Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2017: Nhiều điểm mới, hấp dẫn

  • Cập nhật: Chủ nhật, 2/4/2017 | 9:01:36 AM

Năm nay, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng diễn ra từ ngày 1 đến 6-4 (mùng 5 đến 10 tháng Ba âm lịch) tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, TP Việt Trì (Phú Thọ) do tỉnh Phú Thọ chủ trì, TP Hà Nội và các tỉnh Thái Bình, Bến Tre, Bình Phước phối hợp tổ chức.

Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng luôn thu hút được đông đảo du khách thập phương.
Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng luôn thu hút được đông đảo du khách thập phương.

Với nhiều điểm mới, hấp dẫn, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2017 sẽ khiến hàng triệu người mang trong mình dòng máu Lạc Hồng thỏa ước nguyện khi về với đất Tổ.

Phần lễ trang trọng, phần hội hấp dẫn

Ông Hà Kế San, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, Trưởng ban tổ chức (BTC) Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2017 cho biết, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho ngày lễ trọng của dân tộc đã hoàn tất. Tương tự mọi năm, các nghi lễ Giỗ Tổ năm nay được tổ chức trang nghiêm, trọng thể, thành kính, tôn trọng vai trò chủ thể của cộng đồng. Phần hội hướng tới sự vui tươi, lành mạnh, an toàn, văn minh, tôn vinh di sản, gắn kết cộng đồng.

Theo kế hoạch, lễ Giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân, lễ dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ diễn ra ngày 2-4 (6 tháng Ba âm lịch); lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng diễn ra ngày 6-4 (10 tháng Ba âm lịch) được tổ chức sớm hơn mọi năm, tạo điều kiện cho đồng bào, kiều bào có nhiều thời gian tham quan, hành lễ. Lễ rước kiệu từ các xã vùng ven về Đền Hùng, lễ dâng bánh chưng, bánh giầy… diễn ra theo nghi thức truyền thống.

Không gian hội trong Lễ hội Đền Hùng năm nay tiếp tục được trải rộng từ Khu di tích lịch sử Đền Hùng đến TP Việt Trì với nhiều hoạt động đa dạng, hấp dẫn. Nổi bật là lễ hội dân gian đường phố có chủ đề “Linh thiêng nguồn cội - Đất Tổ Hùng Vương” diễn ra tối 1-4 tại Công viên Văn Lang (TP Việt Trì) với sự tham gia của hàng nghìn nghệ sĩ, diễn viên và nhân dân.

Thông qua các diễn xướng, trò chơi và lễ rước mang tính biểu tượng, người dân và du khách có dịp hiểu hơn về các giá trị văn hóa đặc trưng của người Việt hình thành từ những ngày đầu dựng nước.

Trong dịp này, tỉnh Phú Thọ còn khai mạc “Đường sách” tại Công viên Văn Lang; trưng bày tư liệu ảnh, hiện vật về “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương xưa và nay”, triển lãm ảnh về đất và người Phú Thọ; biểu diễn hát Xoan cổ tại miếu Lãi Lèn, đình Hùng Lô, đình An Thái (TP Việt Trì)…

Ngoài làn điệu Xoan, Ghẹo mang âm hưởng vùng đất Tổ, đến Khu di tích lịch sử Đền Hùng những ngày đầu tháng ba, du khách sẽ được thưởng thức các tiết mục đờn ca tài tử phóng khoáng của vùng đất Nam Bộ, nghe làn điệu chèo mượt mà của quê lúa Thái Bình, xem múa rối nước truyền thống của Thăng Long - Hà Nội…

Theo Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa (thuộc Hội Di sản văn hóa Việt Nam), đa số hoạt động văn hóa, nghệ thuật diễn ra trong khuôn khổ Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2017 có từ thời kỳ Hùng Vương hoặc gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Do đó, việc tổ chức sâu rộng các hoạt động này là hình thức tuyên truyền, quảng bá di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đúng hướng và hiệu quả.

Xây dựng lễ hội kiểu mẫu

BTC Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2017 đặt ra mục tiêu “5 không”: Không có người ăn xin; không ùn tắc giao thông; không chèo kéo, “chặt chém” du khách; không có những hành vi phản cảm trong lễ hội; không để mất vệ sinh môi trường.

Để đạt mục tiêu này, các cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ đã tổ chức ký cam kết và khuyến khích các cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh niêm yết giá dịch vụ công khai, không tăng quá 30% giá phòng so với ngày thường; yêu cầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, các doanh nghiệp vận tải phục vụ du khách đúng giá niêm yết.

Lực lượng giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường trước, trong và sau lễ hội được tỉnh Phú Thọ bổ sung, tăng cường, trực 24/24 giờ tại nhiều địa điểm.

“Trong những ngày lễ hội diễn ra, du khách gặp khó khăn, vướng mắc hoặc phát hiện thấy trường hợp vi phạm các quy định, có thể phản ánh qua số điện thoại Đường dây nóng 0210.3860.026 hoặc 0210.6552.666 của BTC, các thành viên BTC sẽ có mặt kịp thời xem xét, xử lý”, ông Hà Kế San cho hay.

Không chỉ nỗ lực bảo đảm an ninh, an toàn cho lễ hội, tỉnh Phú Thọ còn lắp đặt thêm 42 trạm BTS và xe phát sóng lưu động, bố trí hơn 80 điểm phát wifi miễn phí tại Khu di tích Đền Hùng, Quảng trường Hùng Vương và Công viên Văn Lang phục vụ đồng bào, kiều bào.

(HNMO)

Các tin khác

Ngày 30-3, tại Hà Nội, Cục Xuất bản - In và Phát hành (Cục Xuất bản), Bộ Thông tin-Truyền thông (TT-TT) họp báo để giới thiệu về chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam năm 2017 trên toàn quốc và Hội sách chào mừng Ngày Sách Việt Nam 2017 tại thủ đô Hà Nội.

Sau 2 năm đệ trình lên UNESCO, Tín ngưỡng thờ Mẫu của Việt Nam hay còn gọi dân dã là hầu đồng đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhận loại. Mời quý vị cùng VTC14 tìm hiểu xem: Hầu đồng là gì mà được UNESCO vinh danh?

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh.

Ngày 30/3, Chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết Ban chấp hành Hội đã họp và thống nhất bắt đầu từ năm 2017, Hội Nhà văn Việt Nam sẽ truy tặng Giải thưởng cống hiến cho các tác phẩm văn học chưa được nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và Giải thưởng cấp Nhà nước về văn học nghệ thuật.

Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đang dự thảo Thông tư quy định điều kiện chuyên môn tổ chức tập luyện và thi đấu môn Vũ đạo thể thao giải trí.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục