Cấp phép phổ biến những sáng tác trước năm 1975: Thông thoáng nhưng phải chặt chẽ
- Cập nhật: Thứ sáu, 13/4/2018 | 3:44:44 PM
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa đưa ra Dự thảo Hồ sơ xây dựng Nghị định về nghệ thuật biểu diễn để lấy ý kiến rộng rãi trong công chúng với nhiều kiến nghị mới thu hút sự quan tâm từ dư luận. Trong đó, đặc biệt đáng chú ý là vấn đề cấp phép phổ biến các tác phẩm âm nhạc, sân khấu sáng tác trước năm 1975 và tác phẩm của người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Một buổi biểu diễn thính phòng tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
|
Liên quan đến nội dung nêu trên, tại Báo cáo đánh giá tác động của chính sách đến Đề nghị xây dựng Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng: Đây là vấn đề phức tạp do có yếu tố lịch sử; thời gian qua đã nảy sinh một số bất cập trong công tác quản lý hoạt động này nên đặt ra yêu cầu cần được quy định lại, sao cho vừa đơn giản hóa thủ tục hành chính trong phổ biến tác phẩm âm nhạc, sân khấu sáng tác trước năm 1975 vừa bảo đảm hiệu lực quản lý của nhà nước, ngăn chặn những tác phẩm có nội dung, ca từ trái thuần phong mỹ tục, đi ngược lại đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Trên cơ sở này, Báo cáo đưa ra ba giải pháp để lấy ý kiến đóng góp rộng rãi. Giải pháp đầu tiên là: Không quy định về cấp phép phổ biến tác phẩm âm nhạc, sân khấu sáng tác trước năm 1975 và tác phẩm do người Việt Nam định cư ở nước ngoài sáng tác, và bổ sung quy định cụ thể danh mục tác phẩm cấm phổ biến, lưu hành. Phương án này được đánh giá là sẽ tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức dễ dàng tra cứu, sử dụng và thực thi các quy định pháp luật về nghệ thuật biểu diễn; đồng thời bảo đảm tính minh bạch, rõ ràng, thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Song việc quy định danh mục những tác phẩm cấm phổ biến cũng dễ dẫn đến những tác động tiêu cực, thậm chí là hiệu ứng ngược khi nêu tên, quảng bá cho những tác phẩm cấm.
Hơn nữa, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên cho rằng cũng không thể bỏ hẳn việc cấp phép, việc cấp phép cần thông thoáng nhưng cũng phải đạt được sự an toàn để không bị lọt những tác phẩm có nội dung xấu. Đồng quan điểm, NSND Phạm Ngọc Khôi, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam khẳng định: Khi mở toang cửa sẽ có cả những luồng gió lành và luồng gió độc. Nếu bỏ hẳn quy định thủ tục cấp phép, sẽ không thể kiểm soát được những tác phẩm có nội dung xấu, đi ngược lại lợi ích của đất nước, dân tộc, gây tác động tiêu cực đến công chúng, xã hội.
Giải pháp thứ hai được đưa ra là: Quy định cụ thể điều kiện đối với tác phẩm âm nhạc, sân khấu được phổ biến, lưu hành để làm cơ sở cho các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện thủ tục cấp giấy phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật; giao việc thẩm định, cấp phép tác phẩm cho cấp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao các địa phương trực tiếp quản lý.
Trao đổi về phương án này, hầu hết các ý kiến đều cho rằng, nhìn chung sẽ không khác gì nhiều so với những quy định đã tồn tại lâu nay. Bởi giải pháp nêu trên sẽ không đạt được tính đồng bộ, thống nhất trong công tác quản lý nhà nước, khi xảy ra tình huống có tác phẩm được cho phép biểu diễn ở địa phương này nhưng lại không được biểu diễn ở địa phương khác, từ đó gây khó khăn cho các đơn vị sử dụng tác phẩm và tiếp tục gây bức xúc trong công chúng.
Vì thế, tại Báo cáo đánh giá tác động của chính sách, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiến nghị lựa chọn giải pháp thứ ba: Tiếp tục quy định thủ tục cấp phép phổ biến tác phẩm âm nhạc, sân khấu sáng tác trước năm 1975 và tác phẩm do người Việt Nam định cư ở nước ngoài sáng tác; đồng thời quy định cụ thể các trường hợp không phải thực hiện thủ tục này trên cơ sở "Các bài hát đã trở nên quen thuộc, phổ biến trong thực tế, nếu không có nội dung, ca từ trái với thuần phong mỹ tục, xâm hại lợi ích quốc gia thì không cần cấp phép phổ biến, không phụ thuộc vào địa điểm, thời gian sáng tác”.
Đây cũng là nội dung được Bộ đưa ra trong Tờ trình Đề nghị xây dựng Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn dự kiến trình Chính phủ vào tháng 11-2018. Theo đó, giải pháp này sẽ bảo đảm được hoạt động quản lý nhà nước đối với các tác phẩm âm nhạc, sân khấu sáng tác trước năm 1975, kịp thời ngăn chặn các tác phẩm có nội dung, tư tưởng không phù hợp chủ trương, đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng và Nhà nước. Đối với người dân và các cá nhân, tổ chức sử dụng tác phẩm, sẽ tạo thuận lợi trong tra cứu, sử dụng và thực thi các quy định pháp luật về nghệ thuật biểu diễn. Còn đối với hệ thống pháp luật, sẽ bảo đảm được tính minh bạch, rõ ràng, thống nhất, đồng bộ.
Tuy nhiên, nhạc sĩ Thao Giang, Giám đốc Trung tâm phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam lưu ý: Nếu lựa chọn giải pháp này, cần có thống kê thật cụ thể đối với những trường hợp không cần phải xin cấp phép. Bên cạnh đó, cũng cần nâng cao công tác hậu kiểm, bởi trên thực tế, có những ca khúc đã trở nên quen thuộc, không cần thiết phải cấp phép nhưng khi sử dụng lại bị thay đổi một số ca từ dẫn đến thay đổi cả nội dung, tư tưởng của bài hát.
Các tin khác
Ngày 13/4, tại bản Na Sang 1, xã Núa Ngam, Ủy ban Nhân dân huyện Điện Biên (Điện Biên), phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức Lễ công bố và trao giấy chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Tết Té nước (Bun Huột Nặm) của dân tộc Lào.
Theo thông tin từ Ban tổ chức Liên hoan phim (LHP) Cannes, bộ phim "Angel Face" do Lý Nhã Kỳ đầu tư và hợp tác sản xuất đã được chọn vào danh sách tranh giải.
Ngày 12/4, Hội đồng Chấp hành UNESCO tại Kỳ họp lần thứ 204 tại Paris, Pháp đã thông qua Nghị quyết công nhận Công viên Địa chất Non nước Cao Bằng là Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO (CVĐCTC).
YBĐT - Đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền núi, trong quan niệm dân gian, cho rằng, mỗi loài vật, cỏ cây đều có linh hồn. Đặc biệt, đối với cây thuốc thì nó không chỉ có linh hồn mà còn được coi như thần dược do trời ban cho con người. Nghi lễ cúng tổ nghề, cúng cây thuốc vẫn được duy trì trong nhiều tộc người ở miền núi.