Ghi lại cuộc đời một con người bằng câu chữ là điều thông thường chúng ta hay gặp, song việc ghi lại cuộc đời của một người phi thường, một vị Đại tướng, một vĩ nhân, một anh hùng dân tộc bằng những bức ảnh là một điều đặc biệt của đại tá - nhà báo - nhiếp ảnh gia Trần Hồng, nguyên phóng viên báo Quân đội nhân dân đã thực hiện trong suốt sự nghiệp cầm máy của ông.
Với ông, đó là niềm đam mê mãnh liệt của cả một đời, đồng thời cũng là tình cảm sâu nặng của ông đối với một vị tướng tài, người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Trong tập sách ảnh "Võ Nguyên Giáp - Những khoảnh khắc còn mãi" này, Trần Hồng vừa là người chụp ảnh vừa là người kể chuyện đã đưa chúng ta đến gần hơn với vị tướng của lòng dân. Những bức ảnh như biết nói để lay cảm từng trái tim biết khóc vậy.
Tháng 10/1994, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói với đại tá - thư kí Nguyễn Huyên là hãy để cho phóng viên Trần Hồng vào gặp bất kì lúc nào, đó cũng là cơ duyên giúp Trần Hồng có được những bức ảnh độc, vô cùng đặc biệt về cuộc đời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đây cũng chính là series ảnh ấn tượng nhất về tướng Giáp của những năm tháng ông gần như ở cả ngày tại căn nhà số 30 Hoàng Diệu, Hà Nội.
Các bức ảnh chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp gồm những bức ảnh: Đại tướng giữa đời thường; Quảng Bình trong Đại tướng Võ Nguyên Giáp; Đại tướng Võ Nguyên Giáp và những kí ức không thể nào quên; Đại tướng Võ Nguyên Giáp với đồng chí, đồng nghiệp, với bạn bè quốc tế; Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chúng ta; Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong tôi - tác giả Trần Hồng.
Nhiếp ảnh gia Trần Hồng đã tinh tế chớp được những khoảnh khắc đời thường hết sức an yên, bình dị khi Đại tướng nhập thiền, chơi đàn piano hay bức ảnh mâm cơm giản dị, thanh bạch của gia đình Đại tướng. Ông cũng ghi lại được những giây phút rưng rưng xúc động khi tướng Giáp gặp lại nhà văn Sơn Tùng, thiếu tướng Phùng Thế Tài - những đồng chí đã cùng ông đồng cam cộng khổ trong những năm tháng gian khó.
Là người chụp ảnh cho Đại tướng, Trần Hồng cũng nhận thấy Đại tướng rất ít khi nghỉ ngơi, cả ngày làm việc và luôn vận quân phục trên người. Khi trở về thăm chiến trường xưa ở Cao Bằng, Điện Biên hay khi về quê hương Quảng Bình yêu dấu, Đại tướng luôn nhận được sự đón chào niềm nở của đồng bào, nói với người dân bằng tiếng của dân tộc họ, ai cũng chỉ mong được đến gần, được chạm vào vị tướng huyền thoại của lịch sử.
Không chỉ nhân dân Việt Nam mà bạn bè quốc tế cũng coi việc được tiếp kiến Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một niềm vinh dự. Năm 2013, khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, Trần Hồng đã nén nỗi đau để ghi lại những khoảnh khắc lịch sử khi cả đất trời và con người Việt Nam thương tiếc một vĩ nhân đã rời cõi tạm. Mỗi khoảnh khắc về Đại tướng Võ Nguyên Giáp - một biểu tượng của ý chí và niềm tự hào dân tộc sẽ còn mãi trong trái tim của người dân Việt Nam yêu nước.
Đây là tập sách ảnh về Võ Nguyên Giáp trong con mắt Trần Hồng - một chiến sĩ - nghệ sĩ được Đại tướng tin tưởng và đồng ý cho chụp ảnh về mình nên trong các câu chuyện của Trần Hồng ta không chỉ thấy hình ảnh một người lính đang tác nghiệp mà còn là cái nhìn của một người con tôn kính cha, một người trò ngưỡng mộ thầy.
Qua câu chuyện của Trần Hồng, chúng ta biết thêm rằng Đại tướng rất mê chụp ảnh và chụp ảnh giỏi, ông còn nhắc nhở Trần Hồng rằng: "Chụp ảnh là chụp sự thật bản chất". Bức ảnh Đại tướng cầm máy chụp ảnh mà Trần Hồng chụp lại được thật là một khoảnh khắc đẹp mà tác giả đã không quá lời khi gọi Đại tướng là nhiếp ảnh gia Võ Nguyên Giáp.
Với hơn một trăm bức ảnh trong tập sách "Võ Nguyên Giáp - Những khoảnh khắc còn mãi" hẳn là một nguồn tư liệu giá trị giúp chúng ta tìm thấy ở Đại tướng hình ảnh một người chồng, người cha, người ông hiền từ, chu đáo; một người đồng chí thanh sạch, nặng nghĩa tình; một nghệ sĩ phiêu lãng, hóm hỉnh và trên hết là một vị tướng huyền thoại trong đời thường.
(Theo TTTĐ)