Nhờ những nỗ lực của Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam và đông đảo người dân trong hơn 40 năm qua, hình ảnh một đất nước Việt Nam có bề dày lịch sử và những di sản đậm chất nhân văn, cũng như đóng góp tích cực vào dòng chảy hợp tác quốc tế đã in sâu trong trái tim bạn bè các nước.
Trong giai đoạn đầu tham gia UNESCO, Việt Nam giới thiệu với thế giới hình ảnh một quốc gia yêu chuộng hòa bình, kiên cường trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Việt Nam được tín nhiệm bầu vào Hội đồng Chấp hành UNESCO (1978 - 1983), đặt cơ quan đại diện tại UNESCO năm 1982. Ngày 15-6-1977, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam được thành lập, với mục tiêu thực hiện hiệu quả chính sách của Nhà nước trong các công việc liên quan đến UNESCO.
Hơn 40 năm qua, Việt Nam đã phê chuẩn một số công ước quan trọng, như Công ước Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể - Công ước 2003, Công ước Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa - Công ước 2005... Việt Nam chủ trì nhiều hội nghị, hoạt động lớn của UNESCO; đóng góp nhiều sáng kiến góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân.
Chặng đường hơn 40 năm qua ghi dấu những nỗ lực không ngừng nghỉ của Việt Nam để đưa những giá trị văn hóa dân tộc tỏa sáng trên trường quốc tế. Những nét đẹp văn hóa đậm đà bản sắc Việt Nam, từ vẻ đẹp Vịnh Hạ Long, Khu di tích Mỹ Sơn... cho đến nhã nhạc cung đình Huế, dân ca quan họ Bắc Ninh, đờn ca tài tử Nam Bộ... làm say đắm lòng người được thế giới biết đến và tôn vinh. Cho đến nay, UNESCO đã công nhận 35 danh hiệu uy tín cho Việt Nam, gồm tám di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới, 11 di sản văn hóa phi vật thể thế giới, sáu di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới, chín khu dự trữ sinh quyển thế giới và một công viên địa chất toàn cầu.
Mới đây, Viện Toán học và Viện Vật lý học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam được UNESCO công nhận là trung tâm khoa học dạng II dưới sự bảo trợ của UNESCO. UNESCO cũng rất coi trọng quan hệ với Việt Nam. Điều này được thể hiện qua việc Việt Nam đã tám lần đón tiếp các vị Tổng Giám đốc UNESCO đến thăm. Chỉ trong tám năm gần đây, Tổng Giám đốc UNESCO I.Bô-cô-va đã thăm chính thức Việt Nam ba lần, vào các năm 2009, 2013 và 2017.
Giai đoạn hiện nay, với chính sách tham gia chủ động và tích cực vào các diễn đàn ngoại giao đa phương, trong đó có UNESCO, Việt Nam không ngừng nêu cao tinh thần trách nhiệm của một quốc gia thành viên, đóng góp thiết thực vào công việc của UNESCO, đảm nhận thành công các trọng trách tại các cơ quan lãnh đạo và chuyên môn của UNESCO. Việt Nam bốn lần được tin tưởng bầu làm thành viên của Hội đồng Chấp hành và đang đảm nhiệm tốt vai trò thành viên của Hội đồng Chấp hành nhiệm kỳ 2015 - 2019 và Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2013 - 2017.
Vừa qua, Đại sứ Phạm Sanh Châu trở thành nhà ngoại giao Việt Nam đầu tiên ứng cử vị trí Tổng Giám đốc UNESCO (nhiệm kỳ 2017 - 2021). Thông qua hoạt động này, Việt Nam đã giới thiệu với bạn bè quốc tế về đất nước, với lịch sử kháng chiến hào hùng, sự chuyển mình vươn lên để đạt nhiều thành tựu to lớn trong quá trình đổi mới và tinh thần thiện chí muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới. Sự ghi nhận của đại diện các nước trước nỗ lực tranh cử của Đại sứ Phạm Sanh Châu cũng là minh chứng cho một bước tiến mới trong quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Trong bối cảnh tình hình thế giới hiện nay diễn biến phức tạp, các vấn đề toàn cầu, khủng bố, thách thức an ninh phi truyền thống tiềm ẩn nhiều bất trắc, khó lường, UNESCO tiếp tục là một tổ chức có uy tín cao và đóng góp quan trọng trong các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, thông tin và truyền thông. Tiếp nối những thành công đã đạt được trong hơn 40 năm qua, Việt Nam không ngừng nỗ lực đưa vẻ đẹp văn hóa dân tộc vươn ra thế giới, đồng thời tích cực, chủ động trong các hoạt động của UNESCO, đồng hành với UNESCO trong tiến trình thực hiện sứ mệnh cao cả của tổ chức này.
(Theo NDĐT)