Linh thiêng đền Rối

  • Cập nhật: Thứ hai, 16/4/2018 | 8:22:28 AM

YBĐT - Trên địa bàn thành phố Yên Bái hiện còn nhiều ngôi đền có lịch sử từ xa xưa với những sắc phong, ngọc phả, văn bia còn lưu giữ được, khẳng định giá trị văn hóa lịch sử và ý nghĩa tâm linh trong tâm thức cộng đồng; trong đó, có đền Rối tọa lạc tại thôn Trấn Ninh II, xã Tân Thịnh.

Đền Rối tại thôn Trấn Ninh II,  xã Tân Thịnh.
Đền Rối tại thôn Trấn Ninh II, xã Tân Thịnh.


Thôn Trấn Ninh II vốn xưa kia có tên gọi thôn Trĩ Rối, thuộc sách Hào Gia, tổng Bách Lẫm, tỉnh Hưng Hóa ở thượng du Bắc Bộ, được thành lập từ năm 1833 dưới thời vua Minh Mạng. Đây là vùng lâm tuyền kỳ thú, núi non quây quần, thung khe trong mát, bốn mùa cây cối tốt tươi. Cư dân nông nghiệp quần tụ ở đất này, hiền hòa đoàn kết, sơn trang yên ấm, mỹ tục thuần hậu.

Theo các bậc cao niên ở Tân Thịnh, đền Rối được khởi dựng vào khoảng nửa đầu thế kỷ XIX, do các vị tiền nhân có công khai phá vùng đất này lập nên. Ban đầu, đền được làm bằng gỗ, theo kiểu nhà sàn mái lợp lá cọ. Đền Rối có tên mỹ tự là "Vân Phú từ” hàm ý, đây là nơi có mây lành che chở. Về sau, Vân Phú từ còn được quen gọi với tên nôm là đền Rối gắn với địa danh thôn Trĩ Rối xưa.

Đền Rối là nơi thờ Ngọc Dung Công chúa. Theo ngọc phả của Đền do Thượng thư quản giám Tri Điệm, Bộ Lễ triều Lê phụng sự chép lại Ngọc phả Hùng Triều, rằng: "Ngọc Dung Công chúa là con thứ tám của Hùng Nghị Vương, do Nguyên phi họ Phạm sinh vào giờ Thân, ngày 12 tháng 9. 

Ngày hôm đó, hương phảng phất, ánh hào quang phản chiếu trướng ngọc, Nguyên phi sinh ra một em bé gái, ai ai cũng đều vui mừng. Khi lớn lên thông minh, tài trí, xinh đẹp, hoa thua sắc, ngọc thua hương nên húy là Ngọc Dung.
 
Công chúa Ngọc Dung khi chưa xuất giá, thường được cùng vua cha chu du thiên hạ. Vua hứa với con gái yêu rằng: Khi đến đất Hào Gia là vùng đất đẹp, lệnh cho xây cung thất làm nơi nghỉ ngơi, ngao du và sống ở đây, đến năm 82 tuổi và mất vào ngày mùng 3 tháng 9, được 37 đền thờ phụng. Hiển linh ở đất Hào Gia, linh nghiệm trong những việc như cầu bình an, cầu mưa, cầu sức khỏe. Do vậy, Công chúa được sắc phong là Sơn Thủy thần linh”.
 
Sắc phong Sơn Thủy thần linh là sự hội tụ hiển linh của lưỡng mẫu: Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thoải (có nghĩa là mẹ rừng và mẹ nước) theo quan niệm truyền thống thờ Tam phủ Thánh Mẫu của dân tộc. Đây cũng là nét độc đáo trong nghi thức thờ phụng của Vân Phú Từ.

Đền Rối từng được các triều vua phong kiến nhà Nguyễn ban cho hai đạo sắc phong (sắc phong năm thứ 5 thời vua Duy Tân và sắc phong thời vua Khải Định năm thứ 9). Đền được tu bổ và sửa sang lần đầu vào năm 1911 do ông Ca Dụng - người đứng ra khởi sự việc chỉnh trang nhà đền cùng với công đức của nhân dân trong vùng và du khách thập phương.
 
Đền có kiến trúc theo kiểu chữ nhất với một gian đại bái và một gian hậu cung - được làm theo kiểu nhà sàn. Gian đại bái, còn giữ được nguyên trạng kiến trúc mỹ thuật cổ triều Nguyễn với những đường nét chạm trổ tinh xảo trên xà nóc, đầu bẩy và các bộ cửa võng theo đề tài: lưỡng long chầu nguyệt, long ẩn, hổ phù, đề tài tứ linh, hoa, điểu… 

Trong đền, hiện còn giữ được khá nhiều hiện vật và đồ thờ cổ như: ngai thờ, bát nhang, ngựa thờ, hòm sắc…
 
Đặc biệt, các bức đại tự và câu đối với nét chữ tài hoa trên chất liệu gỗ quý. Bức đại tự ở gian đại bái gồm ba chữ: Vân Phú từ - chính là tên tự của đền. Bức thứ hai gồm năm chữ: Diên Trì Vương Mẫu (có nghĩa là nơi ngao du của Vương Mẫu) được hoàn thành vào năm Mậu Dần - niên hiệu Bảo Đại).
 
Cùng với các bức đại tự, trong đền còn treo hai câu đối: "Trạc trạc quyết ninh thi tán hóa/ Dương dương như tại bảo bình yên" và "Thánh hóa viễn chiêm trưng thọ khải/ Mẫu nghi kiều ngưỡng khánh Hào Gia" (Tạm dịch là "Yên vui thanh bình thực hiện nền giáo hóa/Mênh mang như còn bảo vệ sự bình yên” và Sâu xa thay, giáo hóa của bậc thánh nhân làm sáng tỏ niềm vui - Ngẩng trông bậc Mẫu nghi thiên hạ, vinh hiển đất Hào Gia”).

Lễ hội đền Rối, xưa kia thường được tổ chức vào ngày mùng 6 và mùng 7 tháng Giêng hàng năm. Cùng với nghi thức cúng tế Sơn Thủy thần linh trong những ngày đầu xuân, tại đền còn tổ chức hội hát văn và chơi trò gặm cỏ nghé trâu. 

Ngày nay, cùng với các ngày lễ chính trong năm, đền Rối thường xuyên mở cửa đón du khách thập phương đến chiêm bái và tham quan, để hiểu thêm về ý nghĩa văn hóa tâm linh của Vân Phú từ - một di tích đã được UBND tỉnh Yên Bái xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh năm 2005.

Năm 2011, được sự nhất trí của cơ quan chức năng và tấm lòng hằng tâm hằng sản của mọi người, một tòa đền mới được khởi dựng khang trang, vững chãi liền kề ngôi đền cổ. Cổng tam quan, mái đền lợp ngói mũi hài, đầu đao cong vút cách điệu hình tượng con nghê, tạo nên sắc thái mới mà vẫn giữ được dáng vẻ thâm nghiêm của Vân Phú từ. Bên trái khu đền, giờ đây còn có hồ thiền quang và tòa Phật đài Bồ Tát tọa lạc giữa mặt gương nước biếc, lung linh tỏa ngát hương sen mùa hạ càng làm cho cảnh quan đền Rối thêm phần linh thiêng, huyền hoặc.

Thanh Tửu

Các tin khác
MC Lại Văn Sâm bất ngờ lên sóng VTV bên dàn mỹ nhân Việt

Sự xuất hiện của nhà báo Lại Văn Sâm giữa dàn mỹ nhân trong chương trình "Quý ông đại chiến" khiến nhiều người thích thú.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Phú Đẹ (phải) trong lĩnh vực ca trù được đề nghị xét tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân.

Theo thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, có 103 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân và 733 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú (đối với các nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể) do hội đồng cấp tỉnh/thành phố gửi hội đồng chuyên môn cấp Bộ.

Một buổi biểu diễn thính phòng tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa đưa ra Dự thảo Hồ sơ xây dựng Nghị định về nghệ thuật biểu diễn để lấy ý kiến rộng rãi trong công chúng với nhiều kiến nghị mới thu hút sự quan tâm từ dư luận. Trong đó, đặc biệt đáng chú ý là vấn đề cấp phép phổ biến các tác phẩm âm nhạc, sân khấu sáng tác trước năm 1975 và tác phẩm của người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Tết té nước (Bun huột nặm) của người Lào tại xã Núa Ngam, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.

Ngày 13/4, tại bản Na Sang 1, xã Núa Ngam, Ủy ban Nhân dân huyện Điện Biên (Điện Biên), phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức Lễ công bố và trao giấy chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Tết Té nước (Bun Huột Nặm) của dân tộc Lào.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục