Những cuộc đi chơi có khi một năm, vài năm mới tổ chức được một lần. Cho nên, một chuyến đi chơi thường đông người, kéo dài đến cả nửa tháng, đi hàng chục hay cả trăm cây số vượt suối, băng đèo để thăm nhau. Nhà nào có nhiều ngựa thì còn dễ bề đi lại, ít ngựa thì chỉ đủ để thồ vật dụng, quà cáp, còn đi bộ là chính. Vì độ đường đi dài như thế nên người đi chơi phải đi theo lối cuốn chiếu từ nhà gần cho đến nhà xa rồi lại vòng về.
Từ tập quán sinh hoạt ấy, người vùng cao có thói quen sẵn sàng cho mùa đón khách như chuẩn bị chăn đệm mới, lương thực, thịt sấy, cá thính, thịt chua, nuôi nhiều gà, vịt, cá... để khi khách đến thấy mừng cho gia chủ có cuộc sống sung túc và khách không cảm thấy mình làm phiền phức cho gia chủ. Đối với chủ nhà, sự chuẩn bị ấy cũng là dịp vừa để thể hiện lòng hiếu khách, vừa là cách sống theo quan niệm dân gian "Của này tiếp bạn đường xa/Cũng là của để cho ta đi đường".
Không chỉ chu đáo trong khâu chuẩn bị, mà việc tiếp đón khách cũng phải thật tận tình. Những món mời khách rất được coi trọng sự tươm tất, đủ đầy và ngon nhất, lạ nhất. Khách ngủ phải có đệm êm, chăn ấm. Trước khi ăn, phải có chậu nước, chiếc khăn để khách rửa tay; chuẩn bị những bó đóm nỏ nhất để đêm về nếu khách có nhu cầu đi chơi thăm làng xóm là có đuốc soi đường.
Đồng thời, khách đến chơi phải đi bộ đường dài nên người và chân tay nhức mỏi, trước khi đi ngủ, gia chủ thường chuẩn bị sẵn cho chậu nước ấm pha gừng thêm chút muối để khách ngâm chân cho khoan khoái.
Khi thức dậy, cũng có sẵn nước ấm để rửa mặt rồi ăn sáng bằng xôi, cơm lam với thịt, cá nướng. Những công việc ấy, nếu nhà có con cái lớn thường do các con tự lo hết. Bởi thế, nếu khách thấy hài lòng về sự đón tiếp thì cha mẹ rất đỗi tự hào.
Ngoài những sinh hoạt trên, mỗi khi có khách phương xa đến, chủ nhà còn mời bà con trong mường, trong bản cùng đến chơi, vui hát đối, kể sử thi, trường ca, kể chuyện dân gian, nói chuyện về phong tục, tập quán, đàn ca, múa xòe... có khi thâu đêm suốt sáng.
Trong cuộc chơi ấy, mọi người mến nhau ở cái tài, cái tình và thêm cơ hội gắn kết với nhau để có người nên duyên chồng vợ, người thành bạn hữu, thông gia. Văn hóa các vùng thêm phần được giao thoa, mở mang cho nhau kinh nghiệm canh nông, y thuật, cho nhau những con giống, hạt giống tốt, mới lạ để làm ăn phát triển...
Hơn thế, tập quán đến thăm nhau trong lúc nông nhàn, vui xuân không chỉ mang lại tình cảm cộng đồng gắn bó, mà từ những nét sinh hoạt ấy, nó còn là điều kiện khiến cho mỗi con người luôn luôn nung nấu trong mình ý thức vươn lên để xây dựng cuộc sống no ấm.
Những thành viên trong gia đình tự vun đắp cho nhau lối sống gia giáo, năng lực nữ công gia chánh, phép ứng xử xã hội, tinh thần trân trọng tình cảm cộng đồng và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Từ nét đẹp văn hóa trong mỗi gia đình trở thành nét đẹp văn hóa cộng đồng được trao truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác. Tình cảm, văn hóa cộng đồng được biến thành nguồn lực, tinh hoa phát triển đất nước và sức mạnh từ sự cố kết dân tộc trong chống giặc ngoại xâm.
Hoàng Nhâm