“Âm vang ngòi Vần” - Khúc tráng ca về cách mạng giải phóng dân tộc
- Cập nhật: Thứ tư, 5/7/2017 | 1:52:32 PM
YBĐT - Tiếp nối những trang viết về đề tài đấu tranh cách mạng và lực lượng vũ trang nhân dân, tác giả Trần Cao Đàm vừa cho ra mắt bạn đọc tập truyện ký “Âm vang Ngòi Vần” - Nhà Xuất bản Công an nhân dân.
|
Với hơn hai trăm trang sách, hiện thực cách mạng của tỉnh Yên Bái suốt từ khi vận động để thành lập chi bộ Đảng đầu tiên đến Cách mạng Tháng Tám thành công được tái hiện thật sinh động. Đấy là vào khoảng cuối năm 1943, lúc này, phát xít Nhật đã nhảy vào Đông Dương và bọn cầm quyền Pháp ở nước ta đã phải đầu hàng. Chúng câu kết với nhau ra sức bóc lột nhân dân, khủng bố cách mạng. Đảng viên bị bắt nhiều, các cấp ủy hầu hết chỉ là ban cán sự do trung ương chỉ định.
Vấn đề đặt ra phải giải thoát được tù chính trị, đưa anh em về bổ sung nguồn cán bộ cho phong trào. Vùng đất Bắc Hạ Hòa của tỉnh Phú Thọ, vùng hữu ngạn huyện Trấn Yên với phía Nam châu Văn Chấn, tỉnh Yên Bái rừng núi hiểm trở nhưng vẫn có ruộng đồng cấy lúa, lại có dân tốt, đi lại dễ dàng. Trung ương xác định địa thế vùng này có thể lập thành căn cứ địa cách mạng.
Các đồng chí Bình Phương, Nguyễn Duy Thân, Ngô Minh Loan (Quang Minh) lần lượt được cử lên và ở lại để lãnh đạo phong trào. Nhiệm vụ lúc này là làm cho dân hiểu về công việc của cách mạng, ủng hộ cách mạng, đứng về phía cách mạng để tạo ra sức mạnh giúp cách mạng tiến đến mục đích cuối cùng là giành lại nền độc lập cho đất nước. Đồng thời, xây dựng Chiến khu Vần thành nơi trú chân cho các đồng chí hoạt động bị lộ tạm lánh lên ít ngày và đón nhận các chiến sĩ vượt ngục nhà tù Sơn La, Căng Nghĩa Lộ về.
Vai trò lãnh đạo của Đảng được tác giả khắc họa khá rõ nét trong tác phẩm. Từ một hai đảng viên ban đầu đã phát triển thêm Mai Văn Ty, Nguyễn Hữu Minh, Trần Văn Cần, Đào Đình Bảng, Ma Văn Quế, Đặng Bá Lâu, Lê Văn Ấm và chi bộ Đảng đầu tiên được thành lập. Bao nhiêu việc đặt ra: vận động quần chúng tham gia Mặt trận Việt Minh đánh Pháp, đuổi Nhật; thành lập và tổ chức hoạt động của đội du kích; khởi nghĩa và xây dựng chính quyền cách mạng...
Nổi bật vẫn là người đứng mũi chịu sào Ngô Minh Loan. Những chỗ khó khăn nhất đều thấy vai trò của anh: gặp và vận động chánh tổng Lương Ca Trần Đình Khánh, thuyết phục tri phủ An Văn Tùng cùng tuần phủ Đỗ Văn Bình, đấu trí cùng viên sĩ quan Nhật Miami ngoan cố. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào quần chúng ngày càng lớn mạnh.
Đông đảo người dân và kỳ hào khắp vùng Nang Sa, Vần, Dọc, tổng Lương Ca, thị xã Yên Bái mở rộng đến tận thị xã Nghĩa Lộ xin vào Mặt trận Việt Minh để đánh Nhật Pháp cứu nước. Họ ủng hộ lương thực, tiền bạc thậm chí cả súng đạn cho cách mạng. Sự kiện quan trọng đánh dấu bước phát triển của phong trào cách mạng tại địa phương là việc thành lập Đội du kích Âu Cơ.
Đây không chỉ đáp ứng khát khao nóng bỏng của dân, ao ước của các đảng viên mà còn là tỏ lòng quyết tâm theo truyền thống tổ tiên, mãi mãi nối nghiệp giữ gìn cơ đồ, giang sơn gấm vóc: "Biết tin thành lập đội du kích, dân trong vùng như được tiếp thêm sinh khí. Ai cũng mừng, cũng mong giờ phút đợi ra mắt để đến dự, để thấy tận mắt. Bọn lính lệ còn đó, chẳng ai động đến mà nem nép. Ra đường thấy du kích đeo súng đi lại, thấy du kích tập luyện chúng chỉ đánh bài lờ".
Có cái gì đó giống sự kiện thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Mở màn, Đội du kích Âu Cơ đã tạo uy danh bằng 2 trận đánh bọn bảo an binh do tri phủ Tùng cầm đầu tại Đèo Giang và chặn đường tiến quân vào làng Vần của lính Nhật do viên quan hai I - tô chỉ huy thắng lợi. Tiếp đến đổi tên thành Giải phóng quân Chiến khu Vần khẳng định "là ta lớn mạnh hơn, để xông pha hơn, giành thắng lợi to hơn".
Đội ngũ ngày càng đông đảo, con số lên tới 400 người, vũ khí đã có gần 300 khẩu súng trường, hai khẩu súng máy FM, sáu khẩu súng phóng lựu và 2 khẩu súng lục. Địa bàn hoạt động mở rộng từ phủ Trấn Yên, huyện Hạ Hòa, thị xã Yên Bái vào tận châu Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ và trở thành lực lượng chính hậu thuẫn nhân dân độc lập, xây dựng chính quyền cách mạng.
Phong trào cách mạng ngày càng lên cao như nước vỡ bờ. Khi thời cơ đến, lực lượng vũ trang và quần chúng đã nổi dậy phá kho thóc của Nhật cứu đói cho dân đồng thời giải phóng đồng bào khỏi ách nô lệ. Ở Nghĩa Lộ, ngày 6/7/1945, "Cũng sáng nay còn thêm một việc mới lạ chưa từng thấy ở phố Nghĩa Lộ, dù dân chúng vẫn mong mỏi đợi chờ. Đó là đoàn quân Việt Minh tiến vào phố. Những chiến sĩ mặc quần áo dân, vai vác súng, dù khẩu dài khẩu ngắn nhưng thật hùng dũng, tự hào. Súng trong tay quân cách mạng làm cả lũ binh lính, quan lại khiếp sợ. Còn dân chúng thì tin tưởng mừng vui".
Còn ngoài thị xã Yên Bái "Ngày 20/8/1945, một ngày đi vào lịch sử. Cả vùng đất, vùng quê bao năm cam phận bị đè nén, bóc lột đã nhất tề vùng lên, theo Việt Minh giành lại quê hương. Cả vùng thành rừng người, rừng cờ đỏ sao vàng. Người từ Chiến khu Vần kéo ra. Người từ mạn Đông Cuông kéo xuống. Người từ phủ Yên Bình kéo lên... Người từ khắp nơi kéo về thị xã Yên Bái. Như trăm suối đổ vào sông. Người đông cũng thành lũ. Sóng lũ của quần chúng cách mạng đã nổi, dâng cao nhấn chìm của chế độ trái lòng người đã tồn tại từ bao năm, quét đi mọi nguyên nhân gây ra khổ đau, chết chóc". Và sự kiện trọng đại là ra mắt chính quyền cách mạng "Sáng ngày 22/8, tại vườn hoa thị xã Ban cán sự tổ chức cuộc mít tinh lớn. Người về dự đông chưa từng thấy.
Ai cũng hồ hởi, náo nức. Cả một rừng cờ, rừng người, cả tiếng hoan hô, ủng hộ Việt Minh nối nhau như sấm. Thay mặt Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh Yên Bái, đồng chí Phó Chủ tịch Nguyễn Phúc bước ra trịnh trọng đọc lệnh xóa bỏ chế độ phát xít, thực dân, phong kiến. Nghe tiếng nói của người trong Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời cũng tăng thêm niềm tin mà sung sướng, tự hào". Đúng như niềm tin của người đảng viên trẻ Đào Đình Bảng khi mới giác ngộ cách mạng "Đêm dù tối, dù lạnh nhưng rồi trời sẽ rạng, nắng ấm sẽ về".
Tâm sự với bạn đọc, tác giả viết: "Tôi tự cảm thấy việc viết là trách nhiệm, là nghĩa vụ của lớp thế hệ sau với người đi trước. Dù khả năng có chừng, tôi cố tiểu thuyết hóa, lắp ghép các tư liệu để ra “Âm vang ngòi Vần".
Dụng ý làm nổi bật và có hệ thống các sự kiện, tác giả cấu trúc tác phẩm thành 3 phần: Những người đi trước, Chiến khu Vần và Thời cơ lịch sử. Hầu hết các chi tiết đều là câu chuyện, các trang viết cá nhân của những người trong cuộc nên khá sinh động. Vì yêu cầu phản ánh chân thực hiện thực nhưng phải tôn trọng lịch sử nên sự kiện, nhân vật trong tác phẩm giữ nguyên như vốn có.
Tuy vậy, dưới ngòi bút sáng tạo của tác giả, cảnh và người vẫn có sự tươi mới, hấp dẫn như đang diễn ra. Đó là chàng thư sinh Đào Đình Bảng ngoan cường trước những thủ đoạn dụ dỗ, đe nẹt của tên chánh sở cẩm Phú Thọ cáo già; một Ngô Minh Loan lăn lộn với phong trào song luôn tin tưởng vào sức mạnh quần chúng và lạc quan vào tương lai cách mạng. Rồi những cảnh vượt ngục Sơn La, phá Căng Nghĩa Lộ; ra mắt Đội du kích Âu Cơ; cướp chính quyền, ra mắt chính quyền cách mạng.
Có những cảnh được xây dựng đồng hiện "Đoàn người bị xiềng xích, bị lính tráng súng ống áp giải. Đoàn người tay không, tay chân bị xích, có lính áp giải mà ai cũng lẫm liệt, hiên ngang bước.
Vào gần đến chợ Nghĩa Lộ đông nhà dân, họ dừng lại, đứng bên nhau. Trong đoàn người ấy vang lên tiếng nói dõng dạc. Đoàn người ấy còn hát, thật hùng hồn "Cùng nhau đi hồng binh/Đồng tâm ta đều bước". Và sau này "Đó là đoàn quân Việt Minh tiến vào phố. Những chiến sỹ mặc quần áo dân, vai vác súng, dù khẩu dài, khẩu ngắn nhưng thật hùng dũng, tự hào.
Súng trong tay quân cách mạng làm cả lũ binh lính, quan lại khiếp sợ. Còn dân chúng thì tin tưởng mừng vui... Đoàn quân mang cờ đỏ sao vàng, miệng hát vang "Cùng nhau đi hồng binh". Cùng một nơi ở vào hai thời điểm với uy phong lẫm liệt của đoàn người tù cộng sản và đoàn quân giải phóng khiến bạn đọc không thể không xúc động, bồi hồi.
Tác giả Trần Cao Đàm. (Ảnh: Mai Phương)
Ở truyện ký này, tính chính xác của ngôn ngữ báo chí đã phát huy tích cực trong phản ánh chân thực hiện thực lịch sử. Chính nó góp phần làm nên những câu văn, đoạn văn mang tính đúc kết như một chân lý "Từ xa xưa ông cha ta đã tổng kết: Lo việc nước phải lấy dân làm gốc. Có dân sẽ có tất cả. Khi cách mạng có dân, tập hợp được toàn dân sẽ tạo nên sức mạnh lớn lao, như dòng thác lũ, sẽ cuốn phăng mọi vật cản để đến bến bờ thắng lợi. Hay "Những ánh đuốc sáng, góp lại thành biển lửa, tạo ra mùa nhiệt thành yêu nước của lòng người ".
Tuy vậy, ngôn ngữ tiểu thuyết trữ tình mà tác giả khéo léo vận dụng cũng đã tạo nên chất thơ cho tác phẩm "Thuyền nhẹ lướt trên mặt ngòi như đi trên mặt gương trong, soi đến mây trời. Thuyền lướt trong gió sớm mát lành, xoa mát da thịt làm con người tỉnh táo, sáng láng. Đi mãi, đi mãi rồi anh thấy lảnh lót tiếng bìm bịp. Đi nữa, anh gặp tiếng gà rừng gáy xa xa. Rồi tiếng chim "bắt cô trói cột", tiếng sóc, cả tiếng vượn hót".
Đặc biệt, trong tác phẩm, Trần Cao Đàm đã vận dụng cách nói hài hước của người vùng cao nhằm phơi bày tội ác bóc lột dân bản xứ của Pháp, Nhật "Còn ruộng đất. Các quan thương người miền ngược đã ít lại nghèo khó, chỉ dùng thước ngắn để đo, tính thuế. Nhờ ơn ấy mà miền rừng núi lại có ruộng đất rộng hơn vùng đồng bằng miền xuôi. Dù ít chữ người vùng cao nhẩm tính cũng biết, nếu tính sào mẫu như nhau mình đóng thuế bằng gấp rưỡi vùng xuôi. Được thế, mỗi năm các quan còn tăng thêm cho mấy bậc nữa, tha hồ mà đóng thuế". Sự vận dụng sáng tạo làm cho giọng văn đa dạng, sinh động hơn.
Với “Âm vang ngòi Vần”, tác giả Trần Cao Đàm đã hoàn thành tác phẩm thứ tư về lịch sử cách mạng Yên Bái. Ngòi bút tuy không còn sung sức nhưng sự đóng góp cho văn học địa phương về đề tài đấu tranh cách mạng thật đáng trân trọng. Mong rằng, những tác phẩm của ông sẽ mãi là pho tư liệu sinh động "để rồi sau này, liệu có ai muốn biết về một thời về một trang sử hào hùng còn có thể tìm đọc".
Thế Quynh
Các tin khác
Ngày 3/7, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Điện Biên tổ chức họp triển khai Đề án lập hồ sơ đề cử quốc gia "Nghệ thuật xòe Thái" tỉnh Điện Biên để trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Từ ngày 24/7/2017 - 30/7/2017, Cục Điện ảnh phối hợp với các đơn vị tổ chức Tuần phim Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2017).
Ngày 3.7, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV, số 2 Yết Kiêu, TP.Đà Lạt (Lâm Đồng), phối hợp với Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước (Bộ Nội vụ) khai mạc triển lãm chuyên đề Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý.