Văn hóa với phát triển bền vững ở Việt Nam hiện nay

  • Cập nhật: Thứ tư, 7/9/2016 | 8:21:52 AM

Mối quan hệ giữa văn hóa và phát triển trong điều kiện Việt Nam ngày nay vừa là vấn đề lâu dài, chiến lược, vừa mang tính cấp bách. Công cuộc đổi mới của Việt Nam diễn ra trong những hoàn cảnh đặc biệt.

Điểm xuất phát về kinh tế, xã hội, văn hóa nước ta còn thấp. Bên cạnh những tiến bộ trong công cuộc đổi mới, việc xác định được vấn đề chiến lược thì chúng ta còn chưa kịp tổng kết nhiều kinh nghiệm thực tiễn, nhiều vấn đề lý luận khoa học còn bất cập hoặc bỏ ngỏ.

Việt Nam nằm trong vùng giao thoa giữa các nền văn minh, chịu sự chi phối ngày càng tăng của xu thế thời đại, dường như là điểm nút, là sự hội tụ của văn hóa với phát triển bền vững. Việt Nam cũng chịu tác động trực tiếp của quan hệ quốc tế phức tạp, của cuộc đấu tranh chính trị gay gắt hiện nay trên thế giới và khu vực. Vì vậy, việc xây dựng một lý thuyết phát triển bền vững của mình, phù hợp với đặc điểm thời đại và dân tộc là vấn đề quan trọng hàng đầu. Nó có ý nghĩa quyết định ngay trong việc xác định quy mô, tốc độ, bước đi, chất lượng phát triển; nó khẳng định tư thế của một dân tộc đã từng trải nhiều cuộc chiến tranh, khát khao xây dựng khi bước vào thế kỷ XXI. Vậy xây dựng lý thuyết đó như thế nào, làm thế nào để ngăn ngừa nguy cơ biến dạng mô hình, tách rời giữa nói và làm, mục tiêu và hành động? Phương hướng cụ thể được đề xuất là:

Thứ nhất, bắt đầu từ mô hình kinh tế thị trường hướng tới sự phát triển bền vững.

Hiện nay, những thành tựu các mặt trong thời đại mới sẽ cho phép các nước đi sau không cần và không thể lặp lại con đường tăng trưởng kinh tế không đi đôi với tiến bộ xã hội và an toàn môi sinh như các nước tư bản chủ nghĩa đã trải qua. Loài người phải qua bao năm dài đầy máu và nước mắt, dần dần mới hiểu ra kinh tế thị trường, trong đó các nhân tố kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường phải được xác lập vị trí quan trọng như nhau, đi đôi với nhau, làm điều kiện cho nhau. Nhờ đó, chúng ta sẽ vừa có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, vừa hạn chế tối đa tổn thất về xã hội và môi trường, tạo điều kiện cho nước ta phát triển trong ổn định; nhân dân ta có một đời sống tốt đẹp, phù hợp với mục tiêu của con đường dân tộc đã chọn và xu thế thời đại. Kinh tế thị trường vận động theo phương hướng đó, được biểu hiện ở mấy mặt chủ yếu:

Một là, theo đường lối kết hợp từng bước tăng trưởng kinh tế với công bằng xã hội, được vận dụng bằng chính sách kinh tế mềm dẻo, đa dạng, dân chủ. Đường lối kinh tế nhiều thành phần ở nước ta hiện nay đã đem lại nhiều thành tựu và bài học quý báu. Nó khơi dậy nhiều tiềm năng, mở rộng nhiều mối quan hệ, làm cho xã hội và mỗi người có mức sống tốt hơn. Tuy vậy, trước mắt phải từng bước giải quyết sự phân hóa giàu nghèo - một vấn đề đang cản trở phát triển kinh tế, xã hội.

Hai là, mở rộng cơ chế thị trường phải gắn liền với bảo đảm tiêu chuẩn đạo đức, luật pháp, nhằm đồng thời đạt được cả tăng trưởng kinh tế với tiến bộ xã hội và sự phát triển con người. Ở nước ta, khi chuyển sang cơ chế thị trường thì diễn ra sự chuyển đổi những chuẩn mực đạo đức, hệ thang giá trị. Điều quan trọng là cần tỉnh táo phân tích và tìm cách hướng dẫn xã hội tránh hậu quả xấu bằng mọi công cụ Nhà nước có thể. Trong đó, việc xây dựng và kiểm tra thực hiện hệ thống luật pháp có cơ sở khoa học - thực tiễn là vô cùng cấp bách. Trước hết, các cơ quan nhà nước phải đi đầu, gương mẫu thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật. Đây vừa là vấn đề chính trị, vừa là bài học đạo đức lớn nhất cho xã hội, công dân noi theo.

Ba là, đưa yêu cầu bảo vệ môi trường sinh thái và tài nguyên vào trong pháp luật và trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư cho sản xuất kinh doanh ở tất cả mọi lĩnh vực. Cạnh tranh trong kinh tế thị trường dựa trên kết hợp lợi ích trước mắt với lợi ích lâu dài của các doanh nghiệp và của quốc gia. Sự phân biệt tính chất phi nhân bản với tính chất văn minh của kinh tế thị trường không những ở vấn đề xã hội, con người, mà cả ở vấn đề môi trường sinh thái. Chính sự phân biệt này vạch ra một giới hạn lịch sử giữa các xã hội công nghiệp tư bản với xã hội tương lai.

Bốn là, có sự phát triển về hệ thống thông tin thông suốt, tin cậy. Một xã hội dân chủ và có lãnh đạo tốt phải dựa vào sự phát triển công nghệ thông tin. Đây là một trong những điều kiện để mỗi người sống theo pháp luật, có nhân cách và sáng tạo. Nó càng là sự cần thiết cho các nhà lãnh đạo và quản lý có nhận thức đúng về kinh tế, xã hội, kịp thời điều chỉnh xã hội tạo ra sự đổi mới không ngừng trong ổn định và tiến bộ, kể cả đổi mới bản thân bộ máy quản lý. Không có thông tin nhiều chiều, đủ tin cậy, mà chỉ ở trạng thái hồ nghi, phiến diện hay giả dối thì không thể có môi trường cho kinh tế thị trường văn minh.

Năm là, phát huy vai trò kinh tế và chức năng xã hội của nhà doanh nghiệp. Vai trò này dựa trên nắm bắt nhu cầu thị trường, sự hướng dẫn của Nhà nước với sự sáng tạo của nhà doanh nghiệp. Tính chất văn minh của kinh tế thị trường không những bắt nguồn từ đường lối của Đảng, chính sách, vai trò Nhà nước mà còn dựa vào tài năng và nhân cách của đội ngũ nhà doanh nghiệp - những người trực tiếp quản lý sản xuất kinh doanh, tác động đến lĩnh vực xã hội và môi trường hằng ngày, đến lĩnh vực đối nội và đối ngoại. Họ là nhân vật trung tâm trong kinh tế thị trường, là lực lượng thể hiện đường lối chính trị, kinh tế, bản sắc dân tộc, trình độ văn hóa, giáo dục của đất nước.
Thứ hai, cải cách giáo dục, đào tạo đội ngũ lao động và trí thức để phù hợp với mô hình kinh tế mới (mô hình kinh tế tri thức và kinh tế văn hóa).

Ngày nay, những con người luôn được đào tạo và đào tạo lại, có tài năng và nhân cách được coi là nhân tố hàng đầu của sự phát triển. Trên thế giới, cùng với cuộc cách mạng khoa học, công nghệ và kinh tế, cải cách giáo dục, đào tạo không phải chỉ làm một lần. Nhiều nước đã dũng cảm phá bỏ mô hình giáo dục cũ, tạo mô hình mới phù hợp với điều kiện lịch sử cụ thể.

Ở nước ta, thành quả giáo dục, đào tạo trước đây đã tạo cho chúng ta một cái nền nhất định, nhưng nhiều mặt đã lỗi thời. Khó khăn trong cải cách giáo dục, đào tạo không những về tài chính mà chủ yếu về tư tưởng chiến lược và con người thực hiện. Khó khăn đó có thể giải quyết khi đã đổi mới tư duy và tổ chức thật sự.

Sự đổi mới tư duy ở đây trước nhất là thấy được vai trò mới của giáo dục (yếu tố có tác động trực tiếp tới quá trình phát triển kinh tế và văn hóa) và mẫu hình con người Việt Nam trong tương lai. Không nên coi cải cách giáo dục là một hệ thống khép kín từ mục tiêu, bước đi, biện pháp mà cần coi nó như một hệ thống mở, luôn bám sát những biến động của thời đại, những đổi thay của đất nước. Tất nhiên có tính đến bước đi và hiệu quả cụ thể trong từng giai đoạn.

Thứ ba, khai thác, phát huy, nâng cao bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu với thế giới.
Bản sắc văn hóa dân tộc còn là một yếu tố đặc trưng của kinh tế thị trường hướng tới phát triển bền vững. Không giữ gìn và nâng cao bản sắc văn hóa dân tộc cũng như không có đội ngũ trí thức của dân tộc thì không thể có sự phát triển. Các di sản và thành tựu văn hóa của cha ông thể hiện trong kiến trúc, y học, ngành nghề cổ truyền, văn học, nghệ thuật, phong tục tập quán… đều có vai trò nâng cao tâm hồn, bản lĩnh con người Việt Nam, góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội.
Điều đáng nói là ngay trong quá trình chọn lựa con đường, hình thức, bước đi của phát triển kinh tế cũng cần mang đầy đủ nét đặc thù Việt Nam, mang bản sắc Việt Nam. Trên hướng này, nên có hình thức tổ chức và con người chỉ đạo biết kết hợp văn hóa với phát triển.

Thứ tư, tổ chức lại hệ thống khoa học - kỹ thuật và công nghệ với định hướng đưa khoa học - kỹ thuật và công nghệ thành động lực của sự phát triển.

Muốn khoa học, kỹ thuật và công nghệ trở thành động lực cho sự phát triển, cần tạo những điều kiện cần và đủ, cụ thể là thu hẹp khoảng cách giữa nghiên cứu khoa học, kỹ thuật và công nghệ với sản xuất và dịch vụ, tạo cơ hội khoa học - kỹ thuật và công nghệ trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Ở đây có việc nghiên cứu cơ chế quản lý vĩ mô, tạo ra sức ép về chất lượng sản phẩm hàng hóa, thúc đẩy khoa học, kỹ thuật và công nghệ xích gần lĩnh vực sản xuất hơn.

Mặt khác, bản thân nhà doanh nghiệp cũng phải có ý thức tận dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ để nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm của cơ sở mình. Sớm mở đường cho việc hình thành thị trường sản phẩm khoa học, kỹ thuật và công nghệ, giải quyết tốt mối quan hệ giữa người nghiên cứu - người chế tạo - người tiêu dùng những ứng dụng mới.

Ở tầm vĩ mô hoặc vi mô, có chế độ thống nhất, khuyến khích đúng giá trị những phát minh, sáng kiến trong hoạt động khoa học, kỹ thuật và công nghệ. Có quỹ bảo trợ và nâng đỡ nhân tài; tạo điều kiện làm việc, cống hiến, điều kiện sống cho lực lượng làm khoa học, kỹ thuật. Tăng cường đầu tư chiều sâu với ý nghĩa đi trước một bước (so với sản xuất) các cơ sở nghiên cứu, nhất là cơ sở nghiên cứu ứng dụng.

Hình mẫu tổ chức khoa học và các nhà khoa học ở các quốc gia khởi nghiệp cho thấy đó là sự hội tụ của văn hóa và phát triển, mang ý nghĩa thúc đẩy, định hướng cho các quá trình kinh tế, xã hội. Ở đây khó khăn chủ yếu chưa phải là vấn đề tài chính, mà cái chính là quan điểm chiến lược phát triển và tổ chức nhân sự. Đặc biệt là việc tuyển chọn những người chủ trì, những nhà khoa học đứng đầu những tập thể khoa học gắn bó.

Thứ năm, muốn phát huy tiềm năng của dân tộc và thời đại, giành lấy thời cơ trong bước ngoặt này, phải dựa trên điều kiện tiên quyết là sự lãnh đạo chính trị sáng suốt và một trình độ quản lý có hiệu quả.

Mọi thành tựu của phát triển đều do nhân dân tạo ra. Nhưng họ có đem hết sức mình ra không và họ có được hưởng thành quả của sự phát triển xứng đáng không, lại phụ thuộc một cách quyết định vào điều kiện lãnh đạo và quản lý.

Sự lãnh đạo chính trị và quản lý tốt không những cho phép huy động mọi nguồn lực đã, đang và sẽ có vào quá trình phát triển, mà còn đề phòng được nguy cơ biến dạng mô hình phát triển.

Sự lãnh đạo và quản lý như vậy có sức đề kháng mạnh trước tệ quan liêu, tham nhũng, có sức khắc phục những biểu hiện xấu như “nói không đi đôi với làm”, công việc không gắn với yêu cầu trí tuệ và nhân cách… là những hạn chế thường thấy ở các bộ máy nhiều nước lạc hậu, đang xung đột với sự phát triển.

B.T

Các tin khác
Lễ trao Giải báo chí Quốc gia lần thứ 10 năm 2015. Ảnh minh họa.

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định bổ sung dự toán thực hiện Đề án “Tiếp tục hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí ở Trung ương và các Hội Văn học nghệ thuật địa phương, hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng ở các Hội Nhà báo địa phương giai đoạn 2016-2020”.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo thị xã Nghĩa Lộ ấn nút khai trương và cắt băng khánh thành ra mắt hai tuyến phố văn hóa thương mại và tuyến phố ẩm thực.

YBĐT -Tối 5/9, thị xã Nghĩa Lộ đã tổ chức ra mắt tuyến phố văn hóa thương mại và tuyến phố ẩm thực. Đây là hoạt động đầu tiên trong khuôn khổ Tuần Văn hóa - Du lịch Mường Lò 2016.

Hiện công tác chuẩn bị cho Lễ hội Thành Tuyên 2016 đang được các cơ quan chức năng và người dân của tỉnh thực hiện nghiêm túc, chu đáo, nhằm xây dựng hình ảnh quê hương Tuyên Quang thân thiện, mến khách.

Người Tuyên Quang đang náo nức chuẩn bị cho Lễ hội Thành Tuyên 2016 diễn ra từ ngày 8 đến 11/9 với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn.

Hình ảnh trang thông tin về chương trình

Vừa qua, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc UNESCO thông báo Giải thưởng Quốc tế xóa mù chữ 2016 được trao cho Chương trình Sách hóa nông thôn Việt Nam thuộc Trung tâm Hỗ trợ tri thức và phát triển cộng đồng do anh Nguyễn Quang Thạch sáng lập.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục