Mùa trứng ngạt

  • Cập nhật: Thứ sáu, 2/3/2018 | 7:59:53 AM

YBĐT - Tháng Ba. Khi những cành xoan buông đầy sắc tím lưng trời, ấy là mùa kiến ngạt đẻ trứng, dân quê tôi gọi là mùa trứng ngạt.


Có nhiều loài kiến đẻ trứng nhưng chỉ có trứng kiến ngạt là ăn được. Kiến ngạt có màu đen, to hơn kiến đen thường, đít mọng, cong lên, ngúc ngoắc liên tục, sẵn sàng tấn công đối phương chứ không chạy trốn như một số loài kiến khác. Kiến ngạt thường làm tổ trên các cành xoan, nhãn, tre, nứa.
 
Tổ trứng được xây đắp khéo léo bằng các mẩu lá khô, có hình tròn, màu đen. Cuối mùa đông, cây vẫn đang mùa trút lá, nếu để ý, sẽ thấy đâu đó trên ngọn cây, kiến ngạt bắt đầu làm tổ. Nhiều người dân sành ăn trứng kiến đã để ý sẵn vị trí kiến ngạt làm tổ, để đến mùa sẽ vào thu trứng.
 
Đầu xuân, tổ kiến ngạt lớn dần, bằng cái bát loa, rồi như quả mít. Mẹ tôi bảo, mặt ngoài tổ kiến kín, nhẵn mịn, tròn căng thì sẽ có nhiều trứng và trứng mẩy. Tổ nào xốp, hở ngoài sẽ cho trứng lép hoặc ít trứng. Mỗi năm chỉ có một mùa trứng kiến. Trứng kiến ngon nhất vào độ tháng Ba. Vì vậy, dịp tết Hàn thực, mồng ba tháng Ba hàng năm, người Tày quê tôi, nhà nào cũng làm bánh, thổi xôi trứng kiến để làm lễ cúng.
 
Mẹ tôi kể rằng, ngày xửa ngày xưa, một gia đình giàu có nọ có cô con gái rất xinh đẹp, lại ngoan hiền. Rất nhiều chàng trai con nhà quyền quý muốn lấy cô gái làm vợ. Bố cô gái không biết chọn ai trong số đó nên mở một cuộc thi làm bánh để chọn con rể. Các loại bánh ngon, cao sang được mang đến.
 
Trong bản có một chàng trai nghèo đã đem lòng yêu cô gái từ lâu nhưng không có tiền mua cao lương mĩ vị để làm bánh, chàng chỉ có món bánh trứng kiến ngạt gói bằng lá ngõa mang đến. Không ngờ món bánh trứng kiến lại thuyết phục được bố cô gái. Chàng trai nghèo lấy được vợ xinh đẹp, ngoan hiền. Trứng kiến là món ăn dân dã, cũng từ lâu, trứng kiến là món ăn đặc biệt, đặc sản của người dân quê tôi.

Từ nhỏ, anh em tôi đã được theo mẹ đi lấy trứng kiến. Đến khi mười ba, mười bốn tuổi, anh em tôi đã trở thành những "tay thợ săn” tổ kiến có nghề. Lấy trứng kiến phải chọn ngày nắng ráo thì trứng mới bong, không bị dính vào tổ. Số lượng trứng kiến nhiều hay ít tùy thuộc vào độ lớn, nhỏ, căng, nhẵn của tổ kiến. Có tổ chỉ cho độ nửa bát trứng, có tổ cho một, hai bát trứng. Trứng kiến ngạt to hơn hạt gạo tẻ, căng mọng, có màu trắng sữa. Đồ nghề lấy trứng kiến thật đơn giản.
 
Chỉ cần một con dao, một cái khăn ướt và một cái nia là đủ. Tổ kiến ngạt được hạ xuống, bổ tư hoặc bổ sáu trên nia sạch sau đó lấy cây nhọn chọc lên từng mảng tổ, lấy sống dao gõ đều vào cây, tạo độ rung cho trứng rơi xuống nia. Người lấy trứng vừa gõ trứng vừa đều tay nhấc cái mẹt khỏi chỗ cũ để kiến bò ra đất xung quanh nia.
 
Khi gõ trứng xong, người ta phủ lên nia một lớp lá cây cho kiến bò lên. Một lát lại thay một lượt lá mới. Cứ như vậy cho đến khi hết kiến trên nia. Lúc này, người ta mới lấy khăn ướt phủ lên lớp trứng, kéo nhẹ, những mảnh tổ vụn dính trên khăn được rũ ra ngoài, chỉ còn lại lớp trứng kiến trắng mẩy màu sữa.

Người dân quê tôi chế biến trứng kiến ngạt thành nhiều món nhưng có lẽ, ngon nhất là món bánh trứng kiến và xôi trứng kiến. Bánh trứng kiến được làm từ bột gạo nếp, pha chút bột gạo tẻ cho đỡ dẻo. Lá để gói bánh phải là lá ngõa, bỏ gân và cuống, lá không quá non, không quá già.
 
Nếu non quá, lá dày thì khi chín lá nát; nếu lá già thì ít vị thơm, ăn sẽ dai. Người ta dùng lá kiệu hoặc hành khô phi với mỡ cho thơm, sau đó đổ trứng kiến vào rang chín, trộn gia vị, có thể trộn thịt băm tùy theo ý thích của từng người. Bột bánh dát mỏng, nhồi nhân, bọc trong lá, đem hấp chín.
 
Khi ăn, người ta ăn cả phần lá và phần bánh. Vị thơm dẻo của gạo nếp, vị bùi, mát, chát nhẹ rất lạ của lá ngõa cùng vị béo ngậy, đậm đà của trứng kiến ngạt, làm nên một thứ bánh thơm ngon đặc biệt, chỉ cần ăn một lần là nhớ mãi. Món đặc biệt thứ hai là món xôi trứng kiến.
 
Trứng kiến đãi bằng nước ấm, để ráo, ướp gia vị, phi hành rồi cho trứng kiến vào rang cho chín vàng, sau đó gói lại bằng lá chuối. Nếp nương xôi chín, bắc ra, trộn với trứng kiến, đảo đều. Xôi nếp dẻo thơm, trứng kiến ngạt béo ngậy, nhai thật chậm, nghe từng tiếng trứng kiến nổ lép bép trong miệng, thật chẳng món ăn nào thú bằng…

Tháng Ba. Hoa xoan lại buông đầy sắc tím lưng trời. Trẻ con giờ không còn thú lên rừng lấy trứng kiến ngạt nữa. Vẫn còn đấy, lấp ló trong vòm cây, tổ kiến ngạt căng tròn, đang mùa cho trứng. Tôi lại nao nao nhớ, những mùa trứng ngạt đã qua.

Nông Quang Khiêm

Các tin khác

YBĐT - Chiều 1/3, (tức ngày 14 tháng Giêng năm Mậu Tuất 2018), Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật (LHVHNT) tỉnh phối hợp với Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành tổ chức Ngày Thơ Nguyên Tiêu Mậu Tuất Việt Nam lần thứ XVI với chủ đề "Văn học nghệ thuật đồng hành cùng đất nước".

Lễ vật cúng thủy thần trong lễ hội lồng tồng của người Thái ở xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn.

YBĐT - Khác với ở miền xuôi, vùng nông thôn miền núi và vùng dân tộc thiểu số hiếm có các công trình đình, đền, chùa, miếu lớn kèm theo các lễ hội đầu xuân. Tuy vậy, nghi lễ cúng tế đầu xuân hay còn gọi là lễ kỳ yên (cầu an) vẫn diễn ra khá phổ biến trong cộng đồng các dân tộc thiểu số.

Múa Châm mơi trong lễ Khai hạ ở xã Nghĩa Phúc xuân Mậu Tuất 2018.

YBĐT - Không phải ngẫu nhiên trong lễ hội Khai hạ (xuống đồng) của người Mường, xã Nghĩa Phúc, thị xã Nghĩa Lộ trong phần lễ lại có tiết mục Châm mơi (múa mừng xuân mới) để tiễn vong linh các thần linh, ông bà, tổ tiên về mường trời.

Các liền chị trong bộ trang phục truyền thống đi hội.

Đến hẹn lại lên, ngày 27/2 (tức ngày 12 tháng Giêng năm Mậu Tuất), những người yêu mến Quan họ lại về hội Lim để được thưởng thức những làn điệu dân ca Quan họ Bắc Ninh mượt mà, đằm thắm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục