Festival Huế lần thứ X-2018 sẽ diễn ra từ ngày 27/4-2/5

  • Cập nhật: Thứ ba, 6/2/2018 | 9:32:01 AM

Chiều 5/2, tại buổi họp báo định kỳ giữa Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế và các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nguyễn Văn Cao cho biết, Festival Huế lần thứ X sẽ diễn ra từ ngày 27/4-2/5/2018 với chủ đề "Di sản Văn hóa với hội nhập và phát triển - Huế 1 điểm đến 5 di sản."

Poster chính thức của Festival Huế 2018.
Poster chính thức của Festival Huế 2018.

Festival Huế lần thứ X-2018 là sự kế thừa và khẳng định sự thành công của các kỳ ​festival trước đây; nơi hội tụ, giao lưu nghệ thuật giữa các nền văn hóa của các quốc gia, nhằm tiếp tục đẩy mạnh quan hệ giao lưu quốc tế; giới thiệu quảng bá những giá trị đặc sắc văn hóa Việt Nam, văn hóa Huế, đẩy mạnh phát triển dịch vụ-du lịch, phát triển kinh tế-xã hội của Thừa Thiên-Huế trong tiến trình chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.

Đến thời điểm hiện tại, Festival Huế 2018 thu hút hơn hơn 20 đoàn nghệ thuật quốc tế với nhiều loại hình phong phú, đa dạng đến từ các quốc gia như Pháp, Hàn Quốc, Israel, Mông Cổ, Nhật Bản, Thái Lan, Nga, Trung Quốc, Ba Lan, Đan Mạch, Thái Lan, Tây Ban Nha, Mexico, Cuba... cùng các đoàn nghệ thuật đến từ các vùng miền tiêu biểu trong cả nước.

Festival Huế 2018 gắn với các sự kiện chính trị, lịch sử văn hóa của Thừa Thiên-Huế và quốc gia: kỷ niệm 50 năm Cuộc Tổng tiến công nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968-2018); kỷ niệm 230 năm sự kiện Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế tại Núi Bân (1788-2018), 25 năm quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới (1993-2018), 15 năm Âm nhạc Cung đình Huế được UNESCO công nhận là kiệt tác văn hóa phi vật thể của nhân loại (2003-2018).

Đến nay, Thừa Thiên-Huế có 5 di sản thế giới được UNESCO công nhận (gồm Quần thể di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Huế, Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn và Thơ văn chữ Hán trên kiến trúc cung đình Huế); đồng thời có hai Di sản phi vật thể cấp quốc gia là ca Huế và dệt Dèng (A Lưới). Đây là nguồn tài nguyên văn hóa đa dạng, mang bản sắc đặc trưng để giới thiệu với công chúng và bạn bè quốc tế. Nét mới trong Fesstival Huế 2018 là Thừa Thiên-Huế quảng bá hình ảnh Huế - 1 điểm đến 5 di sản.

Đây cũng là nội dung được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tiếp tục khai thác tốt tour du lịch "Huế - một điểm đến 5 di sản" trong năm 2018. Năm 2018, ngành Du lịch Thừa Thiên-Huế phấn đấu đón khoảng 4-4,2 triệu lượt khách, tăng 10% so với năm 2017 (trong đó, khách quốc tế chiếm từ 40-45%); khách lưu trú ước đạt 2,1-2,2 triệu lượt người, tăng 12% so với cùng kỳ. Doanh thu du lịch dự kiến tăng 15% so với cùng kỳ năm 2017, đạt 4.000-4.200 tỷ đồng.

Theo ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, trong năm 2018, nhiều dự án bảo tồn, tu bổ di tích quan trọng sẽ được triển khai như  dự án bảo tồn, phục hồi điện Kiến Trung; Dự án bảo tồn hệ thống tường và cổng Tử Cấm thành (giai đoạn 1); bảo tồn, tu bổ và phục hồi lăng Dục Đức (hạng mục Tẩm điện và lăng mộ); bảo tồn, trùng tu Di tích Bi đình lăng Tự Đức; tiếp tục đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu vực Hoàng thành; bảo quản, tu bổ tổng thể Triệu Miếu (giai đoạn 2)...
 
(Theo TTXVN)

Các tin khác
Hoàng Vân - nhạc sĩ nhạc đỏ gạo cội

Sáng 4-2, nhiều nghệ sĩ chia sẻ thông tin và bày tỏ niềm tiếc thương, kính trọng khi nhạc sĩ Hoàng Vân vừa lìa xa trần thế.

Tập Sắc lệnh là bản gốc duy nhất và được đánh máy, trong có bút tích của một số thành viên Chính phủ lâm thời sửa chữa, bổ sung nội dung và đều có giá trị pháp lý.

Bài hát “Mường Lò ơi! Bài ca xe cáu ké” được làm nền cho nhiều đêm xòe ở Nghĩa Lộ.

YBĐT - " …Ta về đây nơi cội nguồn điệu xòe, nơi câu khắp chảy ra từ dòng suối Nậm Xia. Ta về đây ơi Nghĩa Lộ - Mường Lò hoa ban trắng mùa xuân. Em áo cỏm khăn Piêu, inh lả ơi, sao noọng ời, bên ánh lửa hồng lung linh ta cùng xòe bên nhau...” là những lời thơ mượt mà trong bài thơ "Mường Lò ơi! Bài ca xe cáu ké” của tác giả Lò Thị Huân - Bí thư Thị ủy Nghĩa Lộ được nhạc sỹ Xuân Vinh phổ nhạc.

Một hình ảnh tư liệu trong phim “Xuân 1968 – Báo chí đồng hành cùng dân tộc”.

Nhân kỉ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968 (30/01/1968 – 30/01/2018) khán giả cả nước được nhìn lại một trong những sử kiện lịch sử có ý nghĩa đặc biệt của dân tộc, qua đó thấy được vai trò của những nhà báo cách mạng đồng hành cùng bước đi của lịch sử qua bộ phim tài liệu "Xuân 1968 – Báo chí đồng hành cùng dân tộc”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục