Dưới trăng quyên có gọi hè?

  • Cập nhật: Thứ sáu, 2/6/2017 | 6:55:19 AM

YBĐT - Thế mà đã hơn hai mươi năm xa quê. Cuộc sống thị thành quanh năm náo nhiệt, bận rộn lo toan, lắm khi quên cả cái cảm xúc những lúc giao mùa. Sáng nay, vội bước qua thềm, gặp ánh lửa hồng từ bông lựu cảnh nhỏ nhoi trước sân nhà khúc xạ thật nhanh vào tiềm thức, chợt nhận ra hạ đã sang tự lúc nào.

Những ký ức xa xăm tưởng chừng khó có thể tái hiện được bởi guồng quay hối hả của sinh kế thường nhật, lại trở về cho tâm hồn một chút khoảng lặng, bình yên và thư thái. Đọc lại hai câu thơ của cụ Nguyễn Du về thời khắc chuyển mùa từ xuân sang hạ: “Dưới trăng quyên đã gọi hè/ Đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông” bỗng thổn thức lòng nhớ những mùa hạ đã xa nơi đất quê hồn hậu.

Theo âm Hán - Việt thì từ “quyên” có nghĩa là con chim cuốc - loài chim thường cất tiếng kêu suốt ba tháng mùa hạ. Từ cái thuở Kinh thi và sau đó là Đường thi - với những vần thơ thất ngôn bát cú, con chim cuốc đã kêu buồn khắc khoải.

Dạo những năm tám mươi của thế kỷ trước, rừng núi quê tôi còn ngút ngàn xanh biếc. Từng chòm xóm nhỏ của người xuôi lên khai hoang xen lẫn bản người Tày, quần tụ ven các lòng thung. Uốn lượn giữa lòng thung là những dòng khe trong vắt hai bên bờ mướt xanh từng vạt cây sậy.

Thi thoảng lại có những đám sình lầy và trảng cỏ ngút đầu như ốc đảo xanh giữa các tràn ruộng bậc thang bao quanh chân bản. Nơi ấy, chính là thế giới của nhiều loài chim như cò, bói cá, bìm bịp, giẽ giun và đặc biệt là chim cuốc. Mỗi sớm mai hay những buổi chiều hè, lại rộn lên bản giao hưởng đầy âm sắc, xao động cả miền rừng.

Trong bản hòa thanh ấy, giữ cung bậc chủ đạo có lẽ vẫn là những chuỗi âm kép triền miên và vang vọng của các chàng cuốc đương độ xuân thì, bóng mượt trên mình tấm áo the đen và một tấm khăn choàng điệu đà, trắng nuột trước ngực.

Vào những ngày cuối xuân sang hạ, bài ca chim cuốc kéo dài từ buổi hoàng hôn tới tận lúc đêm khuya. Bởi đây cũng là thời điểm bắt đầu mùa tìm bạn kết đôi của loài chim nhất mực chung tình này. Khúc hát chim quyên thổn thức suốt đêm hè bỗng nhiên trở thành thú vui của những thanh niên mới lớn miền rừng thuở ấy. Đó chính là chuyện bẫy cuốc ban đêm. Tôi đã từng được một vài lần theo người anh trai thứ hai đi bẫy cuốc.

Cứ vào khoảng tám giờ tối, hai anh em tôi theo ánh đèn pin lần ngược bờ khe giữa cánh đồng, chọn búi sậy lớn nhất chặt lấy dăm bảy cây, cắm quây thành lều nhỏ trên bãi cỏ hoang. Khi đã yên vị trong lều, anh tôi lấy cây sáo gọi cuốc ra thổi từng hồi, họa theo tiếng cuốc hoang dã phía bên kia gò đang vọng lại. Ông anh tôi đúng là thần đồng trong chuyện này. Tiếng sáo cuốc cất lên liên hồi và thổn thức chẳng khác tiếng cuốc thật chút nào. Nếu không ngồi cạnh anh thì có lẽ tôi cũng lầm tưởng đó là âm thanh của một con cuốc đang khát khao tìm bạn.

Tiếng gọi bạn tình đắm say và sung mãn, khiến những nàng cuốc đang trong mùa mượt lông thắm thịt không cưỡng lại được liền bay tới. Do mái lều chỉ được ngụy trang bằng dăm ba cành sậy lưa thưa lá mướt mềm, các nàng cuốc trượt chân rơi xuống và bị anh em tôi tóm lấy ngay.

Vào đầu mùa hè, có những đêm chúng tôi bắt được cả chục nàng cuốc béo nần. Tôi cũng bắt chước anh trai tự làm một cây sáo cuốc nhưng thổi mãi mà chẳng thành tiếng, rồi đâm ra chán, cho rằng mình không có khiếu.

Mỗi lần mang cuốc về nhà, chúng tôi đều bị mắng vì bố mẹ lo lần mò bờ bụi đêm hôm lỡ gặp rắn thì chết. Đi bẫy cuốc đêm, đồng khuya hoang vắng mau nhặt tiếng cuốc thăm thẳm dội về, đom đóm bay ra từ các búi mua, bờ sậy lập lòe khiến tôi cũng thấy rờn rợn. Nhưng khi tóm được nàng cuốc đầu tiên, sau cơn nín thở và hồi hộp đợi chờ thì cái cảm giác hoang mang đêm tối giữa đồng không mông quạnh bỗng tan biến ngay lập tức.

Thịt cuốc béo ngậy, ăn nhiều cũng ngán. Theo anh đi bẫy cuốc mãi mà chẳng tự thổi được sáo để có chiến tích riêng mình nên dần dà tôi cũng thấy chán. Thêm nữa, mẹ lo tôi ốm nên không muốn cho đi theo anh nên tôi đành ở nhà. Giữa hạ, rồi cuối hạ tiếng cuốc cũng thưa dần và xa vắng nhưng hàng đêm anh trai tôi vẫn đèn pin dắt túi hậu, cầm sáo cuốc ra đồng.

Có lẽ, anh cũng nghe người ta bảo rằng, bột xương con cuốc, thổn thức kêu suốt ba tháng hè rồi chết rục chết khô nơi bờ lau, cành sậy ấy sẽ là bùa yêu cho đôi lứa trong tuổi hẹn hò. Bởi thế mà anh không chỉ đi bẫy cuốc thông thường để có thêm món “gà đồng” thơm ngậy trong bữa cơm gia đình mà còn quan sát xem nơi nào có con cuốc kêu suốt ba tháng hè không nghỉ.

Chẳng biết anh có chế được thứ bùa yêu ấy không mà sau đó có một người con gái tên Xuân ở xóm bên đem lòng yêu anh. Dáng người khỏe mạnh, ít nói lại có duyên thầm và bất cứ việc gì cũng kiên trì làm cho bằng được nên anh trai tôi được nhiều con gái quý mến. Nhưng chẳng hiểu sao anh chỉ thầm thương trộm nhớ mỗi chị Xuân kém anh 3 tuổi, con gái ông đội trưởng đội sản xuất nông nghiệp bấy giờ. Nhà ông đội trưởng dạo ấy cũng vào bậc “phú quý” trong làng.

Nhà tôi dạo ấy chỉ có mấy mẹ con. Bố tôi tái ngũ lần hai làm cán bộ tăng cường biên giới tận Si Ma Cai (Lào Cai). Chị gái cả đi thanh niên xung phong xây dựng nông trường mãi trong Sông Bé (bây giờ là tỉnh Bình Dương và Bình Phước). Mẹ tôi thì đau khớp liên miên, chỉ có anh trai tôi là lao động chính. Ít người làm nên mỗi vụ nhà tôi chỉ đủ thóc ăn trong vài tháng, còn lại là sắn khoai và vay mượn trong làng.

Thế rồi, tết đến xuân về, có đám trai ngoài thị tứ nông trường, nghe nói là con em lãnh đạo nhà máy chè vào làng tôi xem hội đu quay và thi đi cầu tre qua ao làng có thưởng. Chị Xuân lọt vào mắt xanh của một thanh niên có chiếc Simson màu ngọc bích.

Sau này tôi mới biết, anh ta vừa mới đi lao động ở Cộng hòa Dân chủ Đức về. Mẹ tôi ốm suốt hai tuần, còn anh trai tôi thì càng trở nên ít nói hơn khi được người làng đánh tiếng rằng ông đội trưởng bảo: “Nhà tôi không môn đăng hộ đối, chị Xuân về làm dâu thì khổ một đời, đôi vai đào liễu sao gánh nổi khó khăn nhà chồng”.

Thế là chị Xuân cũng xuất giá làm dâu mãi bên nông trường cách xa làng tôi đến vài giờ đi bộ, mang theo cả bài ca chim cuốc khắc khoải những chiều hè, hoàng hôn buông rơi lấp lóa khắp đồng làng. Chiếc sáo gọi cuốc từ dạo anh cho, tôi vẫn giắt kỹ ở hiên nhà vì không biết thổi.

Thời gian trôi đi theo từng mùa hoa mạ nở vàng báo hiệu hè sang cho miên man tiếng cuốc gọi bầy. Sau đó nhiều năm, anh tôi chỉ lặng lẽ làm lụng, chăm mẹ già đau ốm và cũng là để chúng tôi theo học cấp ba cách xa nhà hơn 20 cây số. Hết thời gian tăng cường biên giới, bố tôi trở về làng mà lòng trĩu nặng ưu tư. Bố và anh lao vào vật lộn với đồng áng, chăn nuôi trâu bò, trồng chè để có thêm thu nhập chữa bệnh cho mẹ, nuôi chúng tôi ăn học nên người.

Bệnh của mẹ đau khớp kinh niên, chạy chữa hoài mà không thấy đỡ. Đã nhiều lần bố tôi động viên anh trai tìm người hợp cảnh xây dựng gia đình nhưng anh chỉ cười thật hiền: “Khi nào mẹ khỏi bệnh con sẽ lấy vợ”.

Hơn mười mùa hạ đi qua, chúng tôi đã ra trường đi công tác ngoài tỉnh mà anh tôi vẫn chưa lấy vợ. Mỗi dịp hè về thăm nhà, đêm đêm nghe tiếng cuốc kêu, lòng tôi thấy buồn xa vắng. Rồi một ngày cuối thu, từng cơn gió núi miên man lướt qua những búi sậy đồng, mẹ tôi mãi đi xa. Sau đó ba năm gặp một người con gái ở xã bên, kém mình gần chục tuổi, anh tôi đem lòng thương mến và đám cưới được tổ chức trong niềm vui khôn tả của cả nhà.

Ngày tháng phôi pha, mỗi người một phận. Chiều lòng phụ huynh, chị Xuân phải lấy chồng xa. Là thôn nữ, làm dâu con gia đình công nhân viên chức, chẳng hợp gia phong lại thêm cái chuyện đức ông chồng sẵn vẻ hào hoa, xe máy cứ nửa buổi sáng lại mất hút tới tận khuya mới về nên chị Xuân đã mấy bận lặng lẽ cắp nón về làng. Qua ngõ nhà tôi, chị kéo nghiêng vành nón trong sự tủi phận sụt sùi.

Ông đội trưởng sau những đận đau dạ dày biến chứng, đi khắp viện huyện lại viện tỉnh và ăn hết mấy vạt nghệ nếp trong vườn mà bệnh tình vẫn cứ nặng thêm, rồi ông cũng ra đi mãi mãi. Chị Xuân về giúp mẹ già cô quạnh mấy bữa nhưng cái chính là cho vơi bớt nỗi niềm bị chồng hờ hững và cũng là để được sống lại những buổi chiều hè, đồng quê vọng vang tiếng cuốc xốn xang và xa vắng…

Sớm nay, bên thềm bông lựu đã lập lòe thắp lửa như thầm nhắc tôi một mùa hạ nữa lại về. Đồng làng, giờ đây cũng đã khác xưa. Chẳng còn đâu những búi sậy mướt xanh, dọc bờ khe trong mát uốn lượn giữa đồng. Và có lẽ cũng chẳng còn chàng thanh niên nào như anh tôi chung tình thổi sáo, tìm con chim cuốc kêu suốt ba tháng mùa hạ để làm bùa nhớ, bùa yêu. Nhưng tôi tin rằng, bài ca chim cuốc sẽ mãi còn thổn thức trong trái tim anh tôi và người thôn nữ mà anh từng thầm mong trộm nhớ thuở nào. Chẳng biết đêm nay, nơi đồng quê xóm núi: “Dưới trăng, quyên có gọi hè?”.

Thanh Tửu

Các tin khác

Ban tổ chức (BTC) cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 vừa thông báo thay đổi lịch tổ chức.

YBĐT - Cuộc thi Sáng tác biểu trưng (logo) - tỉnh Yên Bái năm 2017 do UBND tỉnh Yên Bái tổ chức phát động để sử dụng giao dịch trong các hoạt động thông tin, tuyên truyền phục vụ các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Sau đây là nội dung thể lệ cuộc thi:

Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa công bố Logo của Chương trình kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2017). Logo kỷ niệm trên sẽ được sử dụng trong các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm Ngày thương binh - Liệt sĩ trong tháng 6 và 7 tới đây.

Đây là sự kiện giao lưu mang tầm quốc tế.

Liên hoan thiếu nhi Asean+ lần thứ 2 diễn ra từ ngày 29/5 đến ngày 4/6/2017.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục