Độc đáo vũ điệu của người Dao Đại Sơn

  • Cập nhật: Thứ sáu, 23/2/2018 | 8:19:51 AM

YBĐT - Cùng với các làn hát páo dung trữ tình và da diết, thường được các thanh niên nam nữ hát giao duyên trong mùa xuân, người Dao ở Đại Sơn còn lưu giữ được nhiều vũ điệu truyền thống độc đáo, giàu ngôn ngữ múa và sắc thái biểu cảm. 


Người Dao ở Đại Sơn nói riêng và đồng bào Dao ở Văn Yên nói chung không chỉ sớm hạ sơn định cư trồng quế làm nên một vùng nguyên liệu quế lớn nhất, nhì cả nước mà còn luôn tự hào và tâm huyết gìn giữ vốn văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Cùng với các làn hát páo dung trữ tình và da diết, thường được các thanh niên nam nữ hát giao duyên trong mùa xuân, người Dao ở Đại Sơn còn lưu giữ được nhiều vũ điệu truyền thống độc đáo, giàu ngôn ngữ múa và sắc thái biểu cảm. Trong đó, phải kể tới hai điệu múa rùa "Tsắng tồng lình” và múa chuông "Páu tổ”.

Múa rùa "Tsắng tồng lình ” là một trong những vũ điệu mang tính nghi lễ đội ơn thần linh, trời, đất đã cứu giúp người Dao thoát chết và có cơ hội được mưu sinh, lạc nghiệp trên mảnh đất mới. 

Trong các vũ điệu truyền thống như: múa ra quân – ra binh, múa phát nương, múa chạy cờ, múa kiếm, múa chuông, múa văn, múa võ của người Dao, đặc sắc nhất vẫn là múa rùa thường được diễn vào dịp tết nhảy, tết Nguyên đán và các lễ hội trong năm.
 
Theo quan niệm của đồng bào dân tộc Dao,  rùa là một trong hai loài động vật được người Dao tôn thờ và kiêng không bao giờ ăn thịt. Múa rùa là tổng hợp các điệu múa đặc trưng của người Dao. 

Nhiều vùng Dao khác còn gọi "Tsắng tồng lình” là "chạy rùa”. Bởi, trong khi diễn xướng nghi thức mùa rùa, các vũ công thường có những bước chạy trên nền tiết tấu âm nhạc rộn rã và thôi thúc.

Không gian diễn xướng của điệu múa rùa thường được thực hiện trước đèn thờ cúng Bàn Vương. Thầy múa đi trước, theo sau là tốp thanh niên, trong trang phục truyền thống, nối tiếp nhau đảo quanh đèn cúng, diễn tả các động tác tìm rùa, bắt rùa, trói rùa khiêng về nhà để dâng cúng Bàn Vương và các vị thần thánh, tổ tiên. 

Trước khi múa, người Dao phải chuẩn bị rất kỹ các dụng cụ như: dao, kiếm, chuông, kèn, chũm chọe và trống. Trong đó, kiếm được coi là thứ vũ khí để bảo vệ bản làng, dân tộc. Chuông đúc bằng đồng và được dùng trong các lễ, tết của người Dao, khi thả tranh treo thì phải có tiếng chuông. Chũm chọe là nhạc cụ bắt buộc phải có trong điệu múa rùa và cũng được làm bằng đồng, khi đánh phát ra âm thanh ngân nga, rung vọng.
 
Kèn là nhạc cụ được làm bằng gỗ và đồng (thân gỗ, loa đồng) - còn được gọi là kèn pí lè với âm sắc đặc trưng, có thể thổi được 72 giai điệu khác nhau và được sử dụng trong nhiều lễ thức truyền thống của đồng bào dân tộc Dao. Tất cả các loại nhạc cụ hòa âm, tạo nên âm hưởng vang dội và huyền bí cho không gian diễn xướng của vũ điệu "Tsắng tồng lình”.
 
Trong khi múa, các dụng cụ dao, kiếm sẽ được cắm xuống nền nhà. Người múa tay cầm chuông, lúc đi, lúc chạy lom khom theo hình lượn vòng tròn quanh đàn cúng, lúc đi ngược, lúc chạy xuôi, múa theo sự chỉ huy của thầy cúng, diễn tả các động tác vây tìm, bắt rùa đem về sửa soạn thành mâm lễ mặn dâng lên Bàn Vương, thần thánh và tổ tiên, theo nhịp trống, tiếng kèn âm vang và linh thiêng.
 
Trong điệu múa rùa có quy định rất chặt chẽ: khi múa, không ai được đi sai theo lối ông thầy đã đi, nếu có lỡ đánh đổ kiếm hay dao, hoặc đi sai thì ông thầy sẽ bắt đi lại…
 
Người múa vừa đi vừa chạy nhanh dần, chậm dần, tay lắc chuông xen lẫn tiếng bước chân của người múa chạy rầm rập, tiếng cười nói rôm rả của người xem, tiếng trống, tiếng chũm chọe với tiết tấu dồn dập cùng với tiếng hú của đàn ông làm cho không khí vũ điệu "Tsắng tồng lình” càng lúc càng say và huyền bí.
 
Múa rùa của người Dao không chỉ đơn thuần mang yếu tố nghệ thuật, tâm linh mà còn mang tính giáo dục, sự kế thừa văn hóa truyền thống, là sự tái hiện hoạt động lao động sản xuất, những sinh hoạt thường ngày cùng với mong ước về cuộc sống bình yên, no đủ. Đây là những giá trị văn hóa tinh thần vô cùng quý giá trong kho tàng văn nghệ dân gian của người Dao.

Cùng với múa rùa "Tsắng tồng lình”, người Dao còn có múa chuông  "Páu tổ ” cũng rất độc đáo về tiết tấu và ngôn ngữ múa. Đạo cụ chính trong vũ điệu múa chuông chính là những chiếc chuông nhỏ bằng đồng kết hợp với trống con, đàn nhị và sáo.
 
Khi múa chuông, người múa tay phải cầm chuông lắc từ trong ra ngoài hoặc từ phải sang trái, tay trái cầm que, đưa đi 3 nhịp, đưa lại 3 nhịp, chân nhún lùi lại một bước, nhún tiếp 3 nhịp, đi theo vòng tròn từ trái sang phải, rồi xoay về vị trí ban đầu và cứ thế múa liên tục cho đến khi hết bài múa. 

Những chiếc chuông được lắc mạnh tạo thành nhịp điệu vui tai, những sợi tua màu được tung lên, hạ xuống, lượn tròn nhịp nhàng và uyển chuyển.
 
Vừa múa các vũ công vừa hát những bài ca cổ, mô phỏng quá trình mưu sinh trên đất mới, dựng vợ gả chồng, sinh con đẻ cái trong từng gia đình. Khi chuẩn bị kết thúc nhịp múa, mọi người chuyển đội hình từ vòng tròn thành các hàng ngang hướng về đàn cúng và tranh thờ. Nhịp cuối, tất cả mọi người cùng hú to tạo không khí linh thiêng cho vũ điệu.
 
Múa chuông thường có khoảng 20 - 40 người tham gia, càng đông càng vui. Trong dịp tết Nguyên đán, các bản người Dao hay tổ chức múa chuông luân phiên theo từng gia đình. Đặc biệt, trong tết nhảy của đồng bào, múa chuông được coi như một nghi lễ tạ ơn tổ tiên, Bàn Vương đã cứu rỗi dân làng ngoài biển năm xưa. Múa chuông để bảo vệ cuộc sống gia đình, dòng tộc, cầu xin tổ tiên phù hộ, che chở cho mọi thành viên trong gia tộc mạnh khỏe, làm ăn phát đạt.

Theo mỹ tục người Dao, khi đứa trẻ cất tiếng chào đời và trong lễ thôi nôi, món quà ý nghĩa nhất chính là chiếc chuông đồng nhỏ xinh. Chính vì thế, múa chuông "Páu tổ” đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống độc đáo không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Dao. Chả thế mà người dao ở Viễn Sơn có câu rằng: "Mái hiu páu tổ, mái xấy ìu miền” (Nghĩa là: Không biết múa chuông, không phải người Dao).

Mỗi dịp tết đến, xuân về, trên khắp các bản làng người Dao ở Văn Yên lại rộn ràng và xao xuyến lời hát páo dung hòa cùng tiếng kèn pí lè, tiếng trống, tiếng chuông trong các vũ điệu truyền thống, thể hiện niềm tự hào về sắc thái văn hóa độc đáo mà các thế hệ người Dao đã sáng tạo và trao truyền cho con cháu hôm nay cùng với những mong ước tốt đẹp về cuộc sống và sự đổi thay trên quê hương đất quế.

Thanh Tửu

Các tin khác
Thi đánh quay tại lễ hội đình Làng Xóa xuân Mậu Tuất 2018.

YBĐT - Ngày 20/2, tức mùng 5 tháng Giêng, tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, UBND xã An Phú, huyện Lục Yên đã tổ chức lễ hội đình Làng Xóa.

Ảnh minh họa.

Ngày 21/2/2018, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL)) đã có Công văn số 91/VHCS- QLHĐLH gửi các sở VHTT, sở VHTTDL về việc tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội đầu năm 2018.

Tác giả Kiều Anh Dũng của Việt Nam đã giành giải nhất trị giá 500 USD cho bức ảnh về cảnh mua bán trên chợ nổi Sóc Trăng vào buổi ban mai.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ngày 20/2 đã công bố những người chiến thắng trong cuộc thi ảnh trên Instagram được tổ chức nhằm cho thấy những tiến bộ trong phát triển tại khu vực Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập Chương trình hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng (Chương trình GMS).

Lễ khai hội Chùa Hương sáng mồng 6 Tết âm lịch.

Hôm nay, mùng 6 tháng Giêng, ngày khai hội chùa Hương, ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục