Ưu tiên đầu tư cho đào tạo văn hóa nghệ thuật
- Cập nhật: Thứ hai, 27/3/2017 | 9:13:28 AM
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại buổi làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về đào tạo văn hóa nghệ thuật.
Một tiết mục của Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội (Ảnh minh họa).
|
Thông báo kết luận nêu rõ, đào tạo trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật có nhiều nét đặc thù về tuyển sinh, tuyển chọn năng khiếu; quy mô, thời gian và quá trình đào tạo; kiểm tra, đánh giá chất lượng; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học. Đào tạo văn hóa nghệ thuật luôn được nhà nước quan tâm, ưu tiên đầu tư, hỗ trợ phát triển để nuôi dưỡng, phát huy các tài năng cho đất nước.
Về thời gian đào tạo và cơ sở đào tạo đại học văn hóa nghệ thuật tiếp tục đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng, Phó Thủ tướng đồng ý về thời gian đào tạo các trình độ trung cấp, cao đẳng lĩnh vực đào tạo văn hóa nghệ thuật đặc thù như hiện nay.
Trước mắt, đồng ý các cơ sở đào tạo đại học văn hóa nghệ thuật tiếp tục đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng mang tính đặc thù kết hợp đào tạo nghệ thuật với đào tạo văn hóa trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kiến nghị các nội dung nêu trên trong quá trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp.
Về việc thành lập Học viện múa Việt Nam, Phó Thủ tướng ủng hộ chủ trương thành lập Học viện múa Việt Nam; giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẩn trương hoàn thiện việc xây dựng đề án, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện các trình tự, thủ tục theo quy định.
Về việc bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo chủ chốt các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật là các nghệ sĩ có uy tín, có danh hiệu nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân thuộc các ngành nghệ thuật biểu diễn như thanh nhạc, kèn, gõ, chèo, tuồng, cải lương không đào tạo trình độ tiến sĩ, theo ý kiến của Phó Thủ tướng, đối với các chức danh lãnh đạo chủ chốt của cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về từng trường hợp cụ thể trước khi tiến hành bổ nhiệm.
Đối với các chức danh lãnh đạo cấp phòng, ban, khoa thuộc các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thống nhất với Bộ Giáo dục và Đào tạo về từng trường hợp cụ thể trước khi bổ nhiệm.
Về đề nghị cho phép kéo dài thời gian làm việc đối với giảng viên trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật trên 70 tuổi, có học hàm, học vị, Phó Thủ tướng giao Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch căn cứ tình hình thực tế trình Thủ tướng xem xét, quyết định từng trường hợp cụ thể.
Phó Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Thông tư số 47/2014/TT-BGDĐT ngày 31/12/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chế độ làm việc đối với giảng viên, trong đó bổ sung các quy định về chính sách về chế độ làm việc đặc thù, cần thiết đối với giảng viên, giáo viên ngành nghệ thuật theo đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
(Theo dangcongsan.vn)
Các tin khác
Trước tình trạng nhiều di sản văn hóa như di tích tôn giáo và các hiện vật khảo cổ bị phá hủy và cướp bóc tại những khu vực đang xảy ra xung đột vũ trang, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 24/3 đã thông qua một nghị quyết có tính lịch sử nhằm mục đích củng cố việc bảo vệ những di sản như vậy.
Tại phiên họp chiều 23-3, Hội đồng tư vấn quốc gia về tem bưu chính cho biết trong năm 2017 sẽ phát hành ba bộ tem bưu chính, trong đó sẽ có bộ tem “Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Di sản văn hóa thế giới”.
Để đảm bảo tính công bằng trong cuộc thi, Các thành viên Ban Chỉ đạo, Ban tổ chức và Hội đồng Nghệ thuật không được gửi tác phẩm tham dự Festival.
Sau gần 2 tuần công chiếu, bộ phim "bom tấn" Kong: Đảo đầu lâu đã thu hút 1,8 triệu lượt khán giả và cán mốc doanh thu xấp xỉ 150 tỷ đồng - trở thành bộ phim có doanh thu phòng vé cao nhất từ trước đến nay tại Việt Nam.