Nhớ những mùa hoa bưởi

  • Cập nhật: Thứ sáu, 17/3/2017 | 8:07:11 AM

YBĐT - Mỗi độ xuân về, hoa bưởi nở trắng lối đi, vương đầy vai áo người qua ngõ. Những ngày trốn mẹ ngủ trưa, lũ trẻ chúng tôi thường tụ tập quanh gốc bưởi chơi bán hàng hoặc nhặt những cánh bưởi rơi kết thành vương miện. 

Tinh khôi hoa bưởi. (Ảnh minh hoạ)
Tinh khôi hoa bưởi. (Ảnh minh hoạ)

Giữa đất trời mùa xuân có biết bao loài hoa khoe sắc thắm, nhưng trong ký ức, tôi vẫn nhớ mãi một màu trắng tinh khiết của hoa bưởi, loài hoa mộc mạc, giản dị gắn liền với những kỷ niệm của tuổi thơ tôi nơi quê nhà.

Quê hương tôi là miền quê thuần nông nằm ven sông Hồng quanh năm đỏ nặng phù sa. Đất đai màu mỡ nên cây trái tươi tốt bốn mùa. Ngày ấy, hầu như gia đình nào trong làng cũng trồng rất nhiều cây ăn trái, trong đó không thể thiếu bưởi, ít thì vài gốc, nhiều thì cũng phải vài chục gốc. Nhà tôi chỉ có một cây duy nhất nơi góc vườn do chính tay ông nội tôi trồng.

Nghe nói đó là giống bưởi Diễn quý hiếm của một người bạn ông dành tặng. Khi tôi sinh ra cây bưởi đã cao bằng một con sào, tán cây xum xuê tỏa bóng mát một góc vườn. Mỗi độ xuân về, hoa bưởi nở trắng lối đi, vương đầy vai áo người qua ngõ. Hoa bưởi là tất cả những gì thân thương nhất của tuổi thơ chúng tôi lúc bấy giờ.

Còn nhớ những ngày trốn mẹ ngủ trưa, lũ trẻ chúng tôi thường tụ tập quanh gốc bưởi chơi bán hàng hoặc nhặt những cánh bưởi rơi kết thành vương miện. Những cánh hoa trắng ngần, xinh xắn với mùi hương dịu dàng lan tỏa cả khu vườn đi vào những giấc mơ êm đềm của tuổi thơ tôi về một thế giới cổ tích diệu kỳ.

Hoa bưởi nhẹ nhàng tinh khiết như người thôn nữ, bình dị tỏa hương thơm ngát. Bà nội tôi thường hay dạy chúng tôi cách dùng cánh hoa bưởi để làm đẹp. Bà nói dùng hoa bưởi gội đầu mái tóc sẽ rất mềm và đẹp.

Giêng Hai, những cơn mưa phùn mùa xuân lây rây không dứt. Cứ vài ngày không ra vườn đã thấy cây bưởi có bao nhiêu đổi khác. Tấm khăn voan trắng tinh hôm nào nay đã biến mất, chỉ còn lác đác vài cánh hoa cuối cùng chấp chới trong gió, lấp lóa trong đám lá là những quả bưởi non mới kết trái. Ban đầu chỉ to bằng nửa ngón tay út, sau đó bằng ngón tay cái, rồi bằng nắm tay đứa trẻ. Chúng tôi thường nhặt những quả bưởi non rụng dưới gốc cây để chơi chuyền mỗi chiều đi học về.

Thu sang cũng là lúc những trái bưởi trong vườn đã bắt đầu chín vàng, căng mọng. Mỗi chiều đi chăn trâu về, tôi và mấy đứa bạn gái lại rủ nhau ra vườn hái bưởi. Bưởi nhà tôi vỏ mỏng, nhiều nước, vị ngọt thanh mát... giúp chúng tôi xua tan cơn khát và mệt mỏi. Vừa ăn chúng tôi vừa chuyện trò vui vẻ, tiếng nói, tiếng cười lao xao cả một vùng quê thanh bình, yên ả.

Chúng tôi lớn lên cùng những mùa hoa bưởi, với những chiều nô đùa bên gốc cây, cùng nhặt hoa kết thành vương miện công chúa hay ướp trong trang sách học trò. Khi bước vào tuổi trăng tròn, mỗi lần đọc bài thơ “Hương thầm” của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, tôi càng thấy yêu mùa hoa bưởi quê mình xiết bao. Hoa bưởi trở thành vật trao gửi tâm tình, gắn bó thân thương với biết bao mối tình trong sáng của những chàng trai, cô gái miền thôn dã, trở thành kỷ niệm và nỗi nhớ khôn nguôi với những ai từng gắn bó với loài hoa trong trắng tinh khôi nơi quê nhà.

Khi tôi vào học đại học thì ông nội tôi mất nhưng cây bưởi của ông vẫn được cha mẹ tôi chăm bón rất cẩn thận. Mỗi lần về thăm nhà, tôi lại mường tượng ra hình ảnh ông đứng bên hiên nhà, mắt nhìn ra ngắm cây bưởi kỷ niệm. Cứ dịp tết đến, bố tôi lại hái một quả bưởi trong vườn bày lên bàn thờ tổ tiên. Đêm giao thừa, những giọt mưa xuân lất phất bên hiên nhà, trong nghi ngút hương trầm và ngạt ngào hương hoa bưởi ngày tết, chúng tôi như thấy ông vẫn hiện hữu trong ngôi nhà của mình. Ông nhìn chúng tôi cười rất tươi và cùng chúc cho cả nhà một mùa xuân yên vui và hạnh phúc.

“Có phải vô tình em nhớ tháng Ba/ Nhớ về anh nhớ mùa hoa bưởi”. Tháng Ba, một mùa hoa bưởi nữa lại về, tôi bất chợt trở về ký ức tuổi thơ khi tình cờ đi ngang qua ngõ nhà ai đó. Bắt gặp trong không gian mênh mang ấy một mùi hương dịu dàng, ngai ngái năm nào. Tôi nhận ra, những cánh hoa bưởi ngày xưa đã kết thành nỗi nhớ để khi đi xa tôi luôn nhớ về quê hương, về những kỷ niệm hồn nhiên, trong sáng, về mối tình đầu ngây thơ, vụng dại… với một nỗi nhớ khôn nguôi.

Mai Phương

Các tin khác
Cổng chính vào Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng.

Tối 17/4, tại sân khấu Công viên Văn Lang, thành phố Việt Trì (Phú Thọ), Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024 tổ chức Chương trình nghệ thuật “Hội tụ non sông”, chào mừng Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2024.

Chương trình nghệ thuật sử thi

Tối 16/4, tại Khu di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia Đền Thánh Nguyễn (xã Gia Thắng và Gia Tiến, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình), UBND huyện Gia Viễn khai mạc Lễ hội Đền Thánh Nguyễn năm 2024. Đây là lễ hội gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp và truyền thuyết về Thiền sư Nguyễn Minh Không.

Các đại biểu tham gia chương trình.

Chiều 16-4, tại trụ sở Hội Nhà báo Việt Nam (phố Dương Đình Nghệ, Hà Nội), Hội đồng Giải Báo chí quốc gia đã khai mạc vòng chấm sơ khảo Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVIII - năm 2023. Đáng chú ý, sau khi tiến hành sơ loại, có 1.827 tác phẩm đủ điều kiện tham gia Giải Báo chí quốc gia kỳ này.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại phiên họp.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Sở Tài chính sớm có văn bản hướng dẫn xây dựng về kinh phí, trên cơ sở nguyên tắc đảm bảo đúng đủ kinh phí cho hoạt động kỷ niệm; các đơn vị xây dựng kế hoạch cụ thể các điểm bắn pháo hoa, chương trình nghệ thuật ánh sáng tối 10/10/2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục