Ngan ngát hương bài

  • Cập nhật: Thứ sáu, 23/12/2016 | 7:52:53 AM

YBĐT - Đầu tháng Chạp, tiết Đại hàn khô và lạnh. Lá hương bài chớm độ đỏ đuôi. Thầy tôi dùng mai lật từng thớ đất tơi xốp vườn nhà, thu hoạch rễ hương bài chuẩn bị làm hương, cho kịp ngày lễ tiễn Ông Táo về trời và đón tết Nguyên đán. Hơn bốn mươi năm rồi, thầy tôi vẫn cần mẫn công việc này như một lễ thức truyền thống của gia đình.

Gọi là hương bài là bởi lá của loài cây này xếp theo hình rẻ quạt, xanh mướt từ mùa xuân cho tới tận giữa đông và xòe ra như những thẻ quân bài. Hương bài thuộc loài thân thảo, rễ chùm không ưa nắng, thích hợp trồng dưới tán cây ẩm mát. Mỗi năm thu hoạch rễ một lần, là nguyên liệu chính để làm nên những nén nhang cuốn giấy, bình dị mà thơm ngát độ trầm.

Nghề làm hương bài được thầy mẹ tôi mang theo từ quê gốc Thái Bình lên Tây Bắc trong đợt đi xây dựng vùng kinh tế mới năm 1971. Cái chính là giữ chút hương quê khi lập nghiệp nơi vùng đất mới, chứ không hẳn là nghề kiếm sống. Thế rồi gặp đất rừng tơi xốp, những khóm hương bài cứ xanh mướt khắp vườn.

Vụ đầu tiên, thầy mẹ tôi thu được mấy thúng đầy những chùm rễ vàng tươi màu sợi thuốc. Từng nhánh hương bài sau khi cắt lấy rễ, thầy mẹ tôi đốn bớt phần lá ngọn và trồng lại cho vụ làm hương năm sau. Rễ hương bài được đem rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô và giã thành bột.

Cùng với nguyên liệu chính, còn có cùi bưởi và bã mía. Những thân mía đồi tước vỏ, thái mỏng, phơi khô cho vào cối giã nhỏ. Vỏ bưởi cuối thu vàng tươi, lọc lấy cùi ngoài mỏng giòn, cho nhiều tinh dầu thơm mát, cũng đem thái nhỏ, phơi khô và giã thành bột. Ba thứ này trộn lẫn với nhau theo tỷ lệ: 6 hương bài - 2 mía - 2 bưởi, tạo thành nguyên liệu làm nên hương bài. Những gióng giang dài, bỏ cật phơi khô chẻ thành chân hương, dễ bén lửa mà không bị khét.

Từng xấp giấy rơm vừa xốp lại vừa dai được gấp lại, cắt thành những băng nhỏ, rộng chừng 3 cm, cuộn tròn giữ cho bột hương bài bao quanh chân nhang. Mùa đầu làm hương trên quê mới, cả gia đình trải chiếu quây quần giữa nhà, xôn xang bao chuyện tới tận canh khuya. Thầy tôi thì cắt giấy, chuốt chân hương. Mẹ và mấy anh em chúng tôi hào hứng cuộn từng nén hương bài dưới ánh đèn tọa đăng rực sáng.

Trước tiên là tẩm một chút hồ cơm nếp vào đỉnh chân hương để dính đầu băng giấy vào đó, rồi rải đều bột nguyên liệu theo chiều dài của băng giấy và vê tròn lại theo hình đòng lúa. Cứ năm nén hương được quấn lại thành một bó, để sáng mai chợ phiên mẹ bán kèm với từng lễ đinh tiền. Khói hương bài thơm ngát tỏa khắp nhà, gợi niềm cảm xúc lâng lâng, huyền hoặc tựa hồ không khí của đêm trừ tịch, đón năm mới.

Cùng với món hàng xén đã theo mẹ tần tảo mỗi tuần hai buổi chợ quê, sáng nay có thêm vài trăm nén hương bài. Hương bài được thắp lên, bảng lảng khói trầm trong sương sớm, ngan ngát cả một góc chợ miền rừng. Thạo chuyện tư rằm lên chùa lễ Phật từ dạo còn ở quê gốc, nên mẹ tôi rất có duyên với việc sắp lễ và bán hương vàng. Chỉ còn vài ngày nữa là đến tết Ông Táo nên đinh vàng và toàn bộ số hương bài, mới giữa buổi chợ đã được bà con mua hết.

Cũng chính từ phiên chợ ấy, mà năm nào nhà tôi cũng làm hương phục vụ bà con, vốn cũng từ dưới xuôi lên đất này lập nghiệp, thắp nén hương bài trong ngày tết cho vơi nỗi nhớ quê xa.

Tôi còn nhớ, vào dịp tết Ông Táo hàng năm, ngay từ sáng sớm ngày 23 tháng Chạp, thầy tôi đã dùng vôi vẽ những chiếc cung trên các lối nhỏ sau vườn dẫn ra phía bìa rừng và khu đầm Mang Ao để đuổi tà. Bởi quan niệm rằng, sau khi tiễn Ông Táo về trời, trong nhà không còn quan thần cai quản nữa, ma quỷ hay vào quấy nhiễu.

Sau khi tan buổi chợ sáng hăm ba, cả nhà tôi bắt tay vào sửa soạn làm tết Ông Táo. Hương bài đã chuẩn bị sẵn từ mấy hôm trước. Gạo nếp, đỗ xanh ngâm từ sáng sớm. Gà trống nhốt sẵn trong lồng. Mũ áo hia hài sắm đủ ba bộ. Cá chép vàng ba con được cất lên, dường như cũng hân hoan lượn vòng trong chậu, chờ đến thời khắc cõng Ông Táo về trời. Năm rưỡi chiều, xôi chè, thịt gà, cá chép đã sắp xong, bàn thờ gia tiên lung linh ánh nến và thơm ngát hương bài. Mẹ lên tiếng khấn lạy chư vị Táo Quân, một năm qua đã che chở cho gia đình vạn sự bình an, gia tiên tiền tổ phù hộ độ trì cho con cháu nội ngoại tộc hanh thông may mắn mọi bề, sở cầu tất ứng, sở nguyện tòng tâm. Sau ba lần tiến tửu, hương bài ngát quện, bén lẹm chân nhang mẹ cho hóa đinh tiền vàng mã và giục tôi mang cá ra đầm Mang Ao thả để đưa Ông Táo về trời.

Thuở bé vốn dĩ nhát đêm nhưng được giao nhiệm vụ quan trọng này tôi thấy vững tâm hơn. Mùi hương bài phảng phất bay theo, khiến không gian trời đất tối hăm ba thêm phần huyền hoặc. Ban đầu, tôi còn thong thả bước, tránh cho cá khỏi bị sóng sánh ra ngoài. Bản năng thức dậy, càng gần tới đầm tôi càng bước nhanh hơn nhưng vẫn cố trấn tĩnh từ từ nghiêng miệng chậu cho ba ông cá chép nhẹ bơi vào đầm theo lời mẹ dặn. Công việc quan trọng đã xong, tôi chạy nhanh về nhà, trời lạnh mà sống lưng cứ rơm rớm mồ hôi. Tôi thở phào, cùng cả nhà quây quần trên chiếu thụ lộc xôi, gà, chè đỗ ngày tết hăm ba, trầm ấm mùi hương bài lan tỏa khắp nơi. Vừa ăn, mẹ vừa nhắc thầy và tôi nhớ rạng sáng mai đem ba ông  đầu rau cũ ở bếp, bỏ vào chỗ gốc xổ cạnh đầm và mang ba ông đầu rau mà mẹ đã nặn sẵn bằng đất sét, phơi khô từ tháng trước thay vào bếp để đêm ba mươi lại rước Ông Táo về ngự, giúp việc cai quản cho gia trạch trong năm mới.

Từ sau hăm ba tháng Chạp đến chiều hăm chín Tết, tối nào cả nhà tôi cũng quây quần cuộn hương bài để bán phiên chợ sáng ba mươi. Làm hương bài tuy chỉ là nghề phụ song cũng giúp thầy mẹ tôi có thêm thu nhập tháng nông nhàn cuối năm và dành dụm tiền nuôi chúng tôi ăn học, trưởng thành. Thời gian thấm thoắt thoi đưa. Mới đó mùa xuân, đã lại tiết thu về, lá hương bài gặp heo may chớm đỏ. Mỗi năm một vụ, hương bài cứ xum xuê những chùm rễ xuộm vàng, thì tóc trên đầu thầy mẹ lại thêm đượm màu sương. Một ngày tháng Bảy, “mía chảy mật lên ngọn” nắng hanh vàng da bưởi, vườn hương bài trồng cữ đầu Giêng đương thì mướt lá, chờ tiết Đông chí ngát dâng trầm cho mùa làm hương mới, thì mẹ tôi mãi đi xa.

Mùa hương bài năm ấy vắng mẹ, ba gian nhà ngoài trầm mặc mùi hương. Còn đâu dáng mẹ tảo tần, quẩy gánh hàng hương rộn rịp chợ phiên những ngày giáp Tết. Chiều hăm ba, ông đầu rau đỏ lửa lần cuối trong năm, chỉ còn thầy và chúng tôi cặm cụi chuẩn bị mâm lễ tiễn Ông Táo về trời, trong khói nhang trầm tỏa ngát vào nơi thăm thẳm bóng Người đi. Cũng từ tháng Chạp năm ấy, thầy tôi chỉ trồng một khoảnh nhỏ hương bài để cuốn nhang thắp vào ngày giỗ mẹ và trong dịp Tết.

Mỗi độ tháng Chạp về, nhìn những khóm hương bài xanh rịm góc vườn, lặng thầm ủ hương trong từng sợi rễ chờ tay người dỡ về làm hương đón tết Ông Táo, tôi lại thấy nhớ mẹ đến se lòng.  

Thanh Tửu

Các tin khác
Xiếc trên băng - loại hình nghệ thuật độc đáo của Ukraina.

Với mong muốn giới thiệu, quảng bá nghệ thuật xiếc, Đại sứ quán Ukraine tại Việt Nam sẽ giới thiệu chương trình nghệ thuật xiếc trên băng lần đầu tiên tại Việt Nam.

Lễ khai mạc Liên hoan Truyền hình toàn quốc (LHTHTQ) lần thứ 36 có sự tham gia của đông đảo đại biểu đến từ các đơn vị làm truyền hình trên cả nước.

Tối nay (21/12), tại thành phố Lào Cai sẽ diễn ra lễ khai mạc Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 36.

Trao giải cho các tác giả đạt giải C Giải báo chí toàn quốc về BHXH, BHYT.

Ngày 19/12, tại Hà Nội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam đồng tổ chức Lễ Tổng kết trao Giải báo chí toàn quốc về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (BHXH, BHYT) năm 2015-2016 và trao kỷ niệm chương vì sự nghiệp BHXH.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục