Đất Mường Lò tự hào có người anh hùng Cầm Hánh
- Cập nhật: Thứ sáu, 22/7/2016 | 9:40:42 AM
YBĐT - Mỗi lần đi qua dấu tích còn lại của ngôi đền Cầm Hánh tọa lạc xưa mà nay thuộc khu vực tổ dân phố 5, phường Tân An (thị xã Nghĩa Lộ), mỗi người con dân tộc Thái Nghĩa Lộ - Mường Lò đều thành kính, tưởng nhớ tới công lao và nghĩa khí của người anh hùng "Phó đề đốc quản hiệp Cầm Ngọc Hánh” cùng với nghĩa quân và biết bao người dân bình dị đã góp sức, góp chí, góp tâm và cả xương máu trong phong trào chống giặc Cờ Vàng cuối thế kỷ XIX.
Người già, nghệ nhân trong bản Thái ở Nghĩa Lộ vẫn thường hát kể cho nhau nghe về chuyện Cầm Hánh đánh giặc Cờ Vàng.
|
Theo “Căm Hánh tạp sấc clương” (Cầm Hánh đánh giặc Cờ Vàng) do nghệ nhân Lò Văn Biến, bản Cang Nà, phường Trung Tâm (thị xã Nghĩa Lộ) sưu tầm, dịch từ bản chữ Thái cổ (hiện đang lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng Yên Bái) và báo cáo kết quả thực hiện đề tài khoa học “Nghiên cứu về nhân vật lịch sử Cầm Hánh của đồng bào dân tộc Thái vùng Mường Lò - Nghĩa Lộ” do Nguyễn Hữu Hiền, Lò Thị Huân (Thị ủy Nghĩa Lộ) làm Chủ nhiệm cùng nhiều tài liệu nghiên cứu khác cho thấy, Cầm Hánh là nhân vật lịch sử, tên gọi là Cầm Ngọc Hánh hay còn gọi là Tạo Hánh - Quản Hánh, là người Thái Mường Lò - Văn Chấn, là con trưởng Tạo Đúc.
Vào cuối thế kỷ XIX, khi giặc Cờ Vàng chuẩn bị tiến đánh Mường Lò - Văn Chấn theo 2 đường, một đường từ Trái Hút, Trấn Yên (nay là huyện Văn Yên) theo ngòi Thia vào và một đường từ Âu Lâu vào Mường Hồng (Hưng Khánh, Trấn Yên), Cầm Hánh kêu gọi nhân dân đoàn kết, chuẩn bị lương thực, vũ khí, xây dựng thành lũy để đánh giặc Cờ Vàng. Ông cho xây dựng thành Viềng Công ở xã Hạnh Sơn (tổng Hạnh Sơn) và đặt làm đại bản doanh chỉ huy đánh giặc Cờ Vàng, bố trí các em trai chỉ huy quân đánh chặn giặc từ các ngả đường tiến vào. Trong lúc này, Cầm Hánh đóng quân tại Lò Luông (Mường Lò lớn). Cầm Chiêu đóng quân tại Mường Cha. Nhân dân các dân tộc ba mường (Mường Lò Luông, Mường Cha, Mường Da ở Văn Chấn) đồng lòng với nghĩa quân do thủ lĩnh Cầm Hánh chỉ huy cùng nhau "bền lòng vững bụng" đánh giặc. Khí thế đánh giặc đang dâng cao thì Cầm Hiệp bị bắt, Cầm Chiêu xin hàng giặc Cờ Vàng. Song, Cầm Hánh không hề run sợ, thề: "Quyết một trận sống chết với bọn bay".
Trước sự quyết tâm của thủ lĩnh Cầm Hánh, toàn thể nghĩa quân cùng với nhân dân ba mường đồng lòng, vững tin, quyết tâm đánh giặc bảo vệ bản mường. Cầm Hánh đã trực tiếp chỉ huy quân lính đánh nhiều trận thắng quân giặc Cờ Vàng do Diệp Tài chỉ huy. Thua trận, Diệp Tài dùng quỷ kế nham hiểm: Đưa Cầm Chiêu đến, do mất cảnh giác nên Cầm Tám cho quân mở cổng thành, mắc mưu giặc Cờ Vàng, thành Viềng Công bị rơi vào tay giặc. Diệp Tài cho quân vây quân của Cầm Hánh ở Mường Lò Luông suốt ba tháng. Lương thực cạn dần, mọi người phải lấy nõn cây ăn cầm hơi. Lâu ngày hết lương thực, quân lính mất tinh thần. Đúng vào lúc khó khăn, Diệp Tài tiến đánh. Hai bên giao tranh quyết liệt và đều bị thiệt hại nặng. Mường Lò thất thủ, để giữ khí tiết, không bị giặc bắt, Cầm Hánh tự sát.
Cuộc đấu tranh chống giặc Cờ Vàng ở Mường Lò - Văn Chấn - Nghĩa Lộ do thủ lĩnh người Thái là Cầm Hánh lãnh đạo tuy thất bại nhưng đã góp phần làm nền tảng tinh thần, lòng tin của nhân dân cùng nghĩa quân dẹp được loạn giặc Cờ Vàng (1875), cùng với các dân tộc Hưng Hóa và cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống lại sự xâm lăng của thực dân Pháp. Để thể hiện lòng tưởng nhớ, tri ân người anh hùng Cầm Hánh, các dân tộc Mường Lò - Văn Chấn - Nghĩa Lộ đã xây dựng đền thờ Cầm Hánh cùng với những người con quê hương Mường Lò - Văn Chấn - Nghĩa Lộ đã anh dũng chiến đấu hy sinh chống giặc Cờ Vàng bảo vệ bản mường.
Theo ông Hoàng Văn Tom - con trai ông Hoàng Văn Ẹc là người làm péch (công việc chuyên trông coi việc lễ hội, tế lễ của tổng và của Mường Lò) và Nghệ nhân Lò Văn Biến, đền Cầm Hánh xây dựng cuối thế kỷ XIX. Trước năm 1944, đền có kiến trúc nhà cột gỗ thông to vuông, 4 gian, lợp gianh, xung quanh lịa ván thông làm tường, có 3 cửa, nóc đền quay theo hướng Đông - Tây, cửa quay ra đường. Cạnh đền trồng cây đa. Năm 1944, đền thờ Cầm Hánh được sửa chữa lại: mái lợp ngói, khuôn viên mở rộng hơn, xung quanh rào nứa đan mắt cáo, xung quanh đền được đào ao để vừa chống thú dữ, kẻ thù vào phá đền vừa trồng sen tạo cảnh quan đẹp.
Trải qua thời gian và hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đền thờ Cầm Hánh không còn, chỉ còn trong tâm thức, nỗi nhớ của mỗi người dân Mường Lò - Văn Chấn - Nghĩa Lộ. Đất của đền thờ hiện nay đã cấp cho dân làm nhà ở và xây trụ sở cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, khu đất đền tọa lạc xưa vẫn còn lại cây đa và còn dấu tích của ao, không gian tổ chức lễ hội.
Trong những năm qua, chính quyền và nhân dân thị xã Nghĩa Lộ đã và đang tích cực, nỗ lực trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị Di tích lịch sử đền thờ Cầm Hánh bằng những việc làm cụ thể, thiết thực như thực hiện đề tài khoa học: “Nghiên cứu về nhân vật lịch sử Cầm Hánh của đồng bào Thái vùng Mường Lò - Nghĩa Lộ”, nhằm tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu quê hương, đất nước, khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc cho thế hệ trẻ và khai thác giá trị văn hóa địa phương.
Bên cạnh đó, các cấp chính quyền đã chỉ đạo nghiên cứu, tọa đàm, đưa nội dung “lịch sử đấu tranh chống giặc Cờ Vàng” của nhân dân các dân tộc Mường Lò - Nghĩa Lộ vào chương trình ngoại khóa trong các trường học, lập hồ sơ xếp hạng đền thờ Cầm Hánh là di tích lịch sử cấp tỉnh và được công nhận năm 2015. Thị xã cũng quy hoạch hơn 7.000 m2 đất dành cho phục dựng lại đền, gắn với di tích Căng - Đồn Nghĩa Lộ, Khu Tưởng niệm Bác Hồ tạo thành khu du lịch di tích lịch sử cách mạng, văn hóa, tâm linh ở địa phương.
Sau khi được xếp hạng di tích cấp tỉnh, thị xã đã chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường công tác quản lý nhà nước, đa dạng hóa loại hình tuyên truyền, giáo dục, giới thiệu về di tích; tiếp tục rà soát, nghiên cứu, sưu tầm, bổ sung tư liệu, hiện vật liên quan đến di tích; đầu tư kinh phí phục dựng di tích đảm bảo giá trị gốc, cảnh quan, môi trường di tích xanh, sạch, đẹp thu hút khách đến tham quan, học tập, nghiên cứu; tạo điều kiện cho các tổ chức, đoàn thể, cán bộ, học sinh và nhân dân đến tham quan, học tập, nghiên cứu…
Dự kiến, nhân dịp kỷ niệm 45 năm Ngày thành lập thị xã Nghĩa Lộ (8/10/1971 - 8/10/2016), 64 năm Ngày giải phóng Nghĩa Lộ (18/10/1952 - 18/10/2016) gắn với tổ chức Tuần Văn hóa - Du lịch Mường Lò - Nghĩa Lộ 2016, UBND tỉnh Yên Bái sẽ tổ chức liên hoan diễn xướng dân gian dân tộc Thái khu vực Tây Bắc tại thị xã Nghĩa Lộ. Cùng với nhiều hoạt động sôi nổi của liên hoan, thị xã Nghĩa Lộ sẽ tổ chức lễ công bố công nhận Di tích đền Cầm Hánh được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh, đồng thời tổ chức lễ khởi công xây dựng đền Cầm Hánh tại tổ 5, phường Tân An với quy hoạch trước mắt là 1.500 m2.
Người anh hùng dân tộc Cầm Hánh luôn là niềm tự hào và sống mãi trong lòng người dân đất Mường Lò. Để tỏ lòng biết ơn, thành kính của mình, nhân dân các dân tộc Mường Lò - Nghĩa Lộ đã và đang tiếp nối truyền thống cách mạng, đoàn kết một lòng xây dựng quê hương ngày càng phát triển, giàu đẹp. Bên cạnh những thành quả đã và đang đạt được, việc khởi công xây dựng và phục dựng lại đền Cầm Hánh chính là mong muốn, tâm niệm của mỗi người con đất Mường Lò.
Hạnh Quyên
Các tin khác
Cuộc thi Nghệ thuật sân khấu tuồng và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc - 2016 sẽ diễn ra vào tháng 8/2016 tại thành phố Đà Nẵng.
Tối 21-7, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, kỷ niệm 69 năm Ngày Thương binh - liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2016), Ban Chỉ đạo quốc gia về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ đã tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật “Tổ quốc mãi mãi ghi công”, nhằm bày tỏ lòng tri trân đối với các anh hùng liệt sĩ đã cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của Tổ quốc.
Qua 4 đợt xét duyệt, hiện nay Cố đô Huế có 6 cổ vật được Thủ tướng ký quyết định công nhận là Bảo vật quốc gia, gồm Cửu đỉnh và Cửu vị thần công, chuông chùa Thiên Mụ, ngai vua triều Nguyễn, áo Tế giao của vua Nguyễn, bia Khiêm Cung Ký và vạc đồng thời chúa Nguyễn (bộ sưu tập).
Vừa qua, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam phối hợp với Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Hội Di sản văn hóa Việt Nam tổ chức trao giải và tổ chức triển lãm “Dòng sông Việt - 2016”