cổ học dưới lòng đất Nhà Quốc hội" sẽ chính thức đi vào hoạt động. Đây được xem là bảo tàng khảo cổ học đầu tiên tại Việt Nam do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thực hiện.
|
Với 140 di tích cùng hàng chục ngàn di vật khảo cổ được tìm thấy tại đây đã góp phần phản ánh sinh động lịch sử phát triển liên tục, lâu dài của khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long qua suốt 1300 năm. Đồng thời minh chứng rõ, khu vực xây dựng toà Nhà Quốc hội là một bộ phận quan trọng nằm ở phía Tây Nam của khu Trung tâm Cấm thành của Kinh đô Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Để tạo nên sự kết nối hài hoà giữa truyền thống và hiện đại, và để toà Nhà Quốc hội thực sự hoá thân vào tiến trình lịch sử vinh quang của dân tộc, Đảng và Nhà nước ta đã chủ trương dành một phần diện tích dưới tầng hầm của toà nhà để làm nơi trưng bày một số loại hình di tích, di vật tiêu biểu khai quật được dưới lòng đất toà Nhà Quốc hội nhằm tạo nên hình ảnh biểu trưng độc đáo của sự tiếp nối, tôn vinh giá trị truyền thống, phản ánh sức sống trường tồn của trung tâm quyền lực trong lịch sử vẻ vang của dân tộc, đồng thời góp phần quan trọng trong việc quảng bá giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long, đáp ứng yêu cầu tham quan và hưởng thụ văn hóa của nhân dân và khách quốc tế tại tòa Nhà Quốc hội.
Nội dung chính của khu trưng bày "Những khám phá khảo cổ học dưới lòng đất Nhà Quốc hội" là giới thiệu một số loại hình di tích, di vật tiêu biểu, đặc sắc nhất khai quật được tại khu vực xây dựng Nhà Quốc hội vào những năm 2008-2009 dưới 2 tầng hầm của tòa nhà.
Các hiện vật kiến trúc có hình rồng, phượng tại khu trưng bày.
Đây là trưng bày về khảo cổ học nên giải pháp trưng bày được thể hiện theo lát cắt địa tầng khảo cổ tức là theo thời gian từ xưa lại gần. Theo đó, phương pháp trưng bày được thực hiện mang tính thống nhất là trưng bày lồng ghép, xen cài giữa di tích và di vật, trong đó di tích được xem là "hồn cốt", di vật được xem là các "hạt nhân" được trưng bày ngay trong lòng các di tích nhằm đem lại những cảm xúc và ấn tượng mạnh cho từng không gian trưng bày.
Trong mỗi không gian trưng bày ở mỗi tầng hầm đều có những "điểm nhấn" tạo nên tính độc đáo, riêng biệt, đồng thời những "câu chuyện kể" về lịch sử phát hiện dưới lòng đất về Kinh đô Thăng Long xưa, trung tâm quyền lực lâu đời của quốc gia Đại Việt trong lịch sử được diễn giải sinh động qua di tích, di vật với những chủ đề và phong cách trình diễn đồ họa đặc sắc cùng hệ thống sa bàn, hình ảnh, Media và ánh sáng hiện đại.
Bức tranh gốm ghép bằng gạch tìm thấy tại hố khai quật
Nhưng nét độc đáo nhất ở khu trưng bày này phải kể đến hai bức tranh tường đặc sắc có kích thước lớn được lắp ghép từ chính mảnh vỡ của các loại gạch ngói khai quật được tại khu di tích và chứa đựng những thông điệp của lịch sử xây dựng Kinh đô Thăng Long. Đó là bức tranh "Rồng bay" và "Bình minh Thăng Long" do nữ tác giả Bùi Thu Trang sáng tác. Bức tranh "Rồng bay" được khơi nguồn từ hình tượng rồng thời Lý và ghi chép của sử cũ về sự kiện năm 1010. Mùa thu năm ấy, khi đến thành Đại La, vua Lý Thái Tổ thấy rồng vàng hiện lên và sau đó đã quyết định hạ Chiếu dời đô từ Hoa Lư về đây và đổi tên là Thăng Long (Rồng bay lên). Tác phẩm "Bình minh Thăng Long" được lấy cảm hứng từ hình tượng lá đề và đầu ngói ống trang trí hoa sen lợp trên mái kiến trúc cung điện thời Lý để biểu đạt hình tượng về lịch sử khai sáng Kinh đô Thăng Long vào mùa thu năm 1010 cùng sự tỏa sáng rực rỡ của nền văn hóa Đại Việt kể từ vương triều Lý.
Theo Phó giáo sư, tiến sĩ (PGS.TS) Bùi Minh Trí, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh thành, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết: "Ý tưởng trưng bày ở đây là phân theo địa tầng khảo cổ học, theo diễn biến thời gian từ xa xưa lại gần. Với cấu trúc đó, Tầng hầm 2: Trưng bày thời kỳ Tiền Thăng Long, thời kỳ trước khi Vua Lý Công Uẩn hạ Chiếu dời đô về đây; tầng hầm 1: Trưng bày thời kỳ Thăng Long, tức là sau 1010, sau khi Vua Lý Công Uẩn hạ đô. Ở mỗi một tầng hầm, trong mỗi một không gian, chúng tôi lại lựa chọn những điểm nhấn nhằm đem lại những cảm xúc, những ấn tượng cho người xem và thể hiện những giá trị cốt lõi nhất của di sản đến công chúng một cách tự nhiên".
Để có được không gian này, là kết quả làm việc sau gần 4 năm miệt mài làm việc, của các nhà khoa học của Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, là đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì thực hiện dự án, họ đã bảo quản những di tích, hiện vật nguyên gốc, nhằm đưa đến một không gian khảo cổ như đã tìm thấy tại khu di tích, để tạo ra một trưng bày mang tầm quốc tế, phản ánh trung thực, khách quan và có tính khoa học cao. Những công việc rất thầm lặng đó giờ đây đã có thể giới thiệu đến với công chúng với một khu trưng bày tuyệt vời.
Được biết, “Khu trưng bày những khám phá khảo cổ học dưới lòng đất Nhà Quốc hội” sẽ đi vào hoạt động từ ngày 19/5/2016. Không gian dành cho trẻ em, thiết kế dành cho người tàn tật, những điều đó cho thấy, khu trưng bày này đang hướng tới cộng đồng, để kết nối cộng đồng với lịch sử, kết nối giữa Tòa nhà Quốc hội với nhân dân bằng niềm tự hào về lịch sử cha ông, và lịch sử của chính mảnh đất này.
(Theo HNMO)
Các tin khác
Nhân dịp kỷ niệm 86 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2016), kỷ niệm 126 năm sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2016), Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông đã tái bản có bổ sung, chỉnh sửa cuốn sách “Những dấu ấn lịch sử của Hồ Chí Minh và Đảng do Người sáng lập” do Phó giáo sư, tiến sĩ (PGS.TS) Đàm Đức Vượng chủ biên.
YBĐT - Vừa qua, Hội Khuyến học huyện Trấn Yên phối hợp với xã Hòa Cuông tổ chức ra mắt Câu lạc bộ (CLB) Khuyến học múa hát Sịnh ca Cao Lan gồm 25 thành viên là người dân tộc Cao Lan trong xã.
Chưa từng học hội họa cũng chưa một lần gặp Bác Hồ, nhưng ông Trần Hòa Bình (Ninh Bình) lại là người truyền thần về Bác nổi danh ở Ninh Bình với 700 bức hoạ. Về thị trấn Phát Diệm (huyện Kim Sơn, Ninh Bình) hỏi thăm họa sĩ Hòa Bình ai cũng biết. Tiệm tranh của ông nằm khiêm tốn ven quốc lộ, rộng chưa đầy chục mét vuông, song lại là nơi gìn giữ tâm huyết nghệ thuật của một gia đình 3 thế hệ gắn bó với nghề vẽ tranh truyền thần.
Ngày 18/5, Hội nghị lần thứ 7 của Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương (MOWCAP) đã diễn ra tại thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên-Huế).