Tuổi thơ vùng đồi
- Cập nhật: Thứ sáu, 22/7/2016 | 3:42:14 PM
YBĐT - Tôi sinh ra và lớn lên ở một thị trấn miền núi. Người ta vẫn nói thị trấn ấy “nhỏ như lòng bàn tay”, chỉ đi loanh quanh vài vòng là hết nên chúng tôi thuộc làu tất cả mọi con đường, xóm ngõ... Thực ra, thị trấn ấy là một thung lũng nhỏ được bao bọc bởi những dãy núi quanh năm mây phủ.
Thị trấn Mậu A (Văn Yên) hôm nay. (Ảnh: Thanh Miền)
|
Tôi yêu thị trấn quê mình rất nhiều. Bao nhiêu tình cảm mến thương và cả những kỷ niệm ngọt ngào của tôi thời thơ ấu đều được gửi gắm ở cái thị trấn nhỏ xinh ấy. Đến khi khôn lớn và đi xa, tôi luôn nghĩ về nơi chôn rau cắt rốn của mình với một nỗi nhớ da diết, khuôn nguôi.
Nơi cuối thị trấn nhỏ bé ấy, có một ngôi nhà gỗ đơn sơ. Phía trước ngôi nhà là một mảnh vườn khá rộng với đủ các loại rau xanh và cây ăn trái, phía sau ngôi nhà là những quả đồi thoai thoải được phủ kín bởi màu xanh của chè và sắn - đó là nơi tôi cất tiếng khóc chào đời, nơi tôi chập chững bước đi đầu tiên, nơi tôi được sống, được chở che trong vòng tay yêu thương của cha mẹ, anh chị. Ngày đó, trẻ con chúng tôi hồn nhiên lắm. Sáng đi học, chiều lại về giúp bố mẹ việc nhà. Nhà tôi có 4 anh chị em.
Để không tỵ nạnh nhau, mẹ lên lịch phân công công việc cụ thể cho từng người. Hàng ngày, ngoài thời gian đến trường, anh trai tôi có nhiệm vụ lên rừng lấy chuối và rau cỏ lạc về cho lợn, hai chị gái thì nấu cơm, giặt giũ, chăm sóc đàn lợn… Tôi là em út nên được giao công việc nhẹ nhàng nhất là quét dọn nhà cửa. Công việc này tuy nhàn thật và không mất nhiều thời gian nhưng tôi lại không mấy hứng thú. Tôi vẫn khoái được theo anh trai và mấy người hàng xóm lên rừng chặt nứa, lấy củi hay hái rau. Vì thế, chiều nào tôi cũng lẽo đẽo bám theo anh mặc cho anh quát mắng, dọa nạt… Không làm thế nào được với đứa em gái bướng bỉnh anh đành miễn cưỡng cho đi cùng. Mặc dù phải theo anh đi bộ mấy cây số liền mới đến chỗ có chuối rừng và rau cỏ lạc nhưng không hiểu sao hồi đó chúng tôi không cảm thấy mệt, không thấy mỏi chân. Tất cả đều hào hứng, phấn chấn như đi hội.
Vào rừng, anh tìm một chỗ thoáng đãng cho tôi ngồi nghỉ, rồi đi hái những quả đùm đũm, lạc tiên, quả ngõa chín mọng mang về cho tôi ăn. Trong lúc anh cắm cúi cắt rau cho vào bao tải, tôi tha hồ thưởng thức “bữa tiệc” của núi rừng ban tặng. Sau khi đánh chén no nê, tôi ngả lưng xuống bãi cỏ ngủ một cách ngon lành. Cỏ non mượt mà, êm dịu, ru những giấc mơ thần tiên thời của tôi thơ ấu.
Trong giấc ngủ, tôi vẫn mơ màng nghe thấy tiếng chim lảnh lót đâu đó, tiếng mọi người cười nói xôn xao khi tìm thấy đám rau rừng tươi non. Tiếng nói nhỏ dần, nhỏ dần… rồi lặng thinh. Chỉ khi mặt trời khuất sau dãy núi trước mặt tôi mới tỉnh giấc. Lúc đó, anh trai tôi đã được một bao tải rau cỏ lạc to đùng, lèn chặt. Có hôm, còn thêm cả buồng chuối rừng vàng ươm được chia đều cho từng người. Anh trai tôi vác tải rau đi trước, tôi lũn cũn theo sau, bên cạnh là mấy đứa trẻ hàng xóm với bờ vai trĩu nặng. Dù trời đã sẩm tối nhưng chúng tôi vẫn nô đùa, chọc ghẹo nhau ầm ĩ cả con đường nhỏ. Những cái bóng nhấp nhô, đổ dài trên đường trong ánh chiều chạng vạng. Vừa đi anh vừa giục tôi nhanh chân kẻo về muộn…
Ngày ấy, cuộc sống còn khó khăn lắm. Nhà tôi cũng như bao gia đình khác, ngoài thời gian đi làm, đi học đều phải trồng cấy, tăng gia sản xuất mới đủ ăn. Gia đình tôi có một nương sắn khá lớn ngay phía sau nhà. Còn nhớ, hàng năm cứ ăn tết xong cả nhà lại cùng nhau lên đồi trồng sắn, đến hè là được thu hoạch. Do chăm bón cẩn thận nên nhà tôi thường xuyên được mùa sắn, gốc nào cũng nhiều củ và to hơn hẳn sắn của hàng xóm. Củ sắn sau khi thu hoạch được chất đầy cả gian bếp.
Mẹ tôi chọn những củ ngon nhất ra hấp cơm hoặc chế biến thành nhiều món ăn cho cả gia đình như canh sắn, bánh sắn, xôi sắn. Số còn lại đem thái nhỏ phơi khô để dự trữ trong mùa đông. Sắn mới giỡ nên bở và thơm nhưng ăn mãi cũng chán. Bữa nào nhìn thấy bát cơm độn sắn là tôi lại phụng phịu. Tranh thủ những lúc mọi người không để ý tôi gạt vội chỗ sắn xuống gầm bàn. Mấy lần mẹ trông thấy liền bảo chị gái xơi cho tôi cơm trắng, còn sắn để mẹ ăn. Tôi đã không biết nỗi vất vả, nhọc nhằn của mẹ bởi trẻ con vốn vô tư như thế…!
Thị trấn của tôi hầu hết là người dân miền xuôi lên lập nghiệp và xây dựng kinh tế mới, nhưng cứ vào những ngày lễ lớn như 30/4, Quốc khánh 2/9 hay tết Nguyên đán lại ngập tràn sắc màu thổ cẩm của đồng bào Thái, Mông... Họ là người dân ở những vùng lân cận về thị trấn vui hội. Ai nấy đều xúng xính trong những bộ trang phục rực rỡ sắc màu. Những thiếu nữ sơn cước còn đeo trên người nhiều hoa tai, vòng cổ, vòng tay bằng bạc. Mỗi khi bước đi, trang sức của họ va vào nhau kêu leng keng như tiếng nhạc.
Tôi rất thích ngắm nhìn những người phụ nữ dân tộc bởi trông họ đẹp và lạ lắm, nhất là khi họ ngồi vắt vẻo trên lưng ngựa, bên cạnh là chú lợn con, đôi gà hay sản vật gì đó của rừng núi. Họ mang theo những thứ đó để bán lấy tiền mua sắm và ăn uống thỏa thích trong một ngày. Mẹ bảo, bà con sống tận trên núi cao, để xuống được thị trấn họ phải dậy từ sáng sớm tinh mơ. Vui hội xong, lại vội vàng dắt nhau trở về núi.
Thị trấn của tôi giờ đã mang dáng dấp một thị tứ hiện đại, phát triển. Nhiều cơ quan, xí nghiệp mọc lên… Vào những ngày lễ, tết, không khí quê tôi còn nhộn nhịp, tưng bừng hơn xưa. Mọi thứ đã thay đổi rất nhiều, từ cảnh vật đến con người. Đó là quy luật tất yếu của cuộc sống.
Tôi biết điều đó, nhưng vẫn muốn tìm lại khoảng trời tuổi thơ hồn nhiên trong sáng của mình. Tôi ước một lần được đặt chân lên thảm cỏ non, được tắm mát bên dòng suối vắng, được ăn bát cơm độn sắn ngày xưa để thương thêm giọt mồ hôi trên trán mẹ… Và để thấy mình thật thơ trẻ giữa vùng đồi bình yên!
Mai Phương (Đài PT- TH Yên Bái)
Các tin khác
YBĐT - Tháng Bảy về, dường như khóe mắt mẹ sâu hơn, cái nhìn xa xăm, mong ngóng trong khắc khoải. Có lẽ, từng là một người lính, nên tác giả Nguyễn Hữu Dự thấu hiểu những tâm tư, cảm xúc đó và anh đã xúc động viết nên những vần thơ để sẻ chia.
Liên hoan phim (LHP) quốc tế tại Hà Nội lần thứ 4 (HANIFF) được dự kiến tổ chức từ ngày 01 đến ngày 05/11/ 2016 tại Hà Nội. Trong đó, Trại sáng tác (Talent Campus) sẽ là hoạt động chính thức trong khuôn khổ LHP HANIFF. Chương trình do Cục Điện ảnh, Công ty Redbridge và Công ty BHD phối hợp tổ chức.
Liên hoan Âm nhạc Vietnam Connection 2016 được đón tiếp các nghệ sỹ đến từ Mỹ, BaLan, Estonia, Đức, Brazil, Venezuela, Nam Phi, Đài Loan, Nhật Bản, Hà Lan…
YBĐT - Mỗi lần đi qua dấu tích còn lại của ngôi đền Cầm Hánh tọa lạc xưa mà nay thuộc khu vực tổ dân phố 5, phường Tân An (thị xã Nghĩa Lộ), mỗi người con dân tộc Thái Nghĩa Lộ - Mường Lò đều thành kính, tưởng nhớ tới công lao và nghĩa khí của người anh hùng "Phó đề đốc quản hiệp Cầm Ngọc Hánh” cùng với nghĩa quân và biết bao người dân bình dị đã góp sức, góp chí, góp tâm và cả xương máu trong phong trào chống giặc Cờ Vàng cuối thế kỷ XIX.