Hơn nữa, ngôi nhà của người phương Đông không chỉ thuần túy giải quyết về chỗ ở mà nó còn là không gian chứa đựng những quan niệm về sự vận động của vũ trụ. Hay nói cách khác là sự sống trong ngôi nhà đó phải tuân theo sự tồn tại khách quan của trời đất, mối quan hệ âm dương và cả những yếu tố siêu nhiên huyền bí...
Do đó, khi dựng một ngôi nhà, không chỉ người miền xuôi mà bà con ở vùng dân tộc, miền núi đều rất coi trọng các yếu tố tâm linh. Trước hết, là khâu xem tuổi, chọn đất, chọn hướng để làm nhà. Đồng thời, việc xem tuổi còn là cơ sở để đi đến quyết định xem ngày, tháng, năm làm nhà lúc nào thì hợp với mệnh của mình...
Cùng với xem tuổi để chọn hướng, ngày, tháng, năm làm nhà thì chọn ngày còn để thực hiện nhiều công việc quan trọng khác như chặt gỗ, khởi công (phạt mộc). Chẳng hạn, người có mệnh hỏa thì ít khi được nhờ đi lấy gỗ, chặt lá cọ, cắt cỏ gianh, lợp nhà; ngày thiên hỏa, địa hỏa, tháng kỵ với tuổi chủ nhà cũng kiêng không đi lấy gỗ, dựng nhà, bắc cái nóc, nhập trạch (vào nhà mới)...
Trong quá trình làm nhà, chủ nhà còn phải lo làm sao chăm sóc thợ thật chu đáo, tránh không mâu thuẫn chủ, thợ để phòng khi thợ phật ý sẽ trấn yểm gây hại cho gia chủ. Khi nhà được làm xong, tiếp tục kéo theo nhiều nghi thức tâm linh khác như khi nhập trạch như: phải làm lễ bồi hoàn địa mạch (hàn long mạch, lễ tạ thổ thần) vì san gạt đất làm nền gây đứt gãy mạch đất, náo động thần linh, thổ địa.
Cùng với nghi lễ này, còn có nghi lễ trục vong, bởi theo quan niệm cổ xưa, nơi đất mới được làm nhà có thể hàng trăm năm trước đã có người hoặc những con thú thành tinh chết vùi xác ở đây mà mình không hề biết, nhưng các vong ấy vẫn trú ngụ ở đất này nên không nhờ thầy cúng trục đi sẽ dễ bị làm hại. Cùng với trục vong là nghi lễ khảo mộc. Người xưa cho rằng, vạn vật đều có linh hồn và cây cối cũng vậy.
Cùng đó, mỗi cây to mọc ở ngoài rừng đều là chỗ để hồn ma người chết, yêu tinh chọn làm nơi trú ngụ, do đó, phải làm lễ khảo mộc trừ tà (xua đuổi tà ma). Xa xưa, người ta đã thêu dệt nên những câu chuyện rất khiếp sợ như khi không làm tốt nghi lễ khảo mộc trừ tà, đến đêm cả nhà đang ngủ thì tà ma hay gõ vào cột nhà hoặc nghe văng vẳng tiếng bước chân, tiếng hú hét rên la quanh các góc nhà...
Nghi lễ quan trọng nữa trong lễ nhập trạch là lễ khai quang. Thầy cúng hoặc chủ nhà cầm bó đuốc đi huơ huơ khắp các góc nhà một vòng rồi huơ quanh khu vực đặt bàn thờ.
Sau đó, đuốc được chuyển cho một người cao niên khỏe mạnh, gia đình hòa thuận, làm ăn phát đạt, không gặp năm xung, tuổi hạn làm thủ tục nhóm bếp đun nước dâng lễ cúng tế. Người nhóm lửa sẽ mang lại niềm tin về một cuộc sống viên mãn cho gia chủ khi ở trong ngôi nhà mới.
Cùng với các nghi thức tâm linh nói trên, trong xây dựng nhà ở, người xưa còn có nhiều hình thức tâm linh khác như: điêu khắc cấu kiện, trong đó có "mắt nhà” bên trên cửa ra vào để canh giữ tà ma, rủi ro cho gia chủ; điêu khắc hình con dơi là biểu tượng cầu phúc; điêu khắc chữ triện, hình bùa chú, triết tự trên một số cấu kiện ngôi nhà; ấn định số bậc cầu thang, kích cỡ cột kèo, số gian nhà là số lẻ cầu mong phát triển...
Trong xã hội hiện nay, người dân nhiều nơi làm nhà ở chủ yếu là nhà xây; người miền núi vẫn còn làm nhà gỗ và quan niệm tâm linh khi làm nhà ở cũng đã có những thay đổi. Tuy nhiên, những quan niệm tâm linh cổ xưa trong xây cất nhà ở căn bản vẫn được bảo lưu khá bền vững.
Sơn Nam