Cấm tất cả phim có cảnh khoả thân dành cho khán giả dưới 18 tuổi
- Cập nhật: Thứ năm, 27/10/2016 | 4:53:04 PM
Bộ Văn hóa-Thể thào và Du lịch ( VHTTDL) đang lấy ý kiến rộng rãi cho dự thảo lần 2 “Thông tư quy chế thẩm định, phân loại và cấp giấy phép phổ biến phim”. Trong dự thảo lần này, Ban soạn thảo đã đưa ra nhiều tiêu chí để phân loại phim được phép phổ biến rộng rãi; phim cấm phổ biến dưới 13 tuổi, dưới 16 tuổi và dưới 18 tuổi.
Theo đó, phim cấm phổ biến đến khán giả ở lứa tuổi dưới 13 (C13) được coi là chủ đề của phim không phù hợp với khán giả ở lứa tuổi dưới 13. Nội dung phim phản ánh những vấn đề khiến nhận thức, cảm xúc của khán giả ở lứa tuổi dưới 13 bị lệch lạc, tâm lý bị xáo trộn hoặc rơi vào tình trạng lo sợ, bi quan, buồn chán.
Phim cấm phổ biến đến khán giả ở lứa tuổi dưới 16 (C16) là những phim phản ánh sâu hơn những vấn đề của người trưởng thành như các vấn đề liên quan đến chính trị, xã hội, tâm lý, tội phạm… nhưng không phù hợp với nhận thức, tâm sinh lý của khán giả dưới 16 tuổi.
Và phim cấm phổ biến đến khán giả ở lứa tuổi dưới 18 (C18) là những phim có nội dung phản ánh những vấn đề của người trưởng thành như các vấn đề liên quan đến chính trị, xã hội, tâm lý, tội phạm tình dục nhưng không phù hợp với nhận thức, tâm sinh lý của khán giả dưới 18 tuổi. Không chấp nhận việc sử dụng ngôn ngữ, âm thanh, hình ảnh thô tục trừ một số từ chửi thề, tiếng lóng trong lời thoại, chữ viết thể hiện ở mức độ mạnh hơn so với phim được phân loại ở mức C16.
Tất cả các bộ phim dành cho 3 lứa tuổi này đều không chấp nhận hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thể hiện hành động bạo lực như gây ra đau đớn, thương tích được miêu tả chi tiết, căng thẳng, thời lượng kéo dài, trừ trường hợp hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ đó được thể hiện ở mức độ vừa phải và phù hợp với nội dung phim.
Không chấp nhận hình ảnh khỏa thân, trừ các trường hợp sau: hình ảnh khỏa thân không trực diện phía trước, phía sau của phụ nữ không liên quan đến tình dục; hình ảnh khỏa thân phần trên phía trước của phụ nữ không liên quan đến tình dục hoặc trong các phim khoa giáo, phim liên quan đến y tế, chăm sóc sức khỏe, cách sống của thổ dân, dân tộc thiểu số. Không chấp nhận hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thể hiện cảnh hoạt động tình dục.
Không chấp nhận hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thể hiện cảnh kinh dị, rùng rợn, gây sợ hãi, căng thẳng được miêu tả chi tiết, diễn ra thường xuyên, có thời lượng kéo dài, trừ trường hợp những hình ảnh, âm thanh và ngôn ngữ đó cần thiết cho nội dung phim và phù hợp với lứa tuổi. Không chấp nhận việc sử dụng hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thô tục.
Không chấp nhận hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thể hiện việc buôn bán, tàng trữ, sử dụng ma túy và các chất kích thích, gây nghiện, trừ trường hợp hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ đó phù hợp với nội dung phim nhằm mục đích phản đối, lên án những hành vi nêu trên nhưng không miêu tả chi tiết, không diễn ra thường xuyên, không có thời lượng kéo dài…
Không chấp nhận việc sử dụng ngôn ngữ, âm thanh, hình ảnh thô tục, trừ trường hợp sử dụng một số từ chửi thề, tiếng lóng của các nhân vật phản diện phù hợp với nội dung phim nhưng không tục tĩu, không làm tổn thương đến cá nhân và cộng đồng, không sử dụng thường xuyên, không sử dụng ngôn ngữ để quấy rối, lạm dụng tình dục.
Ngoài ra, Ban soạn thảo cũng đưa ra quy định với phim được phép phổ biến rộng rãi đến mọi đối tượng (P) có nội dung phim phản ánh những vấn đề của tự nhiên và xã hội mang tính giải trí, giáo dục, khuyến khích những giá trị đạo đức và quan hệ xã hội tích cực.
Không chấp nhận hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thể hiện cảnh uy hiếp, đe dọa người khác, trừ trường hợp hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ đó được thể hiện ở mức độ nhẹ và phù hợp với nội dung phim.
Không chấp nhận các hình ảnh khỏa thân, trừ trường hợp hình ảnh khỏa thân phần trên của nam giới, khỏa thân phần trên phía sau của nữ giới không liên quan đến tình dục, không có các hình xăm phản cảm.
Không chấp nhận hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thể hiện hoạt động tình dục. Không chấp nhận hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thể hiện việc sử dụng ma túy và các chất kích thích, gây nghiện.
Không chấp nhận hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thể hiện cảnh kinh dị, trừ trường hợp hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ đó được thể hiện ở mức độ nhẹ, không gây tác động, ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe của trẻ em. Không chấp nhận việc sử dụng hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thô tục.
Tại điều 10 của dự thảo, Thông tư đã quy định rõ trình tự, thủ tục thẩm định phim. Theo đó, nếu thành viên Hội đồng đồng ý cho phép phổ biến thì xếp bậc và cho điểm theo tiêu chuẩn: Bậc I là phim có chất lượng xếp loại trung bình (cho các điểm 5,0; 5,5; 6,0; 6,5) bao gồm tiêu chuẩn: có nội dung tư tưởng tốt; nghệ thuật thể hiện trung bình, tính hấp dẫn chưa cao, hình ảnh, âm thanh chưa phát huy được hiệu quả.
Bậc II là phim có chất lượng xếp loại khá (cho các điểm 7,0; 7,5; 8,0; 8,5) bao gồm tiêu chuẩn: có nội dung tư tưởng tốt, có ý nghĩa nhân văn, có tính phổ cập; nghệ thuật thể hiện hấp dẫn, có tìm tòi về ngôn ngữ điện ảnh, hình ảnh, âm thanh trung thực sinh động.
Bậc III là phim có chất lượng xếp loại xuất sắc (cho các điểm 9,0; 9,5; 10) bao gồm tiêu chuẩn: có nội dung tư tưởng tốt, có ý nghĩa nhân văn, sâu sắc, sáng tạo, có tính phổ cập cao; nghệ thuật thể hiện hấp dẫn, có nhiều tìm tòi độc đáo về ngôn ngữ điện ảnh, hình ảnh đẹp, có nhiều sáng tạo, độc đáo, âm thanh đạt hiệu quả cao...
(Theo Dân Trí)
Các tin khác
Tối 26/10, tại Hà Nội, Nhà hát Kịch Việt Nam chính thức giới thiệu vở diễn “Chuyện nàng Kiều” dựa trên kiệt tác “Truyện Kiều” của Đại thi hào dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du (1765 - 1820).
Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ 3 năm 2016 sẽ diễn ra từ ngày 11 đến 19/11 tại sân khấu của các nhà hát ở Hà Nội.
Cuốn tiểu thuyết “The Sellout” của nhà văn Mỹ Paul Beatty, câu chuyện chua cay và châm biếm về chủng tộc và giai cấp ở Mỹ, đã đoạt giải Man Booker 2016 - giải thưởng văn học danh giá của Anh.
Đại diện của Indonesia - Ariska Putri Pertiwi đã xuất sắc vượt qua hơn 70 thí sinh để đăng quang ngôi vị "Hoa hậu Hòa bình Quốc tế 2016".