Nghĩa Lộ bảo tồn văn hóa dân tộc
- Cập nhật: Thứ sáu, 10/6/2016 | 9:55:17 AM
YBĐT - Với 17 dân tộc cùng chung sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 59%, đông nhất là dân tộc Thái, chiếm 48%, Nghĩa Lộ là địa phương giàu bản sắc văn hóa các dân tộc. Công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc cũng luôn được thị xã quan tâm, chú trọng, đặc biệt là văn hóa dân tộc Thái.
Thiếu nhi biểu diễn tiết mục xòe cổ trong Hội thi xòe cổ ở thị xã Nghĩa Lộ.
|
Lễ hội truyền thống là một trong những nét văn hóa đặc sắc trong kho tàng văn hóa của các dân tộc. Nghệ nhân dân gian Điêu Thị Xiêng (xã Nghĩa An) cho biết: "Các lễ hội của người Thái Mường Lò đã thể hiện quan niệm tâm linh về vũ trụ và những đặc thù sinh hoạt thường ngày, dù ở hình thức nào cũng thể hiện được sự tôn kính, hướng thiện, mong ước một cuộc sống ấm no, hạnh phúc... và có vị trí rất quan trọng trong bản sắc văn hóa dân tộc".
Nói đến lễ hội dân tộc Thái ở Nghĩa Lộ, phải kể đến các lễ hội như: lễ hội Rằm tháng Giêng, Tết Xíp xí, Xên bản, Xên mường và hội Hạn khuống. Để giữ gìn, bảo tồn, hàng năm, thị xã Nghĩa Lộ đã tổ chức phục dựng và duy trì các lễ hội này tại cơ sở, trong đó đã khôi phục, bảo tồn lễ hội cấp thị xã đối với hội Hạn khuống và Xên mường. Riêng đối với hội Hạn khuống được thị xã chỉ đạo tổ chức thường xuyên hàng năm gắn với lễ hội rằm tháng Giêng, nhất là ở xã Nghĩa An. Hội Hạn khuống cũng được thị xã làm đề tài nghiên cứu khoa học và đang được đề nghị công nhận là di sản văn hóa quốc gia.
Cùng với các lễ hội, 6 điệu xòe cổ dân tộc Thái được giữ gìn, bảo tồn hiệu quả thông qua truyền dạy của các nghệ nhân cho lớp trẻ và qua các hội thi, hội diễn từ thị xã đến cơ sở cũng như hoạt động của các đội văn nghệ quần chúng. Thị xã đã chỉ đạo các xã, phường tổ chức biểu diễn các điệu xòe cổ trong các hoạt động văn hóa văn nghệ đầu xuân mới, nhất là tổ chức màn xòe trong đêm giao thừa; tổ chức trình diễn màn đại xòe cổ lớn nhất xác lập kỷ lục Việt Nam trong Lễ công bố Quyết định phê duyệt Đề án "Xây dựng thị xã văn hóa - du lịch Nghĩa Lộ, giai đoạn 2013 - 2020". Thị xã cũng đã đưa xòe cổ vào dạy trong chương trình ngoại khóa của các nhà trường, xây dựng đĩa CD giới thiệu về 6 điệu xòe cổ này.
Em Hà Mai Linh - học sinh Trường THCS Nguyễn Quang Bích chia sẻ: “Em xem trên ti vi thấy có trường học giờ ra chơi dạy khiêu vũ cho học sinh rất bổ ích. Em cũng tự hào vì trường mình đã có một nét riêng đó là dạy xòe cổ cho học sinh. Học xòe cổ không chỉ giúp em biết xòe mà còn hiểu hơn văn hóa dân tộc Thái của mình. Vì vậy, không những thuộc nhuần nhuyễn 6 điệu xòe cổ mà em còn hiểu ý nghĩa của mỗi điệu xòe, từ đó xòe đẹp hơn, có hồn hơn”.
Đối với việc bảo tồn các làn điệu dân ca, dân vũ, bà Hoàng Thị Vân - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thị xã cho biết: "Rất nhiều hoạt động được tổ chức nhằm cụ thể hóa việc bảo tồn các làn điệu dân ca, dân vũ như các hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng và trình diễn trang phục các dân tộc, các hoạt động biểu diễn trong chương trình du lịch, các chương trình giao lưu văn hóa dân gian dân tộc Thái Nghĩa Lộ - Mường Lò với các huyện trong tỉnh và các tỉnh bạn; các hoạt động sinh hoạt văn hóa nhà sàn để giới thiệu và quảng bá văn hóa Mường Lò với du khách". Qua các hoạt động này, các làn điệu dân ca, dân vũ thường xuyên được truyền dạy, biểu diễn, đã duy trì sức sống bền bỉ, lâu dài trong thực tế đời sống.
Tiếng nói, chữ viết cũng là một phần không thể thiếu tạo nên nét văn hóa của mỗi dân tộc. Ở Nghĩa Lộ, để bảo tồn tiếng nói, chữ viết dân tộc Thái, từ năm 2007 đến nay, thị xã đã mở được 8 lớp dạy ngôn ngữ, chữ viết của người Thái cổ cho trên 190 học viên là đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt là các cháu học sinh tham gia học tập; đồng thời biên soạn tài liệu dạy và học tiếng Thái cho tỉnh, tham gia biên soạn khung tài liệu chữ Thái của 7 tỉnh có người Thái sinh sống.
Trong kho tàng văn hóa dân tộc ở Nghĩa Lộ, không thể không nói đến nhân vật lịch sử người dân tộc Thái Cầm Hánh đánh giặc Cờ vàng. Thị xã cũng có đề tài nghiên cứu khoa học và kế hoạch phục dựng lại đền thờ nhân vật lịch sử này trong Đề án Xây dựng thị xã văn hóa - du lịch. Những nét văn hóa khác như văn hóa ẩm thực, nghề dệt thổ cẩm truyền thống, phong tục buộc chỉ cổ tay cho du khách chúc may mắn, khỏe mạnh, tặng chữ Thái cổ... đều được Nghĩa Lộ khôi phục. Các môn thể thao dân tộc truyền thống được thị xã quan tâm duy trì qua các giải thi đấu, giao hữu, đặc biệt là các môn như đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ, ném còn và các trò chơi dân gian như tó mắc lẹ, tát yến...
Nghĩa Lộ cũng rất chú trọng xây dựng các thiết chế văn hóa. Thị xã đã quy hoạch xây dựng làng bản văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch ở xã Nghĩa An, Nghĩa Lợi; quan tâm công tác đầu tư tôn tạo, nâng cấp, bảo tồn nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Thái và xây dựng nhà văn hóa khu dân cư. Được biết, hiện thị xã có 43 nhà văn hóa phục vụ 56/100 tổ dân phố, thôn, bản, trong đó có trên 20 nhà sàn văn hóa, 3 nhà sàn văn hóa bảo tồn cấp xã, phường gắn với phát triển du lịch.
Bà Lò Thị Huân - Bí thư Thị ủy Nghĩa Lộ cho biết: “Việc quan tâm bảo tồn văn hóa các dân tộc trên địa bàn thị xã, đặc biệt là của đồng bào dân tộc Thái là việc làm cụ thể, thiết thực trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.
Với những hoạt động, việc làm này, Nghĩa Lộ không chỉ dừng lại ở việc bảo tồn, duy trì mà còn biết khai thác các giá trị văn hóa để phát triển du lịch, thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển, phấn đấu xây dựng thành công thị xã văn hóa - du lịch vào năm 2020.
Hạnh Quyên
Các tin khác
Cô gái Đà Nẵng cao 1m80 Diệu Ngọc đã trở thành đại diện Việt Nam tại Miss World tới đây sau khi chinh phục xuất sắc ngôi vị Hoa khôi Áo dài Việt Nam 2016.
Với kỹ thuật xử lý ảnh khéo léo, nghệ sĩ Erik Johansson đã tạo ra một thế giới siêu tưởng từ những bức ảnh được chụp trong thực tế.
Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 105 ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước có chủ đề “Sáng mãi tên người Hồ Chí Minh” diễn ra tối 5/6 tại Bảo tàng Bến Nhà Rồng.
"Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế” và “Mộc bản trường học Phúc Giang” đã được Ủy ban chương trình Ký ức Thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (MOWCAP) chính thức công nhận là Di sản Tư liệu Thế giới vào ngày 19/5/2016 tại Hội nghị lần thứ 7 được tổ chức tại thành phố Huế (Việt Nam).